Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình - Nơi ươm mầm thiện
Chúng tôi có dịp công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình vào thời điểm toàn lực lượng CAND nô nức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống CAND. Không khí làm việc trở nên náo nhiệt, tấp nập hơn, mọi người cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và chăm lo cho đời sống phạm nhân để tất cả được hưởng ngày vui trọn vẹn. Trại tạm giam, nơi ươm mầm thiện đã thức tỉnh biết bao tâm hồn, giúp người lầm lỗi tìm lại chính mình, trở thành người có ích cho xã hội.
1. Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình án ngữ tại tuyến đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Với đặc thù là nơi quản lý, giam giữ các can phạm nhân từ đủ các thành phần trong xã hội, Trại tạm giam là môi trường đầy rẫy khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, cám dỗ. Nếu cán bộ quản giáo không có bản lĩnh vững vàng, có thể bị chính phạm nhân dụ dỗ, mua chuộc.
Dù mới về công tác tại đơn vị chưa lâu, Đại tá Bùi Hải Đường, Giám thị Trại tạm giam chưa hết ngỡ ngàng bởi tính chất phức tạp ở môi trường giam giữ. Đại tá Đường chia sẻ: Đây là lĩnh vực công tác mới đầy nguy hiểm, cám dỗ, đòi hỏi cán bộ quản giáo phải có bản lĩnh vững vàng, một ý chí thép. Một nguyên nhân khách quan là hiện nay, số lượng tử tù chờ thi hành án khá cao. Sức chứa nhà tạm giam có hạn, cán bộ quản giáo còn mỏng, do vậy việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Trước đây chính tại trại tạm giam này, đã có một số cán bộ mắc sai lầm, bị phạm nhân dụ dỗ dẫn tới vi phạm pháp luật, nên Ban Giám thị Trại tạm giam xác định, việc đầu tiên phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản giáo tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, kiên định thì mới đáp ứng yêu cầu được giao. Chính vì vậy, hầu hết cán bộ quản giáo đều yên tâm công tác, tuyệt đối chấp hành mọi mệnh lệnh, kỷ luật của đơn vị.
![]() |
Diễn đàn "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" |
Theo Giám thị Bùi Hải Đường, điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công. Đối với tử tù thì họ sám hối, ăn năn trước khi đền tội. Dù bị kết án tử thì họ vẫn là con người, họ có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành sự trân trọng, đối xử với họ như người bình thường để họ sống những ngày còn lại trong thanh thản. Nhiều tử tù như: Nguyễn Văn Tuấn ở Phù Cừ, Hưng Yên kẻ nhẫn tâm sát hại dã man người lái xe ôm vô tội chỉ để cướp chiếc xe máy hay Dương Ngô Duy ở Tân Yên, Bắc Giang thách thức pháp luật khi vận chuyển ma túy với số lượng kỷ lục, lên tới 120 bánh heroin... trước khi thi hành án, họ không quên chào từ biệt, họ thấm thía lỗi lầm và cầu mong được xã hội, người đời tha thứ.
“Chứng kiến những thời khắc đó, tôi không khỏi xúc động và cầu mong những người khác có ý định phạm tội hiểu được suy nghĩ của họ để sống tốt đẹp hơn” – Đại tá Đường chia sẻ.
2. Chúng tôi gặp nữ phạm nhân tên V.T.T, ở Bắc Giang đang say sưa bên vườn hoa phía trước Trại tạm giam. T có dáng người nhỏ nhắn, ưa nhìn, mắt đượm buồn. Có lẽ quá khứ lầm lỗi khiến T bị tổn thương tinh thần khá nhiều. Vốn là con ngoan, trò giỏi, được mọi người quý mến, T bị phát hiện khi điều hành một đường dây mại dâm. Cái ngày T bị bắt và kết án tù, mọi người đều không tin một cô gái trẻ, hiền lành lại có thể trở thành “tú bà”.
