Tây Tiến người đi không hẹn ước...

16:03 29/07/2013

Thực ra chúng tôi rất tình cờ nhập vào con đường Tây Tiến, cách thành phố Hòa Bình chừng 10 cây số. Mấy anh em có kế hoạch “phượt” một mạch thẳng ra bến Thung Nai, thuộc huyện Đà Bắc, rồi có thể tạt ngang đây đó tùy thích. Thì ra con đường quanh núi dẫn chúng tôi đi, đã in dấu những bước chân hành quân của những chiến sĩ, thuộc trung đoàn Tây Tiến năm 1947.

Không mấy ai không biết đến bài thơ Tây Tiến đầy bi tráng của cố thi sĩ Quang Dũng. Có người bất ngờ đọc lên mấy câu “Tây Tiến người đi không hẹn ước/Đường lên thăm thẳm một chia phôi...”. Ai ai cũng thấy nôn nao trong lòng. Đúng vậy, con đường vẫn hun hút trong bình minh, véo von trong tiếng chim hót, và chúng tôi vượt dốc...

Ước gì mẹ có mười tay!

Ấy thế rồi đường Tây Tiến chỉ cho chúng tôi rẽ vào bản Giang Mỗ. Đây là một bản người Mường cổ còn được giữ nguyên  từ nếp sinh hoạt, phong tục tập quán xa xưa. Mấy bà mế mừng vui ra đón chúng tôi rồi nói cứ vượt cầu qua suối là vào tới nhà văn hóa bản, tìm đến anh Khương đàn sáo đó.

Anh Đinh Thế Khương, đội trưởng đội văn nghệ của bản Giang Mỗ, quả là hiếu khách. Khi lên ngôi nhà sàn của gia đình anh, tôi mới hay ở đây còn có tới hơn chục sinh viên trường sư phạm nhạc họa đang tá túc. Một sinh viên gặp chúng tôi từ Hà Nội lên cứ như mở cờ trong bụng, và la lên ôi đồng hương đây rồi, nghe như quen nhau đã lâu lắm. Yến, vợ anh Khương, chừng 40 tuổi đon đả pha nước mời chúng tôi, rồi kể chuyện một mạch về cái bản một thời hoang vu của mình. Buồn lắm, hơn một trăm nóc nhà, quanh năm sương giăng. Đến con gà rừng đến kiếm ăn sớm rồi cũng bỏ về núi. Chúng cũng không ở lại với người của bản đâu.

Đúng như các cụ đã nói “Gà cỏ trở mỏ về rừng”. Tối đến chỉ có lời ru của những bà mẹ là còn níu giữ được hơi thở của sự sống... Thế rồi chị bỗng cười, đúng là một nụ cười sơn cước, như ngày nào nhạc sĩ Trần Hoàn đã từng xao xuyến dồn cảm xúc trong từng nốt nhạc “Sơn nữ ca”. Chị chỉ tấm biển nhỏ treo bên trái nhà sàn, với những chữ tiếng Hoa, tiếng Anh thông báo cho du khách đến rằng, nơi đây có phục vụ ca nhạc và những món ăn Mường, ý nói giờ bản đã vui lắm rồi. 

Anh Khương tập trung lên dây đàn, có lẽ đội văn nghệ đang chuẩn bị buổi diễn đón một đoàn khách nước ngoài thì phải. Lúc này mấy sinh viên cụm lại ngồi quanh chiếu trà. Một anh chàng yêu cầu chị Yến hát bài ru Mường nào đó cho nghe. Nhưng chị Yến chỉ cười và nói mình không ở đội văn nghệ với chồng nên hát không hay đâu. Khương lúc này âu yếm nhìn vợ, thì ru con thôi mà, đã hát mấy chục năm rồi còn gì. Anh lên dây đàn, nhưng nốt nhạc dịu dàng ngân lên trong thung lũng Giang Mỗ. Giọng chị Yến mộc mạc thấm ngọt đến từng lời ca: “Bồng bồng con nín con ơi/Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay/Ước gì mẹ có mười tay/Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim/Một tay chuốt chỉ luồn kim/Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau...”.  

