Trung Quốc thừa nhận nhiều công ty gặp khó khăn do chiến tranh thương mại
Kinh tế giảm tốc
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đưa ra nhận định trên trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này. Xuất khẩu trong tháng 8 đã giảm ngoài dự tính do xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang suy giảm và sự cần thiết phải tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc được cho là sẽ công bố thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong những tháng tới nhằm tránh nguy cơ kinh tế giảm tốc hơn nữa khi Mỹ ngày càng tăng cường gây áp lực về thương mại.
Giới phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc trong quý III, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm là 6,2% trong quý II-2019. Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực để bảo vệ nền kinh tế nước này trước những tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường các biện pháp điều chỉnh để vực dậy nền kinh tế đang bị đình trệ. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Trung Quốc thể hiện rõ thiện chí muốn đàm phán với Mỹ.
"Chúng tôi chờ đợi vòng đàm phán thứ 13. Chúng tôi hy vọng cả hai phía, dựa trên nền tảng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, sẽ cùng nhau quan tâm tới những lo ngại của bên còn lại, với thái độ bình tình, sử dụng đàm phán để giải quyết bất đồng, và tìm giải pháp có lợi cho cả hai bên", Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 26-9 cho biết nước này "sẵn sàng mua thêm các sản phẩm từ Mỹ", đồng thời hy vọng hai bên có thể "tiến hành các biện pháp nhiệt tình hơn nữa và giảm bớt các ngôn từ cũng như hành động bi quan".
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1% trong tháng 8 so với một năm trước đó và xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 16% - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tranh chấp với Hoa Kỳ đang làm tổn thương thương mại song phương.
Kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu các tập đoàn nước ngoài tiếp tục dời nhà máy. |
Nhiều hệ luỵ khi các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục dời nhà máy
Nền kinh tế Trung Quốc - với GDP 13.000 tỷ USD - vẫn đang tăng trưởng, nhưng hiện tượng giảm tốc đang xảy ra ở những lĩnh vực quan trọng như sản xuất. "Sản xuất dính đòn nặng. Đầu tư giảm mạnh, đơn hàng mới không còn, tuyển dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng", WSJ dẫn lời ông Leland Miller, Giám đốc điều hành China Beige Book, nhận định.
Theo khảo sát năm 2019 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, 65% thành viên cho biết căng thẳng thương mại đang ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh dài hạn của họ. Gần một phần tư những người được hỏi đang trì hoàn đầu tư vào Trung Quốc.
Chuyên gia Eric Pratt của AVX Corp (công ty Mỹ sản xuất linh kiện điện tử, có hai nhà máy ở Mỹ) nhận định: "Phần lớn dữ liệu cho thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn". Ông cho biết trong năm qua, AVX Corp buộc phải cắt giảm nhân sự và giảm sản xuất ở Trung Quốc.
Mới đây, Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc cho biết đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) cuối cùng ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.
Nhà máy Huệ Châu là nhà máy sản xuất smartphone duy nhất của Samsung tại Trung Quốc sau khi hãng này đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân vào cuối năm 2018. Samsung đã quyết định ngừng vận hành nhà máy này trong tháng 9-2019. Động thái này đã được dự tính từ khi Samsung bắt đầu cắt giảm lực lượng lao động tại nhà máy hồi đầu tháng Sáu vừa qua, cùng với chương trình nghỉ hưu tự nguyện cho nhân viên.
Nhà máy Huệ Châu chủ yếu sản xuất smartphone cho thị trường Trung Quốc. Sản lượng của nhà máy này đạt 60 triệu chiếc trong năm 2017, tương đương 20% tổng sản lượng điện thoại thông minh của Samsung.
Do phải đối mặt với chi phí nhân công gia tăng và sự cạnh tranh từ các công ty trong nước, thị phần của Samsung tại Trung Quốc đã giảm từ khoảng 20% năm 2013 xuống còn 0,8% năm 2018. Samsung đã chuyển cơ sở sản xuất smartphone của mình sang nước khác.
Việc Samsung rời Trung Quốc càng làm dấy lên mối lo ngại về tương lai kinh tế và vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt trong thời điểm chiến tranh thương mại bùng nổ. Sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi đã diễn ra suốt một thập kỷ vừa qua, chủ yếu do chi phí lao động và thuế tăng. Quá trình này càng diễn ra nhanh từ khi Mỹ áp mức thuế cao lên sản phẩm Trung Quốc vào năm ngoái.
Việc Samsung rời sẽ Trung Quốc sẽ khiến ít nhất 100 nhà máy của các đơn vị cung ứng ở Quảng Đông cũng sẽ đóng cửa. Bằng chứng là Berni Optical, một công ty sản xuất kính nền cho Apple và Samsung, đã buộc phải sa thải 8.000 công nhân từ tháng 11-2018 do đơn hàng giảm. Janus, nhà sản xuất linh kiện có trụ sở tại Đông Quản, cũng báo cáo doanh số giảm 14.25% so với doanh thu năm ngoái, dẫn đến khoản lỗ 2.86 tỷ Nhân dân tệ (413 triệu USD).