Xung quanh thông tin thiếu thuốc điều trị ung thư máu

07:09 12/01/2020
Thông tin về thuốc Glivec điều trị ung thư máu (bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy) theo chương trình viện trợ kết thúc kể từ ngày 31-12-2019 đã gây lo ngại lớn cho các bệnh nhân. Thực tế đến thời điểm hiện tại, kho dược của các bệnh viện cũng đều trong tình trạng thiếu hoặc hết thuốc Glivec, chỉ còn thuốc thương mại thông qua Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Điều này đã tác động không nhỏ đến người bệnh, nhất là đối tượng người bệnh nghèo, không có khả năng chi trả. Bởi giá thuốc Glivec thương mại khoảng 442.000 đồng/viên. Trong khi đó, tùy theo tình trạng bệnh, liều điều trị thuốc Glivec thấp nhất theo chỉ định của bác sĩ là 2 viên/ngày, cao nhất 8 viên/ngày…

"Không biết sắp tới tôi sẽ chữa bệnh ra sao?"

Mấy ngày nay, thông tin từ ngày 31-12-2019, chương trình hỗ trợ thuốc Glivec điều trị ung thư máu (bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy) tại 7 bệnh viện (BV) trên cả nước là BV K, BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, BV Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chính thức kết thúc đã gây lo ngại lớn cho các bệnh nhân phải điều trị với loại thuốc đặc trị này, nhất là đối tượng người bệnh nghèo, không có khả năng chi trả.

Hai loại thuốc đặc trị này bị ngưng viện trợ sẽ khiến nhiều bệnh nhân rơi vào vòng khốn khó.

Mắc căn bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy) và phải điều trị bằng thuốc Glivec đã hơn 3 năm qua, chị N.H (38 tuổi, quê An Giang) hàng tháng đều đi xe đò từ quê lên BV Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh để tái khám và nhận thuốc điều trị.

Theo chỉ định của bác sĩ, mỗi ngày chị H. phải dùng 4 viên thuốc Glivec 100mg, trung bình 120 viên/tháng. Tuy nhiên, lần tái khám gần đây, chị H. được thông báo đã hết thuốc viện trợ và chỉ được cấp 48 viên Glivec do BHYT chi trả và phải giảm liều, chia đều cho một tháng. Với số thuốc ít ỏi này chị H. lo lắng bởi nếu không có thuốc viện trợ, chị cũng như nhiều bệnh nhân khác sẽ không có khả năng chi trả.

"Mắc căn bệnh này tháng nào cũng phải tái khám và do nhà xa nên tôi đi lại rất vất vả và mất công. Với số thuốc được cấp không đủ và tôi nghe nói thuốc viện trợ đã hết, rồi thuốc do BHYT cấp cũng khan hiếm, không biết sắp tới tôi sẽ chữa bệnh ra sao nữa", chị H. lo lắng. 

Ông N.T.T, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng tương tự. Do ở thành phố nên một tháng hai lần ông tới BV Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh tái khám, xét nghiệm và từ kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị tương ứng.

Lần tái khám mới nhất, ông chỉ được bác sĩ kê đơn có 13 viên thuốc Glivec do BHYT chi trả, chỉ đủ cho 3 ngày sử dụng. Ông hỏi thì được các bác sĩ trả lời đang khan hiếm thuốc nên tạm thời như vậy, khi có đủ thuốc sẽ kê đơn tiếp. Ông T. cho biết vì lo lắng cho sức khỏe của ông mà con trai ông đã lên mạng tìm mua loại thuốc này với chi phí hơn 2 triệu đồng/ngày.

Một bệnh nhân ung thư máu khác đang điều trị tại BV Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh tên P.V.S cũng chia sẻ rằng dù BHYT hỗ trợ 40% chi phí, nhưng với 60% chi phí còn lại, nếu muốn có thuốc uống, người bệnh phải chi trả tới 1,2 triệu đồng/ngày. Chi phí quá cao nên nhiều bệnh nhân phải ngưng dùng thuốc do không đủ tiền mua.

Tại BV Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của từng bệnh nhân để trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc giảm liều dùng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, kho dược của các BV đều hết thuốc viện trợ Glivec, chỉ còn thuốc thương mại thông qua BHYT chi trả. Do đó, hầu hết các bác sĩ đã giảm liều dùng thuốc cho bệnh nhân xuống tới 1/3, hoặc gần 50% ngày uống thuốc trong tháng.

Đầu năm 2018 trên cả nước cũng từng xảy ra tình trạng hết thuốc Glivec viện trợ khiến hơn 2.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc này trên cả nước lao đao. Nguyên nhân là do thay đổi về cơ chế cấp phép cho thuốc viện trợ. 