Một ước muốn thật kỳ lạ, thật bất ngờ, vì trong những lời ru đồng bằng không thể có sự mong mỏi vất vả đến vậy. Nhưng rồi chị Yến tiếp tục hát trong tiếng đàn lạnh và buồn xót xa: “Một tay đi củi muối dưa/Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn/Tay nào để giữ lấy con/Tay nào lau nước mắt, mẹ còn thiếu tay...”. Lời ru nơi nào cũng đều có thân phận của nó, đó là sự ngóng về, hay mơ về, nhưng đến câu “Tay lau nước mắt, mẹ còn thiếu tay” thì mới thấm cuộc sống của người phụ nữ Mường xưa sao đắng cay đến vậy. Hình như có cô sinh viên nấc tiếng nghẹn ngào trong lồng ngực. Anh Khương dừng tay đàn. Tất cả đều im lặng. Thật đúng là “Tây Tiến người đi không hẹn ước/Đường lên thăm thẳm một chia phôi”. Chúng tôi chia tay Giang Mỗ trong ánh mắt của mấy trẻ nhỏ lưu luyến, cho dù chúng đang quần nhau với quả bóng dưới thửa ruộng mới gặt xong. Chúng cười, vẫy tay chào như vừa thoát ra khỏi lời ru của mẹ ngày nào vậy, với bùn đất đầy người.

Con dốc

Tưởng đã chia tay Giang Mỗ, nhưng cách đó chừng cây số rưỡi, một con dốc của bản lại giữ chân chúng tôi vì một cụm tượng đài lừng lững với một bố cục đầy sức ám ảnh, ngay trên đường Tây Tiến. Đó là tượng anh hùng Cù Chính Lan, ghi dấu chiến công đánh tan xe tăng giặc Pháp, trên mặt trận dốc Giang Mỗ, tại chính nơi đây. Phía sau là dãy núi trùng điệp, tôi bỗng nhớ đến câu thơ ghi trên nẻo đường heo hút mà đoàn quân Tây Tiến đang hành quân lên Sơn La: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”. Cánh đồng lau trắng trên đồi cao rì rào kể lại câu chuyện ngày ấy mà người anh hùng đã tạo nên cổ tích anh hùng.

Tượng đài Cù Chính Lan.

Đó là điều kỳ diệu xảy ra trong chiến dịch Hòa Bình, hồi 1951-1952, tại dốc bản Giang Mỗ. Nơi đây đã diễn ra hai cuộc đánh chặn xe tăng giặc Pháp. Đó là trận địa bao vây, đánh giáp lá cà của các chiến sĩ tiểu đoàn 353, thuộc trung đoàn 66, vào tháng 12-1951. Đặc biệt cuộc chiến thứ hai đã diễn ra hết sức khốc liệt giữa hai bên. Khi quân Pháp bị tiêu diệt nhiều, chúng biết là bị sa vào bẫy phục kích của quân đội ta, nên có hiệu lệnh bỏ chạy. Một số xe tăng Pháp tiếp viện để hỗ trợ cho lính đánh bộ rút lui. Chúng hùng hổ và bắn súng máy xối xả. Ngay lập tức, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan tìm cách tiếp cận chiếc xe tăng đầu tiên, mở nắp xe rồi quăng lựu đạn vào, Tuy không kịp nổ nhưng đã làm kẻ địch hốt hoảng quay đầu bỏ chạy. Vừa chạy, chúng vừa quay nòng súng vãi đạn không thương tiếc. Không để cho kẻ địch chạy thoát, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan chạy tắt vượt qua ngọn đồi đuổi kịp chiếc xe tăng.

Lần này, anh rút chốt kíp nổ, đợi cho xì khói, rồi mới ném vào trong khoang xe. Lựu đạn nổ tung tiêu diệt toàn bộ những tên lính trên xe tăng. Cù Chính Lan cũng bị hất tung khỏi xe, nhưng anh vẫn vùng dậy reo lên trong chiến thắng, khi chiếc xe tăng đổ gục tại con dốc Giang Mỗ. Đó là chiến công lớn mở đầu cho một cách đánh hết sức dũng cảm và rất hiệu quả, cho dù với vũ khí thô sơ cũng đánh được xe tăng giặc Pháp. Một phong trào đánh xe tăng mang tên Cù Chính Lan, với một khí thế hừng hực, trong những trận đánh sau đó của những đơn vị bộ đội khác.

