"Xẻ thịt" đất ruộng để đào vàng

18:00 17/07/2017
Ba năm nay, cả cánh đồng lúa bị các "bưởng vàng" đào bới, "xẻ thịt" để tận thu vàng. Phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng… xâm lấn đến tận trụ sở UBND xã Mỵ Hòa (Kim Bôi, Hòa Bình). Trước thực trạng đó, người dân chỉ biết thở dài, xót xa, còn chính quyền địa phương thì bất lực… đợi chờ những biện pháp mạnh hơn của các cấp chính quyền.


Phá cả hécta ruộng tìm vàng

Nhiều năm về trước, huyện Kim Bôi được coi là điểm nóng của nạn khai thác vàng trái phép. Dòng sông Bôi nhiều năm bị "vàng tặc" băm nát, họ múc từng chậu cát, đãi từng viên sỏi để tận thu vàng. Xã Mỵ Hòa cũng không nằm ngoài vấn nạn này, nhiều người dân còn gọi xã Mỵ Hòa là xã "không ngủ", bởi tiếng máy xúc, tiếng xe tải, tiếng người khuấy động suốt đêm ngày.

Chỉ khi tài nguyên đã cạn kiệt, cơ quan chức năng truy quét quyết liệt thì nạn "vàng tặc" mới tạm thời lắng xuống. Khoảng 5 năm nay, dòng sông Bôi đã xanh trở lại, dọc hai bên bờ sông là ngút ngát bãi hoa màu của người dân.

Hàng hécta đất trồng lúa bị lật tung lên để khai thác vàng.

Những tưởng "vàng tặc" đã buông tha, người dân được hưởng cuộc sống thanh bình, gần đây nạn "vàng tặc" lại tiếp tục làm mưa làm gió. Thực trạng khai thác vàng trái phép đang diễn ra với quy mô kinh khủng hơn, thủ đoạn lại tinh vi hơn rất nhiều.

Chúng tôi đến xã Mỵ Hòa vào đúng những ngày chuẩn bị cho vụ cấy mới, tuy nhiên ở đây không còn không khí bà con tháo nước, cày bừa, nhổ mạ như vốn có. Thay vào đó là tiếng máy xúc đào bới vang cả một góc trời. Từng thửa ruộng bị khoét sâu hoắm, dày đặc như một trận càn bom. Ai nấy đều mang vẻ vội vã, khẩn trương và hết sức căng thẳng.

Anh Bùi Văn M cười bảo: "Chúng tôi ở đây chẳng ai còn thiết tha gì với ruộng, với cấy cày. Nhiều nhà bán hết cả ruộng cho người ta để khai thác vàng rồi. Nhiều người bảo nhau, họ đào vàng được thì mình cũng đào vàng được. Việc gì phải bán đất, bán ruộng cho ai, cứ thế là thuê người về mà đào, đãi, biết đâu lại trúng quá lớn thì đổi đời".

Qua tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn xã đã xin chuyển đổi mô hình trồng lúa sang đào ao thả cá. Tuy nhiên đây chỉ là cái cớ để họ tận thu tài nguyên vàng trong quá trình đào ao.

Anh Bùi Văn H. (thôn Đồng Hòa) tiết lộ: "Từ xưa đến nay có mấy ai nuôi cá ở vùng này đâu. Đây là khu vực miền núi, nước không tích được, hơn nữa lại không có nước ra nước vào, chẳng ai nuôi cá bao giờ. Họ chỉ làm vậy để hợp thức hóa việc đãi vàng trái phép của mình. Đây là cách làm mà không ai nói được gì họ cả".

Tại thôn Đồng Hòa, nổi lên gia đình ông Đinh Trọng Điệp người được coi là có chiến lược chuyển đổi từ trồng lúa sang đào ao thả cá mạnh tay nhất. Gia đình ông Điệp được liệt vào hàng có "của ăn của để", ông đã bỏ tiền ra mua lại ruộng của nhiều hộ trong thôn.

Đặc biệt việc mua bán này không có sự cho phép, hay chứng kiến của chính quyền địa phương. Ngay sau khi mua ruộng, ông Điệp cho triển khai múc đất đào ao. Theo nguồn tin của người dân, việc đào ao diễn ra chậm, không có quy hoạnh cụ thể, rõ ràng, nguyên nhân là do ông Điệp đãi đất tìm vàng.

Khu đất ruộng của gia đình ông Điệp nằm khá xa với đường lớn nhưng vẫn được bịt lưới đen kín như bưng - nội bất xuất, ngoại bất nhập. Phía bên trong như thể một đại công trường ngổn ngang, nhiều hố sâu được đào bới lên, đất đá nham nhở.

Các hố được đào sâu khoảng 4- 5m so với mặt ruộng, máy bơm nước được đặt trên miệng hố, nổ máy 24/24h. Ông Quách Công Trình - Trưởng thôn Đồng Hòa 2 tỏ ra thản nhiên trước tình trạng này.

Ông Trình cho biết: "Thôn tôi nhiều hộ chuyển đổi từ ruộng lúa sang đào ao thả cá. Đơn giản vì cấy lúa không hiệu quả ở những khu vực đất xấu. Tuy nhiên, ruộng ở thôn rất ít, trong khi đó cả thôn có 130 hộ, gần một nghìn nhân khẩu, tính ra mỗi khẩu chỉ được 250m2 đất ruộng. Diện tích này không đủ cung cấp lương thực cho bà con đâu".

Chính quyền địa phương thấy sự khác thường đã xuống gia đình ông Điệp để yêu cầu dừng việc đào ao, đãi vàng. Tuy nhiên chỉ một hai ngày sau đó, ông Điệp lại tiếp tục cho đào bới, xả xịt.