Theo Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh, chương trình cấp phát thuốc Glivec (Imatinib 100mg) cho người bệnh bạch cầu mạn dòng tủy tại BV thời gian qua được triển khai thông qua Chương trình GIPAP được tài trợ hoàn toàn từ Công ty Novartis Pharma Service AG của Thụy Sĩ (thuốc viện trợ 100% dành cho bệnh nhân chưa có thẻ BHYT và có thẻ BHYT chưa đủ 36 tháng) và Chương trình VPAP, dành cho bệnh nhân có thẻ BHYT (nguồn thuốc thương mại) liên tục 36 tháng trở lên trong đó 40% do BHYT chi và 60% được Công ty Novartis tài trợ (nguồn thuốc viện trợ). Đến nay, chương trình này đã hết nhưng dù vậy BV vẫn còn nguồn thuốc thương mại do BHYT chi trả, BV vẫn tiếp tục cung cấp cho người bệnh.

 Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết do vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy thay thế Glivec nên trước mắt, BV sẽ căn cứ vào tình trạng của từng bệnh nhân để trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc giảm liều dùng.

Mức độ ảnh hưởng của việc ngưng hoặc giảm thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân nên bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc việc ngưng, giảm liều hay tạm dùng thuốc khác thay thế. BV cũng đã gửi công văn đến Sở Y tế, Bộ Y tế để báo cáo tình hình.

Còn theo Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, BV đang điều trị khá tốt cho 200 bệnh nhân sử dụng thuốc Glivec. Đây là thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Thuốc rất đắt, với chi phí khoảng 500 triệu đồng/bệnh nhân/năm.

Việc kết thúc viện trợ thuốc đặc trị này đồng nghĩa việc nhiều bệnh nhân khó có khả năng trang trải để mua thuốc điều trị. BV đã thông báo trước cho người bệnh về tình trạng này để cho người bệnh biết chủ động.

Bộ Y tế xác nhận chỉ còn được hỗ trợ 2 tháng

Liên quan trực tiếp đến những thông tin trên, ngày 7-1-2020, Bộ Y tế xác nhận bệnh nhân ung thư máu chỉ còn được hỗ trợ 2 tháng dùng thuốc. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới có văn bản đồng ý với Bộ Y tế thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho bệnh nhân ung thư trong tháng 1 và 2-2020.

Một buổi truyền thông về căn bệnh bạch cầu mạn dòng tủy của BV Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh.

Trong chương trình tài trợ thuốc VPAP, bệnh nhân tham gia BHYT trên 3 năm sẽ được hỗ trợ thuốc Glivec (hoạt chất Imatinib), thuốc Tasigna (hoạt chất Tasigna). Theo đó, Văn phòng đại diện Công ty Novartis hỗ trợ 60% liệu trình điều trị bằng thuốc Glivec hoặc Tasigna viện trợ, quỹ BHYT chi trả 40% chi phí còn lại. Đây là hai loại thuốc điều trị ung thư máu hoặc đường tiêu hóa có di căn, với chi phí điều trị đến 500 triệu đồng/năm.

Đối với trường hợp không tham gia BHYT hoặc tham gia BHYT dưới 3 năm, bệnh nhân tham gia Chương trình GIPAP - chỉ được tài trợ thuốc Glivec và Văn phòng đại diện Novartis sẽ hỗ trợ 100% liệu trình điều trị bằng thuốc Glivec viện trợ.

Theo Quyết định số 5404/QĐ-BYT ngày 27-12-2014, Chương trình VPAP kết thúc vào 31-12-2019; Chương trình GIPAP cũng kết thúc do đã có thuốc Imatinib generic (dạng thuốc sản xuất đại trà sau khi thuốc gốc Glivec hết độc quyền) tại Việt Nam.

Khi hai chương trình này kết thúc, khoảng 4.000 bệnh nhân sẽ phải trả chi phí điều trị rất lớn. Theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, thuốc Imatinib và Nilotinib được thanh toán BHYT chi trả 50% giá thuốc trong điều trị bệnh lý bạch cầu mạn dòng tủy và ung thư biểu mô đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Y tế, dù có giảm 60% giá hai loại thuốc này, mức chi trả BHYT 50% cũng là quá lớn, chỉ có khoảng 12% đến 25% bệnh nhân có đủ điều kiện chi trả. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xin gia hạn thực hiện Chương trình VPAP và GIPAP cho đến khi Thông tư sửa đổi Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực vào tháng 3-2020.

