Thần linh ơi, ta có các già làng!

10:33 21/01/2020
Có lẽ đã xa xưa lắm rồi, trên rẻo đất cao nguyên phía Tây của Tổ quốc, những ngôi làng nhỏ bé và lẩn khuất của bà con các dân tộc đều được hình thành nhờ kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên và bởi những bước chân thăng trầm dạn dày nắng mưa sương gió của các bậc trưởng lão, mà ngày nay ta gọi một cách trân trọng và trìu mến - ấy là các già làng.

Rừng sâu đầy bí hiểm. Nhưng rừng sâu cũng là điểm tựa, là chốn nương thân, bởi cuộc đời ta gắn bó với rừng. Ơ thần Núi, thần Sông, thần Mưa, thần Gió, thần Lửa! Thần của các Thần!... Đó là  câu mở đầu cho mọi bài cúng, là tiếng kêu gọi thiết tha của các nhân vật trong những bản trường ca hùng tráng dài bất tận được miệng người già kể, rồi sau đó lan truyền sang con cháu, các thành viên của cộng đồng, từ đời này qua đời khác, như là sự nhắc nhở rằng, cái Núi, cái Sông, cái Lửa, cái Gió, cái Mưa kia không phải tự nhiên mà có. 

Nó có được là nhờ sự kỳ diệu của Thần Linh (Yàng). Yàng vừa là Trời, vừa là Thần Linh như người Việt vẫn thường gọi, nhưng có cái khác, ấy là ở nơi đây, mỗi vật dụng đều có Yàng của mình. Mỗi loài cây, loài con cũng có Yàng của mình. Đối với con người ta, Yàng vừa là Yàng, Yàng lại cũng là bạn, là một thành viên trong sinh hoạt cộng đồng, có ưu có khuyết, có đúng có sai. Ưu thì ta học, ta theo. Khuyết thì ta làm lễ "phê bình", nếu quá nữa ta làm lễ chia tay "ly dị" luôn! Tất thẩy, nhất nhất đều được hội đồng già làng xét xử và vị già làng có tín nhiệm nhất ra quyết định.

Già làng Tây Nguyên.

Các già làng không phải là thần linh, nhưng các già làng luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Buôn làng nào có nhiều người già, buôn làng đó ắt giàu sang hơn, hùng mạnh hơn. Một buôn làng có thể thiếu một vài chức danh với một vài vai trò, nhưng chức danh già làng, vai trò của già làng thì không thể thiếu một ngày, mặc dù chức danh ấy hình thành tự nhiên, không qua bất kỳ thủ tục bầu bán hành chính nào. 

Cũng giống như mỗi dàn ching chiêng đều phải có chiêng Cái chiêng Con, chiêng Núm, chiêng Bằng, cái "đi" giai điệu, cái "cầm" nhịp cho cả dàn. Những dàn cồng chiêng lớn thì trống Cái vừa giữ nhịp vừa tôn giai điệu, giữ cho sắc thái của giai điệu luôn luôn giàu sinh lực và đẹp về sắc điệu, cho nên người ta thường ví già làng như là Trống Cái. 

Già làng cầm chịch mọi sinh hoạt đời sống văn hoá tinh thần của bà con buôn làng. Già làng có cái tai nghe được cả dàn ching chiêng, già biết nghe và nhận ra ngay cái nào "đi" đúng , cái nào để lỡ nhịp tách đàn. Và bằng khả năng trực giác nhạy cảm của mình, già so chiêng, giống như lên dây đàn vậy. 

Công việc so chiêng không hề đơn giản, nó linh thiêng, cầu kỳ và huyền bí, khi cánh tay già giơ lên hạ xuống, theo cánh tay ấy là tiếng gõ điều chỉnh, không phải riêng cho một cái nào, mà già điều chỉnh lại cả dàn luôn, điều chỉnh lại cả tiết tấu, nhịp điệu lẫn truyền cả cái hồn sang cho người đánh, người đánh phải biết thổi hồn mình vào trong từng lá chiêng...

Khi con cháu dựng ngôi nhà rông cho buôn làng mình, vai trò của hội đồng già làng đặc biệt quan trọng. Sự điều hành của các già làng bên ghè rượu cần cũng giống như Bộ chỉ huy chiến dịch ở tiền phương, bên bản đồ tác chiến. Rất chặt chẽ, chi tiết, tỉ mẩn, nhưng lại khác các vị chỉ huy ở chiến trường, các già làng lại rất thoải mái và phóng túng, không gượng ép gò bó bất kỳ ai, bất kỳ cung đoạn nào của công việc. Tất cả vì vẻ đẹp truyền thống của buôn làng ta. Ta không thể thiếu được ngôi nhà rông, nơi sinh hoạt văn hoá của cộng đồng. Cũng như trong các ngày lễ hội nếu không có già làng thì liệu có thành được lễ hội không?

