Viêng Chăn thành phố đêm trong nỗi nhớ

15:16 11/08/2012
Lào – đất nước nổi tiếng với lễ hội “té nước”. Tôi rất thích hai từ “té nước” chứ không phải là xối nước hay đổ nước. “Té” vừa có nét hồn nhiên của trẻ nhỏ vừa được té lên bản thân mình, chia sẻ với người khác, té còn là những động tác chủ động khoan thai tự tin chứ không xô bồ chen đẩy. “Té” vừa tung ra vừa muốn thu lại thật thắm thiết. Tôi bắt gặp nhiều cháu bé dùng súng nhựa để phun nước. Nước như là một biểu tượng của hòa bình, của sinh sôi nảy nở ngay đầu họng súng thật đáng yêu biết bao.

Đoàn chúng tôi sang Lào đúng tết cổ truyền Bun Pi May còn gọi là tết té nước (lễ hội Hốt Nặm) vào dịp giữa tháng tư, một chuyến du lịch “bụi” như Tây ba lô đi theo ngẫu hứng là một chuyến thám hiểm, khám phá đầy thú vị về đất nước anh em.

Xứ sở hiền hoà

Buổi sáng tết Lào ngày đầu năm mới mọi người lên chùa tắm cho các pho tượng Phật, buộc chỉ cổ tay xả hết chuyện ưu phiền rủi ro năm cũ. Không có sông suối thì lấy nước tắm cho nhau cốt để được may mắn khỏe mạnh và giàu sang hơn trong năm mới. Chính vì thế người người ùa ra đường chúc phước, té nước lên nhau không cần sự đồng ý của đối tác. Mọi người tâm niệm bỏ qua chuyện cũ, hướng tới cái mới và làm lại tất cả tốt đẹp hơn, những gì xấu xa vướng mắc phải được gột rửa hết chảy theo dòng nước. Tôi nghĩ đây là một phong tục tín ngưỡng rất hay, rất thuần phác. Cái nét thuần phác hiện lên trong mọi ứng xử của người Lào, đặc biệt là giữa con người với thiên nhiên điệp trùng núi rừng bạt ngàn màu xanh. Rừng Lào ơi! Cây nghiêng ngả vấn vít vào nhau, đan cài vào nhau thành một tấm bình phong mềm mại mà thăm thẳm vững chãi.

Lào – đất nước nổi tiếng với lễ hội “té nước”. Tôi rất thích hai từ “té nước” chứ không phải là xối nước hay đổ nước. “Té” vừa có nét hồn nhiên của trẻ nhỏ vừa được té lên bản thân mình, chia sẻ với người khác, té còn là những động tác chủ động khoan thai tự tin chứ không xô bồ chen đẩy. “Té” vừa tung ra vừa muốn thu lại thật thắm thiết. Tôi bắt gặp nhiều cháu bé dùng súng nhựa để phun nước. Nước như là một biểu tượng của hòa bình, của sinh sôi nảy nở ngay đầu họng súng thật đáng yêu biết bao.

Ngày hội té nước tết Lào.

Người Lào rất thích màu sắc. Ngoài trang phục ăn mặc, sắc màu chùa chiền thì ngày hội té nước họ cũng pha trộn nhiều màu để phun lên thành xe dính bết như một lời chúc phúc gắn bó keo sơn vậy. Đến Lào, tôi rất thích màu xanh thăm thẳm của rừng và màu vàng huy hoàng tráng lệ, thiêng liêng của Phật. Tôi đã từng sang Ấn Độ và Nê-pan -  xứ sở của đất Phật và bây giờ đang ở giữa đất Lào mới thấm thía câu thơ rất tài hoa của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Thu hết mọi tiếng chuông trong một sắc áo vàng”.

Người dân Lào thân thiện và dễ mến. Họ biết nhường nhau cả khi đi đường, vội ở đâu thì chớ, chứ ra đường không được vội vàng chen lấn, tranh giành. Họ cho rằng cử chỉ bấm còi không chỉ làm ồn ào huyên náo đường phố mà còn mang ý nghĩa xua đuổi, tranh giành. Trong những ngày ở trên đất Lào, tôi thấy rất ít trạm kiểm soát của Cảnh sát giao thông. Mà, dấu hiệu báo trước cho một trạm kiểm soát cũng đàng hoàng nhận thấy từ xa, đó là những rào chắn dựng lên một cách công khai xếp hàng dọc có lối tránh cho xe đi chậm lại.

