Trên vai màu áo nắng
- Nữ cảnh sát giao thông sẻ chia với bà con vùng lũ
- Xúc động hình ảnh Cảnh sát Giao thông trong bão lũ
- Cô Cảnh sát Giao thông tận tụy với công việc
- Đêm trắng trên đường cùng Cảnh sát giao thông
- Theo Cảnh sát giao thông đi bắt "ma men"cầm lái
Chẳng hiểu sao, ngay từ nhỏ, tôi lại không mấy thiện cảm với lực lượng Cảnh sát giao thông, với nghề Cảnh sát giao thông, bởi với nhận thức non trẻ khi đó cho rằng chả hay ho gì với công việc "đứng đường". Khi nhìn thấy thấp thoáng đâu đó màu áo vàng trong màn hình ti vi, trên những tuyến đường tập nập xe cộ đều khiến tôi khó lòng mà rung động, kể cả những giai điệu trong bài hát "Từ một ngã tư đường phố" của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng chẳng khiến tôi chạnh lòng trước hình ảnh màu áo vàng như sắc nắng, hay hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát giao thông ngày đêm "bảo vệ hạnh phúc cho câu ca rộn rã ánh bình minh". Cho đến khi tôi đã trở thành một chiến sĩ Cảnh sát giao thông khoác trên người mầu áo nắng của những ước mơ và khác vọng...
Nét đẹp nữ Cảnh sát giao thông. |
Sau khi ra trường, tôi được phân công công tác về Công an huyện Bảo Yên, cái nôi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông không chỉ đường bộ, đường sắt mà còn cả đường thủy nội địa. Quốc lộ 70 là đường bộ độc đạo đưa Lào Cai xa xôi và heo hút về với Hà Nội huyên náo và sáng rực.
Quốc lộ 279 là tuyến đường huyết mạch chạy qua huyện nối liền nhiều tỉnh trong vùng Tây Bắc. Những cung đường uốn lượn như dải thắt lưng xanh trên tấm áo chàm của thiếu nữ Tày trong hội Lồng tồng mỗi độ giêng hai. Một bên là vách núi dựng đứng cheo leo bốn mùa trốn trong mây mù, một bên là vực suối sâu hút thăm thẳm như miệng quái vật đen ngòm. Hàng trăm những khúc cua tay áo lượn vòng đến chóng mặt. Là dốc Chín Quai, là cua Ba Tầng, là cầu Chữ U, là đèo Yên Ngựa.
Miền đất có hai dòng sông, sông Hồng và sông Chảy đã chảy vào thi ca, âm nhạc. Rồi đường sắt Hà Nội - Lào Cai có từ thời thực dân Pháp xâm lược đi vào những ga xép Thái Văn, Bảo Hà gợi nhớ đến chuyến tàu khuya chạy qua sự tịch mịch của phố huyện Cẩm Giàng trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam. Và tôi là chàng cảnh sát giao thông hai mươi tuổi của phố huyện Bảo Yên đứng trầm mặc, của sông Hồng, sông Chảy trôi lững lờ, và của đường ray trải dài ra tít tắp. Tôi khoác trên vai màu áo vàng như nắng Thu, cái nắng sóng sánh và óng ả như mật ong rừng để quên trong chum, như lúa nương chín đợi tay người gặt.
Mùa hè năm đó, Tổ tuần tra, Kiểm soát giao thông đường bộ làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 279 thuộc địa phận xã Tân Dương. Tôi nhìn thấy một người điều khiển xe môtô đỏ chót nhưng không lắp gương chiếu hậu liền ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Khi cô gái bỏ mũ bảo hiểm có kính che mặt ra, tôi "phát hiện" ra đó là một cô gái rất xinh đẹp, với đôi mắt to tròn, sống mũi thanh tú và làn môi ửng hồng.
Tôi giơ tay chào theo điều lệnh và yêu cầu cô gái xuất trình các loại giấy tờ. Cô gái không xuất trình được giấy đăng kí xe vì xe mới mua chưa làm các thủ tục theo quy định mà đã tham gia giao thông. Tôi thông báo các lỗi vi phạm. Cô gái có vẻ căng thẳng, nỗi lo sợ thoáng hiện trên khuôn mặt thánh thiện như Đức Mẹ. Bất chợt, cô gái đến chỗ đồng chí Tổ trưởng nói gì đó rất khẩn khoản. Đồng chí Tổ trưởng bảo tôi lập biên bản vi phạm hành chính với một lỗi vi phạm. Tôi chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổ trưởng.
Tôi đề nghị cô gái đọc số điện thoại để tiện liên hệ giải quyết. Tôi ghi số điện thoại vào biên bản và lưu cả vào điện thoại của mình. Lúc đó, trong đầu tôi đang nảy ra một ý định khác, đó là không chỉ giữ giấy tờ mà còn muốn chiếm trọn... trái tim của cô gái.
Hình ảnh chiến sỹ CSGT luôn gần gũi với người dân. |
Tối hôm đó, tôi bắt đầu soạn những kí tự tin nhắn tán tỉnh đầu tiên gửi tới em - cô gái đã hạ gục tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên, và em đã trả lời. Tin nhắn cuối cùng kết thúc khi ngôi sao cuối cùng trên trời đi ngủ và nhành hoa trong vườn thôi tỏa hương. Tình yêu đầu tiên của tôi mát lành như gió và trong veo như sương bắt đầu từ... một buổi tuần tra, kiểm soát giao thông. Chỉ tiếc rằng, tôi và em đủ duyên mà thiếu nợ, nên đến ngã ba định mệnh, chúng ta từ biệt nhau để mỗi đứa đi riêng một con đường, con đường mà số phận nghiệt ngã bắt buộc chúng ta phải lựa chọn.
