Từ bể bơi ao làng nhìn về cách phòng chống đuối nước cho trẻ

17:20 20/08/2017
Những cái chết thương tâm vì đuối nước của cả người lớn và trẻ em trong thời gian gần đây đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về phòng chống đuối nước và rèn luyện kĩ năng bơi cho trẻ nhỏ.


Thiếu hồ bơi, nơi dạy bơi cho trẻ nhỏ… vẫn luôn là một bài toán nan giải, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Thế nhưng, giữa một Hà Nội chật hẹp, thiếu thốn chỗ bơi, có một hồ bơi tự chế làm nức lòng nhiều bạn nhỏ.

Đã nhiều ngày trôi qua, sau khi 3 em học sinh tiểu học ở Gia Đức, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng bị đuối nước, những người dân địa phương vẫn chưa nguôi  nỗi đau. Cả 3 bé mới 9 tuổi, cùng học lớp 4 Trường Tiểu học xã Gia Đức, trong đó có hai chị em sinh đôi có hoàn cảnh rất bất hạnh.

Trẻ em và người lớn đều rất thích thú với bể bơi vừa xây dựng.

Bố mẹ bỏ nhau từ khi hai bé còn nhỏ xíu, hai bé lớn lên trong tình yêu thương của bố và ông bà nội. Nhà nghèo nên bố hai bé phải đầu tắt mặt tối đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Còn một cháu thì bố mẹ trục trặc tình cảm nên ở với mẹ, mẹ đi làm ở khu công nghiệp cũng ít có thời gian chăm sóc con.

Dù lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình yêu thương, quan tâm của gia đình nhưng cả ba bé đều rất ngoan và học rất giỏi. Trước đó, ngày 15-7, hai cháu bé mới 4-5 tuổi cũng chết đuối thương tâm trong bể nước của gia đình. Khi đi làm đồng về, bố cháu bé gọi mãi không thấy các con đâu nên vội vã đi tìm.

Một lúc sau anh chết lặng khi phát hiện hai con đã tử vong trong bể nước. Có thể trong lúc bố mẹ vắng nhà, hai cháu bé đã trèo vào bể nước tắm và bị đuối nước thương tâm. Trước đó, ở ngay Thường Tín, Hà Nội, một vụ đuối nước thương tâm cũng xảy ra ở làng, khiến 4 người tử vong.

Theo đó, ba nam sinh rủ nhau đi bơi tại ao gần nhà. Một lát sau, người dân phát hiện cả ba bị đuối nước nên hô hoán mọi người xuống cứu. Hai người đàn ông nhảy xuống ao giải cứu các nạn nhân.

Tuy nhiên, 2 trong số 3 nam sinh đã không qua khỏi do bị ngạt khí quá lâu. Đáng tiếc, hai người đàn ông khi giải cứu các nạn nhân đã lặn xuống phần móng của ngôi nhà chìa ra mặt ao và không ra kịp nên cũng bị ngạt khí tử vong sau đó.

Việc thiếu kĩ năng bơi lội, thiếu kĩ năng sơ cứu sau khi bị đuối nước đã khiến nhiều cái chết thương tâm xảy ra. Theo Th.S, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ, TB và XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) trả lời PV CSTC về vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ em, thì cần phải đưa mô hình dạy bơi, học bơi vào trong nhà trường như một môn thể dục, thể thao.

Tuy nhiên mô hình này lại không hề được ủng hộ và nhân rộng. Nhiều nơi lấy lý do vì không có điều kiện, không có tiền nên không thể thực hiện được mô hình này vì học bơi cần phải có bể bơi, cần có nước sạch. Trong khi trẻ cần kỹ năng bơi thì lại đi dạy kỹ năng chạy, nhảy, ném bóng…

Thế nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều nơi người dân tự chế được bể bơi nhân tạo cho trẻ em như ở Dương Liễu (Hoài Đức). Từ một ao tù nước đọng, bẩn thỉu, ô nhiễm trong nhiều năm liền, bỗng chốc trở thành một hồ bơi nhân tạo sạch sẽ, khang trang, và đặc biệt an toàn cho bất cứ ai muốn đến tập bơi.

Cứ chiều đến, ao làng Thiên rộng 700m2 lại đông kín trẻ em đến bơi lội. Không chỉ là địa điểm thân thuộc của lũ nhỏ, cả người trung niên, người già trong xã cũng đến đây "giải nhiệt" những ngày nóng nực.

Người có công đầu tiên trong việc khôi phục, cải tạo bể bơi nhân tạo này là ông Nguyễn Phi Hậu, Chủ tịch Câu lạc bộ bơi của xã Dương Liễu. Ông Hậu kể, trước đây, ao làng Thiên chỉ là một vùng ao tù, nước đọng, bẩn thỉu, ô nhiễm quanh năm. Mặt ao lúc nào cũng phủ kín bèo xanh, rác thải, xác động vật chết nổi lềnh phềnh. Mùi hôi thối nồng nặc.

Dương Liễu còn nổi tiếng với nghề làm miến, mì gạo nên tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng khi hệ thống cống rãnh, thoát nước thải đều đổ ra các ao làng. Trong khi bà con kêu ca, phàn nàn, phản ánh lên cả các cấp chính quyền nhưng cũng không thể giải quyết triệt để, bởi đây cũng là tình trạng chung của các làng nghề truyền thống ở Hà Nội, nên ông Hậu và nhiều người dân tâm huyết đã quyết tâm cải tạo lại ao làng, vừa chống ô nhiễm, vừa làm nơi bơi lội, rèn luyện thể thao hữu ích cho mọi người.

