Thầy hiệu trưởng cõng chữ lên non và niềm vui của giáo viên cắm bản

21:00 23/11/2015
Từng giữ chức Hiệu trưởng của Trường Sinh Long (xã Sinh Long, Na Hang, Tuyên Quang), sau nhiều năm cố gắng để vận động học sinh các bản đến trường và phát triển ngôi trường từ tiểu học lên thành trường trung học, thầy Bàn Hồng Phong đã "khăn gói" lên non để giữ trách nhiệm của một giáo viên "cắm bản". Đây cũng là ước mơ của người thầy giáo với khuôn mặt hiền lành kể từ những ngày ông mới bước vào công việc dạy học...

Cõng chữ lên non

Mấy chục năm công tác trong nghề, thầy giáo Bàn Hồng Phong (dân tộc Dao đỏ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS xã Sinh Long, Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã góp nhặt được bao kỉ niệm nơi suối ngàn. Theo như lời kể của thầy Phong, từ những năm 1987, khi còn đang giữ chức vụ hiệu trưởng, Trường Sinh Long chỉ có rất ít học sinh vì khi ấy, bà con dân tộc nơi đây vẫn chỉ lo tới cái ăn cái mặc mà không chú trọng cho các con đi học.

Thầy Phong cùng những thầy cô giáo của trường phải "khăn gói" lên tận các bản làng ở sâu trong núi để thuyết phục phụ huynh cho các em đến trường. Thầy Phong cho biết: "Những ngày ấy, đường sá không có như bây giờ, chủ yếu là đường dân sinh nên chúng tôi muốn lên bản phải đi bộ cả ngày trời. Lên tới bản, không phải chỉ cần thuyết phục là bà con đồng ý cho con em đi học ngay, mà phải kiên trì giảng giải cho họ điều tốt khi được đi học, biết cái chữ. Sau nhiều lần kiên trì thì bà con mới ủng hộ và chấp nhận dựng trường tại bản cho giáo viên lên dạy".

Còn về ngôi trường Sinh Long, cũng nhờ công sức thuyết phục của thầy Phong cùng đồng nghiệp, học sinh ngày càng đông. Trước kia trường chỉ dạy tiểu học, sau khi phát triển được nhiều học sinh, năm 1998, lãnh đạo huyện Na Hang cũng đưa giáo viên về xã để dạy tiếp bậc trung học cơ sở.

Cũng từ đó, thầy Phong không giữ chức hiệu trưởng nữa mà làm công việc mình yêu thích, một giáo viên "cắm bản". Nhận công tác từ xã Khâu Tinh rồi tiếp tục đến các bản làng dạy học từ năm 2002, thầy Phong đã làm tốt công việc của mình và trở thành một người thân thiết với bà con dân bản. Và hiện tại, thầy Phong cùng hai đồng nghiệp khác đang nhận trách nhiệm giảng dạy tại bản Chung Phìn.

Xin được nói thêm về bản Chung Phìn, nằm giữa bao la gió núi và mây ngàn, bản Chung Phìn gần như chỉ có mây mù và đói nghèo bủa vây. Từ Hà Nội, phải vượt chặng đường dài hơn 300km mới đến huyện Na Hang, tiếp tục "phượt bộ" hơn 5 tiếng đồng hồ trên con đường dân sinh chỉ rộng chưa đầy 1m mới leo lên đến bản làng nằm trên đỉnh núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển.

Khi tai đã ù đặc, mắt đã hoa lên, ai đến đây mới thấm thía thế nào là vùng cao núi thẳm và ngấm hết sự hy sinh thầm lặng của thầy giáo Bàn Hồng Phong. Đây vốn là nơi cheo leo, cách trở, trước đây là địa bàn cư trú của đồng bào Dao đỏ. Năm 1979, người Dao đỏ "hạ sơn" theo lời kêu gọi định canh trồng lúa nước của chính quyền. Chung Phìn vì thế mà vắng bóng người.

