Tiếng kêu thương từ "bẫy" đa cấp: Những kẻ có tài "dỗ kiến"
Tai họa từ hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng là chuyện đã "cũ mèm" trong chục năm gần đây. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, hàng loạt "đế chế" lừa đảo như Tâm mặt trời; Cộng đồng Việt; MB24… đã bị các đơn vị công an cả nước bóc gỡ, xóa sổ. Hàng trăm nghìn người đã "khóc dở, mếu dở", khi bọn "chóp bu" ôm tiền "té" ra nước ngoài, hay "nhập kho, xộ khám"...
Lần theo địa chỉ trong đơn kêu cứu của nhiều người dân gửi báo CAND, giữa trưa nắng gắt chúng tôi có mặt tại trụ sở Chi nhánh Hà Nội của Công ty CPQT V.A ở quận Thanh Xuân. Một nữ tư vấn viên đón chúng tôi với cái nhìn dò xét, nhưng khi một hội viên giới thiệu đây là khách muốn tham gia đầu tư vào công ty, khuôn mặt ấy lập tức "giãn" ra. Những lời như có mật bắt đầu tuôn chảy, đưa người nghe bước dần vào mê cung với những lợi ích tưởng tượng. Nếu không từng hiểu sâu về thủ đoạn lừa gạt của các công ty đa cấp đã bị triệt phá như Tâm Mặt Trời, Cộng đồng Việt, MB 24… chắc hẳn chính chúng tôi cũng bị lung lay tư tưởng, trước sức hấp dẫn khó cưỡng của bức tranh giầu sang, nhàn hạ mà chị ta vẽ ra...
Làm "gà" để hiểu "cáo"
Suy đi tính lại, chúng tôi "những thanh niên nông thôn”, muốn đổi đời giầu nhanh mà nhàn hạ, để tiếp cận công ty kinh doanh đa cấp này. Vì nghĩ chỉ với bộ dạng xuềnh xoàng, cùng cách ăn nói ú ớ, ngờ nghệch kiểu "gà mờ", mới khiến những tư vấn viên ở đây trổ hết tài biện thuyết để lôi kéo chúng tôi tham gia cuộc chơi. Trước lúc đi, một anh cảnh báo: "chúng nói như dỗ, ngọt như mật, đến kiến cũng phải bò ra nghe. Cảnh giác kẻo chính các anh bị thuyết phục mà tham gia đầu tư rồi tiền mất, tật mang như chúng tôi".
Trụ sở chi nhánh công ty tọa lạc ở tầng 1 của một tòa chung cư. Khi chúng tôi đến nơi, đúng lúc một người đàn ông tóc bóng mượt chải hất sau, quần áo hàng hiệu thẳng ly… bệ vệ đi từ trong văn phòng ra chiếc xe ô tô đen trũi, láng coóng đỗ bên ngoài đường. Người cùng đi nói khẽ: "tay C… Phó tổng giám đốc chi nhánh miền Bắc đấy!".
Bộ dạng hào nhoáng, sang trọng của kẻ "lắm tiền nhiều của" rất phổ biến tại các công ty kinh doanh đa cấp. Hình ảnh ấy tôi thường gặp ở các buổi thuyết giảng trước cả nghìn người của dàn lãnh đạo công ty MB24, như Lê Văn Cường, Ngô Văn Huy, Nguyễn Tiến Minh… trước khi chúng bị bắt.
Dàn lãnh đạo công ty MB24 trước khi bị bắt. |
Bước vào trong văn phòng, đập vào mắt là la liệt những ảnh ban lãnh đạo công ty chụp chung với nhiều vị lãnh đạo cấp cao treo bốn xung quanh tường. Khi tôi tỏ ra thán phục và giơ máy điện thoại lên định chụp lại, thì tay vệ sỹ to lừng lững giơ tay ngăn cản, không giải thích nửa lời. Ơ hay? Ảnh photoshop ghép hình hay sao mà cấm chụp? - tôi thầm nghĩ. Chưa cần vào việc, chỉ quan sát cách bài trí của văn phòng, với điểm nhấn là loạt ảnh khổ to chụp chung với lãnh đạo cấp cao, chúng tôi hiểu "chiêu" này có tác dụng gây "sốc", để khách hàng phó thác niềm tin rồi theo lời dẫn dụ mà móc tiền đầu tư.