Phạm nhân tích cực lao động, cải tạo. |
Đó là một câu chuyện dài mà mỗi lần nhắc lại T rơm rớm nước mắt. T bảo, em có lỗi với gia đình, với những người sinh thành và nuôi em khôn lớn. Ba mẹ oán trách em bao nhiêu, em tự trách bản thân mình bấy nhiêu. Chỉ có khép lại quá khứ để hướng tới tương lai, sửa chữa lỗi lầm trở thành người tốt thì T mới đáp lại tình thương yêu mà gia đình và bè bạn dành cho mình.
Vốn là cô gái có cá tính mạnh mẽ, T đứng dậy từ chính chỗ em vấp ngã. Em tự hứa với bản thân sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được hưởng khoan hồng và trở về với gia đình và xã hội. Trong suốt quá trình thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, T chấp hành tốt mọi nội quy của phân trại, nghe lời cán bộ quản giáo, hòa nhã với các phạm nhân khác.
Nhờ tính cách cẩn thận, chu đáo và khéo léo, T được giao chăm sóc vườn hoa. Đây là công việc khó đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, sâu sát thì hoa mới tươi tốt được. Ngày lại ngày, vườn hoa do T chăm sóc đua nở, làm dịu đi cái nóng oi ả giữa ngày hè. Chứng kiến thành quả có được, dù đã cố gắng kìm nén song lạ thay, giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế trào ra trong khóe mắt. T muốn nói với cha mẹ, muốn nói với cán bộ quản giáo rằng, em có thể làm được và đã thành công.
Để khơi dậy tính bản thiện trong mỗi phạm nhân, Ban Giám thị Trại tạm giam Công an Hòa Bình đã tổ chức cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi” nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của can, phạm nhân về ý nghĩa nhân văn của việc “gửi lời xin lỗi”.
Cán bộ quản giáo sẽ phát giấy, bút, hướng dẫn và tạo điều kiện về thời gian, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đi liên hệ, tiếp xúc với những người nhận thư để đánh giá thái độ và ứng xử của họ, tạo điều kiện để tổ chức cho gặp, đối thoại giữa người viết thư và người nhận thư, vận động gửi thư hồi âm góp phần giáo dục phạm nhân cải tạo tiến bộ.
Đây là một hình thức giáo dục mang tính nhân văn, khơi dậy tính thiện tiềm ẩn trong con người của phạm nhân giúp cán bộ giáo dục, quản giáo nắm tâm lý, tư tưởng phạm nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp; kêu gọi các tổ chức xã hội, chính quyền, địa phương, gia đình, người thân, người bị hại cùng vào cuộc tham gia giúp đỡ họ hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt.
Theo nữ quản giáo trẻ tuổi Xa Thị Hoài Thu, ngay sau khi phát động, cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi” được các phạm nhân hưởng ứng tích cực. Nhiều phạm nhân chia sẻ, sau khi phạm tội họ ăn năn, hối hận vì đã gây hậu quả xấu cho xã hội và nhiều gia đình. Trong thâm tâm, họ mong có cơ hội để gửi lời xin lỗi chân thành tới người thân, người bị hại. “Chúng tôi sẽ tích cực viết thư gửi để cho tâm hồn được thanh thản và mong được mọi người tha thứ” – một phạm nhân chia sẻ.
Từng có thời gian thụ lý án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, Bùi Thị V, 24 tuổi, trú tại thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) mới thấu hiểu và trân trọng ý nghĩa của viết thư “gửi lời xin lỗi” giúp phạm nhân hướng thiện.
Vốn là cô gái chăm ngoan, học giỏi, khuôn mặt ưa nhìn, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Bùi Thị V thi tuyển vào Trường Cao đẳng Truyền hình ở Phủ Lý (Hà Nam) và trúng tuyển với số điểm khá cao. Tuy nhiên, ước mong trở thành nhà báo của V đã vụt tắt chỉ vì một hành động bột phát.
Tối 12/9/2009, trong một lần về thăm gia đình, V cùng nhóm bạn đi uống nước. Tại đây, nhóm của V có xích mích với một số cô gái cùng trang lứa. Do thiếu kiềm chế và bức xúc, sẵn chiếc ô trên tay, V tấn công khiến người bạn này bị thương rất nặng ở vùng mắt (tỷ lệ thương tật là 34%). Sau khi gây án, V đã tới Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) tự thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. V bị kết án 60 tháng tù giam.
