Xâm hại tình dục trẻ em: Không chấp nhận bất cứ một thương thảo dân sự nào

13:08 19/03/2017
Xâm hại tình dục trẻ em đang trở thành vấn đề nóng trên các phương tiện truyền thông trong những ngày gần đây. Nóng vì mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại nhưng rất ít vụ được giải quyết triệt để.

Vì sao những vấn đề nghiêm trọng, gây tổn thương lớn trong cộng đồng lại không tìm được lối thoát. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Csaga về vấn đề này.

- Theo chị, vì sao có rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra, nhưng rất ít vụ được xử lý, thậm chí có nguy cơ chìm xuồng''?

+ Những vụ án xâm hại tình dục trẻ em đang gây phẫn nộ dư luận mà vẫn chìm xuồng có nhiều nguyên nhân. Trước hết, các cơ quan tiếp nhận những đơn thư thấy sự việc này chưa nghiêm trọng bằng việc khác. Họ cho rằng, đây chỉ là câu chuyện của trẻ con.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới Csaga.

Thứ hai là tâm lý xuê xoa, chín bỏ làm mười của các cơ quan tư pháp, hành pháp ở Việt Nam, mọi người nghĩ rằng thôi thì người kia đã khắc phục hậu quả hoặc để cho nó (kẻ gây tội) một cơ hội chẳng hạn và mọi người sẽ ém nhẹm câu chuyện đi.

Thứ ba, đôi khi gia đình nạn nhân quá mệt mỏi, chán nản, sợ hãi dư luận. Thứ tư là tâm lý của cộng đồng người Việt đổ lỗi cho gia đình có những đứa trẻ bị xâm hại. Trên mạng xã hội, nhiều người còn chỉ trích gia đình em bé ở Vũng Tàu rằng, chắc muốn nổi tiếng nên kiện mãi hay là cần tiền, thậm chí nhiều người còn cho rằng, cứ vẽ ra, hãy để đứa trẻ được yên. Nhưng nếu chúng ta cứ im lặng vụ này thì sẽ xảy ra vụ khác và những kẻ ấu dâm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tự cho rằng chả làm sao cả.

- Thực tế, đa phần khi vụ việc đau lòng xảy ra, các gia đình, cả đứa trẻ thường chọn giải pháp im lặng. Đó cũng là lý do vì sao các vụ việc không được giải quyết. Một sự im lặng đáng sợ. Vì sao chúng ta im lặng?

+ Thói quen của người Việt Nam là người lớn ít khi chia sẻ câu chuyện liên quan đến tình dục với trẻ em, cảm thấy ngượng khi chia sẻ. Điều đó dẫn đến hệ quả tất yếu trẻ con rất khó chia sẻ lại những vướng mắc nó gặp phải, nhất là vấn đề tình dục. Rồi tâm lý né tránh, sợ dư luận.

Để tạo không khí cởi mở, người lớn phải học cách nói chuyện với trẻ em về những nội dung này, dạy các em kỹ năng bảo vệ mình, nhất là những kỹ năng liên quan đến tình dục. Điều cần thiết trước khi chờ người khác thì chính các bà mẹ hãy tự bảo vệ con mình bằng cách trò chuyện với con hàng ngày, làm bạn với con, lắng nghe con, thấu hiểu con hơn.

Xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra bởi bất cứ ai, kể cả người quen, người thân trong gia đình và bất cứ nơi nào, trong nhà hay nơi công cộng. Nên các em phải biết một số nguyên tắc, một số vị trí nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực thì chỉ có mẹ tắm cho con được chạm đến, còn những người khác ôm hôn nếu không thích, các em có thể từ chối, biết cách nói không với người đó.

- Vậy những đứa trẻ ở nước ngoài bị xâm hại đã được bảo vệ như thế nào, thưa chị?

+ Khi tôi đi tham dự một số phiên tòa ở nước ngoài, tôi thực sự khao khát làm sao ở mình có cách làm như vậy. Khi tôi đến Thái Lan, tham dự phiên toà xử vụ việc một em bé bị xâm hại, họ có  phòng riêng và có kính nhìn được một mặt, trong phòng có camera để bên kia có thể quan sát và một cảnh sát đồng thời là bác sĩ tâm lý hỏi chuyện em bé dưới sự giám hộ của mẹ bằng búp bê và thú bông.

Cảnh sát sẽ hỏi chuyện và cháu bé chỉ vào gấu bông để mô tả lại. Tôi cũng đi tham dự những vụ xử xâm hại trẻ em ở Mỹ, đều thấy nạn nhân không phải trả lời nhiều và bên cạnh họ luôn có luật sư. Tôi cũng mơ ước hệ thống pháp luật khi xử những vụ án liên quan đến trẻ em phải có cách riêng, những luật sư, cảnh sát phải được đào tạo, có kỹ năng làm việc với trẻ em.

- Nhưng ở Việt Nam, vấn đề này đang quá nhức nhối. Đã đến lúc chúng ta không thể im lặng. Vậy theo chị, gia đình làm thế nào phát hiện ra câu chuyện để có thể lên tiếng, đấu tranh bảo vệ chính con của họ?

+ Bố mẹ thường xuyên quan sát, trò chuyện với con, chú ý đến biểu hiện bất thường của con, hỏi theo hướng có vấn đề gì xảy ra, luôn đặt xâm hại tình dục là một nội dung của câu hỏi. Và nếu có sự việc đó xảy ra thì ngay lập tức phải tìm chứng cứ vì chứng cứ xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam là cả một vấn đề gay go.

Hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm.

