Thị trường đào Tết: Cắn răng vay lãi mua… "đào khủng"

13:14 05/02/2013

Mặc cho kinh tế đi xuống thị trường đào "khủng" năm nay vẫn còn khá rầm rộ bởi với nhiều người đào thế "khủng" còn là một món "đặc sản" làm quà biếu không thể thiếu.

Trải qua một năm vật lộn với nền kinh tế khó khăn, dân trồng đào, quất tết vẫn bông đùa với nhau: Thời tiết bất thường còn khắc phục được chứ kinh tế khó khăn thì đào, quất tươi cũng phải "héo". Thị trường đào bình dân có phần trầm lắng do sức tiêu thụ của người dân giảm. Chính vì vậy để sở hữu một cây đào đẹp cho ngày tết lại ít tốn kém nhiều người đã lựa chọn thuê cây. Thế nhưng, mặc cho kinh tế đi xuống thị trường đào "khủng" năm nay vẫn còn khá rầm rộ bởi với nhiều người đào thế "khủng" còn là một món "đặc sản" làm quà biếu không thể thiếu.

Dịch vụ thuê đào lên ngôi

Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên Đán nhưng thị trường đào, quất còn khá trầm lắng, sức mua giảm đi trông thấy so với những năm trước. Nhiều người dân đã bỏ ý định mua đào, thay vào đó là thuê. Chọn giải pháp thuê, người mua tiết kiệm được một khoản tiền  trong khi giúp người trồng khỏi phải mệt sức làm lại cây đào thế từ đầu. Chính vì vậy xu hướng thuê đào nhận được sự "vừa lòng" của cả người mua và kẻ bán.

Ông Duy Mật chủ vườn đào tại Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), bên cạnh những loại đào lấy cành bán bình dân thì vườn nhà ông cũng có khoảng hơn 200 gốc đào thế.  Vườn của ông Mật không được liệt vào hàng to nhưng cũng được người ta đánh giá người biết xoáy đúng hướng khi đánh mạnh vào những cây đào thế to, đẹp cho thuê. Các gốc đào của ông Mật, nụ bắt đầu chớm nở, xen kẽ là những nụ đào bung sớm, rực rỡ trước cái lạnh cuối đồng.

Cho đến ngày hôm nay đã có khoảng 60 gốc đã được đặt thuê, giá rẻ nhất là 1 triệu và cao nhất là 10 triệu. Cái hay là khi chơi đào xong, khách có thể gọi điện cho các ông chủ vườn đào đến lấy gốc bất kỳ lúc nào. Chủ vườn đào sẽ lấy lại gốc vào khoảng rằm tháng giêng, lúc hoa đào tàn vừa hết. Theo những người trồng đào lâu năm như ông Mật thì năm nay xu thế số đào cho thuê tăng đáng kể. Năm ngoái số đào cho thuê khoảng 50% thì năm nay chiến tới 80%. Giả sử với gốc đào giá trị bán khoảng 6 triệu, trong khi đi thuê chỉ khoảng 3 triệu đến 4 triệu và không phải bận tâm đến việc vận chuyển cả lượt đi và lượt về của cây đào. Những năm trước khách thuê đào chủ yếu là các công ty, công sở thuê đặt tại cơ quan nhưng năm nay khách đa dạng hơn rất nhiều.

Cùng chung nhận định anh Nguyễn Văn Thắng (chủ một vườn đào tại Nhật Tân) chia sẻ: "Năm nay nhu cầu thuê đào chơi tết là khá lớn. Tại vườn nhà tôi có tới 50% đã được người ta thuê rồi. Tôi khuyến khích việc cho thuê đào chơi tết. Vừa thuận cho người bán lại lợi cho người mua". Những dân trông đào như anh Thắng, việc bán đứt 1 gốc đào lâu năm là điều không hề muốn. Bởi những gốc đào thế có tuổi đời khoảng 20 đến 30 năm người trồng đào phải rất công phu chỉnh sửa, uốn nắn bằng cả kinh nghiệm và tâm huyết nghề nghiệp. Khi bán đi rồi việc tìm lại là rất khó, họ lại mất công chỉnh sửa hoặc đi sưu tầm những gốc khác cho vụ sau.

Sau gần nửa ngày đi khắp các khu trồng đào tại quận Tây Hồ anh Lê Bá Tuấn quyết định thuê chứ không mua cho mình một cây đào thế như mọi năm. Anh Tuấn vui mừng vì chọn được cây đào ưng ý: "Chọn đào thế đặt trong nhà những ngày tết cũng phải chọn cẩn thận sao cho hợp phong thủy. Tôi đi từ sáng mới chọn được cây này, lúc đầu định mua đứt nhưng giá quá cao nên quyết định thuê 10 ngày tết. Giá bán đứt vào khoảng 10 triệu cây này nhưng thuê 10 ngày tết giá chỉ còn 6 triệu thôi. Nếu thích mình dặn chủ vườn sang năm lại thuê đúng gốc này cũng được".

