Tín dụng đen làm loạn vùng ven TP HCM
- Con nợ bị "siết cổ" vì tín dụng đen lãi suất 730%/ năm
- Bộ trưởng Tô Lâm: Chưa phát hiện trường hợp bảo kê liên quan đến “tín dụng đen”
1. Sự truy quét ráo riết của cơ quan chức năng khiến "tín dụng đen" phải dạt về các vùng ven TP HCM hoạt động. Tại đây, hàng loạt "con mồi" tiếp tục rơi vào bẫy vay lãi "cắt cổ".
Nhiều gia đình kiệt quệ vì lãi suất "nhảy múa" cao chót vót. Một ngày ở xóm ngụ cư "vườn rau" bên đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP HCM), chúng tôi xót xa khi phải nghe rất nhiều câu chuyện ai oán não nề của những thân phận trót dính vào "tín dụng đen".
Căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng và bà Lê Thị Thanh Nga cứ thông thốc khi gió lùa vào. Tài sản duy nhất là chiếc xe máy trị giá 25 triệu thì cách đây một tuần bị xiết nợ mang đi. Hai ông bà cố gắng van xin con xe làm phương tiện đi lại, chở rau, chở nước nhưng vẫn bị nhóm "xăm trổ vằn vện" lạnh lùng hất ra.
Ông Hùng cho biết, cách đây 3 tháng, do thiếu vốn trồng rau vụ mới nên ông đánh liều gọi điện thoại ghi trên tờ rơi vay 30 triệu đồng. Chỉ 30 phút sau, họ đã có mặt tại nhà của ông để xác minh tài sản và con người. Sau khi xem chứng minh thư và giấy tờ mua bán nhà, họ chốt hạ 30 triệu với lãi suất 20% nhưng không hiểu họ tính toán thế nào mà trừ béng đi 6 triệu, nói là lấy trước một tháng lãi.
Một góc nhỏ trên tường có hàng chục tờ rơi vay nhanh. |
Hết tháng đầu tiên, mới ngày mồng Một, hai thanh niên bặm trợn và một phụ nữ "xôi thịt" tới nhà ông Hùng thu lãi. Tháng thứ 2, họ tăng lên 7 triệu đồng chỉ bằng một tiếng hô của gã thanh niên. Bà Nga há hốc mồm kêu: "Trời ơi, sao kỳ vậy".
Tức thì, người phụ nữ chỉ mặt gằn giọng: "Tháng sau lên 8 triệu". Trong nhà chỉ còn vài trăm ngàn, ông Hùng xin khất ít bữa thì nhóm đòi nợ tuyên bố, mỗi ngày thêm 100 ngàn tiền lãi. Quá uất ức, ông Hùng đi vay mượn hàng xóm và những người quen thân, phải 3 ngày sau ông mới gom đủ 7 triệu 300 ngàn trả lãi.
Ông Hùng không thể ngờ, họ tự đưa ra luật lệ, tự ý tăng tiền lãi suất và dùng sức mạnh giang hồ để đòi nợ. Vợ chồng ông Hùng lo lắng, sợ hãi. Mỗi ngày trôi qua là một ngày gánh lãi nặng như búa tạ bổ vào đầu. Hai ông bà bàn nhau phải bán sớm lứa bí xanh, chịu thiệt một nửa. Tiền bán cả vườn bí chỉ được 20 triệu, góp nhặt tứ bề thêm 10 triệu nữa, vừa đủ 30 triệu trả tiền gốc.
Chưa hết tháng, ông Hùng gọi điện cho chủ nợ tới để thanh toán, ông nghĩ chắc bọn họ sẽ vui khi ông trả nợ trước hạn. Nhưng thật kỳ lạ, nhóm người hùng hổ chửi bới và đe dọa bắt ông bà không được trả nợ.
Ông Hùng gọi hai người hàng xóm sang chứng kiến, ông cũng dọa nếu cứ thế này thì ông sẽ kêu Công an tới giải quyết. Lúc này, bà chủ mới hạ giọng, nói sẽ chấp nhận nhưng ông Hùng phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng vay, chưa tới hạn đã trả tiền. Ngoài tiền gốc, vợ chồng ông Hùng phải trả đủ một tháng lãi, dù chưa hết tháng. Cộng với tiền phạt 5 triệu nữa. Tổng cộng 12 triệu.
