Trải lòng của người lao động Việt giữa tâm dịch Hàn Quốc

14:28 29/02/2020
Hoang mang, lo lắng, việc làm ngày càng ít là tình trạng chung của rất nhiều lao động người Việt đang sống tại Hàn Quốc trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID -19. Tuy nhiên Chính phủ đã nhanh chóng có những chỉ đạo để ổn định tâm lý, đảm bảo quyền lợi, đặc biệt là an toàn với người Việt ở Hàn Quốc.


Sợ nhưng được trở về nước cũng phải tính toán kỹ

Sống đúng giữa tâm dịch là thành phố Deagu, anh Lê Phúc Lâm (Thanh Oai, Hà Nội), một lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, không khí căng thẳng, lo lắng bao trùm lên tất cả người Việt Nam đang sinh sống và lao động tại đây. Anh Lâm là một người đã có tới 9 năm lao động ở xứ Kim Chi, chịu đựng không ít những sự vất vả, rồi nhớ nhà nhưng chưa khi nào trải qua cảm giác hoảng loạn như hiện nay. "Nơi chúng tôi làm việc chính là tâm dịch, khoảng hơn nửa tháng nay chúng tôi không dám ra khỏi công ty" - Anh Lâm lo lắng.

Những người bạn cùng phòng với anh Lâm tự nấu ăn vì sợ ra ngoài.

Hiện anh Lâm ăn ở ngay tại công ty, phòng của anh có 7 người Việt Nam, gồm 3 người Nghệ An, 2 người Quảng Ninh, 1 người Quảng Ngãi. Chính vì sợ dịch bệnh bùng phát và kéo dài nên họ đã quyết định tích trữ đồ ăn. Thức ăn đã được họ tích đầy tủ lạnh, mua thêm 100 quả trứng và 1 tạ gạo để ở phòng. Theo như anh Lâm, với số lượng thực phẩm đó chỉ đủ cho 7 người ăn trong 1 tháng.

Cũng theo lời anh Lâm chia sẻ thì từ khi xảy ra dịch đến nay, thu nhập của những công nhân như anh đã bị giảm tới quá nửa. Bởi lẽ, công ty anh Lâm làm là về cơ khí, do nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc và sau khi thành phẩm cũng xuất sang Trung Quốc. Nếu như trước đó anh cùng đồng nghiệp của mình thường làm ít nhất là 8 tiếng giờ hành chính và sau đó tăng ca thì nay anh chỉ phải làm 6-7 tiếng. Từ khi bùng phát dịch đến nay, công ty đã ra lệnh cấm công nhân không được đi lang thang ngoài đường, không được đến các bến xe bus hay các bến tàu điện ngầm.

Hàn Quốc cũng lâm vào tình trạng "cháy" khẩu trang. Dù không bị đẩy giá và được Nhà nước hỗ trợ giá tới 95% nhưng để mua được khẩu trang là điều gần như là không thể. Anh Lâm chia sẻ: "Hơn 1 tuần trước cách chỗ công ty tôi làm khoảng 3km người ta cũng phát khẩu trang miễn phí nhưng chẳng ai trong công ty tôi dám đến vì sợ nhiễm virus".

Lo lắng cho tình trạng nguy cấp nơi con em mình đang phải đối mặt, người thân của anh Lâm và các đồng nghiệp ở quê nhà thường xuyên gọi điện thăm hỏi và khuyên họ trở về. Tuy nhiên khi được hỏi nếu Chính phủ Việt Nam cho máy bay sang đón thì những người xuất khẩu lao động như anh có đồng ý về không thì anh Lâm cho biết: "Nguy hiểm thì ai cũng sợ nhưng nếu thực sự phải lựa chọn thì chúng tôi sẽ phải tính toán rất kỹ. Bởi lẽ nếu bây giờ về chúng tôi sẽ mất rất nhiều. Đó là tiền lương tháng thứ 13 suốt 5 năm nay của tôi mà công ty đang giữ. Nếu tính ra nó vào khoảng 200 triệu, ngoài ra còn tiền tự ý phá bỏ hợp đồng cũng khoảng 100 triệu nữa".

Cùng tâm trạng với anh Lâm, Chị Nguyễn Thị Nhân (Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng đang mang trong mình một tâm trạng nặng trĩu. Chị chia sẻ, từ khi có dịch Covid - 19 bùng phát tại TP Daegu và lan ra nhiều nơi, nhà máy nơi chị làm việc đã thực hiện các biện pháp cách ly đặc biệt để ngăn ngừa dịch bệnh phát tán. Bếp ăn được giám sát nghiêm ngặt, đầu bếp cách ly hoàn toàn với người lao động.

Chỗ ở thay vì 2 -3 người/ phòng được tách ra riêng biệt để hạn chế tiếp xúc. "Thường ngày đường phố, các trung tâm thương mại đông đúc thì nay vắng hoe. Đường phố về đêm càng vắng bóng người hơn. Lo lắng nhất hiện nay là tình trạng khan hiếm khẩu trang tại nơi chúng tôi sinh sống, chật vật lắm mới mua được để bảo vệ sức khỏe bản thân lúc này" - chị Nhân nói.

Không chỉ những người lao động tại tâm dịch Daegu lo lắng, sợ hãi mà  cuộc sống những người ở thành phố khác của Hàn Quốc cũng thay đổi. Anh Nguyễn Bá Lực (Thanh Oai, Hà Nội), lao động người Việt Nam tại tỉnh Chang Won biết: "Cách đây 2 ngày, công ty bên cạnh tôi có một người bị sốt, ngay sau đó cơ quan y tế đã đến đưa người này đi cách ly. Toàn bộ công nhân ở công ty đó đã đình công vì sợ hãi. Còn công ty của tôi vẫn làm việc bình thường".

