Dàn hợp xướng trẻ mồ côi do NS piano Trang Trịnh khởi xướng:

Yêu thương và hòa hợp

14:20 24/03/2014

Chủ nhật hàng tuần, có một chuyến xe buýt mang tên Kỳ diệu chở những em bé mồ côi rong ruổi trên những con đường Hà Nội. Đó là chuyến xe của Dàn hợp xướng Kỳ diệu mà nghệ sĩ piano Trang Trịnh là người khởi xướng, mang âm nhạc đến cho những em bé mồ côi. Đó là câu chuyện về sự sẻ chia, về tình yêu thương với thông điệp: Hãy để chúng tôi cho các em thấy vẻ đẹp của âm nhạc và để âm nhạc cho các em thấy vẻ đẹp của cuộc sống.

Hành trình từ chuyến xe buýt kỳ diệu

Những buổi học đầu tiên với nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm đã qua. Tiếng đàn piano ngọt ngào vang lên của nghệ sĩ Trang Trịnh, đệm cho tiếng hát opera ngân cao của chồng chị, nghệ sĩ Park Sung Min. Những chiếc bảng tên ngộ nghĩnh được giơ lên. Tôi nhìn thấy niềm vui trong mắt các em nhỏ ở đây. Những cảm xúc như vỡ òa. Và từ lúc ấy, các em thành một gia đình, một gia đình mang tên "Dàn hợp xướng kỳ diệu".

Có lẽ đây vẫn còn là một dự án lạ lẫm với rất nhiều người ở Việt Nam, nhất là với những em bé mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Bởi với các em, đôi khi chỉ cần được ăn no, mặc ấm đã là đủ. Nhưng với nghệ sĩ Piano Trang Trịnh thì không. Cô kể, những năm tháng sống ở nước ngoài, lần đầu tiên cô chứng kiến buổi biểu diễn của dàn hợp xướng hơn 300 ngàn em Venezuela trên sân khấu nước Anh.

Đó là những em bé mồ côi, đến từ những vùng đất nghèo khó của Venezuela. Ở đó các em đã tự tin cất lên tiếng hát của mình. Ở đó, không còn bạo lực, không còn chết chóc. Và cô tin, âm nhạc đã mang đến một sức mạnh kỳ diệu với những em bé nghèo khổ, cô đơn.

Các thành viên trong dàn hợp xướng.

Và giờ đây, ngay tại Việt Nam - đã xuất hiện một dàn hợp xướng kì diệu, Miracle Choir. 18 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được học nhạc tại lớp học Miracle Choir dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh và chồng cô, ca sĩ opera Park Sung Min dưới sự bảo trợ của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc. Những em nhỏ này đã phải trải qua nhiều khắc nghiệt của cuộc sống nên sớm trưởng thành và thường dễ có cảm giác về sự cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời.

Nhưng thông qua sự liên hệ với âm nhạc - thứ có thể cho phép con người ta biểu đạt ra bên ngoài những cảm xúc bên trong - các em có thể biểu lộ con người mình, những tâm tư, tình cảm, ước ao và hi vọng. Và hơn thế, trong cùng một dàn hợp xướng, các em học được cách gắn bó và đồng cảm, chia sẻ cùng một cảm xúc trong những khoảnh khắc nhất định.

Nghệ sĩ Trang Trịnh chia sẻ: "Ai nói âm nhạc là giấc mơ quá diệu vợi đối với một đứa trẻ mồ côi? Không ai có quyền ngăn cấm giấc mơ của một đứa trẻ. Liệu có thứ gì đẹp đẽ hơn ước mơ, và có sự thật nào ngọt ngào hơn hi vọng? Đừng nói giấc mơ âm nhạc của một đứa trẻ mồ côi là hoang đường, bởi nó đang ở đúng chỗ của nó chỉ cần ta cố gắng đặt bên dưới giấc mơ ấy một nền tảng vững chắc.

Dù có thể dự án Miracle Choir sẽ gặp vô vàn khó khăn bước đầu nhưng âm nhạc với sự kì diệu của nó sẽ làm được những điều tưởng chừng không thể. Chẳng có chặng đường nào luôn bằng phẳng và biết đâu với sự huyền bí của mình, âm nhạc sẽ biến ước mơ thành sự thật như chính sự bình yên duyên dáng mà nó đã mang tới cho Trái đất".

