Xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở giúp huy động sức mạnh toàn dân
Đây là dự án luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở) được thành lập tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là địa bàn cơ sở).
Lực lượng này được hình thành và phát triển từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, tham gia bảo vệ ANTT, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở.
Theo Bộ trưởng, trước yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới, yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm chi ngân sách nhà nước... đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn cơ sở.
Thêm vào đó, hoạt động của lực lượng này tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như tham gia tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm; tham gia tuần tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bắt giữ người phạm tội quả tang, đối tượng truy nã, được sử dụng công cụ hỗ trợ… Vì vậy, việc đề nghị xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết.
Công an xã chính quy và Công an xã bán chuyên trách góp phần quan trọng đảm bảo an ninh nông thôn. |
Thảo luận tại tổ lần đầu về dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với sự cần thiết phải ban hành luật. "Nếu ANTT cơ sở không được đảm bảo thì tác động đến tình hình xã hội nói chung, sẽ hình thành nạn trộm cướp, tội phạm, vi phạm pháp luật…", Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội Vương Đình Huệ nêu quan điểm. Ông cho rằng, việc đảm bảo ANTT ở cơ sở, đặc biệt nông thôn là hết sức quan trọng, đồng thời nhìn bóng dáng người mặc sắc phục thực thi nhiệm vụ tội phạm cũng e dè hơn, lực lượng chính quy sẽ có nghiệp vụ, kỹ năng tốt hơn.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cần đánh giá về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, bởi vì nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở không chỉ của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách mà là “thế trận lòng dân”, tức là toàn bộ hệ thống chính trị tham gia. “Nên chăng luật cần quy định thế trận nhân dân trong bảo vệ ANTQ?”, ông gợi ý.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị cần hướng tới một giải pháp căn cơ hơn, mang tính pháp lý và bền vững, song cũng nên lưu ý, sức mạnh có thể uy hiếp được tội phạm chính là quần chúng chứ không phải là sự có mặt của lực lượng chức năng ở khắp nơi. Đề cao vai trò của lực lượng hỗ trợ phòng, chống tội phạm ở cơ sở, Bí thư Thành ủy TP HCM mong muốn các đại biểu nghiên cứu, trao đổi kỹ hơn về dự luật này, làm rõ đối tượng điều chỉnh và chế độ chính sách cho lực lượng, để trước mắt ngăn chặn, sau đó tiến tới kéo giảm tội phạm, ổn định tình hình ANTT.
ĐBQH Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho biết, qua đọc Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đánh giá tác động, đây là một trong những dự án Luật đi vào hướng Nhà nước huy động tổng lực sức mạnh của nhân dân, đẩy mạnh phong trào bảo vệ ANTQ tại cơ sở, tạo bước ngoặt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. "Nếu dự án Luật này đáp ứng được mục tiêu thì rất tốt, lực lượng Công an cùng với các lực lượng khác có tổng thể sức mạnh toàn dân, chúng tôi rất tán thành", đại biểu tỉnh Kiên Giang nói, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến kinh phí, công tác bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở...
Công an xã bán chuyên trách - "Cánh tay nối dài" của lực lượng Công an ở cơ sở. |
Lực lượng quan trọng để huy động sức mạnh nhân dân
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực tế lực lượng này đã có và đang hoạt động hằng ngày, chứ không phải đến bây giờ chúng ta xây dựng luật này để sinh ra một lực lượng mới. Đây là đòi hỏi rất thực tiễn. "Chúng tôi đánh giá đây là lực lượng rất quan trọng, trọng tâm để huy động sức mạnh nhân dân, là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Chúng ta đã tổng kết nhiều năm nay rồi, đây là đặc trưng rất lớn của CAND Việt Nam, của phong trào đấu tranh bảo vệ ANTT mà nhiều nước trên thế giới không có", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, nhiều nước đến học tập, họ thấy rất lạ và rất tâm đắc. Bản chất khác biệt của Công an chúng ta là Công-an-nhân-dân, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTQ và trách nhiệm đó là của toàn dân, trong đó có lực lượng nòng cốt. Đường lối bảo vệ ANTT của chúng ta cũng khác với lực lượng Cảnh sát các nước và ở họ không có phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ. Theo Bộ trưởng, về nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng và an ninh tại cơ sở thì phía Bộ Quốc phòng có Luật dân quân tự vệ, đây cũng là một lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. Luật này khái quát lại, tổ chức đưa những người dân có trách nhiệm, tâm huyết, có đủ điều kiện cùng với chính quyền và lực lượng Công an, Quân đội tham gia bảo đảm ANTT tại cơ sở.
"Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở về bản chất không khác xa lắm với Luật Dân quân tự vệ. Thậm chí có những điểm giống nhau, tương thích, đồng thuận, và luật của chúng tôi may mắn ra đời sau, có thể vận dụng những kinh nghiệm, chính sách của Luật Dân quân tự vệ", Bộ trưởng Tô Lâm lý giải, đồng thời khẳng định nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở là một nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt với phương thức "4 tại chỗ" thì lực lượng này rất cần thiết. Bộ trưởng cũng cho rằng, luật này ra đời không ảnh hưởng đến hoạt động của các mô hình, phong trào bảo đảm ANTT tại cơ sở khác đã tồn tại bấy lâu nay.
Lực lượng bảo vệ dân phố đang hỗ trợ tích cực lực lượng công an cơ sở quản lý địa bàn. |
Sức sáng tạo của nhân dân, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng xóm làng, từng khu dân cư, từng dân tộc với phong tục, tập quán khác nhau thì không hạn chế. Vẫn tồn tại những hiệp sỹ, khu phố an toàn, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa..., thậm chí đây chính là chỗ dựa để các lực lượng lồng ghép, tiến hành nhiệm vụ của mình. Bộ trưởng cũng nêu rõ, đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay dù có Công an chính quy xuống xã nhưng chưa phải đã kết thúc, nếu hiểu kết thúc nhiệm vụ là sai. Vì Luật CAND ghi rõ, lực lượng Công an xã bán chuyên trách vẫn thực hiện theo Pháp lệnh Công an xã, và họ chỉ kết thúc thực hiện khi có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, luật này phủ lên, bao trùm Pháp lệnh về Công an xã...
Triển khai thi hành Luật CAND năm 2018, đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với gần 30.000 cán bộ, chiến sỹ. Theo quy định, hiện có hơn 126.000 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đang dôi dư, cần phải bố trí tiếp tục tham gia nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đồng thời hiện lực lượng bảo vệ dân phố có hơn 72.400 thành viên, lực lượng dân phòng có hơn 543.000 đội viên. Do đó, việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có vai trò quan trọng để tổ chức lại các lực lượng này, tạo thành một lực lượng thống nhất, trở thành "cánh tay nối dài" cho lực lượng CAND trong giữ ổn định trật tự tại địa phương...