Đào "khủng" vẫn còn chỗ đứng

Trong thời tiết se lạnh, mưa xuân lất phất chúng tôi có mặt tại Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), nơi được coi là "kinh đô" của đào tết. Ông Tư Khương một người nổi tiếng với những cây đào "khủng" vẫn giữ những nét bình thản vốn có của mình. Bởi với những người trồng đào "khủng" thì họ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thị trường hay thời thế. Ngoài việc chăm sóc số lượng nhỏ những cây đào "bình dân" thì những cây đào "khủng" đều đã có chủ từ nhiều năm nay.

Ở Nhật Tân này ai nấy đều nể phục vì cái tài nhìn xa trông rộng của ông Khương. Ông Khương cười thâm thúy: "Trước đây người ta trách tôi sao không trồng đào bình dân. Bán hết đợt này sang năm lại làm đợt khác cho nhẹ nhàng, không phải công phu. Tôi đã mập mờ nghĩ rằng rồi xu thế thuê đào sẽ nở rộ. Ngày càng nhiều đại gia cần chơi hàng đẹp". Dứt lời ông Khương tiếp: "Đa số người ta chỉ dùng cây đào trong vài ngày tết, mua 1 cây đẹp dùng xong vứt đi thì thực sự rất phí. Số tiền để thuê 1 cây đào đẹp so với giá trị thực của nó thì rẻ hơn rất nhiều. Vậy tội gì người tiêu dùng không dùng phương án thuê, sang năm lại dùng chính cây đó. Vừa đẹp lại vừa rẻ".

Đưa chúng tôi ra khu vườn vườn toàn những gốc đào được liệt và hạng "hóa rồng",  những gốc đào này đều đã có chủ nhân, được gắn mác, thắt nơ tử tế. Ông chia sẻ: "Quả thực năm nay giá đào bán chậm hơn hẳn năm ngoái. Cũng vì kinh tế khó khăn, bán đào phụ thuộc nhiều vào lương thưởng cuối năm của dân mà. Với tôi điều đó lại không quan trọng cho lắm. Bởi giá trị những gốc đào "khủng" thì nó vẫn là vậy. Nó vẫn đẹp, vẫn có những chủ nhân lắm tiền nhiều của". Giá trị những cây đào "khủng" tại vườn của lão ông nhiều cây lên tới hàng trăm triệu, thậm chí có những cây mà ông cho rằng nó vô giá và không bao giờ bán.

 

Ông Khương tiết lộ, mặc dù nên kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu chơi đào "khủng" vẫn còn rất lớn. Đa phần những người chơi đào "khủng" đều là những đại gia có "số má". Nhấp chén rượu nhạt, nửa đùa nửa thật, ông Khương chia sẻ: "Cứ tưởng nền kinh tế suy thoái! Nhưng vẫn còn nhiều đại gia lắm ở đất này lắm. Có những người bỏ cả trăm triệu chơi cây đào vài ngày tết. Nhưng cũng buồn cười là đã từng tới đây mua đào và tâm sự với tôi họ phải đi vay lãi để mua đào. Đơn giản chỉ vì đang muốn nhờ vả 1 việc đại sự. Thấy sếp mê đào "khủng" nên đã cắn răng làm liều".

Đào rừng lên ngôi

Những ngày áp tết, không chỉ có những loại đào từ Nhật Tân, Phú Thượng… "ra phố" mà  tại rất nhiều đoạn đường như: Hoàng Minh Giám, Lên Văn Lương, Trần Duy Hưng… xuất hiện rất nhiều đào rừng. Xu thế thích đào rừng đã trở thành mốt của nhiều gia đình. Sắc hoa phớt hồng không quá thắm như đào Nhật Tân, có chồi xanh biếc, thân mốc xù xì và đặc biệt thế cây luôn tự nhiên… tạo nên vẻ đẹp hoang dã khoáng đạt không thể lẫn của núi rừng Tây Bắc.

Chị Lý Mểnh Sểnh, người dân tộc Dao (Lào Cai) là người dân tộc thiểu số hiếm hoi xuống Hà Nội bán chính những gốc đào gia đình mình chặt được. Với vốn tiếng Kinh ít ỏi chị chia sẻ: "Những năm trước tôi đứng ở quốc lộ 4D bán cho những người buôn về Hà Nội thôi. Bây giờ thử thuê xe mang xuống bán xem thế nào. Một cành đào cỡ trung bình ở trên Sapa bán được khoảng 400 nghìn thì ở Hà Nội bán được 1 triệu. Có cành bán được cả vài triệu cơ đấy".

