Lạm dụng quảng cáo trên phim truyền hình: Thô thiển và phản cảm

13:42 18/06/2018
Không chỉ là những slot quảng cáo sau mỗi đoạn phim, quảng cáo trên phim truyền hình bây giờ còn lấn sân vào từng tình tiết, lời thoại. Tài trợ phim truyền hình là một xu thế tất yếu, nhưng điều khán giả cần là hãy tài trợ một cách có văn hóa.


Quảng cáo trực diện "đổ bộ" phim truyền hình

Trước đây, quảng cáo trên phim truyền hình khiến khán giả khó chịu khi mỗi tập phim chỉ có 30 phút nhưng thời lượng quảng chiếm đến 15 phút, liên tục và dày đặc xen giữa các đoạn phim.

Xem phim 10 phút thì có đến 1, 2 phút quảng cáo. Hiện nay, phim truyền hình vẫn duy trì cách quảng cáo truyền thống đó. Nhưng mặt khác, nhiều hình thức quảng cáo mới đang được tận dụng tối đa trong các bộ phim truyền hình hot, hit hiện nay.

Quảng cáo lộ liễu trong “Tình khúc bạch dương”.

Quảng cáo được lồng ghép ngay trong lời thoại, thậm chí một vài phân cảnh trong phim, trực diện bằng sản phẩm. Vì thế, ngoài lợi nhuận từ việc quảng cáo khung giờ vàng, VTV còn thu lợi nhuận không nhỏ từ các nhãn hàng.

Nắm bắt thị hiếu khán giả, độ phủ sóng của phim truyền hình trong thời gian gần đây, các nhãn hàng không tiếc tiền đổ quảng cáo vào phim truyền hình. Quảng cáo được thực hiện trực tiếp ngay trong lời thoại và cảnh quay.

Ví như một nhãn hàng thời trang dành cho nữ giới đồng hành cùng series phim truyền hình như “Tuổi thanh xuân”, “Cả một đời ân oán”, “Tình khúc bạch dương” và nghiễm nhiên, showroom, quần áo cùng với nhãn mác của họ liên tục xuất hiện trong phim.

Hay một công ty bất động sản tài trợ cũng vậy, thương hiệu, thậm chí nhà cửa, khuôn viên của dự án này đều được đưa vào phim một cách lộ liễu. Hai năm trước, phần 2 của “Tuổi thanh xuân” cũng đã có quảng cáo cho một thương hiệu bánh. Nhưng thời lượng và mức độ rất vừa phải nếu không nói là “thua xa” mức quảng cáo của “Tình khúc bạch dương”.

Tuy nhiên, câu chuyện chi phí và lợi nhuận luôn là một bài toán đau đầu. Nhà sản xuất đang tận dụng tối đa các nguồn quảng cáo để thu lợi. Còn nhớ ở thời điểm hot nhất của phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”, mỗi phút quảng cáo nhà đài thu về 360 triệu đồng.

Vị chi, 10 phút quảng cáo họ đã có 3.6 tỷ. “Nhưng chi phí sản xuất rất lớn, nếu kèm theo quảng cáo banner chạy trong phim thì may ra mới đủ”- một nhà sản xuất cho biết.

Vậy bao nhiêu cho đủ. Và để chạy theo con số “bao nhiêu” ấy, rất nhiều bộ phim truyền hình đã không ngại ngần đưa quảng cáo vào phim một cách lộ liễu, thiếu tôn trọng khán giả.

Một cảnh nhằm quảng cáo trong Người phán xử tiền truyện.

Ví dụ điển hình là “Tình khúc bạch dương” đang phát sóng trên VTV1, trong ít nhất 3 tập phim, tên ngân hàng và tên một công ty bất động sản được nhắc đi nhắc lại trong lời thoại của phim. Thậm chí, nhiều cảnh quay cận logo, trụ sở, các dịch vụ của doanh nghiệp cũng được quay cận cảnh.

Một khán giả đã phản ứng với phim “Tình khúc bạch dương”: “Tại sao lại quảng cáo lộ liễu cho một ngân hàng hết cảnh này đến cảnh khác, hết tập này đến tập khác. Có những đoạn còn quảng cáo trực diện khi nhân vật quay ngay tại ngân hàng mà không ăn nhập gì với nội dung phim. Phim vốn hay nhưng những tập gần đây xem rất chán vì PR thô thiển. Xem nhiều tình huống là biết phim cố tình định hướng, cách quảng cáo như thế rất gây phản cảm”.

Mới đây, phim “Người phán xử tiền truyện” là bộ phim online đẩy mạnh quảng cáo đến mức nhiều khán giả phàn nàn là “lộ liễu”. Nhiều người cho rằng, nên gọi phim này là “Người quảng cáo”.

