Trò nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ hay nước cờ sai của Pháp?

13:52 16/07/2020
Quan hệ Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây trở nên căng thẳng. Paris đặc biệt không ngừng lên án Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Libya.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, hành động gây ầm ĩ của Pháp đối với Thổ Nhĩ Kỳ còn nhằm mục đích che giấu những thất bại chiến lược trong cuộc xung đột tại Libya.

Những cuộc cãi vã không hồi kết

Đỉnh điểm của căng thẳng là ngày 1-7-2020, Pháp thông báo ngưng tham gia chiến dịch SEA Guardian của NATO giám sát việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Paris phản đối thái độ im lặng của NATO trước hành động được cho là "nguy hiểm", khi hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cho chiếu ra-đa dẫn đường bắn nhắm vào tàu chiến Pháp trên biển Địa Trung Hải ngày 10-6-2020.

Trước đó, Ankara và Paris đã có những lời qua tiếng lại gay gắt. Tổng thống Pháp khi tiếp đồng nhiệm Tunisia đã tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ "chơi trò nguy hiểm", có một "chính sách ngày càng hung hăng và quyết đoán tại Libya". 

Nguyên thủ Pháp còn lên án Ankara "Syria hóa" cuộc xung đột tại Libya. Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả các cáo buộc của Paris khi ví nước Pháp là kẻ "đứng đầu trục xấu", chính sách của Pháp tại Libya là "mập mờ và không thể hiểu".

Theo Financial Times, những cuộc tranh cãi này làm lộ rõ những rạn nứt trong lòng khối NATO, giữa những nước có can dự vào Libya và làm dấy lên nhiều nghi vấn về những gì Paris thật sự muốn tìm kiếm trong khu vực.

Thời báo tài chính Anh cũng nhận thấy, căng thẳng giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng nhiều kể từ khi Ankara quyết định can thiệp quân sự vào Libya, hỗ trợ cho chính phủ Tripoli, khiến các lực lượng của tướng Haftar chuốc lấy một chuỗi thất bại trong thời gian qua.

Bản đồ khu vực Địa Trung Hải.

Haftar: Paris đánh cược nhầm

Từ lâu nay, Libya là "sàn đấu" giữa hai phe vũ trang đối lập: Một bên là phe Thống chế Khalifa Haftar, thống trị ở phía Đông cùng với Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và bên kia là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) do ông Fayez al-Sarraj lãnh đạo ở phía Tây. 

Phe thứ nhất được Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập hậu thuẫn. Phe thứ hai, về mặt chính thức, được quốc tế công nhận và đặc biệt có được sự hỗ trợ từ các đồng minh Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Và trong cuộc chơi lớn này, Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất ngầm ủng hộ tướng Haftar.

Theo phân tích của một số báo chí Anh - Mỹ, Paris đã phạm ít nhất hai sai lầm về chiến lược trong hồ sơ này để rồi giờ đây rơi vào thế đơn độc chống Ankara. Trang mạng Slate của Mỹ bản tiếng Pháp, trong bài viết có tựa đề "Vai diễn thảm hại của nước Pháp tại Libya", không ngần ngại cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Tripoli. Ảnh: New York Times.

Theo ông Dominique Moisi, Viện Montaigne, sai lầm thứ nhất là Paris đã chọn nhầm "phe bại trận". Khi tính toán cho những lợi ích kinh tế, nhất là cho ngành công nghiệp dầu lửa và an ninh đất nước, Pháp đã đánh giá quá cao vai trò của tướng Haftar. 

Theo phân tích của nhà nghiên cứu Jalel Harchaoui, Viện Quan hệ Quốc tế Hà Lan, Paris cho rằng tướng Haftar là người của Abu Dhabi và trong nhãn quan của Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (EAU) còn là "một đối tác lý tưởng. Họ giầu có, kỷ luật và cực kỳ quân sự hóa. Ngoại trưởng Pháp còn chia sẻ thái độ không khoan dung của EAU, cũng như của Ai Cập, đối với Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa dân túy Hồi giáo.

"Tổng thống Macron, vốn không nắm rõ về tình hình khu vực, đã đi theo chân vị ngoại trưởng của mình. Kết quả là, tuy nước Pháp không trực tiếp tham chiến bên cạnh tướng Haftar, trái với những gì Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc, quả thật là Paris đã phủ một lớp áo phương Tây và ngoại giao cho Haftar. Đấy mới là điều thiết yếu", ông Jalel Harchaoui nói.

Chính vì những lợi ích kinh tế và an ninh, Paris đã có những lập trường mập mờ. Trên danh chính ngôn thuận, với tư cách là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Pháp phải tỏ ra ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), do ông Fayez al Sarraj lãnh đạo, phe đối thủ của tướng Haftar. Đây chính là điểm mâu thuẫn khó chấp nhận.

Dĩ nhiên, một trong những mục tiêu của ông Macron đó là tìm cách tập hợp lại toàn bộ các bên chủ chốt. Nhưng rủi thay, ông hay để cho sự kiêu ngạo lấn át, nên thường đưa ra các sáng kiến một cách đơn độc, mà không tham khảo các đối tác châu Âu và khối NATO. Kết quả là giờ đây chính nước Pháp không còn trong thế ít nhất trong một trạng huống nào đó có thể gây áp lực thật sự đối với những tiến triển tại Libya.