Tuy nhiên, theo như anh Lực thì công ty của anh sản xuất các bộ phận của máy xúc, máy ủi, nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Vì thế chỉ một thời gian ngắn nữa là hết nguyên liệu và phải nghỉ việc. Công ty của anh Lực có đến 150 người Việt Nam lao động, ai nấy cũng mang tâm trang hoang mang vì dịch bệnh ngày càng lan rộng trên đất Hàn Quốc.

"Bọn em đã mua đầy đủ thịt, cá và gạo để tích trữ rồi. Mọi khi bọn em vẫn ăn cơm ở nhà bếp thế nhưng gần đây không người ngoại quốc nào dám ăn. Đến bữa là về phòng tự nấu nướng, mấy anh em ăn. Đi làm về đến phòng là đóng kín cửa. Chỉ cần nghe thấy một tiếng ho ngoài hành lang là mọi người lại run lên vì sợ. Tại vì bọn em đã được thông báo, gần khu em ở có 2 người Hàn Quốc dính virus rồi".

Theo như anh Lực, công ty anh làm cũng đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn để ngăn chặn dịch lây lan. Hàng ngày, trước khi vào xưởng làm tất cả đều được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay. Mỗi người được cấp cho 5 khẩu trang y tế dùng dần, nước rửa tay được đặt khắp nơi. Mỗi giờ điện thoại lại có tin nhắn từ cơ quan y tế thông báo, cảnh báo về tình hình dịch.

"Thực sự là anh em đều rất sợ hãi, hôm nay đã có 2 người cắt hợp đồng để về Việt Nam. Một số đang nghe ngóng tình hình, nếu có hiện tượng là phải về ngay. Bản thân em mà thấy có 1 người ở công ty bị nhiễm Covid -19 là em cũng xin về. Cơ bản đây không phải là tâm dịch nên vẫn có thể về và thực hiện cách ly. Còn ở đúng tâm dịch thì muốn cũng không về được"- Anh Lực cho biết thêm.

Đừng ngại đến bệnh viện

Mới đây Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) - Bộ LĐ - TB&XH thống kê, hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Đặc biệt hơn tại hai vùng dịch là thành phố Deagu và tỉnh Gyeonbuk có tới hơn 4.000 người.

Đường phố tại TP Daegu hiện trong tình trạng vắng vẻ.

Trong đó, có hơn 1.000 người đang ở thành phố Daegu - nơi được coi là tâm dịch COVID-19 của Hàn Quốc, và trên 3.000 lao động đang làm việc tại tỉnh Gyeongbuk. Ngoài ra còn có trên 11.000 lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên tính cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp người Việt Nam nào tại Hàn Quốc nhiễm Covid - 19.

Nhận thấy diễn biến dịch Covid -19 ngày càng phức tạp, Dolab đã có những động thái rất quyết liệt. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã thiết lập đường dây nóng là số: 010 - 3248 - 6686 của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để hỗ trợ. Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB), Bộ LĐ-TB&XH cho biết tất cả lao động Việt Nam ở nước ngoài đều có thể tải và cài đặt ứng dụng COLAB SOS trên điện thoại để nắm thông tin về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng chống, kênh hỗ trợ.

Đặc biệt, trên 40.000 lao động do COLAB quản lý đang làm việc tại các quốc gia trên đã được cấp mã số có thể đăng nhập vào COLAB SOS để gửi lời yêu cầu hỗ trợ, và được tiếp nhận xử lý 24/24 giờ.

Bà Phạm Thị Lan, Phó giám đốc COLAB, cho biết từ năm 2019 đơn vị này đã triển khai sử dụng ứng dụng kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài (COLAB SOS). 

"Tất cả mọi người đều có thể tải và cài ứng dụng này. Tuy nhiên, đến lúc này chỉ có trên 40.000 lao động do COLAB đưa đi làm việc tại Hàn Quốc (36.000 người), Nhật Bản (4.000 người), Đức, Đài Loan (khoảng 1.000 người) có mã số ID để đăng nhập vào hệ thống, gửi bài viết cũng như gửi yêu cầu hỗ trợ thông tin..." - bà Lan cho biết. Đối với người lao động chưa có dữ liệu cá nhân có thể tải và cài đặt ứng dụng này để theo dõi thông tin, cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như các hướng dẫn về cách phòng chống dịch bệnh.

"COLAB sẽ trực 24/24h để tiếp nhận thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường.

Trong trường hợp cần thiết, nếu được Bộ LĐ-TB&XH cho phép và điều kiện nhân lực đảm bảo, COLAB sẵn sàng mở rộng ứng dụng để không chỉ hơn 40.000 lao động của mình có thể sử dụng, mà tất cả lao động người Việt ở các thị trường trên đều có thể vào ứng dụng để yêu cầu hỗ trợ" - bà Lan cho biết thêm.

Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản kết luận ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong cuộc họp với các đơn vị trực thuộc để triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với người lao động Việt Nam tại các quốc gia có dịch.

Trong văn bản gửi đi lúc tối muộn, Bộ yêu cầu doanh nghiệp trong nước rà soát, nắm chắc tình hình lao động và phối hợp với các địa phương để kiểm soát chặt chẽ lao động qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới. Đối với lao động Việt Nam ở Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc), Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo người lao động yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết. Việc này nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo đó, các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc đưa lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Các doanh nghiệp không chấp hành sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện, Ban Quản lý lao động ngoài nước vẫn phải duy trì các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại. Đối với những lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng, về trước thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác thì đơn vị sẽ thực hiện việc tiếp nhận và cách ly y tế, giám sát theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Phong Anh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文