Tiếp tục điều tra mở rộng vụ làm giả hàng loạt hồ sơ đối tượng chính sách
Những câu chuyện cười ra nước mắt
Khi mới 18 tuổi, ông Đỗ Khắc Thuận (77 tuổi) đã lên đường tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Khi ấy, thế hệ của ông coi thường sự sống và cái chết miễn sao đánh thắng giặc. Ông từng chứng kiến cả chục, cả trăm đồng đội hy sinh, họ đều là những người còn rất trẻ, chưa vợ con.
"Chiến tranh qua đi rồi nhưng hệ lụy của nó thật khủng khiếp. Như chúng tôi đây vẫn còn mang trong mình bao thương tật, rồi còn bao người vợ vẫn ngóng tin chồng, bao người mẹ già không nơi nương tựa" - ông Thuận tâm sự.
Những người lính trở về, hành trang của họ chỉ có chiếc ba lô cùng với bệnh tật, thương tích. Những cơn đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, chỉ với hai bàn tay trắng họ bắt đầu xây dựng cuộc sống.
"Thấy được những thiệt thòi của anh em chúng tôi, nhà nước có chế độ chính sách với người có công trong hoạt động kháng chiến. Mong muốn anh em cựu binh chúng tôi phần nào vượt qua khó khăn. Vậy mà những người thực sự thì bị gây khó dễ. Ở Nghĩa Hưng đã hình thành cả một đường dây làm giả hồ sơ đối tượng chính sách, chính vì điều này đã phát sinh những câu chuyện nực cười" - ông Trần Xuân Việt (68 tuổi), một cựu binh của xã Nghĩa Hưng chua chát.
Cựu binh xã Nghĩa Hưng bức xúc trình bày sự việc. |
Theo tìm hiểu, khi Nhà nước ban hành chủ trương chính sách cho những người vào Nam chiến đấu tại những nơi địch rải chất độc hóa học, được làm thủ tục hồ sơ khai báo giám định sức khỏe, xếp thành bệnh tật được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Khi làm hồ sơ phải chứng minh được có vào Nam chiến đấu, thì phải có huân chương giải phóng mới đủ điều kiện.
Khi ấy, những người làm chính sách của huyện Nghĩa Hưng là Đỗ văn T. - Trưởng ban Chính sách và Tạ Đức K. là trợ lý chính sách tung huân chương giải phóng ra bán để làm hồ sơ giả khắp các xã trong huyện.
Trong đó có xã Nghĩa Đồng. Giá cho mỗi chiếc huân, huy chương là 2,5 triệu đồng/chiếc. Khi ấy cán bộ chính sách phổ biến phải khai có con dị dạng, dị tật bẩm sinh mới làm được. Thế là những người đang lành lặn đã đi chụp ảnh đủ kiểu quái dị đánh lừa Nhà nước.
Nói về chuyện này, ông Đỗ Duy Hoàn (78 tuổi), một cựu binh xã Hoàng Nam chua chát nói: "Sau khi hoàn thành thủ tục cấp xã, hồ sơ được nộp lên Phòng LĐTB - XH. Kèm theo mỗi bộ hồ sơ là 20 triệu đồng là xong, chờ ngày lấy sổ lĩnh tiền. Những người vào Nam chiến đấu thực sự lẫn người không đi bộ đội, đảo ngũ đều một mức giá giống nhau".
Vậy là các hồ sơ được hợp thức hóa mức độ 41 - 61% chất độc da cam trong người. Điều đặc biệt, muốn mức độ cao hơn thì bỏ thêm tiền. Có đối tượng mua đến 2-3 chế độ thương binh, bệnh binh, chất độc hóa học.
Trong đó có những trường hợp mà các cựu binh này có thể chỉ mặt, gọi tên trước là thành phần đảo ngũ bị cưỡng chế lao động, bị phạt chạy quanh làng, quanh xã hô "ai cũng như chúng tôi thì mất nước".
Không những vậy, khi nhà nước ban hành chính sách với những người tham gia lực lượng thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường cũng được làm hồ sơ khai báo, giám định sức khỏe, xếp hạng thương tật, được hưởng trợ cấp hàng tháng và ưu đãi theo quy định nhà nước; có đối tượng cũng mang huy hiệu Trường Sơn, kỷ niệm chương vào từng nhà rao bán với giá 20 triệu đồng.
Chính vì điều này mà ở xã Nghĩa Đồng đã xảy ra những câu chuyện "cười ra nước mắt", như: Bố không được hưởng chế độ chất độc hóa học nhưng con được hưởng, như trường hợp của Đỗ Thị H. con ông Đỗ Văn U. hay trường hợp bố là Trần Binh M. con là Trần Đắc U.
Ông Đỗ văn T. không có bệnh, không thương tật nhưng lại là thương binh nặng, da cam nặng… và chỉ tính riêng xã Nghĩa Đồng có tới 25 trường hợp có dấu hiệu làm giả hồ sơ hưởng chính sách. Các cựu chiến binh ở đây cho rằng, những trường hợp nhập ngũ sau năm 1971 mà được xét da cam là không đúng. Vì năm 1961 - 1971, đế quốc Mỹ mới rải chất độc da cam.
Có những trường hợp đẻ con năm 1971, đến năm 1972 mới đi bộ đội bỏ tiền mua cho cả hai bố con được hưởng chế độ hóa học. Hoặc đi bộ đội 2 tháng đảo ngũ sau 10 năm được thương binh 47% thương tật.
Đặc biệt hơn, có trường hợp đi bộ đội ở Thái Bình sau 10 năm lại được hưởng chế độ bệnh binh và chất độc hóa học. Đóng quân ở Hà Nội, Thái Nguyên cũng có chế độ chất độc hóa học.