*
Nhận được tin báo có một vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra giữa hai xe mô tô trên đường quốc lộ 279 thuộc địa phận xã Vĩnh Yên, thiệt hại về tài sản hư hỏng nhẹ hai xe môtô, thiệt hại về người không có, nhưng hai người điều khiển cãi nhau rất to chưa phân thắng bại. Hai chiếc xe môtô đổ nghiêng xếp chồng lên nhau thành một đống xanh đỏ. Một anh chỉ tay vào đống xe và nói: "Đây là phần đường của tôi, sao anh lại đi lấn sang phần đường của tôi chứ".
Anh kia mặt đỏ gay quát lại, lời nói lẫn hơi men nồng nặc "Phần đường nào của mày, đây là đường nông thôn mới của Nhà nước và Nhân dân cùng làm nhé, tao thích đi phần đường nào thì đấy là quyền của tao chứ, sao lại cấm được tao" mà khiến tôi suýt bật cười thành tiếng vì cái cách anh ta "đánh tráo khái niệm" thật tài tình.
Lại nhớ có lần, tôi nhìn chiếc xe môtô của một anh mà mình vừa ra hiệu lệnh "giơ gậy" dừng xe mà lòng ngậm ngùi khó tả. Chiếc xe với lớp sơn bong tróc, bình xăng tự chế là vỏ chai nhựa coca-cola chằng buộc trước đầu xe, và hai bánh lốp cuốn từng lớp xích để chống trơn. Tôi chần chừ đặt bút lập biên bản, thì nghe thấy đồng chí Tổ trưởng khẽ nói với người lái xe đang vân vê vạt áo rách bợt: "Thôi, anh về cất cái xe đi, nếu còn đi nữa, chúng tôi sẽ tịch thu xe đấy".
Rồi quay sang tôi bảo "Chắc phải nghèo, anh ta mới đi cái xe như thế, đồng chí ạ". Tôi nhìn theo cái bóng anh ta chênh vênh trên cái xe cũ nát phía cuối đường, khói từ ống xả phả vào chiều mịt mù như sương khói, bay vào mắt tôi cay xè như dính phải hạt ớt chỉ thiên.
Thiếu tá - nhà thơ Hoàng Anh Tuấn (hoanganhtuan.calc@gmail.com). |
Những phiên chợ vào thứ bảy đông nghịt như trảy hội. Bà con thường đem mía xương gà, rau cải đắng, vịt bầu, măng vầu lên cầu ngồi bán, bởi ở đó có đông người qua lại và không phải nộp tiền vé vào chợ. Tôi có thể quăng những hàng hóa đó lên xe ôtô để lập lại trật tự đô thị nhưng chẳng hiểu sao tôi không thể và không bao giờ làm được như vậy. Hay tôi đã mặc nhầm màu áo, đã chọn nhầm nghề? Hoặc tôi đã quá mủi lòng, đã rất duy tình trong công việc, trong thi hành pháp luật?
Bố tôi từng là một Cảnh sát giao thông, công tác tại Công an thị xã Yên Bái từ những năm 80 của thế kỉ trước. Bố tôi mắc phải căn bệnh giảm tiểu cầu vô căn, đó là một căn bệnh hiểm nghèo. Mỗi tháng bố tôi đều phải xuống điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương.
Một năm nào đó tôi không nhớ nữa, tôi đi trông bố ở viện và được tham dự đêm Trung thu. Ánh trăng chảy miên man trên nụ cười sáng lấp lánh của trẻ nhỏ, những em bé trọc đầu và có nước da xanh tái. Người dẫn chương trình hỏi về ước mơ của các em, em muốn làm bác sĩ để chữa bệnh viêm khớp cho bà, em muốn làm giáo viên để dạy học ở ngay bản mình, tôi chú ý đến một cậu bé, cậu bé nói muốn làm Cảnh sát giao thông để giữ bình yên cho những con đường, dòng sông thị xã quê em, và còn bởi một lý do bố em đã mất vì tai nạn giao thông, em không muốn bạn nào mất bố giống em nữa. Tôi nghe xong, nước mắt ứa ra.
Hôm sau, tôi tìm đến phòng em đang điều trị, tặng cho em một bộ quân phục Cảnh sát giao thông tí hon tôi mua trên hè phố, người ta may cho trẻ em mặc lúc diễn văn nghệ. Tôi muốn nói với em rằng "Anh từng là Cảnh sát giao thông, anh muốn tặng nghề nghiệp của anh cho ước mơ của em" nhưng có lẽ bất kì những lời động viên, an ủi nào dù chân thành hay có cánh trước căn bệnh quái ác của em, trước ước mơ đẹp đẽ của em, trước nụ cười lấp lánh của em đều trở nên muộn màng và bất lực.
Bố tôi - một cựu cán bộ Cảnh sát giao thông đã đi xa, em bé mang ước mơ trở thành một chiến sĩ Cảnh sát giao thông cũng đã rời bỏ cõi tạm, còn tôi - sau bảy năm làm một chiến sĩ Cảnh sát giao thông cũng đã chuyển sang lực lượng khác, nhưng chúng tôi đã mang trên vai màu áo nắng - màu áo của ước mơ, của khát vọng bình yên cho những dòng sông và tuyến đường thân quen như mặt người trong cuộc đời ta đã gặp...