Gặp lúc xe chúng tôi chạy tốc độ hơi cao, một chiến sĩ Cảnh sát giao thông Lào lại gần hỏi giọng lơ lớ: “Chạy gì mà nhanh thế?”. Tài xế chúng tôi nhận lỗi: lý do vì kịp đón tết ở Viêng Chăn. “Nếu biết nhận lỗi vì mình sai thì họ sẽ cho đi. Nếu cứ tranh cãi thì hãy chờ đó, họ sẽ làm nghiêm đó” - một người trong đoàn nhẹ nhàng đưa ra ý kiến sau khi chia sẻ mấy chai nước khoáng với các anh Cảnh sát giao thông Lào giữa lúc trời đã nóng bức - tất cả cũng lại bắt đầu từ nước, vị mát dịu của nước xích lại gần hơn, dễ thông cảm với nhau hơn.

Trong cái sắc màu vàng lặng im của đất nước Lào những ngày tháng tư này có một màu hoa ám ảnh tôi mãi nở đúng vào dịp té nước. Đó là hoa Đọc Khun. Màu vàng chanh sang trọng và kiều diễm. Cả thành phố Viêng Chăn sáng lung linh. Người dân Lào đi lễ chùa đầu năm mới đã hái những chùm Đọc Khun thả vào chậu nước thơm để tắm Phật, dùng chùm hoa này nhúng vào nước thơm ban cho mọi người cùng hưởng phước lộc. Hoa Đọc Khun nở rất tươi rất lâu cả tháng trời. Người Lào yêu hoa đặt tên cho Đọc Khun là “bông hoa phước” hay “bông phúc”. Khi đã thả vào chậu nước thơm những cánh hoa vàng ngấm tan trong nước thành một màu vàng chanh gần giống màu áo các nhà sư. Thứ nước ấy được các sư trụ trì trong các ngôi chùa dùng các cành lá Đọc Khun nhúng vào rồi vẩy lên lưng người làm lễ tỏ ý ban phước với ý nghĩa: “Chúc các bạn luôn gặp may mắn phước lành”.

Xe chúng tôi chạy trên quốc lộ bạt ngàn màu xanh qua những dãy núi đá vôi rất đẹp. Thỉnh thoảng có những trạm dừng chân bằng những mái nhà sàn nền gỗ, lợp tôn bên đường cho khách bộ hành ngắm cảnh. Có những đoạn sông Mê Kông chạy song hành với quốc lộ. Sông Mê Kông nước trong xanh, bên kia là Thái Lan, nhà cửa xây dựng khá khang trang. Còn bên đất Lào còn hoang sơ lắm. Thỉnh thoảng lại gặp những dãy quán bán cá khô dọc đường. Những chùm cá phơi khô trông thật bắt mắt nhưng giá thì rất đắt. Hóa ra đây là cá của sông Mê Kông họ đánh bắt được mổ ra phơi khô bán cho khách đi đường. Nước Lào không có biển, ở đây chỉ có cái mênh mang của sông và thăm thẳm bí ẩn của rừng.

Xứ sở lễ hội

Chúng tôi đến vào dịp tết nên được những người bạn hiếu khách cho thưởng thức ngoài món bánh “khẩu tụm mắt” (giống bánh chưng của người Việt) có nhân quả chuối chín, gói bằng lá buộc lạt giang hay bánh gói “khẩu nốm mok” bột nếp trộn với đường và nước dừa là món ăn đặc biệt mang lại sự may mắn đó là món Lạp - món ăn truyền thống trong lễ hội người Lào. Lạp được làm từ thịt động vật: thịt và cá được băm nhuyễn với rau bạc hà xắt nhỏ và nước cốt chanh ăn với các loại rau sống như húng, ngò gai. Món Lạp là một thứ ẩm thực tổng hợp vừa có vị chua, cay, béo, vừa có dư vị riêng được các đầu bếp có kinh nghiệm pha trộn bằng bàn tay khéo léo của mình để có thể đo lường được thật chính xác hương vị bằng cả sự mẫn cảm tinh tế của mình, không thái quá, tất cả đều dìu dịu mà ngấm lâu như tình người Lào vậy.