Vợ chồng ông Hùng chết điếng người, cay đắng không nói nên lời. "Tiền không có thì chúng tôi lấy tạm chiếc xe này. Khi nào có thì tới chuộc và phải chịu lãi suất...", giọng người phụ nữ đốp chát.
Nghe tới lãi suất, bà Nga, ông Hùng lại ớn lạnh. Hai gã thanh niên hùng hục lao vào giật chiếc xe máy của vợ chồng ông Hùng, họ vứt lại cho ông bà một tờ giấy biên nhận đã cầm cố xe trị giá 12 triệu.
Kể về bi kịch vay nợ, ông Hùng vẫn chưa hết ám ảnh. Còn bà Nga thì bần thần, mất ăn mất ngủ cả tuần nay vì tiếc của. Ông Hùng cho biết, sẽ bỏ chiếc xe máy vì nếu tới chuộc chắc chắn sẽ phải gánh một khoản lãi không nhỏ.
Dính vào "tín dụng đen" chẳng khác nào đeo gông vào cổ, lúc nào cũng nặng trĩu âu lo, sợ hãi. Biết là thế, nhưng nhiều người vẫn lao vào bởi họ không còn sự lựa chọn nào khác.
Bà Năm Hồng, làm nghề bán nước ven quốc lộ 50 (Bình Chánh) không giấu được sự khổ sở trên khuôn mặt. 65 tuổi, bà vẫn phải bươn chải, dãi nắng dầm mưa quanh năm kiếm tiền nuôi hai đứa cháu ngoại, bị cha bỏ rơi. Hàng nước của bà ngày no ngày đói nên phải giật gấu vá vai suốt.
Hai đứa cháu chuẩn bị vào năm học mới, bà cắn răng đi vay nóng 5 triệu mua quần áo, sách vở. Chủ cho vay biết quá rõ về hoàn cảnh của bà nên tiến hành thủ tục rất nhanh, không cần xem chứng minh thư. Họ cho rằng, bà có chạy lên trời cũng không thoát được một khi có ý định xù nợ.
5 triệu đồng, người ta cho bà đóng lãi ngày theo kiểu trả góp cả vốn lẫn lãi. Đó được xem như đặc ân dành cho bà già khốn khổ này. Mỗi ngày, bà phải đóng 100 ngàn đồng, trong đó một nửa là tiền lãi, còn một nửa tiền gốc. Bà phải đóng liên tục trong vòng ba tháng rưỡi thì mới hết nợ.
"Nếu người bình thường nhìn vào thấy 100 ngàn đồng là quá nhỏ, không phải vấn đề khó khăn nhưng thật ra, tôi phải đóng lãi 100%. Tôi trả hết 5 triệu thì cũng phải đóng thêm 5 triệu tiền lãi nữa", bà Năm Hồng đau khổ kể.
Một ngày bán nước của bà trung bình chỉ được một trăm năm mươi ngàn. Sau khi đóng tiền góp, bà còn 50 ngàn, ba bà cháu phải chắt bóp, dè xẻn chi tiêu. Bà Hồng mới trả nợ được một tháng, còn hơn 2 tháng nữa mới hoàn thành. Cứ 5 giờ chiều, có hai thanh niên phi xe máy đỗ xịch trước quán nước của bà Hồng. Không cần nói gì, bà Hồng biết ý móc túi lấy 100 ngàn đưa. Quy trình vay trả lặp đi lặp lại như vậy.
Ở những khu dân cư vùng ven này, người dân buôn bán nhỏ lẻ nên luôn cần tiền để xoay xở và "tín dụng đen" có đất sống rất màu mỡ. Họ chỉ cho vay trong khung từ 5 đến 50 triệu nên việc đòi nợ rất dễ dàng. Dân tình hiền lành, chất phác, hễ vay là cun cút lo trả, thi thoảng mới có vụ "trầy cố" dẫn đến ẩu đả.