Tiếp chúng tôi là một phụ nữ béo ục ịch tên P. Chị ta nhìn những người mới đến với vẻ dò xét. Một bài test (kiểm tra) về nhân thân, hoàn cảnh gia đình bắt đầu. Chỉ khi người cùng đi (vốn là hội viên công ty) giới thiệu chúng tôi đang quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư theo các chương trình của công ty, thì chị ta mới mở lời nói về công ty với các dự án làm giầu đơn giản mà hiệu quả, những tiêu chí của một "Cuộc sống toàn diện" mà doanh nhân cần phải có. Miệng nói tay vẽ, một hình tròn được phác ra trên tờ giấy nháp, với ba đường kẻ thẳng qua tâm như cắt bánh, chia thành 6 múi được định danh, gồm: sự nghiệp, mối quan hệ, sức khỏe, gia đình, phát triển bản thân, tâm linh. Một mớ lý thuyết huyền ảo (như copy từ sách dạy làm giầu của Adam Khoo), được vị tư vấn viên này nhồi nhét vào đầu chúng tôi. Càng tỏ ra ú ớ, chị ta càng hăng say thuyết giảng. "Không cần vốn liếng, thời gian nhưng vẫn có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Kể cả khi thôi làm việc thì tiền vẫn chảy đều đều vào tài khoản…" - tiếng chị P ngọt lịm, khiến chúng tôi không khỏi hoang mang. Cuối cùng, chị vào việc chính là mời chúng tôi tham gia đầu tư vào dự án.
Theo đó, nếu khách bỏ tiền tham gia các mã đầu tư từ 1 - 15 đơn vị (mỗi đơn vị là 7 triệu đồng), sẽ trở thành hội viên của công ty và được trả các sản phẩm dinh dưỡng như acaibery, probiotic, 5HTP, Big…nhập khẩu từ Mỹ. Đồng thời, nếu làm nhà phân phối phát triển hệ thống tiêu thụ các sản phẩm này, sẽ được trả hoa hồng hậu hĩnh. Còn nếu tham gia gói đầu tư 105 triệu, thì hoa hồng "tỏa xuống" sẽ đảm bảo không cần làm việc mà vẫn dư dả vì các khoản lãi hàng tháng khá "tốt". Bên cạnh đó, hội viên được tham gia các khóa đào tạo hoàn thiện kỹ năng và nhiều đãi ngộ khác.
Cơ quan điều tra khám xét nhà đối tượng MB 24. |
Thấy tư liệu đã "hòm hòm", người hội viên đã dẫn đường cho chúng tôi bèn "trở mặt", hỏi chị tư vấn tại sao dù đã đầu tư 105 triệu đồng vào dự án "Cuộc sống toàn diện", nhưng nhiều tháng qua ông không nhận được đầy đủ sản phẩm, không nhận được tiền hoa hồng như công ty đã cam kết, sản phẩm công ty nói là nhập khẩu từ Mỹ về, sao không có mã số mã vạch, liệu có phải là hàng giả hay không. Tỏ ra không tin tưởng, ông đòi chấm dứt hợp đồng, trả lại hàng hóa và lấy lại khoản tiền đã đầu tư. Chị P. bỗng gay gắt, vùng vằng tuyên bố công ty không giải quyết việc trả tiền với những hợp đồng đã ký hơn 1 tháng, rồi chủ động kết thúc buổi tư vấn.
Trăm cái dại, tại cái tham
Tai họa từ hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng là chuyện đã "cũ mèm" trong chục năm gần đây. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, hàng loạt "đế chế" lừa đảo như Tâm mặt trời; Cộng đồng Việt; MB24… đã bị các đơn vị công an cả nước bóc gỡ, xóa sổ. Hàng trăm nghìn người đã "khóc dở, mếu dở", khi bọn "chóp bu" ôm tiền "té" ra nước ngoài, hay "nhập kho, xộ khám".