Trong suốt quá trình thụ lý án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình, V thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên của gia đình và người yêu. “Trong cuộc sống ai cũng ít nhiều mắc sai lầm song quan trọng hơn là biết đứng dậy và đi bằng chính đôi chân của mình” - gia đình thường động viên em như vậy - V nói. Chính vì vậy, V trân trọng và biết ơn gia đình mình, những người đã không bỏ rơi, ruồng bỏ em mà luôn bên em ngay cả thời điểm em gặp khó khăn nhất trong cuộc sống.
“Cuộc sống còn dài, tương lai phía trước là của em. V ạ! Mọi người luôn tin tưởng và hy vọng vào em, hãy cố gắng lên em nhé. Có niềm tin là có tất cả em ạ, đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Chúc em hãy cải tạo thật tốt và sớm được về đoàn tụ cùng gia đình và xã hội. Và anh, dù có thế nào đi chăng nữa thì anh luôn đứng về phía em, ủng hộ em. Em hãy luôn tin rằng, anh luôn ở bên em, che chở cho em. Nhớ em nhiều!”.
V ngồi một mình gặm nhấm từng từ, từng chữ trong bức thư. Không biết từ lúc nào mà mắt em đã ngấn lệ. Giọt lệ hạnh phúc đã làm nhòe lá thư mà người yêu của V gửi từ quê nhà. Chính những lá thư này đã tạo cho V có thêm nghị lực để cố gắng cải tạo thật tốt, sớm được trở về trong vòng tay của gia đình, người thân.
V kể rằng: Người con trai trong lá thư trên chính là H., người yêu của V từ khi 2 đứa còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tình cảm học trò bắt đầu nảy nở khi V và H. tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, V và H vẫn nuôi dưỡng cho tình yêu được đơm hoa, kết trái thì cái tin V bị bắt vì phạm tội “cố ý gây thương tích” thực sự gây sốc cho H.
Trong suốt thời gian V thụ lý án tại Trại tạm giam Công an Hòa Bình, V vẫn thường xuyên nhận được những lá thư động viên từ phía người yêu. H sẽ đợi cho đến khi V chấp hành xong án phạt tù để cùng xây dựng cuộc sống trăm năm. V đọc ngấu nghiến như nuốt từng câu chữ trong lá thư. Những giọt nước mắt hạnh phúc lại tuôn rơi trên khuôn mặt non nớt của cô gái mới lớn.
Lật giở từng trang thư được V cất giữ cẩn thận, nhiều lá thư trong số đó đã bị nhoè chữ. Tôi hiểu rằng, mỗi lần đọc thư của người thân, V đều khóc. Mỗi lá thư đều chứa đựng nỗi lòng riêng, mỗi cảm xúc riêng mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được. Cứ mỗi lần nhận được thư, em đều xin phép cán bộ quản giáo được viết thư hồi đáp. Trong mỗi lá thư em đều cho gia đình biết về tình trạng sức khoẻ của mình, sự quan tâm của cán bộ quản giáo và không quên dặn dò gia đình không nên lo lắng quá nhiều mà ảnh hưởng tới sức khoẻ. Em vẫn bình thường và đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Vào trong này, em biết làm đủ mọi việc từ cuốc đất, trồng rau, chăm sóc cây cảnh, khâu vá… Nhờ sự động viên kịp thời từ phía gia đình và người thân cùng với nghị lực của bản thân, trong đợt đặc xá lần này, V được Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước hạn. Một đám cưới đơn sơ với sự chứng kiến của đôi bên gia đình và bạn bè thân thiết được tổ chức ngay sau khi V chấp hành xong án phạt tù.
Giảm án cho các phạm nhân cải tạo tốt. |
Nữ quản giáo Thu chia sẻ: Người phạm tội thường có cảm giác đơn độc và khép kín. Do vậy, những lá thư từ phía gia đình và người thân chính là nguồn sức mạnh kịp thời để những phạm nhân có thêm niềm tin để cải tạo thật tốt, sớm được trở về với gia đình. Đã có nhiều phạm nhân sau khi nhận được thư từ phía gia đình, người thân trở nên vui vẻ, lạc quan hơn, chấp hành tốt các quy định của trại. Mỗi lần nhận được thư, họ đều muốn chia sẻ niềm vui với những phạm nhân khác. Đây là một nét văn hoá rất đáng quý và đáng trân trọng để thức tỉnh tính bản thiện trong mỗi con người.