Biến những điều kỳ diệu thành hiện thực

Điều đáng buồn nhất khi Trang Trịnh tiếp xúc với những em bé mồ côi không phải vì các em không có một mái ấm che đầu, không có cơm ăn, áo mặc mà các em không biết mình là ai, mặc cảm với danh phận của mình. Thế nên, khi được cầm một nhạc cụ, các em sẽ có một tiếng nói của con người cá nhân mình... các em sẽ được giải phóng. Và âm nhạc, sẽ hóa giải những yêu thương, mang đến sự hòa hợp.

Trang Trịnh bắt đầu như thế, với 3 trung tâm trẻ mồ côi ở Hà Nội (Trung tâm Bảo trợ 3, Trung tâm SOS, và Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật). Lúc đầu, chị nhận được những cái nhìn ngờ vực, thậm chí nhiều người cho đó là một dự án viển vông, khi bọn trẻ chỉ cần được ăn và học đã là hạnh phúc. Nhưng với sự bền bỉ của chị, và bắt đầu dàn hợp xướng bằng 18 thành viên đã tạo nên sự khác biệt. Nhìn một cách dài rộng hơn, những mong muốn của chị có thể góp phần giảm những tệ nạn trong xã hội, một phần đến từ những đứa trẻ mồ côi. 

Chuyến xe buýt kỳ diệu.

Hàng tuần, có một chuyến xe buýt mang tên Kỳ diệu, chở các em đến Trường Quốc tế Hàn Quốc, ở đó các em có thể vui chơi, và nắm tay nhau cùng hát. Những bước chân còn ngượng nghịu giờ đã nhanh thoăn thoắt. Những cái nhìn e dè giờ đã bạo dạn hơn. Có một em bé, nhỏ tuổi nhất trong lớp học là người dân tộc. Hiện em sống ở Trung tâm Bảo trợ người tàn tật.

Xuống Hà Nội, với A Lự đã là một thế giới lạ lẫm. Và khi được tham gia dàn hợp xướng, với A Lự, cả một thế giới như mở ra trong mắt em. Cô bé hoang dã, sống trong rừng sâu giờ đã tự tin đứng đó, hòa âm cùng các anh chị. Trong tấm bưu thiếp gửi cho cô giáo Trang Trịnh, những dòng chữ nguệch ngoạc của A Lự khiến tôi rưng rưng: "Cô là người mẹ tốt nhất của con. Con yêu cô nhiều lắm".

Tôi đã chứng kiến một buổi học của các em. Ở đó, các em được thỏa sức thể hiện những cảm xúc của mình, điều mà những đứa trẻ mồ côi rất ít khi bộc lộ. Các em gần như không thể hiện cảm xúc, không có chính kiến. Nhưng bằng âm nhạc, bằng những câu chuyện mà Trang Trịnh kể cho các em, chúng đã vượt qua điều đó. Những bạn yếu thế hơn đã được chìa tay giúp đỡ. "Đó là sự chia sẻ, sự hòa hợp của các em khi sau này các em ra ngoài cuộc sống".

Tham gia dàn hợp xướng, các em sẽ được học về thanh nhạc, về cách các nhạc cụ hòa âm với nhau. Các em sẽ hiểu được giá trị tinh thần to lớn của âm nhạc, điều nó mang lại cho tâm hồn mỗi con người. Dù người ấy có thiếu thốn hay mất mát to lớn đến thế nào, dù có ở vị trí nào của xã hội, dù có là ai, thì tới với âm nhạc, tất cả đều bình đẳng. Âm nhạc chào đón tất cả mọi người, chữa lành tổn thương bằng sự đồng điệu và cảm xúc.

Nhưng thực tế, Trang Trịnh không đặt âm nhạc là tiêu chí hàng đầu để tuyển chọn các em, mà nó chỉ là một trong những tiêu chí cần thiết. Bởi mong muốn của chị không phải đào tạo các em thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, để đứng trên sân khấu. Mà giản đơn, các em sẽ trở thành những công dân tốt, không chộp giật, biết sống vì cái đẹp, vì sự hòa hợp.

Sau khi tham gia dàn hợp xướng, các em sẽ học được sự tự tin, tính kỷ luật, khả năng hoạt động nhóm, và trên hết là khả năng lắng nghe. "Dàn hợp xướng với 4 bè khác nhau đòi hỏi các em nhỏ phải lắng nghe để tìm được giai điệu mình cần hát, lắng nghe các bạn - để có thể hòa âm, lắng nghe người chỉ huy - để cùng nhau tạo nên một bài biểu diễn hoàn chỉnh.

