Chuyện giữ rừng của người dân tộc Mạ ở Tà Đùng

15:52 23/02/2019
Từ bao đời nay, người dân tộc Mạ tôn thờ và có niềm tin tuyệt đối vào rừng. Họ xem rừng như một vị thần che chở, bao bọc cho dân làng vượt qua được tất thảy những phong ba bão táp của thiên nhiên. Vì vậy, trước khi muốn chặt phá một cây nào đó thì họ phải làm lễ... xin phép.


1.Từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) theo quốc lộ 28, chúng tôi chạy khoảng 40km để đến hồ Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk GLong, tỉnh Đắk Nông). Con đường nhựa thênh thang mới hoàn thành, nhiều đoạn xẻ núi, ôm cua thon thót, những cảnh đẹp đôi bờ núi khiến con người mê mệt mà quên đi tất thảy vất vả đường xa.

Hồ Tà Đùng hiện ra trên cao thăm thẳm, nhấp nhô những ngọn đồi giữa bao la biển nước, xanh trong đến tận đáy mắt. Nơi đây không có gì tuyệt mỹ hơn với cảnh trời mây, sông nước, núi non, hòa quyện tạo thành một bức tranh như thủy mặc. Từ vài năm nay, du lịch hồ Tà Đùng đã bắt đầu nhộn nhịp.

Toàn cảnh hồ Tà Đùng.

Du khách tới đây để thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng rất đỗi hiền hòa, bình yên. Người bản địa “xắn quần” làm du lịch, còn chân chất, thật thà như củ sắn củ khoai. Bàn tay họ vốn dĩ cầm cuốc, cầm dao, đôi chân họ quen băng rừng lội suối nay “ngượng nghịu” chào mời bán buôn trông rất dễ thương và đáng yêu.

Tuy nhiên, trong chuyến đi này, điều chúng tôi ngắm tới không phải là hồ Tà Đùng mà chính là ngọn núi thăm thẳm, ngút ngàn, xanh mát nằm vời vợi bao bọc lòng hồ. Dưới chân núi, có một bon (làng) người Châu Mạ đang sinh sống. Họ cuốn hút chúng tôi bởi cách sống giữa thiên nhiên và luật tục bảo vệ rừng đặc biệt. 

Trước kia, các bon người Mạ nằm ở khu vực lòng hồ Tà Đùng, khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, họ phải chuyển ra khu vực tái định cư của xã Đắk Blao cách đó khoảng 30 cây số. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 30 hộ dân, do không thể sống thiếu rừng nên rủ nhau ở lại bám đất, bám làng sinh sống.

Bà con chia làm hai bon, Bơ Nâm và Bơ Ton. Mỗi hộ nhận khoán 30 hecta rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng để bảo vệ, chăm sóc. Thời gian nông nhàn, họ canh tác cà phê, trồng hoa màu tăng thêm thu nhập.

Ông KSriu, một trong những “thổ địa” của rừng thiêng nói rằng, người Mạ ở núi Tà Đùng ý thức rất rõ trách nhiệm của mình với Nhà nước nên dù là ngày mưa hay nắng, ngày lễ Tết, bà con vẫn vào rừng kiểm tra. Nếu hộ nào để cho rừng bị chặt phá sẽ bị phạt. Kiểm lâm phạt là một nhẽ, làng phạt mới là điều quan trọng.

Nhẹ là con gà con vịt, còn nặng là con heo, con bò. Những lễ vật bị phạt sẽ được dân làng mang vào rừng giết mổ, cúng tạ tội với thần rừng. Lễ vật cúng xong sẽ được bày ra giữa rừng ăn hết, tuyệt đối không được mang về nhà. Để biết rõ hơn nguồn cội linh thiêng ấy, ông KSriu giới thiệu chúng tôi gặp thầy “tóc đỏ” KDong.   

Ở Tà Đùng thầy “tóc đỏ” là người làm kinh tế giỏi, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch trên 10 tấn cà phê nhân. Giá cà phê 40 ngàn/1kg thì ông cũng có 400 triệu đồng. Ngoài ra, thầy “tóc đỏ” còn biết chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc của đồng bào mình. Mỗi khi trên huyện hoặc thị xã Gia Nghĩa có lễ hội, ông đều được làng cử tham dự.

Ông KSriu, người giữ rừng tích cực ở Tà Đùng.

Ông KDong có một tình yêu mãnh liệt với văn hóa dân tộc, với những điệu nhạc chân chất, mộc mạc của người Mạ, như một lẽ tự nhiên. Bây giờ thì trong căn nhà gỗ thênh thang chỉ có một mình thầy “tóc đỏ”, hơn một năm trước, vợ ông đã về với Yàng. Ông đau buồn lắm, lòng cứ bâng khuâng xa xăm và chẳng thiết làm việc gì. Là gia đình có uy tín ở Tà Đùng, bà con đến nhà động viên, an ủi ông rất nhiều.

Ở buôn làng, thầy “tóc đỏ” là người hiểu nhiều việc, bởi ông từng là giáo viên, cộng thêm vốn kiến thức xã hội dày dạn nên ông được xem như pho sử sống của làng. Ông nắm rõ phong tục văn hóa, luật lễ buôn làng.

Thầy “tóc đỏ” được xem như pho sử sống của bon.

Ông luôn chỉ dạy con cháu khi đi rừng, điều gì là cấm kỵ và điều gì được phép làm. Thầy “tóc đỏ” cho biết: “Từ bao đời nay, đồng bào Mạ tôn thờ và có niềm tin tuyệt đối vào rừng. Chúng tôi xem rừng như một vị thần che chở và bao bọc con dân. Vì vậy, trước khi muốn chặt phá một cây rừng nào đó thì chúng tôi phải làm lễ xin thần rừng, thần thổ địa”.  