Bà Năm Hồng kể, cách đây vài ngày, vợ chồng anh Ba Tân bán cá ở vỉa hè do cự cãi việc lãi suất nhảy múa đã bị hai thanh niên túm cổ đấm cho tím mắt. Vợ anh phải khóc lóc van xin, trả đủ tiền chúng mới chịu bỏ qua. Chưa hết, chúng ra hẹn cho anh Tân trong vòng 10 ngày phải trả tiền cả gốc lẫn lãi, thiếu một xu sẽ "ăn quà" ngay.
"Tín dụng đen" đánh vào cuộc sống khó khăn của công nhân. |
2. Hiện nay, tờ rơi quảng cáo vay tiền nhanh dán kín các cột điện và bờ tường ở khắp nơi. Lớp này cũ, chữ mờ, ngay lập tức có lớp khác mới toanh, chữ to rõ đẹp được dán chồng lên. Chỉ một khoảnh tường nhỏ, chúng tôi đếm sơ qua cũng có tới gần 30 tờ rơi quảng cáo.
Chúng tôi gọi điện theo số liên lạc trên tờ rơi hỏi về việc vay tiền, một giọng nam nhẹ nhàng bắt máy hỏi ngay: "Giờ em đang ở đâu, cho địa chỉ anh tới". Vừa nghe chúng tôi hỏi về thủ tục, anh này cắt ngang: "Nhanh thôi! Anh tới xem chứng minh thư xong là được vay ngay".
Với cách "chào hàng" rất ngọt ngào, dễ dãi như vậy nên nhiều "con mồi" bập vào là "dính bẫy" ngay. Họ luôn biết cách và có cách (luật rừng) khiến người vay phải cung cúc trả nợ một cách sòng phẳng cả gốc lẫn lãi. Chỉ trừ trường hợp bị bắt đi tù hoặc trốn sang nước ngoài thì họ mới không đòi được.
Khu nhà trọ công nhân, "tín dụng đen" thường tiếp cận. |
Khu vực quanh khu công nghiệp Bon Chen (Bình Chánh) còn có cả một đội ngũ túc trực ngay cổng phát tận tay cho công nhân vào giờ tan ca. Những dãy nhà trọ cũng được phủ kín tờ rơi "vay nhanh, vay nóng, vay không cần thế chấp". Đời công nhân, ráo mồ hôi là hết tiền, chỉ trông chờ vào đồng lương cuối tháng nên không ít người phải đi "vay nóng", chấp nhận kiểu "bóc lột" công khai của "tín dụng đen".
Chị Nguyễn Thị Tâm, (32 tuổi, công nhân may) dở khóc dở mếu kể: "Tuần trước chồng vào viện cấp cứu, tôi không thể xoay xở được 10 triệu đồng nên phải gọi điện vay nhanh trên quảng cáo của tờ rơi. Họ có mặt ngay ghi tên tuổi và công ty của hai vợ chồng rồi giữ một bản chứng minh nhân dân phô tô. Tôi vay một tháng phải đóng 3 triệu tiền lãi, số tiền này bị trừ vào tiền gốc luôn. Tôi chỉ được cầm 7 triệu".
Chị Tâm cho biết, ở khu công nhân cứ cuối tuần là người cho vay dập dìu lượn lờ ở các con hẻm, quán cà phê cóc sẵn sàng "giải ngân" ngay khi có ai gọi điện. Vay nhanh, trả nhanh, lãi suất cao nhưng nhiều người vẫn không thể dứt ra được chiếc gông cùm của "tín dụng đen".
Hiện nay, một số công đoàn công ty đã liên kết với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ công nhân vay vốn an toàn nhưng thủ tục xét duyệt lại khắt khe, rườm rà nên công nhân không mặn mà với phương thức này. Vì vậy, "tín dụng đen" dù đã bị ngăn chặn quyết liệt nhưng vẫn tồn tại, phát triển dưới nhiều hình thức, hay nói đúng bản chất thì "còn cầu là còn cung".