Đặc biệt ấn tượng với tôi trong bữa cơm của người Lào ngoài món xôi dẻo thơm là món canh chua bởi nhiều sắc màu của cà chua đỏ, của dọc mùng xanh, của đầu cá tươi nần nẫn, hôi hổi bốc khói và không bao giờ vắng một thứ lá chua như lá bứa mà chỉ ở Lào mới có. Nếu thiếu vị lá này bát canh chua không còn hồn vía nữa. Lá gì vậy? Tôi cứ ngẩn ngơ giơ đũa lên nhìn cái lá đã chín ngả sang màu sẫm mà vị ngọt, vị béo, vị chua còn tứa ra đầu lưỡi.

Tết Bun Pi May cùng với những lễ hội tiễn nắng, gọi mưa như “Bun Băn Pay” (đốt pháo thăng thiên), thả cầu lửa tạo nên ma lực hấp dẫn một chất keo gắn kết giữa chất thiêng huyền bí với chất men phấn khích xoắn quyện con người thành một cộng đồng gắn bó. “ hòi khòi pay” (Từ từ mà đi) là câu nói cửa miệng của người Lào. Trong nhà vợ chồng không to tiếng, không đánh mắng trẻ con. Ra đường không vội vàng chen lấn, không thích dùng vũ lực. Họ chỉ thích hội hè, ca hát nhảy múa. Người Lào tiếp nhận đạo Phật một cách tự nhiên bình dị làm cho cuộc sống trở nên hiền hòa hạn chế được lòng tham, thói xấu. Tất cả cân bằng trên mọi bình diện đó là cách ứng xử rất Lào: mềm mại, hài hòa một lối ứng xử khoan dung (tolézanice) điều mà văn hóa thế giới đang đòi hỏi.

Ấn tượng với tôi trong chuyến đi này là những ngôi chùa Lào. Chùa là dấu ấn đặc sắc của văn hóa Lào. Ở đất nước Triệu Voi này thanh niên Lào trước khi lấy vợ thường đi tu ở chùa vài tháng đến vài năm. Nơi đây họ được học hỏi kiến thức, học nghề, học chữ và học cả tiếng Anh nữa. Ngôi chùa như một ngôi trường đầu đời để đào luyện con người bằng cái tâm tự nguyện của mình. Các nhà sư trụ trì thường là những nhà thông thái.

Rất nhiều trẻ em Lào đã được gửi vào học ở chùa rất sớm. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, những bài học nhập môn vào đời bằng việc học điều thiện. Vì thế sau này lớn lên những cây non được ươm trên mảnh đất thiện tốt lành đó đã tạo ra những vóc dáng cho mình khỏe khoắn và an lành cả về thể hình và tư chất. Thanh niên Lào cũng có uống rượu, bia nhưng ít say. Uống trong ngày hội để có chất men tưng bừng ca hát. Cả nước Lào chỉ có một nhà máy bia duy nhất, đóng một loại chai duy nhất. Ở bất cứ quán ăn nào cũng chỉ có mỗi loại bia khoảng 700ml ấy. Hình thức đơn giản nhưng vị bia có nồng độ đậm. Người Lào uống nhâm nhi, uống như tận hưởng một thú vui, chứ không có cảnh ầm ĩ huyên náo.

Chúng tôi đã được chứng kiến những cuộc đua thuyền rồng, đó là con thuyền độc mộc khoét từ thân cây cổ thụ quý từ trên rừng già. Có thuyền sơn son thếp vàng và khảm xà cừ với những nét hoa văn lạ mắt. Những phường bạn chèo chuyền hợp sức lại với nhau những mái chèo loang loáng ánh nước bạc. Thuyền lướt sóng tay bắt mặt mừng từ rừng đại ngàn ùa vào dòng chảy lớn của con sông Mẹ để dân làng bày tỏ sự tri ân với các vị thần nước với tổ tiên đã phù hộ cho họ được yên ổn làm ăn.