Cả 4 tập phim đều quảng bá, giới thiệu cho doanh nghiệp. Riêng tập 2 chỉ có 20 phút nhưng thời gian quảng cáo là 4 phút, chiếm 1/5 thời lượng phim. Hình thức quảng cáo chủ yếu bằng lời thoại và các cảnh quay, ngoài ra lôgô của thương hiệu vui chơi, giải trí còn chạy ở góc màn hình suốt thời gian dài của bộ phim. Xem phim, khán giả ức chế vì họ có cảm giác như đang xem quảng cáo trá hình chứ không phải đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.

Nhìn chung, các phim truyền hình thu hút sự chú ý của khán giả hiện nay đều “được” các nhãn hàng đầu tư. Và đôi khi, câu chuyện tài trợ đã biến thành câu chuyện kinh doanh, PR một cách lộ liễu, phản cảm.

Lạm dụng quảng cáo - phi văn hóa

Thực tế, việc các nhãn hàng tài trợ cho phim ảnh là điều bình thường. Bởi ai cũng hiểu, chi phí cho một bộ phim truyền hình dài tập rất lớn, không thể chỉ dựa vào túi tiền của một tổ chức hay cá nhân nào. Xã hội hóa là một hướng đi đúng.

Và cú bắt tay giữa các doanh nghiệp và phim truyền hình là một xu hướng tất yếu đem lại lợi ích cho cả hai bên. Nhưng quảng cáo như thế nào để đảm bảo không bị lố, thể hiện sự tôn trọng đối với khán giả vì họ đang thưởng thức một sản phẩm văn hóa, đó là một câu chuyện đáng bàn.

Một cảnh trong “Tình khúc bạch dương” quảng cáo lộ liễu.

Ở các nước điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc hay cả những nền điện ảnh lớn Mỹ, việc quảng cáo trên phim truyền hình trở thành một nguồn lợi nhuận lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.

Thu hút quảng cáo cũng là cách buộc phim truyền hình phải nâng cao chất lượng. Rõ ràng, phim hay, kịch bản tốt, nhiều khán giả, dự trù lượng rating cao thì mới hút được quảng cáo.

Nhưng ở họ, quảng cáo trên phim truyền hình đã trở thành công nghệ. Trong các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, ôtô và smartphone xuất hiện dày đặc. Thậm chí có những diễn viên, trong cả series phim chỉ dùng một chiếc điện thoại của một hãng duy nhất hay đi một xe ôtô duy nhất của hãng Hàn Quốc.

Và diễn viên đó trở thành đại diện thương hiệu cho điện thoại hoặc xe ôtô đó ngoài đời. Nhiều khán giả săn tìm, muốn sở hữu chiếc xe hay điện thoại cho giống người nổi tiếng. Đó là một chiêu “liên kết hoàn hảo” để bán sản phẩm của phim Hàn. Quảng cáo của họ nằm trong một chiến lược quảng bá cho hàng nội địa của họ và không quá lộ liễu.

Còn ở ta, việc thu hút quảng cáo của phim truyền hình cho thấy chất lượng phim đã được cải thiện đáng kể sau nhiều năm khán giả nói không với phim Việt và chỉ xem phim Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Quảng cáo là điều tất yếu, khán giả cũng không quá xa lạ với quảng cáo.

Thế nhưng, liên tục các bộ phim bị người xem phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Nhiều khán giả cho rằng, phim truyền hình quảng cáo còn lộ liễu và phản cảm. Nhiều nội dung quảng cáo gượng ép, không ăn nhập gì mấy với câu chuyện của phim. Điều này ngược lại, sẽ dẫn đến chất lượng phim sa sút.

Và tất nhiên, khán giả sẽ quay lưng với phim truyền hình nếu tình trạng này không cải thiện. Khán giả bây giờ là những người thông minh, họ không dễ bị lừa. Và tâm thế của họ là đang thưởng thức một sản phẩm văn hóa chứ không phải đang xem một slot quảng cáo sản phẩm.

Vì thế, việc đưa quảng cáo vào lời thoại hay cảnh phim cần được biên tập, cân nhắc kỹ để làm sao có sự hòa nhập nhất định.

Câu chuyện cân bằng giữa lợi nhuận thu được từ quảng cáo với cách thức quảng cáo là điều cần bàn. Đạo diễn Mai Thanh Hải, Giám đốc VFC cho  rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến quảng cáo gây phản cảm hiện nay.

Quảng cáo bánh mì bị chê lộ liễu ở “Tuổi thanh xuân 2”.

Trong đó, ông nhấn mạnh yếu tố khách hàng. “Nhiều nhà tài trợ chưa hiểu rõ đặc thù của phim truyện nên đưa ra một số đòi hỏi, yêu cầu không hợp lý. Họ cho rằng, họ là người bỏ tiền nên có quyền đưa ra những yêu sách, sản phẩm của họ phải xuất hiện nhiều lần nhất có thể”.

