Thành phố “thẳng đứng”
Trùng Khánh có nghĩa là “hạnh phúc nhân đôi” - là một trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất và top 5 những đô thị giàu có nhất Trung Quốc. Đây là thành phố công nghiệp lớn và nằm trong bảng xếp hạng một trong những trung tâm sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới cũng như sản xuất hàng tiêu dùng lớn mạnh.
Nhà chồng nhà, đường chồng đường
Tôi đến Trùng Khánh vào một ngày tháng 9. Đây là khoảng thời gian có thời tiết dễ chịu nhất trong năm, không quá nóng, không quá lạnh. Chiếc taxi màu vàng với bản nhạc Trung Hoa trẻ trung đưa chúng tôi vào thành phố trong cái tiết trời mờ nhạt khói sương nhưng vẫn le lói những tia nắng chiều thu. Chưa cần vào đến trung tâm, tôi bỗng nhiên thấy mình trở nên lọt thỏm giữa sâu hoắm những khối bê tông khổng lồ.
Giao thông nhiều tầng là điều đặc trưng nhất của Trùng Khánh. |
Chưa có ở đâu những khối nhà cao tầng lại trùng trùng điệp điệp đến như thế. Từ những toà nhà sát ven sông hay ngất ngưởng trên đỉnh những ngọn đồi cũng đều như cố vươn lên, cảm giác như người ta đang dựng đứng cả thành phố lên để đua với bầu trời.
Kiến trúc những ngôi nhà cũng vô cùng đa dạng, nhưng tựu trung lại là những khối nhà vuông vắn với những khung cửa kính được mở rộng hết cỡ về mọi phía. Điều đó cũng dễ lý giải bởi đây là một trong những thành phố ít có ánh nắng mặt trời nhất tại Trung Quốc, đồng thời cũng lại có không khí vô cùng thoáng đãng nên những khung cửa lớn sẽ giúp người dân có thể tiếp xúc nhiều nhất với không khí trong lành.
Dọc hai bên bờ sông Trường Giang và Gia Lăng ở trung tâm thành phố là những toà nhà cao tầng ken dày đặc và hàng loạt cây cầu khổng lồ mang đậm kiến trúc và văn hoá Trung Quốc. Nhưng điểm đặc biệt nhất ở đây, chính là khi đi đường tại Trùng Khánh, bạn sẽ không biết được lúc nào là đang đi trên mặt đất hay đang đi ở tầng cao nhất của con đường.
Bạn chỉ có thể nhận ra điều đó khi đi qua các giao lộ rồi đột nhiên phát hiện ra mình đang đi ngang phần mái của một toà tháp nào đó và phía dưới có thể là 5, 6 tầng đường hay khi đang đi trên những cây cầu rất cao rồi lại nhận ra mình chuẩn bị đi vào một đường hầm xuyên núi rất dài.
Có thể do địa hình thành phố này là đồi núi nên có những sự kết hợp vô cùng đặc biệt giữa đường đi và các toà tháp. Và khi đã quen với điều đó, bạn sẽ không bị ngạc nhiên khi phát hiện ra, quảng trường “siêu to, siêu khổng lồ” mình đang đứng thực ra lại đang ở… trên tầng 10 của khu nhà trước mặt và để xuống mặt đường dưới còn là một hành trình dài…
Có lẽ chỉ ở Trùng Khánh mới có đường tàu đi xuyên qua những tòa nhà cao tầng. |
Có thể nói vui rằng Trùng Khánh không dành cho những người bị… thoái hóa cổ bởi họ sẽ không thể nào ngẩng lên nhìn cho hết chiều cao của một tòa nhà rồi lại cúi xuống nhìn tận chân của những tầng tầng lớp lớp đường đi phía dưới.
Thế nhưng, bù lại cho những tòa nhà chọc trời sin sít thì Trùng Khánh cũng lại dành rất nhiều diện tích cho những khu rừng trong phố. Rất nhiều cây xanh tán to được trồng ở mọi nơi, mọi tầng đường mang lại một không gian xanh mát mắt cho thành phố hiện đại này.
Thành phố của… ớt và hạt tê
Trùng Khánh không phải thành phố có nhiều du khách, thế nên bản sắc du lịch ở nơi đây hầu như nguyên sơ. Tại đây, nếu không có người phiên dịch, có thể khi bạn vào quán ăn sẽ phải trở ra với bụng đói meo do không biết gọi món gì với menu… 100% tiếng Trung và những người bán hàng vô cùng nhiệt tình nhưng cũng không biết gì về bất cứ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Trung.
Đoàn chúng tôi may mắn có một cô bạn biết tiếng Trung và được đi khám phá những món ăn đặc trưng nhất của thành phố này. Đó chính là món lẩu và nướng, những món ăn đậm vị truyền thống Trung Hoa với rất nhiều dầu mỡ. Những người lần đầu đến đây chắc chắn sẽ bị “ngợp” khi thấy một nồi lẩu… ngập ớt đỏ tươi cùng rất nhiều loại gia vị, thảo mộc, hạt tiêu... cay xè từ trong khói.
