Trường Sa xanh mãi

08:00 21/04/2015
Trên vùng biển Cô Lin và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có một nghĩa trang xanh- nơi lưu giữ hài cốt của những người lính Trường Sa và nhà giàn DK1 - những người đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho bình yên biển, đảo, vì một Trường Sa thân yêu, vì sự trường tồn của mỗi nhà giàn trên biển.

Nghĩa trang xanh

Gọi là nghĩa trang xanh, bởi các anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại sau lưng bao hoài bão, lý tưởng, ước mơ và nhựa sống của người lính biển thời bình. Nghĩa trang đặc biệt ấy không có phần mộ như trên đất liền, không có bia tưởng niệm, không có phần đất, mà mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu lúc nổi lên dữ dội, lúc hiền hoà lặng lẽ như những nhành san hô nằm dưới đáy biển sâu.

Máu các anh hòa lẫn đại dương, thân các anh hóa vào lòng biển, để mỗi lần đi qua nghĩa trang đặc biệt ấy, linh hồn các đang ẩn hiện đâu đây, hòa vào tiếng sóng, tiếng gió thành bản tình ca, nhắc nhở thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ biển, đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc không thể tách rời.

Lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh, cầm nhành huệ trắng thả xuống đại dương, chị Trần Thị Thủy, người con gái duy nhất của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương nghẹn ngào nước mắt: "Ba ơi, con đến thăm ba đây. Mẹ vẫn không thể nguôi ngoai được, kể từ ngày ba nằm lại Gạc Ma". Nước mắt người con gái chảy tràn trên má, hòa vào sóng nước.

Tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa.

Chị đưa tay đỡ tràng hoa cùng các chiến sĩ thả xuống biển trọn niềm đau vô bờ. Còn anh Nguyễn Huy Tưởng, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay nghẹn giọng nói với chúng tôi: ''Từ chuyến đi này, tôi phải soi lại mình trong câu chuyện kể về các liệt sĩ. Tôi biết mình phải làm gì để xứng đáng với các anh".

Cũng trong niềm tri ân tưởng vọng biết ơn các liệt sĩ, phóng viên Bích Thủy Báo Nhân dân Cuối tuần dâng tràn xúc động: "Chỉ đứng dưới tàu nhìn lên nhà giàn thôi em đã không cầm được nước mắt. Vậy mà những năm qua, xương cốt của các anh vẫn nằm lạnh cóng dưới đáy biển. Sự hi sinh không thể nói hết bằng lời".

Khúc tưởng niệm tháng tư

Chiều cuối tuần, trên con tàu HQ-936 của Vùng 4 Hải quân, đoàn công tác chúng tôi hải trình đến vùng biển, đảo Cô Lin, Gạc Ma làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ. Chẳng ai bảo ai, tự trong trái tim mỗi người dâng tràn xúc động. Chúng tôi nhìn về phía đảo Gạc Ma xót xa. Nhiều phóng viên nghẹn ngào, còn các chiến sĩ rơm rớm nước mắt. Giữa biển trời Tổ quốc, mùi khói hương nghi ngút, tiếng nhạc chiêu hồn tử sĩ thiết tha. Chúng tôi xếp thành hàng lặng lẽ trên boong tàu.

Tuần tra bảo vệ đảo.

Trong cơn giông cuối chiều, tiếng trưởng đoàn công tác thăm thẳm sâu quện vào sóng nước: "Đảo Trường Sa là của Việt Nam, là linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hi sinh, giành giật từng tấc đảo và bảo vệ những phiến đá kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử được cha ông ta giữ gìn. Không để cướp đảo thân yêu, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co quyết liệt, cắm cờ Tổ quốc lên đảo để khẳng định cột mốc chủ quyền.

Lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân thêm một lần nữa lại tô thắm máu đào của 64 liệt sĩ. Tiếng nói của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương sẽ mãi khắc sâu trong tâm khảm của triệu triệu người dân Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân".

Quyết không đầu hàng địch trước họng súng đối phương, binh nhất Trần Thiên Phụng đã thét vào mặt chúng rằng: "Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng". Tiếng nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa - tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm nay không sợ hi sinh gian khổ, quyết đem cả tính mạng của mình bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc".