Theo báo cáo của UBND xã Mỵ Hòa, Tổ công tác quản lý địa bàn xã đã nhắc nhở và lập biên bản đình chỉ 5 trường hợp đào ruộng, vườn để tìm vàng, như: Bùi Thanh Hương, Hà Mạnh Tiến, Quách Xuân Thái (trú tại xóm Đồng Hòa 1), ông Đinh Trọng Điệp và Đinh Công Đạt (xóm Đồng Hòa 2) nhưng các hộ vẫn không chịu chấp hành.

Đến Mỵ Hòa những ngày này chẳng khác nào lạc vào một đại công trường.

Anh Đinh Công M. (xóm Đồng Hòa 2) chia sẻ: "Trước đây nạn đào vàng trái phép diễn ra ở khu vực sông Bôi. Khoảng 3 năm nay ruộng đồng được người ta đào bới đến tận tầng đá cứng để tìm vàng. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi không còn một thước ruộng để cấy hái".

Một điều kỳ lạ, rất nhiều hộ dân không đấu tranh hay kiến nghị với chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục, xóa sổ bãi vàng, họ sẵn sàng bán ruộng cho những "bưởng" vàng. Họ cho rằng, ruộng đất ở đây rẻ, bán không được giá, không ai còn tha thiết cấy hái.

Bán cho các chủ "bưởng" vàng được giá cao hơn rất nhiều. Qua tìm hiểu thì đã có tới 20 hộ dân bán ruộng cho các "bưởng" vàng. Với tình trạng bán đất ồ ạt như hiện nay, chẳng mấy chốc tất cả đất ruộng của người dân sẽ trở thành một bãi công trường khai thác vàng trái phép.

Chính quyền buông lỏng quản lý

Việc khai thác vàng diễn ra khoảng 3 năm nay, các điểm khai thác không xa với trụ sở UBND xã, như cánh đồng Pô - đại công trường khai thác vàng trái phép lại nằm ngay trước cổng UBND mã Mỵ Hòa. Hàng ngày tiếng máy nổ, máy xúc thi nhau rít inh ỏi, không lẽ lãnh đạo chính quyền địa phương không biết.

Thực tế chính quyền địa phương đã nhiều lần cử người xuống hiện trường kiểm ra, xử phạt, nhưng sự việc vẫn đâu vào đấy. Các "bưởng" vàng bất chấp lệnh, bỏ ngoài tai tất cả, ngày đêm phá nát bờ xôi ruộng mật bao đời nay của nhân dân.

Các ruộng khai thác vàng được bịt kín bởi lưới đen.

Trao đổi vấn đề này với phóng viên, ông Bùi Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa thừa nhận có hiện tượng các "bưởng" vàng phá ruộng, đào ao với mục đích tìm vàng.

Theo ông Hoàn thì việc phá ruộng, đào ao (thực tế để khai thác vàng) là sai phạm. Bởi chính quyền địa phương chưa cho phép họ chuyển đổi từ ruộng sang ao, tất cả đều do tự ý làm. Các hộ dân muốn chuyển đổi như vậy phải lập một kế hoạch, có từ trình, được sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước.

"Tất cả những người tự ý đào phá ruộng đều là người trong xã, họ mua lại ruộng của nhiều hộ dân khác rồi tiến hành đào đãi vàng. Từ năm 2013 đã bắt đầu có hiện tượng mua bán này. Theo tôi được biết thì có hàng chục hộ dân bán ruộng, con số cụ thể thì chúng tôi chưa nắm bắt được. Việc mua bán này là sai, chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản và xử phạt hành chính rồi" - ông Hoàn cho biết thêm.

Qua tìm hiểu, với những diễn biến ngày càng phức tạp hơn, chính quyền địa phương đã hoàn toàn bất lực. Tháng 2-2017, chính quyền xã đã lập bên bản, xử phạt và bắt các hộ viết bản cam kết.

Thế nhưng chỉ ít ngày sau, việc đào bới khai thác lại diễn ra mạnh mẽ rầm rộ hơn. Trước tình hình đó, chính quyền xã Mỵ Hòa không ít lần cầu cứu lên cấp cao hơn. Có nhiều báo cáo, đề xuất được gửi lên UBND huyện Kim Bôi và cả Công an tỉnh Hòa Bình.

Những hố sâu hàng chục mét được "vàng tặc" đào nham nhở.

Sau khi nhận được báo cáo, cả UBND huyện và Công an tỉnh về thực tế nắm bắt tình hình nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được hiện tượng này. Mới đây nhất là ngày 29-6, UBND xã lại tiếp tục gửi báo cáo lên huyện Kim Bôi nhưng vẫn chưa thấy phản hồi nào.

Do việc mua bán giữa các hộ dân, việc đào đãi vàng vi phạm pháp luật nên chính quyền xã không thể nắm bắt cụ thể có bao nhiêu diện tích đất trồng lúa bị "vàng tặc" biến thành ao. Nhiều người dân tiết lộ, diện tích bị băm xẻ lên tới vài hécta, và còn tiếp tục được mở rộng hơn.

Khi mà chính quyền địa phương chờ đợi sự vào cuộc của cấp trên thì "vàng tặc" tiếp tục phá ruộng tìm vàng. Lán trại được dựng lên ngày một nhiều hơn, máy móc đưa kéo về rầm rầm. Nếu như không có biện pháp kịp thời, chẳng mấy chốc tất cả các cánh đồng của xã Mỵ Hòa sẽ tan nát.

Quang Anh - Ngọc Anh

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trốn thuế, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc của công ty này.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Chiều 10/1, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác Công an năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Công an TP Cần Thơ. Về phía địa phương có đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì hội nghị. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文