Chúng tôi hỏi sao không trồng lúa lại đi bán đào tận Hà Nội? Sểnh trả lời không suy nghĩ: "Bán đào hơn nhiều so với trồng lúa nên năm nào chồng em cùng anh em trong nhà lên rừng săn đào để bán đấy. Để đào rồi bán quả thì rẻ lắm, chỉ 1 nghìn đồng một cân, quả chỉ để làm thức ăn cho lợn thôi, nên nhà chẳng cho cây ra quả đâu".

Nhiều năm nay giá đào lên tới tiền triệu, thậm chí cả trăm triệu khi kiếm được gốc đào rừng "khủng". Chính vì lợi nhuận lớn mà các con buôn lùng sục gốc đào đẹp cả vài tháng trước tết. Ông Đinh Văn Linh (Yên Sơn, Sơn La) chia sẻ, những cành đào mà ông bày bán tại vỉa hè Hà Nội chủ yếu là những hàng bình dân. Những cây to đẹp đã được nhiều người chơi sang chọn lựa từ rất lâu. Chỉ chờ đến ngày là đánh cả gốc, cho vào chậu trở xe về tận nhà. Ông Linh nói: "Như năm ngoái đấy, một ông chủ của một công ty bất động sản ở Tây Hồ phải bỏ ra hơn 200 triệu để có được 1 cây đào rừng cổ thụ. Tiền thuê người vào rừng đào, rồi tiền công chở… số tiền đó cũng xứng đáng thôi".

Trong giới buôn đào rừng chẳng còn lạ gì với hai cái tên Đức Cường và Văn Được, hai ông đã bỏ ra cả đống tiền mua hơn 50ha đất rừng tại Mộc Châu (Sơn La), lập hẳn 1 trang trại trồng đào. Cũng không nằm ngoài xu hướng thuê đào chơi tết, đào rừng cũng là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng để thuê. Tuy nhiên giá để thuê những gốc đào "cụ" cũng khá "khét".

Một cây đào rừng "cụ" bạn phải bỏ ra ít nhất 10 triệu tiền thuê cây, thêm vài triệu tiền đặt cọc và có địa chỉ rõ ràng, sau vài tiếng đồng hồ bạn có thể sở hữu 1 cây đào mốc chính hiệu trong những ngày tết. Ông Cường chia sẻ: "Mặc dù là người bán đào nhưng cũng chỉ mong người ta thuê cây thôi. Ra giêng mình lại mang gốc về chăm bẵm lại, chứ người ta mua đứt về không biết chăm là chết. Phí lắm!"

Cùng chung số phận với đào Nhật Tân, Phú Thượng, giá quất Quảng Bá (Tây Hồ) năm nay cũng ở trong tình trạng bấp bênh. Chị Tâm, chủ vườn quất tại Quảng Bá khẳng định, giá chắc chắn sẽ giảm so với năm ngoái. Chị cho biết, gốc quất "đắt giá" nhất trong vườn chị năm ngoái được giá 15 triệu đồng, thì năm nay chắc cũng chỉ còn 12, hay 10 triệu đồng là cùng. Các loại quất phổ thông thì giá bán giao động từ 500.000 - 1 triệu đồng, giá thuê bằng 75% so với giá bán.

Chị cũng cho biết thêm ở thời điểm hiện giờ đã có người đến mua và đặt quất, chủ yếu là khách quen. Nhưng phải mấy hôm nữa thì lượng khách mới bắt đầu đông. Anh Hải, chủ một vườn quất với hơn 200 gốc ở làng Quảng Bá than thở: "Tuy năm nay quất hỏng nhiều nhưng tôi cũng không thể tăng giá được. Vụ năm ngoái tôi còn lãi được vài chục triệu chứ năm nay chắc phải bù rồi! Thời buổi khó khăn thế này nhu cầu chơi đào, quất của người dân cũng không còn được như xưa nữa. Thôi thì được chút nào hay chút ấy!".

Quang Anh - Ngọc Anh

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có nhiều khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ. Một trong những khoảnh khắc đó đã mang đến sự may mắn cho họ như định mệnh và nên duyên vợ chồng hạnh phúc viên mãn cả cuộc đời. Riêng tình yêu của tôi với nhà giáo, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, cũng xuất phát từ khoảnh khắc đẹp như vậy.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva ngày 14/11 (giờ địa phương) tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Nga.

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文