Đặc biệt nhất là sự hiện diện mọi nơi mọi lúc của 2 loại gia vị: ớt và hạt tê. Và, hãy nhớ tránh ăn phải hạt tê vì nếu chót lỡ ăn phải hạt này, lưỡi của bạn sẽ bị tê tái hoàn toàn mất cảm giác và đây thực sự là một cảm giác… không nên thử vì vô cùng khó chịu.
Dù thành phố này thời tiết khá nóng nhưng người dân ở đây không hề sử dụng đá lạnh nên thứ mát nhất có thể uống là… bia Trùng Khánh và đó là tất cả những gì có thể giúp bạn giải tỏa nhanh nhất “cơn tê” nếu lỡ ăn phải thứ hạt quá đặc biệt nhưng lại luôn có trong mọi món ăn ở vùng này.
Từ phía thuyền nhìn lên thành phố, bạn sẽ thấy một không gian kỳ vĩ, đan xen giữa sự hiện đại và nét cổ kính ngàn năm. |
Tại các siêu thị ở Trùng Khánh có rất nhiều quầy đồ ăn được chế biến rất đậm vị với dầu mỡ, xì dầu và rất nhiều gia vị lạ. Có thể thấy ở đây, người ta hầu như không bỏ đi bất cứ phần nào của gia cầm khi rất nhiều những món ăn được chế biến từ nội tạng hay chân, cổ…
Mỗi cửa hàng ở Trùng Khánh lại có một cách mời chào rất đặc biệt khi một anh chàng vừa làm mỳ, vừa nhảy nhót hát hò một vũ điệu riêng ngoài cửa hay một cô nàng diện đồ như…
Cô Cô trong truyện Kim Dung để thu hút sự chú ý của người qua đường. Nhưng một điều đặc biệt là dù ở đây có rất nhiều hàng quán ăn đêm nhưng lại hầu không thấy sự hiện diện của bất cứ một quán bia nào.
Nếu ở đây đủ lâu, có lẽ ai cũng sẽ bị nghiện “mùi Trùng Khánh”, đó chính là mùi vị lẩu cay bởi khi đến bất cứ đâu, bất cứ con phố nào cũng thấy mùi vị đó đang hiện diện ở xung quanh.
Nơi giao thoa của hiện đại và truyền thống
Những ngày lang thang ở Trùng Khánh, tôi nhiều lần bắt gặp những dòng người đang kiên nhẫn xếp hàng lên xe buýt hay chờ đến lúc đèn xanh để qua đường. Tất cả người dân luôn đứng chờ ngay ngắn ở vạch qua đường và tất cả những chiếc xe luôn ưu tiên nhường người đi bộ.
Có thể nói, công nghệ tại Trung Quốc cũng đang tiến những bước dài. Tại đây, dù Internet không thực sự phổ biến và hầu hết mọi người chỉ sử dụng wechat cho giao tiếp, thanh toán, thế nhưng nơi đây dường như đã trở thành thế giới của “scan & go” khi mọi nơi, mọi hành động đều dùng QR code để scan mua bán, thanh toán, từ trả tiền taxi tới làm… công đức trên chùa.
Tại sảnh đón tiếp sân bay hay khách sạn, tôi cũng chứng kiến sự hỗ trợ của rất nhiều thiết bị máy móc hiện đại giúp làm thủ tục hay những con robot hướng dẫn cung cấp thông tin.
Những khoảng xanh luôn phủ kín mọi nơi của thành phố. |
Môi trường ở thành phố Trùng Khánh cũng được quan tâm khi xe ôtô tại đây cũng được chạy bằng khí nén và những lớp cây xanh phủ kín những nơi trống đã giúp gìn giữ không khí tại thành phố công nghiệp hiện đại này luôn được trong lành.
Trên những con phố đi bộ, hàng trăm cửa hàng bán đồ ăn vặt với hàng triệu người di chuyển nhưng tuyệt nhiên không hề có rác trên đường. Khi mua đồ ở siêu thị, tôi cũng được người bán trao đổi về việc hạn chế sử dụng túi nilon và nếu muốn dùng để đựng thì phải bỏ tiền mua túi. Những thùng rác phân loại được để mọi nơi dễ nhìn nhất và những người dọn vệ sinh luôn cặm cụi làm việc ngày cũng như đêm.
Tại thành phố kỳ lạ này, bạn có thể thấy mình vừa bước vào sảnh một tòa nhà kính chọc trời hiện đại, bấm thang máy đi xuống lại thấy mình đang bước ra một thế giới khác với những mái nhà cổ kính.
Và giữa những ứng dụng công nghệ hiện đại và thuận tiện được phổ biến ở mọi nơi, chuyến đi du thuyền trên ngã 3 giao nhau giữa sông Trường Giang - Gia Lăng và ghé thăm làng cổ ngay gần trung tâm thành phố đã cho tôi thêm những góc nhìn rộng mở về “thành phố thẳng đứng” này, đó là họ đã biết cách giữ gìn một Trùng Khánh cổ xưa với những nét văn hóa và truyền thống để biến những thứ đó thành “đặc sản” của riêng mình.