Hệ lụy nguy hiểm nhất của kinh doanh đa cấp biến tướng, là làm suy thoái đạo đức xã hội. Đó là khi chót "dính" vào kinh doanh đa cấp, để có hoa hồng từ phát triển mạng lưới, hay gỡ gạc khoản tiền đã đầu tư, những người đã tham gia không còn cách nào khác là dụ dỗ, rủ rê người thân trong gia đình, bạn bè cùng tham gia với mình. Hàng vạn câu chuyện buồn đã xảy ra ở mỗi gia đình Việt, khi con lừa cha, em lừa anh, cháu lừa ông, bạn bè lừa nhau.. bởi vòng xoáy đa cấp. Tình cảm con người thường không thắng được "ma lực" đồng tiền, đẩy con người ta tới chỗ cạn tình, cạn nghĩa. Rồi khi mạng "sập", những oán thù, xích mích vì mất tiền của…đã dẫn đến nhiều kết cục bi thương. Ít ai biết rằng, tiền hoa hồng được trả, chính là của người này móc túi người kia. Kẻ duy nhất có lợi là bọn cầm đầu doanh nghiệp. Khi thấy nguy cơ xuất hiện, chúng luôn nhanh chân "phắn" trước, để lại sự hoảng loạn vì mất của cho bao nhiêu con người.
Các đối tượng cầm đầu công ty MB24 tại phiên tòa. |
Trong đơn gửi tới báo CAND, các ông, bà Dương Thị Liên; Lê Hữu Vị; Quách Văn Chế; Hoàng Thị Thu Hà; Lê Thị Kim Dung; Hoàng Văn Mùi; Hoàng Thị Hiền… cho biết: vì tin lời hứa hẹn của cán bộ "tuyến trên", mỗi người đã bỏ ra 105 triệu đầu tư vào dự án "Cuộc sống toàn diện" của công ty V.A. Tuy nhiên, đã 3 tháng gần đây, họ không nhận được đủ sản phẩm, số tiền hoa hồng cam kết không thấy đâu, sản phẩm được trả thì không có mã vạch nghi hàng "lởm", lãnh đạo chi nhánh đùn đẩy không giải quyết bức xúc của họ. Điểm chung nhất của những người này khi quyết định tham gia đầu tư, đều là vì choáng ngợp trước mức hoa hồng "khủng" mà chị "tuyến trên" hứa hẹn. Họ đã bỏ ngoài tai những khuyên can, cảnh báo của người thân về tình trạng lừa đảo của các công ty kinh doanh đa cấp. Giờ thì mọi việc đang diễn ra đúng với những gì đã xảy ra với các hội viên công ty Tâm mặt trời hay Cộng đồng Việt, MB24 những năm trước đây.
Phá mô hình "Kim tự tháp"
Ngày 14/5/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014, thay thế cho Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thực hiện mô hình kim tự tháp; cấm việc bắt buộc người muốn tham gia bán hàng đa cấp (hội viên) phải đặt cọc, hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cấm doanh nghiệp yêu cầu hội viên phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào, để được quyền tham gia mạng lưới; cấm doanh nghiệp cho hội viên nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác, từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; cấm doanh nghiệp từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà hội viên có quyền hưởng; cấm doanh nghiệp không cam kết cho hội viên được trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp; cấm doanh nghiệp ngăn cản trở hội viên trả lại hàng hóa; cấm doanh nghiệp cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp...để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...
Nghị định này đã kịp thời bịt những "lỗ hổng" trong quản lý kinh doanh đa cấp bấy lâu nay, khắc phục được những nguyên nhân và điều kiện làm hoạt động này bị biến tướng thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như đã từng xảy ra nhức nhối trong xã hội thời gian gần đây.
Trở lại câu chuyện xảy ra tại công ty CPQT V.A. Nếu doanh nghiệp này tiếp tục từ chối yêu cầu của hội viên về việc chấm dứt hợp đồng, trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã đầu tư vào dự án "Cuộc sống toàn diện", thì hội viên có quyền trình báo đến các cơ quan pháp luật để xử lý sai phạm của công ty, theo quy định tại Điều 34, Nghị định 42/2014/NĐ-CP