Thêm nạn nhân trong vụ gã sở khanh lừa tình, tiền 7 phụ nữ
Hành vi của S. đã khiến nhiều nạn nhân khốn đốn, mang nợ, bán nhà, mất khả năng làm mẹ và có người đã từng nghĩ đến việc tự tử. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại đã có thêm nhiều người kết nối với nhóm và cho biết họ cũng là nạn nhân của Tống Anh S. Đặc biệt, đã có người tự xưng là bố và anh trai của S. đã tìm đến một nạn nhân để nói chuyện với mong muốn được khắc phục hậu quả.
Các nạn nhân vẫn còn giữ giấy chuyển tiền cho S. |
Lừa tình qua mạng
Các nạn nhân cho biết, vở kịch dùng để lừa các phụ nữ nhẹ dạ cả tin của S. đều là đánh vào lòng thương cảm khi tự nhận mình là một đứa trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi và được một gia đình nhận nuôi từ nhỏ, chưa từng kết hôn lần nào.
Để tạo lòng tin rằng mình là một người đứng đắn, thành đạt, sau khi đã chiếm được cảm tình của các nạn nhân, S. đã cho những người này đi gặp gỡ các mối quan hệ bạn bè làm ăn thân thiết, các mối quan hệ xã hội rộng rãi với cơ quan nhà nước trong đó có 1 số nhân vật mà người này khoe là rất có vai vế trong xã hội.
Ngoài ra S. còn gửi cho những người này nhiều hình ảnh sang chảnh chụp ở cơ quan, gặp gỡ nhiều người nổi tiếng. Đáng nói dù đã 2 lần kết hôn, hiện vẫn đang có vợ con nhưng mỗi lần đi ăn uống, đám bạn của S. đều ra sức vun vén và hỗ trợ cho vỏ bọc chưa có gia đình. Sau khi tạo dựng được vỏ bọc với một nhân thân tốt, gã sở khanh này bắt đầu vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi sáng để các nạn nhân tin tưởng.
Để cùng xây dựng “tương lai tươi sang” ấy, các nạn nhân đều bỏ tiền ra giúp đỡ S. khi đối tượng than vãn về việc mình bị bắt một lô hàng khoảng hơn 20 tỷ nhập theo đường tiểu ngạch, không có giấy tờ và cần tiền để “chạy” lấy hàng. Với mỗi nạn nhân, S. lại thay đổi vị trí bị bắt và đơn vị đang thu giữ hàng, khi thì Hải quan, khi lại là Cảnh sát kinh tế...
Mặc dù vở kịch có nhiều điểm không logic, nhưng đã có nhiều nạn nhân mắc bẫy và chuyển tiền cho S.. Trong số 7 nạn nhân đã gửi đơn tố cáo, có những người hiện đang còn ôm một số nợ lớn vì trót dại nghe theo lời của gã sở khanh, đi vay lãi để giúp S. lấy được số hàng ra. Sau một thời gian chiếm đoạt được cả tình và tiền của các nạn nhân, gã đàn ông này đều tìm cách để trốn tránh trách nhiệm, dần dần ít gặp. Có những thời điểm, S lừa đảo cùng lúc 4 nạn nhân với một màn kịch giống hệt nhau.
Tống Anh S. - đối tượng đang bị tố cáo. |
Một thời gian sau khi bị lừa, một nạn nhân tìm hiểu và phát hiện sự thật là S. đã có gia đình, vợ con, đồng thời cũng phát hiện thêm nhiều nạn nhân rơi vào hoàn cảnh giống mình, trong đó một số người đã có thai.
Để đưa vụ việc ra ánh sáng và bắt S. phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình, nhóm các nạn nhân đã kết nối với nhau, gửi đơn đi nhiều nơi để yêu cầu xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử Tống Anh S. về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi nhận đơn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội đã phát thông báo truy tìm Tống Anh S. để đến cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Đến đầu tháng 10, do hết thời hạn điều tra, xác minh theo quy định nên vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết.
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, chị N.T.H., một người trong nhóm các nạn nhân cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi nghe thông tin này. Tôi đã hỏi điều tra viên thì được giải thích dù tạm đình chỉ nhưng cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm việc chứ không phải gác lại và mời chúng tôi lên để làm việc, giải thích thêm về quyết định tạm đình chỉ”.
Con làm bố xin chịu
Theo chị H., từ thời điểm đó cho tới nay, nhóm các nạn nhân cũng tìm kiếm sự giúp đỡ ở nhiều nơi và đưa vụ việc này ra báo chí. Sau khi Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu đăng bài, vụ việc này được chia sẻ trên các diễn đàn, nhiều tờ báo cùng tham gia đưa tin vụ việc, đã có một người đàn ông ngoài 70 tuổi, tự xưng là bố của Tống Anh S. xin gặp.