Trưởng đoàn công tác xúc động. Ông gạt nước mắt sau tròng kính. Giọng ông chùng xuống như nói với những liệt sĩ nhà giàn DK1 đang nằm dưới đáy biển sâu: "Trước khi ngã vào lòng biển, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm cờ Tổ quốc vào lòng. Trung úy Nguyễn Hữu Quảng để lại quê nhà người vợ mới đính hôn với lời ước nguyện sau chuyến đi nhà giàn về sẽ làm lễ cưới; liệt sĩ Nguyễn Văn An vĩnh viễn nằm lại biển khơi chưa kịp gặp mặt con ở quê nhà người vợ mới sinh. Trước lúc thanh thản ra đi, liệt sĩ Lê Đức Hồng vẫn hi vọng vào tình yêu từ những lá thư kết bạn màu tím.

Đại úy Dương Văn Bắc để lại sau lưng hai con nhỏ và người vợ trẻ thảo hiền. Các anh đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho muôn ngàn sóng bể để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu các anh hòa lẫn biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng biển, đảo, tên các anh được Tổ quốc vinh danh. Sự hi sinh của các anh là nguồn cội để thế hệ trẻ hôm nay tự hào, tiếp bước và noi gương".

Chiến sĩ nhà giàn chắc tay súng canh biển.

Cả đoàn chúng tôi bật khóc. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh, từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính. Từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh này đều không cầm được nước mắt khi thắp hương tưởng vọng linh hồn các liệt sĩ.

Giọt nước mắt khóc cho các anh là mạch nguồn kết nối triệu triệu trái tim người dân đất Việt hôm nay, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để cùng nhau bảo vệ từng sải sóng, từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình hình mới. Khúc tưởng các liệt sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1 hôm nay, cũng là khúc tưởng niệm của toàn dân tộc, là tiếng nói tri ân của hơn 90 triệu người dân Việt  Nam đối với các anh hùng liệt sĩ.

Sức mạnh Trường Sa

Trường Sa hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới. Hàng trăm công trình dân sinh xuất hiện trên đảo, mà chủ nhân của nó là cán bộ, chiến sĩ Trường Sa - những người khoác trên mình màu xanh của biển đang ngày đêm vững tay lái, chắc tay súng canh chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Lịch sử đã sang trang, đất nước thanh bình lặng im tiếng súng, nhưng những người lính Trường Sa nhà giàn, DK1 chưa một phút bình yên. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, các anh luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết nắng quanh năm, gió bốn mùa rát mặt. Luôn phải đối mặt với sự rình rập của kẻ thù.

Chiến sĩ Trường Sa lớn duyệt đội ngũ.

Song dù nắng đốt cháy da người, bão tố cuồng phong có thể làm nhà giàn đổ, gian khổ có thể làm cho mái đầu thêm nhiều tóc bạc, nhưng có một sức mạnh không gì lay chuyển được đó là tinh thần dũng cảm trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là chí khí "một tấc không đi, một ly không rời"; đó là giữ Trường Sa, nhà giàn DK1 bằng trái tim người lính biển.

Nước mắt của ngày hôm qua, nay là nụ hoa bên cây súng mà người lính Trường Sa đang đứng gác trong gió gào sương lạnh canh biển đảo yên bình. Bi tráng ngày hôm qua là sức mạnh của ngày hôm nay. Sức mạnh ấy được xây dựng từ máu xương của các anh hùng liệt sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1.

Sức mạnh đó đúc kết từ sự hi sinh bi tráng và sứ mệnh, niềm kiêu hãnh của người lính biển thời bình, dẫu lính Trường Sa, nhà giàn DK1 thấu hiểu chiến tranh hay thời bình, nỗi vất vả gian lao bao giờ cũng đặt lên vai người lính.

Trường Sa hôm qua là sỏi đá, nay là thị tứ sầm uất giữa ngàn khơi. Ở đó, mỗi ngọn cỏ, nhành hoa, mỗi ngôi nhà ngọn sóng đều mang dáng hình Tổ quốc.

Mai Thắng

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文