Nhưng chỉ mấy tháng sau, vào năm 1952, người chiến sĩ anh hùng ấy đã hy sinh sau ba lần bị thương, gãy tay, gãy chân, trong chiến dịch đánh đồn Pháp, tại cứ điểm 148 trên con đường số 6. Anh đã cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, khi máu chảy quá nhiều, nhưng trận đánh đã thắng lợi vang dội. Anh hùng Cù Chính Lan đã hy sinh anh dũng ở tuổi 21.

Giờ đây khúc bi tráng Cù Chính Lan còn sừng sững với non ngàn, trên con đường Tây Tiến, đúng với nghĩa “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành” mà nhà thơ Quang Dũng đã viết về những anh hùng, năm 1948.

Một chuyện tình

Vậy là chúng tôi tiếp tục ngược lại con đường Tây Tiến hướng về Thung Nai. Cho dù chỉ có độ mười cây số nữa, nhưng đã vào địa phận huyện Đà Bắc. Có điều không ngờ, chúng tôi gặp lại một nhóm họa sĩ trẻ đang ngồi rải rác trên bãi cỏ, để vẽ cảnh trên bến dưới thuyền, tấp nập người đi lễ. Lúc này,Thành là người đã làm quen với chúng tôi ở Giang Mỗ chỉ tay về hướng một ông già rồi nói, đó là người kể chuyện Mường rất lạ. Hỏi chuyện cổ tích Mường nào ông cũng nhớ và còn thuộc cả trường ca “Đẻ đất đẻ nước”. Ô thế quả là thú vị. Hỏi tên ông không nói, chỉ nhận mình là ông già kể chuyện người Mường. Thành nói, đây là cơ hội mà chúng tôi có thể nghe ông ngâm ngợi trò chuyện, bởi ông lúc có mặt lúc không như người trời vậy. Chúng tôi lân la và nghe ông kể một chuyện tình đầy máu và nước mắt của chàng Khun Lồ, với nàng U Tiệm.

Trước mặt ông là một vò rượu nếp thơm ngát tựa mật ong vậy. Giọng ông trầm ấm. Đôi mắt ông mờ ảo như sương mai. Chòm râu trắng như cước và đôi vai ông gày tựa trúc vàng bên hồ. Chuyện rằng, ngày xưa... Chúng tôi bị cuốn hút theo câu chuyện tình không thành nhưng cái chết đã gắn kết tình yêu của hai người. Thân người có thể bị cướp lên trời nhưng hồn người luôn theo về cõi trần gian với người mình yêu. Ông già kể chuyện như hát một bản tình ca về “Sự tích cây sáo Ôi”. Chúng tôi ngỡ tưởng như chung quanh bến Thung Nai này mọc đầy trúc. Chúng cùng ngân nga lên nỗi ai oán cho một cuộc tình đau khổ. Hàng ngàn cây sáo trúc réo rắt ngợi ca về một mối tình chung thủy của người con gái Mường, đêm đêm hồn nàng vẫn bay về bên mộ người yêu. 

Ngay lúc đó tiếng loa ở gần một quán trà vang lên giọng ca ngọt ngào bài ca đi lễ bà Chúa Thác Bờ: “Ai lên tới thung Nai, Đà Bắc/Dọc sông Đà, bến Ngọc long lanh/Thăm đền chúa thác Hòa Bình/Chợ Bờ, hang Miếng thác gềnh cheo leo”. Tiếng người gọi nhau xuống bến lên đò. Một tốp thanh niên chạy ào tới đòi ông già đọc thơ cho nghe câu chuyện cổ về cây Chu đồng. Chúng tôi vội xuống đò. Giọng hát văn của NSƯT Văn Chương quấn quýt đuổi theo mọi người, với lời ca rộn ràng: “Môi son nở đóa hoa cười/Thanh tân lịch sự nét ngời thu ba/Tóc rườm rà rẽ đôi cánh phượng/Nét cong cong uốn lượn đường tơ/Xinh xinh để liễu thẫn thờ/Người xinh thời cảnh Thác Bờ thêm tươi”. Tiếng hát đằm thắm làm mê ly lòng người. Đến lúc này, trên con đò nhỏ chúng tôi mới ngộ ra, nơi nào thờ chúa cũng bắt đầu là những câu chuyện tình yêu. Về sự chung thủy. Về lòng tốt mãi mãi của con người cõi trần gian. Đó là những điều chúng tôi bắt được, với muôn vàn ký ức thăm thẳm không hẹn ước, trên con đường Tây Tiến ngày nào

Chung Tử

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文