Nhà rông, nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức lễ hội của người Tây Nguyên.

Tối tối, trong những ngôi nhà sàn bình yên bên bếp lửa hồng, những người già thường tới nhà già làng trò chuyện. Già làng là trung tâm đoàn kết, là kho báu kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm ứng xử. Ứng xử với thiên nhiên khi sấm sét, lũ lụt; khi mưa to, bão lớn; khi núi lở, sông cạn. Khi có thú dữ loạn rừng. Khi hạn hán kéo dài... Và... Già làng chính là pho tư liệu luật tục ngàn đời truyền lại. Là cuốn từ điển bách khoa, giúp cho con cháu biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng, cái sai để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người. giữa người với thiên nhiên.

Những cô gái M'Nông, Bah Nar, Jarai thường tỏ điều tâm sự của mình cùng cây đàn tre nứa già làng làm cho mình đấy. Già làng bảo, khi nào trong bụng mày có điều buồn, nếu không tâm sự được với ai thì đêm đêm đem đàn ra chơi. Cú loại là nhạc cụ chỉ dành riêng cho lũ đàn bà con gái. Nỗi buồn của riêng ta, ta để trong lòng, nhưng nếu ta không trút được vào trong hơi thở, vào trong âm thanh thì thầm của tiếng đàn thì ta sẽ trở nên cô đơn, trở nên yếu đuối ngập chìm trong cõi u mê. Âm nhạc là người bạn tâm tình của ta. Ta nhập hồn ta vào trong ống nứa...

Trong các bản trường ca cổ của dân tộc M'Nông, Bah Nar, Jarai, ÊĐê, Xê Đăng, Giẻ Triêng... thường xuất hiện các tù trưởng là nữ. Nhưng già làng thì vẫn là các vị đàn ông cao niên tài giỏi, thời trai trẻ đã từng là những tay lao lừng danh, tay rựa sắc bén, tay ná cự phách. Già làng từ thời cổ xưa đã có nhiều quyền uy, cái quyền uy không mang chút xíu dấu ấn nào của bạo lực, của cường quyền mà là cái quyền uy linh thiêng được xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng vì đức trọng, tài cao, uy danh lừng lẫy.

Những điệu múa mà người M'Nông, Bah Nar, người Jarai đều gọi là "xoang". Những bước xoang bước theo nhịp của cồng chiêng, theo sự dẫn dắt của cồng chiêng. Âm nhạc cồng chiêng là tiếng lòng của người Tây Nguyên, là niềm vui và cả nỗi buồn. Cồng chiêng ơi, ta đứng về phía các già làng, về phía rừng già và hãy ngân vang lên theo tiếng nước chảy bình yên của từng con suối, dòng sông. Hãy ngân vang lên theo tiếng hú bất tận của lớp lớp con cháu nối theo tiếng H'ri, H'amon, akhan truyền đời thiêng liêng của các già làng.

Những tấm thổ cẩm với muôn ngàn đường hoa văn rực rỡ lại được dệt nên bởi những bàn tay chai sạn, cần cù mà già làng có thể chỉ ra cho ta hiểu ý nghĩa mỗi chi tiết hoa văn, mỗi đường tơ, mũi chỉ lên xuống trập trùng. Tấm dồ chàng Đam San, tấm hà-bành nàng Hơ Bia, dây khố kơtenl chàng Đăm Noi cùng với tiếng rung vòng đồng, tiếng ngân vòng bạc ngày làng ta rước Mẹ Lúa về kho, làm lễ hội ăn cốm dưới trăng rộn ràng tiếng hát ca vây quanh già làng trước cây nêu thần , trước ghè rượu thần, trước đống lửa thiêng của thần núi, thần sông, thần gió, thần nước.

Tôi đã từng nhiều lần được chứng kiến cảnh những người mẹ trẻ, như cô Ngưl, bạn tôi, mẹ của ba đứa con đến trình với các già làng về việc anh chồng không giúp gì vợ con vì suốt ngày say xỉn. Những lời khuyên răn của các già làng chính là chỗ dựa cho chị, giúp chị hiểu chồng mình hơn, để biết cách mà dìu anh ta ra khỏi cái ghè rượu có thần linh nhưng cũng có tà ma núp trong đó! Chị về, làm theo cái miệng già làng và ngay sau những ngày đầy âu lo ấy là niềm vui, anh chồng chị biết tự trị con ma trong ghè rượu nhà mình và cũng tự biết mình phải làm gì. "Thần linh ơi ta có các già làng" - đó là lời một câu hát và đó cũng là lời phong tặng của cộng đồng cho các bô lão uy danh của mình. 

Trung Trung Đỉnh

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文