Từ năm 1986, bản Trung Phìn mới tiếp nhận đồng bào Mông từ Cao Bằng về. Ban đầu, chỉ mới 5 hộ dân với gần chục nhân khẩu, đến nay, Chung Phìn đã có 22 hộ dân, với hơn 100 nhân khẩu. Sau gần 30 năm, đồng bào Mông ở đây đã sinh cơ lập nghiệp, khai hoang trồng trọt và chăn nuôi, dựng nên một Chung Phìn mới. Nhưng cũng ngần ấy thời gian, do địa hình núi đá cao nên con em đến tuổi đi học mà Chung Phìn vẫn chưa có trường, có lớp.

Một lớp mẫu giáo khang trang của trường bản.

Những ngày đầu gây dựng điểm trường của các giáo viên tâm huyết này rất vất vả. Mặc dù được thành lập phân hiệu nhưng nơi đây vẫn không có điện, nước thì phập phù. Khổ nhất vẫn là việc vận động bà con đồng ý để con em đến trường, đến lớp. Bởi trước tới nay, đồng bào Mông ở Chung Phìn sống du canh du cư, con cái từ thuở lọt lòng đến lúc trưởng thành cũng theo nếp sống đó.

Thầy Phong tâm sự, từ bao đời nay, không chỉ riêng người Mông, mà cả người dân tộc thiểu số vùng cao đều có quan niệm giống nhau rằng, không có cái chữ vẫn sống được, không có cơm gạo mới chết. Hiểu được tâm lý đó, thầy giáo Phong đã tìm mọi cách để thay đổi quan niệm của bà con.

Thầy bộc bạch tâm sự: "Mình sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên mình hiểu. Xưa nay, chúng tôi vẫn có ngô ăn, vẫn có rượu uống mà đâu cần có cái chữ… Hầu hết sống cuộc sống du canh, du cư. Con họ mới chào đời đã phải theo mẹ lên nương rẫy rồi, gia đình nào đẻ được nhiều con coi như là giàu có vì sẽ có thêm nhân lực lên núi đào vàng, lên rừng khai thác gỗ, bắt được con thú to về nướng ăn… Cuộc sống như thế đối với họ là vui rồi. Chính vì vậy mà cái đói, cái nghèo, lạc hậu vẫn như chiếc vòng "kim cô" muôn đời muôn kiếp bám riết lấy họ".

Công việc gian nan nhất của thầy Phong là làm sao để đồng bào Mông hiểu được sự học là gì. Học để biết tính toán làm sao cái nương này trồng được nhiều ngô hơn, cánh rừng kia không được chặt gỗ đem bán nữa để giữ nguồn nước cho bản làng. Học để biết, tại sao con suối kia lại bị cạn, con trâu, con bò tại sao lại bị chết. Học để biết đối nhân xử thế, học để thấy cuộc sống còn bao điều thú vị.

Tấm lòng cao cả

Với những suy nghĩ như thế, đôi chân thầy Phong đã mòn không biết bao nhiêu dãy núi, dòng suối. Thầy cùng các chiến hữu đã đến tận nhà để vận động cha mẹ cho con em đi học. Sau khi nghe thầy giảng dạy tầm quan trọng của cái chữ, nhiều người đã đồng ý cho con đi học ngay. Tuy nhiên, không ít người bảo thủ, cho rằng không có chữ không chết, không có cơm mới chết. Thậm chí, họ còn đuổi, mắng thầy giáo nhiều chuyện, ăn không ngồi rồi. Thế nhưng, không vì thế mà người thầy này nản chí, thầy vẫn tiếp tục vận động bà con nên học chữ.

Thầy Bàn Hồng Phong bên ngôi nhà được dân bản dựng cho làm nơi nghỉ ngơi và dạy học.

"Mưa dầm thấm lâu", cuối cùng bà con cũng nghe, đưa con em đến để thầy Phong bày cách làm sao con trâu, con bò không bị chết, cái nương rẫy cho nhiều ngô. Thầy Phong cười và kể lại: "Có những lần chúng tôi đến thuyết phục phụ huynh cho con đi học bị họ đuổi ra khỏi nhà. Họ mắng rằng, nếu để con tôi đi học thì thầy phải nuôi nó, còn không nuôi được thì không học hành gì hết. Còn có những lần, chúng tôi phải uống rượu say khướt với phụ huynh để rồi cuối cùng mới thuyết phục được họ cho con đến trường".