Dàn hợp xướng trong một buổi biểu diễn.

Từ đó, các em sẽ tìm được nốt nhạc của mình trong bản hòa âm với mọi người, tìm được bản sắc riêng biệt trong màu sắc của cộng đồng. Đó chính là điều kỳ diệu mà chúng tôi cố gắng đem lại". Trang Trịnh chia sẻ. Dàn hợp xướng bắt đầu bằng 18 thành viên và rất nhiều khó khăn còn phía trước. Đó sẽ là một hành trình dài lâu và bền bỉ, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Ngày 23/3, trong chương trình Giờ trái đất, những em bé mồ côi trong Dàn hợp xướng kỳ diệu sẽ đứng lên sân khấu và hát vang bài hát Hàn gắn thế giới - để kêu gọi mọi người hãy xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Và trên sân khấu ấy, các em sẽ trở thành những anh hùng, có thể tặng quà cho mọi người chứ không phải là những người yếm thế trong xã hội, chỉ biết nhận quà mà thôi. Âm nhạc, đã mang lại những điều kỳ diệu đó.

Dàn hợp xướng Kỳ diệu, là dự án từ thiện tổ chức lớp học âm nhạc miễn phí cho 40 em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các em sẽ được trực tiếp nghệ sĩ Piano Trang Trịnh và chỉ huy, ca sĩ Opera Park Sung Min giảng dạy về thanh nhạc. Lịch tập từ 1 đến 2 buổi một tuần. Dự án nhận được sự đỡ đầu của Dream Project - Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam với thời gian 2 năm, bắt đầu từ tháng 10/2013.

"Chúng tôi đặt tên dự án như vậy, bởi mục đích mà chúng tôi đề ra. Đó không phải vấn đề giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, những cơm - áo - gạo - tiền mà những người khó khăn gặp phải. Cái chúng tôi quan tâm đó là đời sống tinh thần của các em. Những em nhỏ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trở ngại lớn nhất của các em là câu hỏi về mình là ai? Không có được điều cơ bản nhất của một đứa trẻ; hay sống trong thiếu thốn mọi thứ. Chúng nhìn ra thế giới với đôi mắt của trẻ thơ, và tìm mình trong cuộc sống ngoài kia? Mình là ai? Và mình tồn tại để làm gì? Đối với chúng tôi, những tổn thương tinh thần ấy chính là cái chúng tôi muốn vá lành, chúng tôi muốn giữ nguyên sự ngây thơ và ngọt lành trong đôi mắt con trẻ, để các em thấy được những điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại trên cuộc đời này. Qua những buổi luyện tập và biểu diễn, chúng tôi sẽ giúp các em xây dựng những giá trị tinh thần tốt đẹp". Nghệ sĩ Trang Trịnh chia sẻ.

Trang Trịnh sinh năm 1986, cô bắt đầu làm quen với âm nhạc từ khi mới lên bốn. Năm 2012, cô được vinh danh là một trong bảy nghệ sĩ Việt Nam trẻ góp phần làm thay đổi tích cực nền nghệ thuật tại Việt Nam. Cô cũng được trao tặng Chứng nhận của Học viện Âm nhạc Hoàng Gia Anh với tư cách là một giảng viên piano khi chỉ mới 21 tuổi. Trang Trịnh cũng được vinh danh trong nhiều giải thưởng âm nhạc lớn của thế giới. Thành công trên con đường sự nghiệp, cô còn có mong ước chia sẻ tình yêu âm nhạc của mình với mọi người, đem âm nhạc cổ điển đến gần hơn với người Việt.

Được biết đến mô hình "El Sistema" - chương trình dạy nhạc miễn phí sau giờ học và sự thành công của nó ở Venezuela, cô quyết định tiến hành một dự án như vậy tại Việt Nam. Dự án là tâm huyết của cô, Trang Trịnh sẽ trực tiếp giảng dạy các em. Cô muốn đem những giá trị tinh thần mà âm nhạc mang lại đến với trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng một thế giới hòa hợp hơn, mà chất keo gắn kết là âm nhạc.

Khánh Linh

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Sau gần 10 tháng khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một cán bộ Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can đối với cựu Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng về hành vi nhận hối lộ.

Ngày 9/1, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng cầu thủ Nguyễn Hai Long với thành tích xuất sắc anh đạt được cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam tại giải bóng đá vô địch Đông Nam Á AFF Cup 2024

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文