Thứ nữa là phải làm đơn trình báo Công an và yêu cầu khám nghiệm. Gia đình nên yêu cầu khi Công an lấy lời khai của cháu bé phải có người giám hộ, vì có trường hợp mọi người làm không đúng nguyên tắc, không có người giám hộ như trường hợp em bé Hòa Lạc, em bị tách riêng ra trả lời hay em bé Vũng Tàu phải đối chất một mình với ông già 70 tuổi, làm sao em còn bé mà có thể đối chất được như thế.

Và phải tạo cho các con một cuộc sống bình yên, nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm, nhà trường để hỗ trợ em bé, tránh việc con bị cộng đồng kỳ thị. Nói với con, đó như một tai nạn trong cuộc đời. Và cuối cùng là gia đình dám tố cáo và kiên trì theo đuổi công lý, không nhận bất cứ một thương thảo dân sự nào từ phía kẻ phạm tội, vì như thế là ta đang lùi một bước để kẻ gây tội vẫn nhởn nhơ.

 - Chị là người theo đuổi mạnh mẽ trên con đường đi tìm công lý, tìm lại niềm tin cho những đứa trẻ và gia đình họ, vậy mà có lúc chị nói rằng, chị cảm thấy bất lực?

+ Tôi thấy bất lực, bởi quá nhiều vụ việc đang không được làm rõ. Tôi xin nói rõ, mấy vụ án gây ồn ào dư luận vừa qua cũng chỉ là một trong số ít những vụ xâm hại không bị phanh phui mà thôi.

Hiện tại tôi đang hỗ trợ gia đình em bé 7 tuổi ở HL bị bạn của bố hiếp dâm. Vụ việc đã xảy ra hơn 1 năm nay, mẹ cháu đã gửi đơn đến hàng trăm cơ quan nhưng hiện mọi chuyện vẫn im lặng. Và một em bé ở Ba Vì - hàng trăm bài báo, chương trình truyền hình đã đưa 2 năm nay về vụ này - em bé mới 3 tuổi bị hàng xóm 76 tuổi xâm hại - vẫn giống vụ Vũng Tàu, khởi tố vụ án nhưng không khởi tố bị can.

Kẻ phạm tội luôn cáo ốm khi được mời. Để thấy, nhiều vụ việc báo chí vào cuộc, dư luận lên tiếng, đã có Công an bắt rồi thả. Vô cùng khó khăn. Bản thân tôi khi giúp đỡ các vụ việc đó cảm thấy bất lực. Rồi đây câu chuyện của những đứa trẻ có được xử lý hay không. Mẹ của những đứa trẻ và hàng xóm của họ thì luôn lo lắng, nếu không làm đến cùng thì còn nhiều đứa trẻ khác mất an toàn vì kẻ gây tội vẫn nhởn nhơ, cười cợt ngay trên nỗi đau của các em.

- Vâng, liệu các vụ việc có được xử lý hay không, chúng ta đang chờ sự vào cuộc quyết liệt của báo chí và các cơ quan chức năng.

* Trong tọa đàm "Im lặng hay lên tiếng" được tổ chức ở Hà Nội về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói: "Chúng ta đang ở trong bầu không khí nóng vì những vấn đề đau đớn và nghiêm trọng của xã hội như nạn ấu dâm đã không được giải quyết và đang đi vào bế tắc.

Có nhiều vụ án nữa có nguy cơ chìm xuồng. Nguyên nhân vì sao bế tắc, vì sự im lặng của tất cả các bên, đầu tiên tôi muốn nói từ gia đình nạn nhân, cộng đồng, của các cơ quan chức năng.

Trước một vụ việc mà nói đến chúng ta đều sôi sục lên nhưng chúng ta vẫn im lặng, tôi nghĩ căn nguyên của nó từ nền văn hóa của chúng ta, một nền văn hóa ngại và sợ nói đến những chuyện liên quan đến tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm.

Ngại nói đến mới dẫn đến những câu chuyện hôm nay. Nền văn hóa của chúng ta đòi con gái khi kết hôn còn trinh nhưng lại im lặng trước những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục như vậy.

Nạn nhân và gia đình im lặng vì họ nói lên họ được điều gì, cô bé đó có thể không có tương lai, cả gia đình đó có thể phải thay đổi sinh kế để không ai biết đến câu chuyện của họ nữa. Xã hội chúng ta còn đổ lỗi cho nạn nhân.

Và luật pháp không đủ sức mạnh để giải quyết vấn đề dâm ô. Ở các nước chỉ cho trẻ em xem sex hay ép trẻ em xem bộ phận sinh dục của người khác là ra tòa rồi, còn chúng ta đòi hỏi bằng chứng trên cơ thể đứa trẻ. Chúng ta không xây dựng luật trên thực tế cuộc sống mà trên nhận thức lảng tránh, nhận thức chối bỏ khiến luật pháp của chúng ta, không đủ mạnh''.

Theo luật sư Lê Văn Luân (người tham gia bào chữa cho gia đình cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai - Hà Nội):

"Những câu chuyện trên không phải là hiếm. Rất nhiều vụ án xâm hại tình dục ở trẻ em đến giờ vẫn chưa được phanh phui, giải quyết. Ở các nước trên thế giới, họ phân hóa hành vi rất rõ ràng.

Chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm xem phim sex, hoặc động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của người khác mà không được phép đã cấu thành tội. Thế nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại chưa làm được điều này. Trong nhiều vụ án, các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại.

Đây là một điều khá vô lý, bởi đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết? Hoặc nếu gia đình nạn nhân phát hiện muộn cũng khó thu thập chứng cứ. Chính những kẽ hở pháp luật này đã góp phần dung túng cho những kẻ gây tội và khiến cho vấn đề ấu dâm không được nghiêm trị ở nước ta''.

Lan Tường (thực hiện)

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文