Những năm gần đây, tỉ lệ trẻ em biết bơi ở địa phương khá thấp, trong khi lại là người sáng lập ra Câu lạc bộ bơi của xã, bản thân ông Hậu được nghe, được chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em chết đuối thương tâm do không biết bơi khi đi chơi ở các ao hồ, sông suối, nên ông quyết kêu gọi người dân cùng quyên tiền, góp công sức cải tạo ao làng Thiên thành "bể bơi" miễn phí cho cả xã.

Ông Nguyễn Phi Hậu, người có công trong việc cải tạo ao làng.

Ý tưởng của ông được người dân trong làng ủng hộ nhiệt tình. Theo dự tính ban đầu, kinh phí để cải tạo ao làng khoảng 100 triệu đồng, bản thân ông Hậu là người ủng hộ nhiều nhất, còn thiếu bao nhiêu ông cùng các thành viên trong xã đi khắp nơi vận động bà con nhân dân chung tay đóng góp.

Ông Phí Đình An, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết, chính quyền cũng chi một phần kinh phí cải tạo ao, nhưng chủ yếu là đóng góp của người dân. Nhận thức tầm quan trọng của việc học bơi và quan trọng là tránh được tình trạng ô nhiễm cho làng, bà con ủng hộ nhiệt tình.

Kinh phí, ý tưởng đã có, nhưng khi bắt tay vào thực hiện dự án quả thực khá nan giải. Với diện tích rộng lớn, lại ô nhiễm lâu năm nên việc cải tạo mất khá nhiều thời gian, công sức. Việc đầu tiên là phải ngăn các cống nước thải từ khu dân cư xả ra ao để đảm bảo nguồn nước sạch. Vậy là những máy bơm công suất lớn được lắp đặt để bơm cạn ao nước trong vài ngày liền.

Toàn bộ các điểm xả nước thải được bịt kín, sau đó người dân huy động vớt bèo, rác thải, nạo vét sạch bùn bẩn, đổ vôi để diệt bọ gậy, làm sạch ao. Nhiều xe cát được đổ xuống vừa làm trong nước, vừa tránh được việc làm đục ao mỗi khi trẻ con, người lớn xuống tắm.

Xung quanh ao cũng được dọn dẹp, phát quang sạch sẽ. Những ngày cải tạo ao là những ngày cực kì vui vẻ, sôi động của bà con nhân dân làng Thiên, bởi họ luôn mong chờ một bể bơi thực sự chất lượng cho chính con em mình ngay tại quê hương.

Số tiền quyên góp được, ngoài cải tạo ao, ông Hậu và dân làng còn dùng vào việc khoan giếng, bơm nước, đưa nguồn nước sạch vào ao. Để đảm bảo an toàn cho cả người lớn và trẻ em, những khu vực nước nông sâu đều được cắm mốc chỉ giới, cắm cờ… và có biển chỉ dẫn cụ thể. Xung quanh ao được lắp hệ thống tay cầm, tay vịn bằng thép chắc chắn để làm chỗ dựa cho người đi bơi.

Phải mất gần năm, "bể bơi" Dương Liễu mới hoàn thành trong niềm vui hân hoan của bà con làng xóm. Được biết có những ngày nóng đỉnh điểm, "bể bơi" này phục vụ miễn phí cho 300-400 người lớn và trẻ em.

Mùa hè nóng nực, trời tối muộn nên có khi nhá nhem tối người dân vẫn kéo đến bơi lội khá đông, nên ông Hậu và các thành viên trong Câu lạc bộ bơi xã Dương Liễu còn cho lắp thêm cả hệ thống đèn cao áp xung quanh bờ ao để đảm bảo an toàn cho người dân khi bơi lội. Nhờ ao làng trở thành "bể bơi" miễn phí mà giờ hầu như trẻ em trong xã Dương Liễu đều biết bơi.

Bể bơi được xây dựng đúng tiêu chuẩn.

Các em nhỏ 6-7 tuổi cũng đã bơi rất giỏi. Tại ao làng, người lớn tập bơi cho trẻ nhỏ, bạn nào biết bơi rồi thì tập cho các bạn chưa biết, chính vì thế mà phong trào bơi lội ở xã hơn 1 năm rất phát triển, ông Hậu hồ hởi khoe với chúng tôi.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân tự chế được bể bơi miễn phí cho trẻ em. Trước đó, cuối năm 2016, một bể bơi mini của một thầy giáo xứ Nghệ và cộng sự của mình đã được tặng cho Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Bể nước chỉ vỏn vẹn 24m2, thiết kế hết sức đơn giản gồm khung sắt, các tấm tôn và bạt chống thấm nước nhưng hiệu quả cực lớn và trở thành nơi dạy bơi lý tưởng cho Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn.

Hay những mô hình bể bơi di động rất rẻ, cơ động mà an toàn cho trẻ nhỏ, được làm bằng lưới, có phên phía dưới để học sinh không giẫm vào bùn, các góc được chắn bằng thanh tre, đem thả bất kì ở đoạn sông nào ở An Giang, Đồng Tháp… Trẻ nhỏ thì cuộn dưới đáy cho ngắn lại, trẻ lớn thì lại hạ sâu xuống. Tuần này ở trường này, khúc sông này, tuần sau lại ở trường kia, khúc sông kia.

Ao làng được cải tạo thành hồ bơi.

Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có trên 7.000 trẻ em bị chết đuối nước (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Bài học nhãn tiền về những vụ chết đuối thương tâm luôn đặt ra cho các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường việc đầu tiên là phải có dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ nhỏ.

Ngọc Mai - Ngọc Minh

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文