Những buổi học đầu tiên, lớp chỉ có vài ba em, sau tăng dần lên dăm bảy em. Đến nay, phân hiệu đã có 30 học sinh người Mông theo học cả cấp 1 và mẫu giáo. Thầy vui hơn mỗi lần "nghe lỏm" các phụ huynh nói chuyện với nhau về sự học: "Vợ chồng thằng Sính nó biết đọc báo rồi đấy, thằng Văn con nó học giỏi nhất lớp đấy…".

Đến nay, có hơn 30 học sinh các khối, nhưng trường vẫn chỉ là tranh tre, nứa lá tạm bợ để che nắng che mưa; học ghép lớp 1 và lớp 2; lớp 3 và lớp 4; các thầy cô ở lại luôn tại đó. Những lúc mưa to bão lớn, thầy và trò đều phải tìm nhà dân gần đó sang trú mưa. Do điểm trường chỉ có 2 giáo viên dạy cấp 1 và 1 giáo viên mầm non nên công việc kèm cặp các em hết sức vất vả, mỗi thầy có trách nhiệm kèm từ 5-6 em để các em có thể tiếp cận với cái chữ được dễ hơn.

Hành trình dạy và học kéo dài với bao khó khăn là thế nhưng các thầy trò vẫn cố chịu đựng. Đến khi UBND huyện Na Hang lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014, niềm vui của thầy trò được nhân lên.

Từ ngày có ánh sáng điện, buổi tối thầy và các đồng nghiệp củng cố kiến thức cho những em yếu kém và mở lớp xóa mù cho các bậc phụ huynh. "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", nghe các phụ huynh nói chuyện với nhau về việc học hành, thầy lấy đó làm niềm vui. Cứ vậy, mỗi tháng thầy mới xuống núi về thăm nhà một lần. Cũng may là các con thầy Phong nay đã khôn lớn hết rồi nên thầy rất yên tâm công tác.

Theo thầy Phong, vận động bà con thay đổi nhận thức về sự học đã khó, nhưng giữ học sinh theo lớp đều đặn lại càng khó hơn. Cứ đến ngày mùa là học sinh lại bỏ học để đi nương, xong mùa cũng không muốn trở lại lớp. Công tác vận động học sinh mới thực sự gian nan. Những ai leo bộ trong khu rừng nguyên sinh, vượt qua bao nhiêu thác đá, bánh chưng mang theo làm bữa ăn chính và uống nước trong khe đá, mới thấy hết nỗi gian truân vất vả của giáo viên ở phân hiệu Chung Phìn đi làm "vận động".

Một lớp mẫu giáo của trường bản.

Không ngại khó, ngại khổ, thầy Phong cùng giáo viên đã đi được một bước dài là xóa "điểm trắng" về giáo dục mầm non ở Chung Phìn. Không những vậy, các thầy cô còn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi rồi đưa các em xuống núi, theo học tiếp THCS (lớp bán trú dân nuôi) tại Trường THCS xã Sinh Long.

Điểm trường vẫn được "gia cố" bằng tranh tre, nứa lá, giáo viên và học sinh nơi đây vẫn còn quá nhiều khó khăn. Tất cả những khó khăn đó, thầy đều vượt qua và cố gắng khắc phục dần nhưng, điều trăn trở nhất của thầy vẫn là chế độ cho 2 giáo viên của trường. "Họ vẫn là giáo viên hợp đồng, thiệt thòi nhiều lắm, chỉ mong sao sớm có chỉ tiêu vào biên chế để các giáo viên này yên tâm ở lại gieo cái chữ cho đồng bào", câu nói của thầy Phong lọt thỏm giữa núi đồi trập trùng.

Không có hoa, có quà ngày 20/11 nhưng những người thầy "gieo chữ" vùng cao, vùng sâu vẫn luôn yêu nghề, yêu trẻ. Những người giáo viên hàng ngày vẫn băng rừng, vượt đèo dốc nguy hiểm để gieo ước mơ cho học sinh miền núi. Họ là những chiến sỹ âm thầm lặng lẽ cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Ngày 20/11 đối với họ không cầu kỳ, khoa trương, đôi khi chỉ là những bó hoa rừng học sinh tự hái hay chỉ là lời chúc mừng chân thành từ các em cũng đủ ấm lòng.

Lê Phong

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文