Ông Đỗ Duy Hoàn cho biết: "Huyện Nghĩa Hưng có 25 đơn vị hành chính (trong đó có 23 xã) thì xã nhiều tới vài trăm trường hợp, xã ít cũng phải 30-40 trường hợp. Nếu thanh, kiểm tra có thể lên đến trên 80% là giả. Cụ thể ở thôn Xa Hạ, xã Hoàng Nam có 9 người hưởng chế độ chất độc hóa học thì chỉ có 1 người vào Nam chiến đấu".
Sau những lá đơn tố giác của các cựu binh, họ đã bị các đối tượng đe dọa, hành hung. Ông Đỗ Khắc Thuận và Trần Xuân Việt cho biết: "Đối tượng là Đỗ Xuân T. đã viết "thông điệp" gửi chúng tôi đe dọa: Nếu em lên Sở và dừng cấp tiền như đợt 1 thì em sẽ chết trước nhà 2 anh với 1 lưỡi dao lá lúa…. Nếu Sở gọi em lên em sẽ rơi vào trường hợp như anh C. em không sợ mất. Nếu em lên Bộ... Bộ tối cao không giải quyết và ngâm để đấy em sẽ chết cùng với 2 anh. Không biết là ở nhà chôn 2 người 1 lỗ để chứng minh…".
Ông Hoàn tâm sự: "Chúng tôi là những người lính trong chiến tranh, không sợ khổ, không sợ hy sinh. Trở về với những thương tật nhưng vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống. Chứng kiến cảnh vàng thau lẫn lộn như vậy, chúng tôi như thắt từng khúc ruột. Nhiều người không dám nói, vì cho rằng đó là tiền của Nhà nước. Chúng tôi đau lòng lắm".
Sẽ tiếp tục điều tra mở rộng
Vì quá bức xúc trước những điều "cười ra nước mắt" trên quê hương, từ năm 2013, ông Đỗ Duy Hoàn (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương.
Trong đơn tố cáo ông đã chỉ ra 13 trường hợp trong xã giả mạo hồ sơ người có hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Sở LĐTB- XH tỉnh Nam Định đã tiến hành xác minh, kết luận. Theo đó đã đình chỉ và truy thu số tiền của 8 đối tượng đã hưởng sai quy định với số tiền 583.833.200 để hoàn nộp ngân sách Nhà nước.
Theo kết luận thì hồ sơ của 8 đối tượng này được lập, xét duyệt theo quy định tại Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26-7-2006 của Bộ LĐTB-XH.
Các đối tượng đã viết bản khai cá nhân khai nhận sai thời gian nhập ngũ, thời gian ở chiến trường, xuất ngũ nhưng vẫn được UBND xã Hoàng Nam xác nhận, trong đó gồm có: giấy xác nhận về tình trạng bệnh tật, khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật của người tham gia kháng chiến do Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Nam tự xác nhận con đẻ của 8 đối tượng này bị dị dạng, dị tật. Tuy nhiên, thực tế các con của 8 đối tượng này hoàn toàn khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, hàng loạt những chứng lý vùng miền, quyết định phục viên, huân chương, huy chương chiến sĩ giải phóng đều là giấy tờ không đúng với quy định của Nhà nước.
Công văn của Văn phòng cơ quan CSĐT gửi ông Hoàn. |
Các đối tượng gửi “thông điệp” đe dọa các cựu binh. |
Việc làm hồ sơ giả có sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ từ cấp xã lên tỉnh, gây thất thoát tiền Nhà nước có dấu hiệu của tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là ông Nguyễn Công Hoan - nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàng Nam là Chủ tịch hội đồng xét duyệt người hoạt động kháng chiến.
Ông Trần Văn Thuỳ - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách công tác LĐTB-XH. Ông Đinh Công Chiến - Cán bộ LĐTB-XH là người tiếp nhận kiểm tra, thẩm định hồ sơ cùng các cán bộ đại diện ban, ngành ở địa phương… trong hội đồng xét duyệt các hồ sơ giả mạo này.
Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Xuân Thanh - Đội trưởng (PC46) Công an tỉnh Nam Định được biết: "Sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân ở xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ.
Bước đầu đã xác định được 4 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Nguyễn Văn Chu (68 tuổi), Dương Công Ngọc (61 tuổi), Dương Minh Thoả (67 tuổi), Lê Minh Tuấn (67 tuổi) đề nghị truy tố theo khoản 2 điều 139/BLHS. Hai cán bộ địa phương là Nguyễn Công Hoan - nguyên Chủ tịch UBND xã, Đinh Công Chiến - nguyên cán bộ LĐTB-XH bị đề nghị truy tố theo điều 285/BLHS.
Nguyễn Vinh Quy dấu hiệu làm giả con dấu theo điều 276/BLHS. Ngày 13-5-2016, Công an tỉnh Nam Định đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố 7 đối tượng với các tội danh trên".
Thượng tá Thanh chia sẻ, do các đối tượng đều là những người có tuổi, vì lòng tham mà làm như vậy. Hơn nữa họ rất thành khẩn khai báo nên sau thời gian tạm giam, các đối tượng được tại ngoại.
Bên cạnh đó vụ việc vẫn đang được tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ đối với các đối tượng, trường hợp khác. Do phải đối chiếu nhiều tài liệu ở nhiều đơn vị khác nhau nên mất nhiều thời gian và khá phức tạp. Đó cũng là việc làm cần thiết nhằm tránh oan sai cho nhân dân nhưng cũng cương quyết không bỏ lọt tội phạm.