3. Vừa nhâm nhi chén trà nóng, Giám thị Trại tạm giam Bùi Hải Đường nhắc tới một cán bộ quản giáo kỳ cựu, người dành trọn cuộc đời gắn bó với công việc đầy khó khăn, phức tạp này. Đó chính là Trung tá Nguyễn Khắc Hùng, Đội trưởng Đội quản giáo, một cán bộ quản giáo mẫn cán, luôn hết mình với công việc.
Trung tá Nguyễn Khắc Hùng giáo dục, cảm hóa nhiều phạm nhân. |
Năm nay người quản giáo kỳ cựu này đã bước qua tuổi ngũ tuần, anh có thâm niên 36 năm gắn bó với nghề quản giáo. Trong công việc hay cuộc sống đời thường, quản giáo Hùng luôn gương mẫu, nêu gương cho cán bộ trẻ và đồng nghiệp học tập, noi theo. Anh luôn nhận về mình công việc nặng nhọc, khó khăn và tận tình chỉ bảo cho các chiến sỹ trẻ tiếp bước anh trong lĩnh vực đầy khó nhọc này.
Nguyễn Khắc Hùng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ở vùng quê Thanh Oai (Hà Nội). Ngay từ khi còn nhỏ, qua lời cha kể, hình ảnh các chiến sỹ Công an tả xung hữu đột, không quản hiểm nguy, không run sợ kẻ ác, sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí anh.
Anh sớm bộc lộ chất “trinh sát” của mình. Người thân của anh kể rằng, khi đưa ra tình huống là một vụ trộm cắp tài sản, Hùng đã đánh giá, nhận định khá sắc sảo và đưa ra cách giải quyết phù hợp. Năm 1979, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Khắc Hùng được tuyển dụng và huấn luyện nghiệp vụ tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động thuộc Công an tỉnh Hà Sơn Bình. Đây là đội quân thiện chiến của lực lượng Công an khi đó.
Những ngày đầu bước chân vào ngành, Hùng bỡ ngỡ, lo lắng bởi giáo án huấn luyện khá nặng, anh thường xuyên tập luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chân tay bị phồng rộp, toàn thân đau nhức. Đã có lúc vì chán nản, anh nghĩ tới việc phải bỏ dở ước mơ từ nhỏ của mình. Những ngày sau đó, được mọi người động viên, giúp đỡ, anh nỗ lực đứng dậy, quyết tâm rèn luyện để có bản lĩnh vững vàng, ý chí sắt đá. Chỉ có như vậy, anh mới có thể đối mặt với bọn tội phạm gian ác, xảo quyệt.
Sau 1 năm rèn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Nguyễn Khắc Hùng dần trưởng thành, anh được lãnh đạo tin tưởng, phân công tham gia phá nhiều chuyên án lớn, bắt nhiều đối tượng giang hồ cộm cán. Nhận thấy chất “thép” trong Nguyễn Khắc Hùng, lãnh đạo Công an Hà Sơn Bình đã điều động anh về công tác tại Trại tạm giam để “trị” những can phạm cứng đầu, cộm cán. Thế rồi, cái nghiệp “cai tù” gắn bó với anh từ đó đến nay.
Ngay từ những ngày đầu có mặt tại Trại tạm giam, Nguyễn Khắc Hùng được giao trông coi những can phạm vốn là những đối tượng giang hồ có số má từng gieo rắc biết bao nỗ sợ hãi cho xã hội. Trước khi công tác tại Trại, mặc dù được cảnh báo về môi trường đầy khó khăn, gian khổ, anh cũng không nghĩ rằng thực tế lại khác xa những gì anh tưởng tượng.
Với khả năng thích ứng nhanh nhạy với môi trường, với những kinh nghiệm được anh tích lũy trong thời gian huấn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động giúp anh có bản lĩnh vững vàng, kiên định. Anh sớm khẳng định được bản thân và trở thành cán bộ cốt cán, anh được lãnh đạo tin tưởng giao quản lý, giáo dục nhiều can phạm nhân có quá khứ lẫy lừng. Anh không nhớ mình đã trông coi biết bao đối tượng lĩnh án cao như chung thân, tử hình.