Những người không tham gia hội đua thuyền lại đón tết bằng cách họ rủ nhau ra bờ sông, xúc những xe cát đầy chở về đắp thành những núi cát nhỏ quanh những gốc cây cổ thụ nơi sân chùa. Đỉnh núi cát cắm cờ đuôi nheo, cờ phướn bằng những dải lụa nhiều sắc màu. Họ cắm trên đỉnh và sườn núi cát những dây chỉ ngũ sắc cầu nguyện sang năm mới có nhiều điều phúc. Nhiều gia đình trong những ngày này ra sông thả cá. Người Lào coi việc phóng sinh cá là ước vọng cho quê hương mình cánh đồng lúa thêm thơm, dưới sông nước đầy cá béo.

Có một lễ hội được đông đảo người Lào tham gia trong ngày tết là rước nữ Chúa Xuân. Tập tục này có từ thời xa xưa. Nữ Chúa Xuân là nàng Xằng Khản, một trong bảy người con gái của thần Bốn mặt - vị thần có công đem những điều tốt lành cho dân Lào. Theo đó mỗi năm trước lễ hội người ta thi hoa hậu để tuyển bảy cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi giang trong cuộc sống. Đến giờ Hoàng đạo, đoàn rước nữ chúa xuân thật tưng bừng. Cô gái đóng Chúa Xuân một tay gươm, một tay cầm vòng lửa cùng 6 người em gái xiêm y rực rỡ ngồi trên xe mui trần trang hoàng lộng lẫy. Đi theo đoàn rước là dòng người nối tiếp nhau vừa đi vừa múa hát trong tiếng trống vang lừng. Vâng, tiếng trống và điệu nhảy lăm vông như một biểu tượng tràn đầy sức sống của người Lào. Tiếng trống căng từ các mặt gỗ mang cả âm vọng núi rừng. Hễ trống nổi lên là tay chân bắt đầu không yên, muốn nhảy múa. Có một luồng sinh khí nào đó chảy trong huyết quản của người Lào để họ được thoát xác tưng bừng và mê đắm.

Đất níu chân người, bốn phương là bạn

Ngôi chùa thiêng mà bất cứ du khách nào đến Lào cũng ghé thăm để làm lễ buộc chỉ cổ tay là chùa Xỉ Mương (Si Muang) cách đại lộ trung tâm 1km. Đây là ngôi chùa thiêng nhất của Lào. Truyền thuyết ghi có một cô gái tên là Si Muang ở làng bên có thai ba tháng đến dự lễ hội hiến tế. Không may nàng sảy chân rơi xuống hố dành cho các trinh nữ tự nguyện nên mọi người cứ thế lấp đầy đất xuống. Khi phát hiện ra, nàng được cứu nhưng không thoát khỏi cái chết.

Hiện nay trong chùa có ngôi mộ được coi là mộ của nàng Si Muang. Có một điều rất đặc biệt là ở đây một đôi chim hồng hạc bay về và ở lại ngay trên đỉnh ngôi mộ dưới tán cây xanh tốt. Mặc dù ngôi chùa luôn nhộn nhịp người nhưng chim vẫn yên ổn trú ngụ không tỏ ra sợ hãi. Đôi chim vươn cao cổ, xỏa cánh hiền từ nhìn mọi người cứ nhởn nhơ thanh thản như phong cách người Lào vậy. Nhẩn nha sống, nhẩn nha chơi, nhẩn nha lặng lẽ suy tưởng đó là đặc điểm riêng của con người ở đất nước Triệu Voi.

Chúng tôi làm lễ buộc chỉ cổ tay do một nhà sư còn khá trẻ trụ trì. Lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc thời ban đầu gọi là lễ cầu hồn, cầu cho người thân khi vừa ốm dậy hay sau một tai nạn, cho người đi xa lâu mới về, cho người mới sinh nở. Sợi chỉ buộc cổ tay có nghĩa là buộc hồn với thể xác mang ý nghĩa là lời cầu phúc, chúc phúc tốt lành. Đây cũng là nét văn hóa bình dân độc đáo có một không hai. Sau khi buộc chỉ phải giữ quá ba ngày mới được tháo ra và treo lên chỗ trang trọng trong phòng làm việc.

