Theo chân "liên quân" 363 đi bắt … "ma men"

10:58 22/05/2019
Tại TP Hồ Chí Minh, những ngày qua, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt và công an các quận, huyện đã tăng cường lực lượng, các trạm, điểm chốt, xử lý nghiêm vào các ngày cuối tuần, tại các tuyến đường, khu vực có nhiều nhà hàng, quán nhậu, các tuyến quốc lộ, nơi có đông khu dân cư…


Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra đã cướp đi tính mạng của nhiều người. Trong đó, nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia trước đó. 

Tại TP Hồ Chí Minh, những ngày qua, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt và công an các quận, huyện đã tăng cường lực lượng, các trạm, điểm chốt, xử lý nghiêm vào các ngày cuối tuần, tại các tuyến đường, khu vực có nhiều nhà hàng, quán nhậu, các tuyến quốc lộ, nơi có đông khu dân cư… Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm TNGT.

Xử lý "ma men" ngay gần quán nhậu

Khuya 15-5-2019, Đội CSGT - Trật tự, Công an quận 3, kết hợp với Tổ công tác 363 đã lên đường thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Để nâng cao hiệu quả trong việc xử lý, hai cán bộ CSGT mặc thường phục đứng gần các quán nhậu, phát hiện ai vừa nhậu xong mà vẫn tự chạy xe về sẽ báo đặc điểm nhận dạng như màu áo, loại xe, màu nón bảo hiểm qua bộ đàm để lực lượng CSGT tuần tra công khai (đứng cách đó tầm 100 - 300m) yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Thấy một người đàn ông vừa bước ra khỏi quán nhậu trên đường Lê Quý Đôn chạy xe rẽ vào đường Điện Biên Phủ, CSGT đã ra tín hiệu yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Với mức cồn vượt quá quy định cho phép, người này đã bị tạm giữ xe để đón một phương tiện khác về, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Ít phút sau, tương tự như trường hợp đầu tiên, một người đàn ông cũng có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép, sau khi bị dừng phương tiện để kiểm tra. Dù ra sức phân bua với CSGT rằng mình vẫn đủ tỉnh táo để chạy xe về, nhưng không được chấp thuận, người đàn ông này tỏ ra khó chịu, nhưng rồi vẫn ký vào biên bản. Sau đó, người này bắt xe ôm để ra về…

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chạy xe ra từ quán nhậu nhưng khi kiểm tra thì hơi thở hoàn toàn không có nồng độ cồn. Những người này cho biết có thói quen dù vào quán nhậu nhưng hôm nào đi xe sẽ không uống một ly bia rượu nào…

CSGT Công an TP Hồ Chí Minh tập trung kiểm tra, xử lý tài xế sử dụng rượu bia theo kinh nghiệm quốc tế.

Sau khi di chuyển địa điểm đến khu vực đường Hoàng Sa - Trường Sa - nơi được xem là "phố nhậu bờ kè", tổ công tác đã phát hiện thêm nhiều trường hợp có nồng độ cồn cao trong hơi thở…

Trước đó một ngày, vào tối 14-5, Đội CSGT An Sương, thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, cũng đã tổ chức đo nồng độ cồn đối với tài xế theo cách làm quốc tế trên tuyến quốc lộ 22.

Tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn (có bố trí biển báo "Chốt kiểm tra nồng độ cồn"), CSGT sẽ ra hiệu lệnh cho các phương tiện giảm tốc độ và hướng dẫn đi vào làn đường tới vị trí kiểm tra. Máy đo nồng độ cồn được chuyển sang chế độ định tính, người đi ôtô chỉ cần nói chuyện bình thường với cán bộ, chiến sĩ. 

Nếu phát hiện có nồng độ cồn, máy sẽ hiện lên chữ cảnh báo có cồn. Trường hợp này, CSGT sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định. Nhưng nếu trong trường hợp tài xế không có nồng độ cồn, máy sẽ không hiện và tài xế tiếp tục công việc của mình chỉ sau 10 giây nói chuyện.

Trong hơn một giờ, 60 tài xế đã được kiểm tra và chỉ có một trường hợp vi phạm nồng độ cồn với 0.32mg/l khí thở. Với mức lỗi này, tài xế sẽ bị phạt từ 7,5 đến 8 triệu đồng và bị tước bằng lái 3 tháng, tạm giữ xe 7 ngày. Tuy nhiên, cũng từ kết quả kiểm tra này cho thấy giới tài xế tại khu vực này đã ý thức hơn trong việc không uống rượu bia khi lái xe.

Tương tự vào khuya 11-5, Đội CSGT Rạch Chiếc phối hợp với Tổ công tác 363 Công an thành phố tra xử lý người điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn tại cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố. 

Tại điểm chốt chặn trên xa lộ Hà Nội (đoạn ngã tư Bình Thái, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), lực lượng chức năng đã phát hiện một ôtô đang lưu thông từ hướng đường Nguyễn Văn Bá (quận Thủ Đức) chạy ra Xa lộ Hà Nội có dấu hiệu bất thường nên CSGT ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.

