Thi tốt nghiệp 12: Nên đổi mới triệt để, dứt điểm

11:42 16/01/2014

Trong cuộc họp về kế hoạch thi tốt nghiệp 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo vẫn giữ nguyên cách thi tốt nghiệp hiện nay. Thế nhưng, ngày 2/1/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đưa ra 2 phương án thay đổi trong việc thi tốt nghiệp THPT. Một quyết định đột ngột như vậy liệu có làm xáo trộn tâm lý học sinh, khiến các em bị động, lúng túng. Vậy nên thi như thế nào vẫn đang là câu hỏi đáng bàn.

Đến thời điểm này, phương án đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các nhà giáo dục và các chuyên gia. Giải pháp này nhằm hướng tới việc giảm thiểu áp lực cho học sinh và hướng tới đề án đổi mới toàn diện nền giáo dục. Các ý kiến của Bộ Giáo dục và hiệu trưởng các trường THPT đều nghiêng về phương án 1, tức là học sinh sẽ thi 4 môn (trong đó Toán và Ngữ văn bắt buộc, hai môn tự chọn trong các môn Hóa, Vật lý, Lịch sử, Địa lý).

Ở phương án 1 của Bộ Giáo dục, Ngoại ngữ là môn khuyến khích học sinh thi và cộng điểm. Còn phương án 2, tổ chức thi 5 môn và Ngoại ngữ là môn bắt buộc. Nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa Ngoại ngữ là môn tự chọn, tiến tới là môn bắt buộc vì chúng ta đang thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020. Ngoại ngữ là môn cần thiết cho thế hệ trẻ hội nhập, nếu không đưa vào thi thì cô giáo và học sinh sẽ chểnh mảng việc dạy và học. Nhưng với thực trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay ở nhiều vùng nông thôn, miền núi còn xa lạ với bộ môn Ngoại ngữ thì phương án này rõ ràng chưa khả thi;Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng Bộ Giáo dục khuyến khích học sinh chọn Ngoại ngữ và đã đưa ra tiêu chí cộng điểm. Còn phương án chọn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc sẽ khả thi khi Đề án Ngoại ngữ 2020 được áp dụng đồng bộ và đã có một quá trình vận hành.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thiểu các môn thi tốt nghiệp có dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ hay không? Đó cũng là vấn đề cần bàn, nhưng không vì thế mà tạo áp lực cho học sinh, bởi suy cho cùng đó cũng chỉ là một kỳ thi cuối cấp mà thôi. Học sinh đã phải trải qua rất nhiều bài kiểm tra và nhiều kỳ thi ở trường. Việc học lệch hay học tủ không phải do bản thân kỳ thi tốt nghiệp mà nó nằm trong nhận thức, trong cách học/dạy đối phó của học sinh từ xưa đến nay. Nên, nếu có thay đổi, phải thay đổi từ trong cách nghĩ, cách học của học sinh khi còn nhỏ chứ không phải đến lớp 12, qua một kỳ thi mà đánh giá được.

Đổi mới trong giáo dục là cần thiết. Đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp để giảm thiểu áp lực cho học sinh lại càng cần thiết hơn nữa. Nhưng có lẽ, vấn đề ở đây là đổi mới như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục. Và kết quả thi tốt nghiệp thực sự đánh giá được thực trạng của học sinh, chứ không phải là những con số đẹp nhưng tỉ lệ nghịch với chất lượng. Giáo dục là một con đường dài. Những đổi mới liên tục ít nhiều sẽ gây ra những xáo trộn không đáng có đối với các em học sinh. Chúng ta cũng nên đặt học sinh, vì quyền lợi của học sinh lên hàng đầu. Sợ cái bệnh thành thích của ngành Giáo dục. Sợ những con số 99% học sinh đậu tốt nghiệp không phản ánh đúng thực trạng của việc học. Nên chăng, cùng với đề án đổi mới toàn diện nền giáo dục, chúng ta cần có những khảo sát thực tế và sâu sát hơn, tránh sự thay đổi liên tục, hàng năm làm xáo trộn tâm lý học sinh. Hơn nữa, việc thi tốt nghiệp nên coi là một kỳ kiểm tra cuối năm hơn là một kỳ thi. Học sinh đã phải học và qua rất nhiều kỳ thi rồi. Nên coi đây là kỳ thi cuối cấp để phân loại học sinh, ai theo lên đại học, ai không học được thì đi làm nghề. Còn nếu vẫn giữ đó là một kỳ thi quốc gia, chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, để đảm bảo chất lượng, coi như kết quả tốt nghiệp đó là tấm vé thông hành của học sinh bước vào các cổng trường đại học hay lựa chọn các ngành nghề trong tương lai.

Ý kiến trao đổi của một số chuyên gia

Theo dự thảo, Bộ GD và ĐT đưa ra 2 phương án thi. Thứ nhất, học sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Văn), 2 môn tự chọn trong các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích. Với phương án 2, các môn thi tốt nghiệp sẽ gồm 5 môn, 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn Địa lý, Hóa học, Lịch sử, Sinh học, Vật lý. Với môn Ngoại ngữ, học sinh chưa học hết chương trình sẽ lựa chọn môn thi thay thế trong các môn Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn trên.

PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Nên đưa lịch sử và ngoại ngữ thành môn bắt buộc

Hai phương án này thực chất là một phương án thôi. Theo tôi, môn Ngoại ngữ mà không bắt buộc là không đúng. Vì chúng ta đang hội nhập mà không học ngoại ngữ thì lấy gì mà hội nhập, hội nhập với ai. Trường không dạy Ngoại ngữ thì ai học. Nếu nơi nào chưa học Ngoại ngữ thì chọn môn khác, nhưng cũng nên chỉ giới hạn trong vòng 1, 2 năm thôi, còn về lâu dài phải là môn bắt buộc.

Thứ hai, nên có một môn bắt buộc nữa là môn Lịch sử, dân ta phải biết sử ta. Cho nên theo tôi, một kỳ thi tốt nghiệp, chúng ta cần 4 môn, Toán để đánh giá tư duy logic, Văn để đánh giá khả năng cảm thụ cái đẹp và Ngoại ngữ, Lịch sử. Những môn tự chọn nên giao về cho các trường cao đẳng, Đại học. Việc thi tốt nghiệp THPT phải gắn với tuyển sinh đại học.

Nếu chúng ta tổ chức nghiêm túc thì đến kỳ thi Đại học, cao đẳng, người ta chỉ cần căn cứ vào điểm từ trên xuống dưới và lấy. Còn nếu trường nào cần các chuyên ngành sâu như Vật lý, Hóa học thì lúc đó nên thi môn chuyên đó thôi, như thế để học sinh đỡ phải làm bài thi nhiều lần. Thi tốt nghiệp là kỳ thi quốc gia, nên tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, đánh giá đúng thực lực của học sinh. 60-70% học sinh đạt kết quả cũng không sao cả.

Chúng ta đừng có chạy theo thành tích. Làm được hay không làm được không phải do kỳ thi mà do chúng ta không nghiêm túc. Có nhiều người bảo nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, nhưng theo tôi, thà chúng ta làm quyết liệt và tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, coi đó là cơ sở để các trường tự chủ trong việc tuyển sinh còn tốt hơn.

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Thời gian tới, nên coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc

Hiện nay, chất lượng dạy và học Ngoại ngữ trên cả nước chưa đồng đều, chất lượng giáo viên chưa đạt yêu cầu, phần lớn không tốt. Nên để Ngoại ngữ thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc là không khả thi. Số lượng môn thi bắt buộc và tự chọn theo phương án đổi mới thế là ổn. Còn môn Ngoại ngữ, học sinh nào tự tin thì đăng ký để được cộng điểm. Tuy nhiên, thời gian tới, phải coi đó là môn bắt buộc vì yêu cầu nguồn nhân lực cung cấp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới.

 

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức: Tránh tình trạng thay đổi liên tục, hàng năm

Hầu như những người làm quản lý đều mong chờ một sự thay đổi nào đó. Với 2 phương án đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục, tôi nghiêng về phương án 1, có hai môn thi bắt buộc là môn Toán và môn Ngữ văn. Nhưng từ cơ sở, tôi cũng có nhiều băn khoăn liệu sự thay đổi này có quá đột ngột hay không.

Trong kế hoạch năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục khẳng định vẫn giữ nguyên phương pháp thi tốt nghiệp như hiện nay. Nhưng bây giờ lại đột ngột thay đổi. Con tàu đang đi đã tới nửa chặng đường, sắp về tới ga bỗng rẽ ngoặt sang một hướng khác. Những thay đổi có thể có lợi cho học sinh trong việc giảm áp lực thi cử, hạn chế những lãng phí không cần thiết.

Nhưng giá như cứ để con tàu năm nay đến ga và chúng ta nên chuẩn bị một cách thấu đáo hơn, vì đổi mới không thể nghĩ một chặng đường ngắn, mà nó cần một sự dài hơi, tránh tình trạng thay đổi liên tục hàng năm, khiến học sinh bị động, chưa chuẩn bị kỹ về tâm lý để thích ứng.

Một băn khoăn nữa, nếu chúng ta chỉ coi môn ngoại ngữ là môn cộng điểm trong khi chúng ta đang có hẳn một Đề án Ngoại ngữ 2020 thì có vẻ không ổn. Chúng ta nên đưa Ngoại ngữ thành môn tự chọn, tiến tới thành môn bắt buộc thì tốt hơn. Bởi nếu chỉ là môn cộng điểm thì động lực dạy, động lực học của giáo viên và học sinh sẽ giảm. Và lúc đó, Đề án ngoại ngữ 2020, mà chúng ta đã tốn rất nhiều tiền của sẽ không hiệu quả. Theo tôi, trong tương lai, Ngoại ngữ phải là môn bắt buộc, chúng ta có thể phân vùng để thực hiện điều đó. Đổi mới nhưng nên đồng bộ, liên tục, có kế thừa để đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, bởi giáo dục liên quan đến con người, đến các thế hệ tương lai của đất nước, mặc dù là cấp bách đấy, nhưng chúng ta phải có điều tra, thăm dò trước khi đưa ra những quyết định, tránh sự xáo trộn, thay đổi thường xuyên.

Nhóm PV

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文