Ở giữa sân chùa có máng hình con rắn thần NaGa để tắm cho tượng Phật. Người Lào gọi nghi thức đó là “Xống nặm” (Giữ nước). Dòng nước chạy dọc theo thân rắn gỗ róc rách như dòng suối nhỏ chở hương thơm thấm vào pho tượng Phật. Chúng tôi đã đến thăm chùa Wat si sa kẹt (còn gọi là chùa Triệu Tượng) được xây năm 1818. Tượng Phật ở đây rất nhiều, có cái bằng ngón tay đến tượng to cao 3 mét bằng đồng đen, đất sét, gỗ. Người Lào không bao giờ xem tượng là đồng nát mang đi nấu chảy để lấy đồng. Kho tượng như một kho hồi ức vô giá của họ.

Cách Thủ đô Viêng Chăn 27km còn có vườn phật lưu giữ hàng trăm bức tượng, còn có tên gọi khác là Suốn Phụt. Vườn phật do vị sư tên là Bun le ua su li at xây năm 1958 gồm 200 bức tượng bằng bê tông có nhiều tượng voi đặc sắc; có tượng voi 3 đầu lớn nhất nước Lào. Tượng ở đây phong phú về dáng cách điệu, có tượng các nhà sư đi khất thực hay hình vũ nữ rất sinh động. Ấn tượng nhất là bức tượng phật nằm dài 50m. Và quả bí ngô khổng lồ thể hiện đường từ địa ngục lên thiên đường với 3 tầng có đường xoắn ốc cho khách tham quan đi vào bên trong.

Một ngôi chùa được xem là biểu tượng quốc gia in trên tiền giấy và quốc huy Lào được xây 1566 dưới triều vua Xịt thả thi lạt là chùa That Luang. Mô hình chùa như một nậm rượu trên phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ thứ 13. Bên ngoài được dát vàng. Truyền thuyết trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật, là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Chùa Thạt Luang có tháp chính cao 45m bao quanh là các tháp phụ sơn son thếp vàng rực rỡ trang nghiêm.

Chùa Thạt Luang ở Thủ đô Viêng Chăn.

Trước khi sang Lào, chúng tôi đã tìm hiểu về văn học Lào nhưng ít có tác phẩm được dịch ra tiếng Việt. Hồi nhỏ tôi đã được đọc tiểu thuyết của nhà văn Phan Tứ (với bút danh Lê Khâm) viết về bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào như: “Trước giờ nổ súng” và “Bên kia biên giới”. Hình ảnh anh bộ đội Phathét Lào với chiếc mũ lưỡi trai rất đặc trưng đã in đậm trong trí nhớ của tôi. Rồi Tiểu đoàn 2, Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng… những tên đất, địa danh cứ âm thầm vang vọng.

Tôi cũng đã từng gặp nhà văn Chăn Thy, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào ở trại viết Tam Đảo. Ông từng theo học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ ở Quảng Bá (Việt Nam) năm 1972 để bổ sung cho chiến trường cùng các nhà văn trẻ Việt Nam. Lần này rất tiếc ông bị tai biến ngồi trên xe lăn nên đi lại rất khó khăn. Nhà văn Chủ tịch Hội mang dòng máu Việt: quê gốc của ông ở huyện Tương Dương - Nghệ An. May mắn chúng tôi được gặp ông Tiến sĩ Cục trưởng Cục Xuất bản và Phát hành báo chí Lào - một người quen của nhà văn Đức Ban. Ông Cục trưởng vui tính nhưng rất điềm đạm đã có lần tự lái xe từ Lào sang Hà Tĩnh làm việc xong tắm biển rồi mới về. Phong cách sống của ông thật bình dị.

