Thế giới trước nguy cơ gia tăng đói nghèo

07:08 12/12/2020
Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa diễn ra ngày 4-12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp vaccine COVID-19 cho tất cả và đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển.


Trong khi đó, Giám đốc Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) David Beasley dự báo rằng: “Năm 2021 có thể là “năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi định chế Liên hợp quốc hình thành” cách nay 75 năm, và “chúng tôi sẽ không thể tài trợ mọi thứ... vì vậy buộc phải lựa chọn vấn đề ưu tiên được ví như các tảng băng đang trôi trước mũi con tàu Titanic”.

270 triệu người đang đối mặt với nguy cơ nghèo đói

Tính đến sáng sớm 7-12 (theo giờ Việt Nam), gần 67,4 triệu người trên thế giới nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 1,5 triệu trường hợp tử vong.

Đại dịch COVID-19 đang tàn phá các nền kinh tế, khiến cho những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị gián đoạn, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Thậm chí ở một số khu vực trên thế giới như châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, sự phát triển có thể bị tụt hậu 30 năm. Nhiều người dân trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị đẩy vào tình trạng đói nghèo cùng cực.

Tính đến cuối năm 2020, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu có thể tăng lên tới 270 triệu, tăng 82% so với mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Theo một phân tích chung của WFP và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) hồi tháng 10-2020, 20 quốc gia “có khả năng phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng” trong 3 đến 6 tháng tới “và cần được chú ý khẩn cấp” là: Yemen, Nam Sudan, đông bắc Nigeria và Burkina Faso, Afghanistan, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Ethiopia, Haiti, Lebanon, Mali, Mozambique, Nigeria, Sierra Leone, Somali, Sudan, Syria, Venezuela và Zimbabwe.

Dịch COVID-19 khiến nhiều người Mỹ mất việc, phải nhận đồ ăn miễn phí.

Ngay tại các quốc gia châu Âu, COVID-19 cũng khiến cho nhiều người lâm vào hoàn cảnh phải sống dưới ngưỡng nghèo. Tại Pháp, các hiệp hội cứu tế đều báo động tình trạng số người khó khăn sống nhờ thực phẩm các hiệp hội cứu trợ đã tăng nhanh trong thời gian qua. Theo Viện thống kê Pháp, INSEE, hiện tại ở Pháp có khoảng 5 triệu người sống nhờ thực phẩm được cứu tế. Đại dịch COVID-19, kéo theo đó là các biện pháp hạn chế phòng dịch, đặt biệt là 2 đợt phong tỏa kéo dài, khiến nhiều người đã nghèo càng thêm khốn khó, nhất là những người làm các công việc theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, những lao động không có trình độ… Nhưng không chỉ vậy, nhiều nhóm ngành nghề, nhất là những người làm nghề tự do, giới tiểu thương, nhà hàng, văn hóa, du lịch… cũng lâm cảnh bế tắc.

Tại Anh, Tổ chức từ thiện Trussell Trust cho biết, các ngân hàng lương thực ở nước này đang hoạt động hiệu quả trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dân ở Anh rơi vào cảnh nghèo đói do tác động của đại dịch COVID-19. Theo tổ chức này, mức sử dụng các ngân hàng lương thực tại Anh đã tăng 47% trong 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9 vừa qua, vượt xa so với mức kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình mỗi ngày, các ngân hàng lương thực đã cung cấp 2.600 gói lương thực khẩn cấp cho trẻ em trong tổng số hơn 1,2 triệu gói lương thực cấp cho những người gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh. Dịch bệnh chưa được kiểm soát khiến nền kinh tế Anh rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng chưa từng có, do tác động của các lệnh phong tỏa. Theo ước tính, hiện Anh có khoảng 4 triệu trẻ em đang sống trong cảnh nghèo đói và một phần ba trong số đó phải sống dựa vào những bữa ăn miễn phí ở trường. Đại dịch đã khiến nhiều phụ huynh ở Anh mất việc làm hoặc giảm giờ làm khiến thu nhập bị ảnh hưởng, không bảo đảm được cuộc sống.

Các chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, hủy hoại những tiến bộ thế giới đạt được trong hàng chục năm qua ở các lĩnh vực chống nghèo đói, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện SDGs có thể bị gián đoạn hơn nữa trong thời gian ngắn, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những nước nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư và người tị nạn.