Tuy nhiên, nếu phía nhà sản xuất không thỏa hiệp mà họ ưu tiên nội dung, chất lượng phim và có những nguyên tắc chặt chẽ trong việc hợp tác thì chắc chắn không để xảy ra những câu chuyện phản cảm như trên. Tài trợ cho một sản phẩm văn hóa phải được thực hiện một cách có văn hóa.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, chúng ta cần nâng cao tay nghề của đội ngũ biên tập viên, phải học tập cách làm của các nước tiên tiến, phát triển quảng cáo thành một công nghệ để đưa quảng cáo vào phim một cách nhuần nhuyễn, tinh tế hơn.

“Khán giả cần phải quen với việc phim truyền hình có nhà tài trợ đồng hành. Vấn đề ở chỗ là chúng ta, nhà sản xuất chưa làm tròn vai trò của mình trong việc biên tập, đưa các yêu cầu của nhà tài trợ vào phim một cách mượt mà, tự nhiên hơn. Không nên đặt câu chuyện lợi nhuận lên hàng đầu dù hiện nay, việc sản xuất một bộ phim rất tốn kém và chúng ta cần sự đồng hành của các nhà tài trợ.

Đừng biến phim truyền hình trở thành phim quảng cáo, sẽ gây phản cảm cho khán giả và họ sẽ quay lưng lại với phim truyền hình Việt. Hai năm qua chúng ta đã chật vật kéo khán giả quay trở lại với phim truyền hình Việt, chúng ta phải biết giữ chân họ bằng chính những sản phẩm văn hóa sạch. Và nếu làm “phim sạch” sẽ hứa hẹn một “phim tốt” và nhà đầu tư sẽ “giàu hơn” nhiều lần bởi doanh thu từ “phim sạch”.

Lan Tường

Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú: khu phố 8, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Càng về dịp cuối năm tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hải Phòng, đi kèm với tình trạng trên là hàng loạt những vụ nổ gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí là thảm khốc…

Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra từ ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil, đã khép lại với một bản tuyên bố chung chứa đựng nhiều cam kết quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không.

UBND tỉnh Thanh Hoá xử phạt Công ty TNHH Thương mại Song Dương (thôn Thanh Tiến, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vì để xảy ra vi phạm tại trang trại chăn nuôi quy mô 2.400 con heo nái theo công nghệ CP Thái Lan ở xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Phát huy hiệu quả hoạt động đối ngoại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Công an tỉnh Điện Biên với vai trò nòng cốt đã chủ động tham mưu, xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác đối ngoại phù hợp với điều kiện thực tiễn, đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT), xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng hợp tác phát triển.

Thực phẩm chức năng giả, hoặc hàng xách tay, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường, được quảng cáo trên mạng xã hội như “thần dược”, sai sự thật khiến người tiêu dùng bị đánh lừa. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều đối tượng còn sản xuất thực phẩm chức năng giả, đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhanh chóng của khách hàng nên đã cho chất cấm vào thực phẩm chức năng.

Thời gian gần đây, không ít đối tượng mang nhiều tiền án ở ngoại tỉnh đã dạt về Cố đô Huế để… “kiếm ăn”. Tuy nhiên, do bám sát địa bàn nên ngay sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã kịp thời triệt phá, bắt giữ “nóng” nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản….

Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn An Giang, ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt; trú thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để điểu tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đội tuyển Việt Nam luôn được đặt kỳ vọng cao ở mỗi lần tham dự AFF Cup. Chúng ta đã có 2 chức vô địch ở hai thời điểm, hoàn cảnh, vị thế khác nhau. Và bây giờ là một thử thách khác. Trong loạt bài viết giới thiệu các đội tuyển mới đây trên trang chủ giải bóng đá vô địch Đông Nam Á – AFF Cup (tên gọi mới ASEAN Cup) 2024, AFF bày tỏ kỳ vọng đội tuyển Việt Nam sẽ có phần thể hiện ấn tượng và giành được thành tích tốt.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và tỉnh Điện Biên về hội nhập quốc tế, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động, tích cực triển khai công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với Công an 6 tỉnh Bắc Lào và Công an tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trực tiếp là Cục Công an thành phố (TP) Phổ Nhĩ. Qua đó, ổn định tình hình ANTT, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở 4 huyện biên giới: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé.

Hỏi: Tôi được biết Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực thi hành. Xin Quý báo cho biết, tại khu vực Thanh Trì thì điều kiện và diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở có thay đổi gì không? (Bà Phạm Thị Hà, Thanh Trì, Hà Nội)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文