Một nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đã mang thai và vay nợ hộ gã sở khanh |
Tại buổi nói chuyện cùng chị H. và một vài nạn nhân khác, ông T. – người tự xưng là bố của S. chia sẻ rằng, gia đình không hề biết đến những gì con trai mình đã làm. Chỉ đến khi anh rể của S. đọc được vụ việc trên báo chí và thông báo với vợ chồng ông T. thì cả hai mới nắm rõ.
“Ông T. giải thích rằng do S. năm nay đã ngoài 40 tuổi lại đi làm xa, ít khi về nhà. Mỗi lần về thì chỉ ghé qua nhà một chút rồi lại đi nên gia đình cũng không nắm rõ được cuộc sống như thế nào. Khi nghe anh rể của S. kể về vụ việc, ông T. đã nói chuyện với vợ và tìm mọi cách để ra Hà Nội, tìm gặp người bị lừa để trao đổi, nắm tình hình”, chị H. cho biết.
Ngoài ra, ông T. cũng chia sẻ rằng Tống Anh S. từng học Đại học Bách khoa Hà Nội ngành điện lực sau đó đi lắp đặt máy điều hòa và làm nghề tự do. Do đi làm nhiều lại sống xa nhà nên vợ chồng ông T. không biết nhiều và không hỏi nhiều về cuộc sống của con.
Lần gần nhất S. về nhà đó là vào 16-7-2020. Sau đó nhiều tháng, hai vợ chồng ông T. không thể liên lạc được với con, gọi không nghe máy. Trước đó khi S. trở về nhà cũng không có biểu hiện gì khác lạ, chỉ nói với bố mẹ sẽ đi làm công trình ở gần biên giới trong miền Nam. Đáng nói, ông T. cũng phủ nhận hoàn cảnh mà S. bịa ra khi tự nhận là trẻ mồ côi, được bố mẹ nhận nuôi.
Về gia đình riêng, ông T. cũng cho biết S. đã hai lần cưới vợ. Người vợ thứ 2 này làm nghề liên quan đến luật và cũng có một đứa con chung. Trước đó, S. cũng gọi điện cho ông T. cho biết mình và vợ không còn gì với nhau từ lâu, không muốn làm bố mẹ buồn nên không nói. Tuy nhiên, theo chị H., qua tìm hiểu thì Tống Anh S. vẫn còn sống với vợ con, không hề có chuyện chia tay.
Cũng tại buổi nói chuyện với chị H., ông T. bày tỏ mong muốn được gặp từng nạn nhân để nói chuyện gửi lời xin lỗi, chia sẻ về những vấn đề đã phát sinh với Tống Anh S. Sau đó, ông T. đề nghị với chị H. rằng, bản thân sẽ đứng ra thu xếp kinh tế, vay mượn tiền bạc để trả các nạn nhân thay cho con trai mình. Ông không hứa sẽ trả hết được tiền cho các nạn nhân nhưng trước mắt sẽ thu xếp để trả hộ con trai một phần.
“Chuyện tình cảm thì tôi không dám đề cập. Cái sai của S. thì tôi không dám xin hộ. Chỉ xin mọi người đừng gây áp lực để tôi được sống vui vẻ những quãng ngày còn lại. Sống trên đời đã hơn 70 tuổi rồi, giờ anh em bạn bè nhìn vào thấy rất xấu hổ, tủi nhục…”, ông T. nói với chị H. và hứa hẹn sẽ có trách nhiệm thuyết phục con trai bồi hoàn lại số tiền đã chiếm đoạt của mọi người.
Những tin nhắn “mời chào” trên web để giăng bẫy nạn nhân của S. |
Trước đề nghị của ông T., chị H. cũng như các nạn nhân khác đã từ chối và bày tỏ mong muốn những hành động mà ông S. đã gây ra cho các nạn nhân phải bị trừng trị theo quy định của pháp luật. Chị này cũng cho biết, sau khi vụ việc được báo chí nhắc đến, đã có nhiều nạn nhân kết nối để chia sẻ với nhóm. Cho tới hiện tại đã có 3 người nữa tự nhận là nạn nhân của Tống Anh S., cũng bị lừa với cùng một thủ đoạn tương tự.
“Trong số đó có 2 người Hà Nội, 1 người ở Yên Bái. Hiện tại họ còn sợ hãi và lo sợ bị xã hội dị nghị sau khi bị S. lừa nên cũng chưa dám chia sẻ rộng rãi. Trong số đó có một người còn đang làm giáo viên nên rất sợ bị ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Họ chỉ dám gửi đơn cho chính quyền địa phương nơi sinh sống. Trong vài ngày tới, nhóm chúng tôi cũng được Trung ương Hội Phụ nữ hẹn gặp để nói chuyện, hy vọng có thể được giúp đỡ để tìm lại công bằng”, chị H. cho biết.