Báo cáo từ Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội (UNDESA) của Liên hợp quốc đã cảnh báo về nguy cơ thế giới bị “chệch hướng” trong những nỗ lực suốt 15 năm qua nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thông qua việc hoàn thành 17 SDGs vào năm 2030.

Những triển vọng về vaccine ngừa COVID-19 cũng mở ra hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tổ chức Oxfam (Liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới với những nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng) cũng đã dẫn nghiên cứu của Đại học King ở Thủ đô London (Anh) và Đại học Quốc gia Australia ước tính, đại dịch COVID-19 sẽ khiến nửa tỷ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói.

 “Năm 2021 có thể là năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc. Chúng ta không thể giải quyết được hết các vấn đề vì vậy cần phải lựa chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết như nạn đói, bất ổn và di cư. Nếu chúng ta có chiến lược và dồn tiền cho những vấn đề ưu tiên này trước, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua năm 2021 với việc sở hữu vaccine ngừa COVID-19, xây dựng lại nền kinh tế và đạt được mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030”, Giám đốc Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) David Beasley nhấn mạnh.

Theo báo cáo "Tổng quan về viện trợ nhân đạo toàn cầu" hằng năm của Liên hợp quốc, ước tính có khoảng 235 triệu người trên thế giới cần viện trợ khẩn cấp trong năm 2021, tăng tới 40% so với năm ngoái. Báo cáo cũng dự tính cứ 33 người thì sẽ có 1 người cần được viện trợ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản như lương thực, nước sạch và vệ sinh vào năm 2021, tăng 40% so với năm nay - năm có tỷ lệ người cần viện trợ là 1/45, cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Báo cáo cho biết trong năm 2020, các nước đã chi 17 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo tập thể, đáp ứng 70% số người nằm trong diện cần viện trợ, tăng 6% so với năm trước đó. Tuy nhiên, Lieenn hợp quốc cảnh báo rằng khoản viện trợ này chưa bằng một nửa nhu cầu thực tế là 35 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói lan rộng, chống đói nghèo và giúp trẻ em được đến trường. Do đó, Liên hợp quốc kêu gọi các nước giàu trên thế giới đóng góp tài chính mạnh mẽ hơn. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, trong khi ngân sách viện trợ nhân đạo đang có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ra những tác động tàn khốc.

20 quốc gia “có khả năng phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng” tập trung chủ yếu ở châu Phi.

Vaccine COVID-19 và hy vọng thoát khủng hoảng

Những triển vọng về vaccine ngừa COVID-19 cũng mở ra hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Trong đánh giá mới nhất, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm sau. Theo báo cáo, những dấu hiệu cho thấy vaccine ngừa COVID-19 có thể được phân phối trong vài tuần tới, đã làm gia tăng sự lạc quan thận trọng khi một năm khủng hoảng sắp kết thúc.

Tuy nhiên OECD cũng thừa nhận rằng, các biện pháp ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch vẫn cần trong vài tháng tới, với khẳng định "Con đường phía trước sẽ sáng sủa hơn nhưng vẫn còn nhiều thách thức".

Theo Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass: “Để đảo ngược trở ngại nghiêm trọng này đối với tiến bộ phát triển và xóa đói giảm nghèo, các quốc gia sẽ cần chuẩn bị cho một nền kinh tế khác sau COVID-19, bằng cách cho phép vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới chuyển sang các lĩnh vực và doanh nghiệp mới. Sự hỗ trợ của Nhóm WB (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế - IBRD, Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA, Công ty Tài chính quốc Tế - IFC; Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa biên - MIGA) sẽ giúp các nước đang phát triển phục hồi tăng trưởng và đáp ứng các tác động về sức khoẻ, xã hội và kinh tế của COVID-19 khi họ nỗ lực hướng tới phục hồi bền vững và toàn diện”.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) (gồm Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu) đã thông qua "cơ chế chung" về xử lý nợ của các nước đang phát triển bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo đó, các bên nhất trí cơ chế chung để giãn hoặc giảm nợ tùy từng trường hợp cho những quốc gia dễ bị tổn thương. 
Minh Trang (Tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文