Bộ Y tế cho biết, theo dự kiến, số lượng thuốc Glivec viện trợ còn tồn kho vừa đủ sử dụng cho đến thời điểm tháng 3-2020. Tuy nhiên, lượng thuốc Tasigna viện trợ sẽ chỉ đủ sử dụng đến giữa tháng 1-2020, cần nhập thêm. Trong thời gian hoàn tất thủ tục nhập thuốc viện trợ, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các BV lấy thuốc Tasigna thương mại để cấp phát cho người bệnh.

Sau khi có thuốc viện trợ sẽ cấp phát bù để bảo đảm nguyên tắc: Văn phòng đại diện Novartis hỗ trợ 60% liệu trình điều trị bằng thuốc viện trợ, quỹ BHYT chi trả 40% chi phí còn lại.

Chương trình viện trợ thuốc Glivec đã bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ khoảng năm 2009-2010, đến nay số lượng bệnh nhân thay đổi theo từng năm, nhưng đã có khoảng 3.000 bệnh nhân (tính đến năm 2018) được tham gia chương trình, với kết quả được nhiều chuyên gia đánh giá là một "cuộc cách mạng" với bệnh nhân ung thư máu - bạch cầu mạn dòng tủy.

Glivec ra đời năm 2006, thuốc được gọi là liệu pháp điều trị nhắm đích, mục tiêu điều trị là hướng vào cơ chế sinh bệnh ung thư. Sau đó, thuốc Tasigna là thế hệ 2 của Glivec ra đời để xử lý những trường hợp không đáp ứng với sản phẩm thế hệ 1, và hiện đã có thế hệ 3 để xử lý những trường hợp không đáp ứng với thế hệ 1 và 2.

Vì vậy, chương trình hỗ trợ với sự phối hợp ba bên: Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và nhà cung cấp thuốc đã ra đời tại Việt Nam từ khoảng năm 2009. Đây là chương trình hỗ trợ có sự phối hợp ba bên đầu tiên và kéo dài nhất (như kể trên thì chương trình hỗ trợ kết thúc vào 31-12-2019), và việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng thuận chi trả 40% tiền thuốc cũng một phần là nhờ tác dụng rất rõ ràng của thuốc.

Phú Lữ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo rõ các hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành về quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng; xác định rõ những vấn đề còn chưa chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng, thao túng để làm trái quy định.

Căn nhà tạm của gia đình ông K Srai (SN 1952), ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), sau nhiều năm không được tu sửa đã dột nát, chỉ còn chức năng che nắng, không ngăn được mưa. Giờ đây mọi chuyện đã khác...

Ngày 28/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đã tạm giữ hình sự Vũ Văn Huân (SN 1966), trú tại TP Gia Nghĩa và Ngô Minh Truyền (SN 1998), trú tại huyện Đắk Song, để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Chiều 28/5, trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lộc An mức án từ 12-13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cảnh báo về việc xuất hiện một văn bản giả mạo danh nghĩa của Hiệp hội và lãnh đạo Hiệp hội nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân và doanh nghiệp.

Ngày 28/5, ông Phạm Văn Trinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho biết, UBND tỉnh đã nhận được kiến nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (gọi tắt là Công ty Sơn Hải) liên quan đến gói thầu Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, trong đó có kiến nghị chấm thầu lại.

CLB bóng bàn Công an nhân dân T&T (CAND T&T) đã kết thúc hành trình tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 43 năm 2025 với 3 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Đồng. Bóng bàn CAND  đã vượt thành tích giải năm ngoái (2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc). Một thành tích lịch sử nếu biết rằng CLB CAND T&T mới thành lập vào năm ngoái. Đằng sau những thành tích đặc biệt ấy có những câu chuyện ít biết.

Trong cơn lốc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, ngày càng nhiều bạn trẻ bất chấp nguy hiểm, liều lĩnh quay video mạo hiểm để câu view, dẫn đến những tai nạn đau lòng. Mạng xã hội là cơ hội, nhưng cũng là cái bẫy nếu thiếu kỹ năng, thiếu nhận thức. Những cú nhảy để nổi tiếng, những thử thách “gây sốc” đang trở thành canh bạc sinh tử, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về trách nhiệm giáo dục, quản lý và xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Vào lúc 21h tối qua (27/5), tại khu vực rừng thuộc huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và quần chúng nhân dân đã tóm gọn đối tượng gây ra vụ phóng hỏa cửa hàng phụ tùng xe máy Thành Phát, khiến cháy lan rộng thiêu rụi tổng số 6 căn nhà của các hộ dân tại tổ dân phố Mi Điền 2 vào rạng sáng ngày 26/5.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.