Sáng nghe điện thoại nhà văn Đức Ban hẹn, ông dậy thật sớm (mặc dù là ngày tết được nghỉ) để đến quán bình dân ăn sáng vui vẻ với mọi người. Tối, ông tự đánh xe ra quán bờ sông để chúc rượu với các nhà văn Việt Nam. Nụ cười luôn thường trực trên gương mặt ông thật sáng láng, ông bảo: “Tôi đã đọc Tạp chí Hồng Lĩnh của các anh rồi trong hội báo xuân đầu năm”. Thì ra hội báo xuân tổ chức ở Thủ đô Viêng Chăn, có nhiều báo và tạp chí của Việt Nam, của Hà Tĩnh. Chúng tôi hiểu nhau qua ánh mắt, cái bắt tay nóng hổi một câu đùa và đôi lúc có chút ngả nghiêng bên chén rượu. Sống thật, hết mình, người Lào là vậy đó.

Một góc nhà lưu niệm Bác Hồ ở tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Tôi lại nhớ cái buổi trưa liên hoan tại Thà khẹt sau khi dự lễ khánh thành khu nhà tưởng niệm Bác Hồ tại khách sạn Mê Kông. Khu nhà tưởng niệm khá khang trang, được xây ở tỉnh Khăm Muộn giáp với tỉnh Quảng Bình. Nơi đây Bác Hồ đã từng ở và hoạt động một thời gian. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, khu lưu niệm xây dựng xong 1,6 ha gồm: nhà đón khách, nhà trưng bày hiện vật, khu vườn hoa, cây cảnh. Đặc biệt ở đây có một ao cá lớn là ao cá Bác Hồ. Bà con Việt kiều và bạn Lào đã tổ chức một đoàn rước cá từ chính ao cá Bác Hồ ở Hà Nội về thả nuôi ở đây.

Đoàn nhà văn Việt Nam được ông Tỉnh trưởng chúc rượu mấy lần, dành riêng cho đoàn một mâm tiệc thật thịnh soạn có cả rượu Tây và thịt ba ba đặc sản. Ông Tỉnh trưởng dáng người thấp đậm, chắc như gỗ lim cứ đi vòng quanh mâm mà chúc, mà nói với nhau bằng thứ tiếng Việt lơ lớ thổ âm Lào: Các bạn Việt Nam tốt lắm, chúng ta là người nhà là con cháu Bác Hồ mà! Đến Lào vào dịp tết nên các cửa hàng ăn uống của người Lào đều đóng cửa, họ kéo nhau ra đường té nước và nhảy múa.

Đặc điểm của người Lào là không bao giờ vội dù bán quán hàng khách đến sốt ruột cũng phải chờ. Hết giờ là nghỉ, không làm thêm kể cả trạm bán xăng cũng vậy. Họ chơi tết đúng hơn là ăn tết. Ở đây rất ít quán ăn uống dọc đường. Vì thế đoàn chúng tôi suýt nữa bị đói may sao tìm được cái biển đề “Quán cơm Việt Nam”. Hóa ra bà con Việt của mình sang đây làm ăn cũng nhiều và khá thành đạt bởi đức tính cần cù, chắt chiu và chịu khó. Khác với người Lào, hình như thiên nhiên đã ban tặng cho họ cái không gian rộng lớn, đất đai màu mỡ và tâm linh hướng nội nên tất cả đều vừa phải, kể cả kiến trúc xây dựng ít có nhà cao tầng.

Tạm biệt Viêng Chăn, tạm biệt thành phố trăng rằm nằm ở tả ngạn sông Mê Kông phía Tây bắc nước Lào. Tôi mang theo mấy hạt giống hoa Đọc Khun mà chị Hằng hái ở cây rực rỡ hoa vàng trước cổng cơ quan thường trú VOV gửi tặng. Tôi sẽ ươm những hạt giống hoa này ở vùng đất biển gió Lào quê tôi, bởi như chị Hằng nói: khí hậu càng nóng hoa càng tốt, càng tươi. Hoa như một biểu tượng sức sống của sắc nắng vàng Viêng Chăn. Có một Viêng Chăn gần gũi như dòng sông Mê Kông vẫn chảy bên lòng. Viêng Chăn không xa - Viêng Chăn thành phố trăng đêm nay lại hiện về trong nỗi nhớ…

Du Ca

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文