Binh sĩ của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Ảnh: AP

Thổ Nhĩ Kỳ: Nước cờ bị bỏ quên ở Địa Trung Hải

Trang mạng Slate thắc mắc: làm thế nào với một mạng lưới các nhà ngoại giao xuất sắc có mặt tại Brussell, Ankara và ngay cả trong dàn lãnh đạo Tổng Cục An ninh Đối Ngoại (DGSE), nước Pháp đã không biết rằng từ năm 2011, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, mang tư tưởng Hồi giáo - Chủ nghĩa Dân tộc, đã gắn kết hồ sơ Libya với vấn đề đông Địa Trung Hải?

Tham vọng tái lập một đế chế Ottoman như thuở xưa là chuyện hiển nhiên, nhưng hồ sơ năng lượng đối với Ankara còn là vấn đề sống còn. Việc dự án lắp đường ống dẫn khí đốt của liên minh bốn nước Chypre, Hy Lạp, Israel và Italia, cho phép xuất khẩu 16 tỷ m3 khí gas sang châu Âu, được hình thành đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại và cảm thấy bất an. 

Đối với Ankara - cũng như đối với Moscow - đây không chỉ là một nguồn thu tài chính, mà còn là vấn đề an ninh, cũng như là những công cụ gây áp lực địa chính trị hiệu quả.

Đà tiến như vũ bão của Quân đội Quốc gia Lybia của tướng Haftar về Tripoli là cơ hội vàng để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sự hiện diện tại Libya và giành quyền khai thác khí đốt trên vùng biển phía Đông Địa Trung Hải. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị đe dọa và bị gạt ra ngoài. 

Chính vì thế vào tháng 11-2019, đã có một cuộc họp giữa hai lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, đúc kết việc vạch ranh giới các vùng lãnh thổ lãnh hải, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có được một vai trò quan trọng trong việc thăm dò dầu khí tại khu vực. 

Nhưng đổi lại, người dân Lybia, đúng hơn là những người ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), được quốc tế công nhận, sẽ có được sự hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính sự tranh giành về nguồn dầu khí tại vùng biển phía đông Địa Trung Hải này đã thúc đẩy nhanh hơn nữa chính sách can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya.

Một tàu khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ tiến ra Địa Trung Hải, ngoài khơi đảo Síp vào tháng 8-2019. Ảnh: Reuters.

"Paris đơn thương độc mã" khi phản đối Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt gửi quân và trang thiết bị quân sự, bất chấp lệnh cấm vận và những cam kết của nước này tại hội nghị quốc tế cho tương lai Libya hồi tháng 1-2020 ở Berlin, đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện. 

Theo phân tích của một nhà ngoại giao châu Âu với tờ Financial Times thì Pháp nhận ra rằng "Haftar đã rơi vào thế bị động và giờ không còn giá trị gì nữa. Người Pháp cảm thấy bối rối, bởi vì một lần nữa họ phạm phải một sai lầm. 

Trước sai lầm này, họ phải biện minh và tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ". Paris ngỡ ngàng nhận ra rằng việc điều khiển Haftar theo kiểu chính sách châu Phi hậu thực dân giờ là điều không thể. Chiến lược dùng Haftar như một quân bài để chống quân thánh chiến tại Bắc Phi xem như cũng thất bại.

Chỉ có điều, vì đơn phương hành động nên những chỉ trích này của Paris giờ khó kiếm được sự đồng tình. Lên án Ankara vi phạm lệnh cấm vận, nhưng liệu Paris có thể công khai tố cáo Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập hay Nga cung cấp vũ khí cho Haftar hay không, khi mà chính bản thân Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất còn là một khách hàng quan trọng cho ngành công nghiệp vũ khí của Pháp?

Theo các nhà phân tích, thực tế nhiều cường quốc cung cấp vũ khí cho nhiều phe khác nhau tại Libya, bất chấp nghị quyết của Liên hiệp quốc. Thổ Nhĩ Kỳ đúng là có cung cấp vũ khí cho Libya, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chưa hẳn là quốc gia duy nhất làm việc này. 

Trong hồ sơ này, nước Pháp bị cô độc. NATO tuy thông báo mở điều tra, nhưng sẽ khó đưa ra một lập trường dứt khoát như mong muốn của Paris, vì có tới 2/3 số thành viên trong khối này đã không ủng hộ Pháp.

NATO hiện đang trong một thế khó xử: Tổ chức này một mặt không thể không lên tiếng ủng hộ Pháp, nhưng mặt khác, họ cũng không thể nào công khai lên án Thổ Nhĩ Kỳ.

Dẫu sao trong cuộc cãi vã này, nước Pháp vẫn còn một điều an ủi là Đức, Italia và Tây Ban Nha cũng có cùng một quan điểm "Không muốn biên giới phía Nam của châu Âu nằm trong tầm kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ", theo như kết luận của tướng Dominique Trinquand, chuyên gia về các vấn đề quân sự và cũng là cựu trưởng phái bộ quân sự Pháp bên cạnh Liên hiệp quốc.

Minh Trang (theo RFI)

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文