Kết quả kiểm tra xác định tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nên CSGT tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo tạm giữ phương tiện theo quy định. Tuy nhiên, tài xế và những người ngồi trên xe nồng nặc mùi rượu bia đã lớn tiếng ngăn cản, không cho CSGT tạm giữ phương tiện.

CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của một tài xế ôtô.

Dù CSGT đã nhẹ nhàng giải thích, nhưng những người trên xe có biểu hiện say xỉn không làm chủ được bản thân vẫn cự cãi, thiếu hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ. Sau đó, CSGT đã đề nghị Công an phường Trường Thọ phối hợp, niêm phong xe ô tô, sau đó điều xe chuyên dụng đến cẩu phương tiện vi phạm về trụ sở.

Theo ghi nhận của chúng tôi chỉ trong hơn nửa giờ kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có nhiều người điều khiển xe máy.

Trong khi đó, tại điểm giao thông vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, vốn là điểm giao thông phức tạp, lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra tai nạn nên gần như hàng đêm Đội CSGT Hàng Xanh đều bố trí các tổ công tác tuần tra từ 22h đến 6h hôm sau để đo nồng độ cồn và chống đua xe trái phép.

Theo Ban chỉ huy Đội CSGT Hàng Xanh, chỉ trong hai tháng đầu năm 2019, đơn vị đã xử lý 81 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, 11 trường hợp người đi ôtô và 70 trường hợp người đi xe máy…

Tập trung ngăn chặn vi phạm từ nơi tài xế xuất phát

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, nhằm xử lý nghiêm việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, đơn vị đã mở các đợt cao điểm xử lý, các chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, diễn ra từ tháng 11-2018 đến nay…

Ngoài những điểm, nút giao thông kiểm tra đã kể trên, CSGT phối hợp cùng các Tổ công tác 363, Cảnh sát cơ động cũng thường xuyên chốt chặn, kiểm tra tại các nút giao thông quan trọng khác như Tân Túc, An Sương, An Lạc, Cát Lái, Thủ Đức,... để xử lý những trường hợp tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Việc kiểm tra nồng độ cồn còn được các Đội CSGT - TT thực hiện đồng loạt tại nhiều quận, huyện nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn thành phố.

Tính đến hết quý 1-2019, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã tổ chức kiểm tra và lập biên bản xử phạt trên 3.075 trường hợp vi phạm (trong đó có 140 trường hợp ôtô, 2.935 trường hợp là xe môtô). Tuy nhiên, tình trạng người tham giao thông điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia vẫn thường diễn ra, đặc biệt là từ sau 18 giờ đến khoảng 5 giờ…

Dạo quanh các tuyến đường có nhiều quán nhậu sau 18 giờ bất kể ngày nào trong tuần, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy có rất nhiều người ngồi trong quán ăn nhậu với nhau và các bãi xe của quán thì luôn đông đúc các phương tiện kể cả xe môtô và xe ôtô. Sau những lần nâng ly "chén chú chén anh" thì chính người ăn nhậu đó lại tiếp tục ra bãi xe điều khiển phương tiện để về nhà. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể đi xe về đến nhà an toàn.

Do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn và hay ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn (do tông vào con lươn, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ…) hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác.

Công an TP Hồ Chí Minh mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã và đang tăng cường xử lý vào các ngày cuối tuần, tại các tuyến đường, khu vực có nhiều nhà hàng, quán nhậu, các tuyến quốc lộ, nơi có đông khu dân cư… Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn với tài xế trên các tuyến quốc lộ, cao tốc. 

Ngoài ra, CSGT cũng tập trung ngăn chặn vi phạm từ nơi tài xế xuất phát như bến bãi, nhà hàng, quán bar... Đặc biệt, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt sẽ tiếp tục tập trung xử lý theo kinh nghiệm quốc tế - kiểm tra theo hai bước như kể trên. Bước 1 (kiểm tra định tính), tức tài xế có thể ngồi trực tiếp trên xe để CSGT kiểm tra nồng độ cồn bằng máy thông minh. 

Khi máy báo hiệu không có nồng độ cồn, tài xế được đi ngay. Ngược lại, nếu máy báo hiệu có nồng độ cồn, tài xế được CSGT hướng dẫn lái xe vào trong khu vực kiểm tra bước 2. Bước 2 (kiểm tra định lượng), CSGT kiểm tra cụ thể mức nồng độ cồn trong cơ thể tài xế để xử lý theo khung mức quy định. 

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong xử lý vi phạm vì rút ngắn được công đoạn, kiểm tra được nhiều trường hợp trong thời gian ngắn, tài xế không phải phiền lòng vì chờ lâu, tỷ lệ máy đo chính xác hơn… 

Phạm Phú

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文