“Dù bị kết án tử thì họ vẫn là con người, họ có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành sự trân trọng, đối xử với họ như người bình thường để họ sống những ngày còn lại trong thanh thản. Nhiều đối tượng trước khi ra pháp trường họ không quên chào từ biệt, họ thấm thía lỗi lầm và cầu mong được xã hội, người đời tha thứ. Chứng kiến những thời khắc đó, tôi không khỏi xúc động và cầu mong những người khác có ý định phạm tội hiểu được suy nghĩ của họ để sống tốt đẹp hơn” – Trung tá Nguyễn Khắc Hùng chia sẻ.
Mỗi cán bộ quản giáo như một giáo viên tâm lý. Công việc chính của họ không chỉ là trông coi phạm nhân mà còn phải cảm hóa, giáo dục tư tưởng. Với mỗi trường hợp cần có một “giáo án” riêng để phân giải nhằm tạo sự thân thiện, tin tưởng để họ hợp tác với cơ quan điều tra, yên tâm cải tạo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình. “Đối với những phạm nhân bị tội tử hình vì tâm lý của họ rất bất ổn, sẵn sàng tự sát bất cứ lúc nào nếu không được trông coi cẩn thận”, Trung tá Hùng nói.
Sống trọn đời với nghề, Trung tá Nguyễn Khắc Hùng là cán bộ mẫu mực về đạo đức và lối sống, là tấm gương cho cán bộ trẻ noi theo học tập. Niềm vui của anh nhân đôi khi mới đây, người con gái bé bỏng đã tiếp nối anh trở thành nữ quản giáo tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình.
Nói về người cha đáng kính, Thiếu úy Kim Anh coi cha vừa là người thầy, vừa là đồng nghiệp thường nhắc nhở, động viên chị mỗi khi gặp khó khăn. Chị chưa khi nào thấy cha than vãn về nghề, hoặc có ý định chuyển môi trường công tác khác để an nhàn. Trong con người Trung tá Nguyễn Khắc Hùng luôn có niềm đam mê cháy bỏng, tâm huyết được giáo dục, quản lý những con người một thời lầm lỗi, đánh thức tính bản thiện trong con người họ.
Những cán bộ quản giáo như Thiếu úy Xa Thị Hoài Thu, Trung tá Nguyễn Khắc Hùng hay Giám thị Bùi Hải Đường đã góp phần tạo nên môi trường Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình đậm tính nhân văn, thực sự là nơi ươm mầm thiện, thức tỉnh những mảnh đời lầm lỗi.
Họ vẫn ngày đêm say sưa với công việc cảm hóa con người, làm nóng những trái tim lạnh, thổi vào một luồng gió mới ấm áp, chân thành. Họ hạnh phúc khi chứng kiến những phạm nhân một thời lầm lỗi trở về cộng đồng, đoàn tụ với gia đình, với xã hội. Ngày chia tay, họ bịn rịn, nắm chặt tay cán bộ quản giáo bày tỏ lòng tri ân, giúp họ tìm lại giá trị cuộc sống.
“Làm bất kỳ việc gì đều phải xuất phát từ cái tâm”, đó dường như là kinh nghiệm đáng giá mà người quản giáo kỳ cựu Nguyễn Khắc Hùng tích lũy được qua gần 40 năm công tác.
Chia tay Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình khi trời đã xế chiều. Chúng tôi thấy thấp thoáng cán bộ quản giáo vẫn tận tình hướng dẫn phạm nhân lao động cải tạo giữa bạt ngàn cây. Họ vẽ nên một bức tranh đẹp giữa núi rừng Tây Bắc. Có lẽ, chỉ môi trường Trại tạm giam mới có sự giao thoa, hòa quyện giữa cán bộ quản giáo và phạm nhân như vậy. Chúng tôi tin chắc rằng, với định hướng đúng đắn trong việc giáo dục, quản lý con người, Ban giám thị và cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình sẽ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Chúc các anh sức khỏe và vững tin trên con đường đã chọn.