Đã bao đời nay, đồng bào Mạ vẫn kể cho nhau nghe những sử thi về núi Tà Đùng hùng vĩ, sự tích cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy con cháu rằng việc giữ rừng đại ngàn là bảo vệ sinh mệnh sống của dân làng.

2.Nằm trong lòng rừng thiêng là ngọn thác Liêng Nung như một dải lụa trắng vắt dọc trên vách đá cheo leo. Khi đặt chân đến đây, theo con đường mòn lượn quanh trên đỉnh thác, chúng tôi bị cuốn hút bởi cảnh sắc rừng núi trùng điệp, tiếng chim hót rộn rã và tiếng gầm vang vọng của dòng chảy đang tuôn trào xuống vực sâu.

Thác nước đổ xuống từ độ cao khoảng 30m tạo thành cột nước trắng xóa như sợi dây thừng khổng lồ đang nối cuồn cuộn giữa đại ngàn. Đứng từ dưới chân thác nhìn lên, người ta cảm giác mình đang chơi vơi, lạc loài ở chốn hoang vu, huyền bí nào đó. Ngọn thác này là món quà của “thần rừng” ban tặng cho thiên nhiên và con người nơi này.

Thầy “tóc đỏ” kể, ở mảnh đất này lâu lắm rồi, người Châu Mạ đã về lập làng, sinh sống phồn thịnh hòa quyện với thiên nhiên.

Theo truyền thuyết, thủa ban sơ, trong làng có nàng HBung xinh đẹp, tài giỏi, sống trong gia đình giàu sang nhưng rất siêng năng nên được nhiều trai làng theo đuổi. Tuy nhiên, cô gái chỉ ưng một mình chàng KJang hiền lành, chăm chỉ.

Nhà HBung thách cưới rất cao nên chàng KJang phải cần mẫn đi làm để gom tiền mua sính lễ. Trong thời gian chờ cưới, có chàng Jong Kjang ở bên núi Nâm Nung đến Tà Đùng chơi đã mê đắm nàng HBung và quyết lấy nàng về làm vợ.

Nàng HBung cương quyết từ chối bởi trong lòng đã có “ý trung nhân”. Tuy nhiên, Jong KJang đã dùng sức mạnh của mình bắt HBung. Cuộc sống bên kia núi Nâm Nung khác xa với Tà Đùng, nàng HBung suốt ngày buồn rầu ủ rũ, nhớ về ngôi nhà yêu dấu trên đỉnh rừng xanh. Một hôm, HBung nói với 3 người con: “Ta nhớ làng nhớ đất của mình quá, ở đây là đất của người ta”.

Rồi trong một cuộc cãi vã với chồng, HBung đã ôm con trở về Tà Đùng. Jong KJang tức giận mang quân đến Tà Đùng phá làng, chặt cây, giết hại muông thú. Chàng KJang khỏe mạnh đã dùng tay chống đỡ, ôm chặt ngọn núi, cứu vớt bà con. Thầy “tóc đỏ” chỉ về hai ngọn núi phía trước ngôi nhà của mình nói: “Đó là núi Khec Khal, tựa như hai bàn tay của chàng KJang đang chống đỡ để ngọn núi lớn phía sau không bị đổ”.  

Truyền thuyết qua thời gian bị tam sao thất bản, nhưng vẫn giữ được ý nghĩa sâu xa của người Mạ là sự tôn thờ rừng xanh. Họ cho rằng, bảo vệ rừng sẽ được rừng che chở, cho cuộc sống ấm no. Ngược lại, để mất rừng sẽ gặp đại họa.

Sống lâu năm ở Tà Đùng, thầy “tóc đỏ” nghiệm là một điều xương cốt đó là, năm nào rừng bị kẻ gian cưa gỗ, bắt thú nhiều là năm đó dân trong làng đau ốm liên miên, mùa màng thất bát. Người dân phải mang trâu vào gốc cây bị chặt làm lễ tạ tội với thần rừng.

Bến tàu đón khách tham quan hồ Tà Đùng.

Nhờ ý thức bảo vệ rừng của đồng bào Mạ mà bao năm qua, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (nằm giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng) luôn giữ được màu xanh ngút ngàn, nhiều loài động vật quý hiếm tìm về trú ngụ.

Ở khu vực này còn có một loài đá Trống (loại đá dùng trong lễ hội), khi gõ vào phát ra âm thanh đầy mê hoặc. Mỗi khi gõ, mọi người phải nghiêm trang, tôn kính, không được chọc phá nô đùa trên đá Trống. Ai có ý xúc phạm thì sẽ bị thần linh trừng phạt. Tương truyền rằng, đá Trống được hình thành sau một trận bão tuyết kỳ lạ. Thầy “tóc đỏ” kể: “Đó là sự nổi giận của thần Ba Trạ (chim phượng hoàng) do dân làng tổ chức lễ cúng ăn mừng mà không mời thần về dự.

Sau những câu chuyện về rừng thiêng, núi cấm, về đất đai sông suối ở Tà Đùng, thầy “tóc đỏ” rót lại một quan niệm đã trở thành triết lý sống của đồng bào Mạ trên đỉnh núi này: “Chẳng biết truyền thuyết có thật hay không, những câu chuyện huyễn hoặc, tâm linh được kể ra cũng chỉ vì muốn giữ gìn, bảo vệ rừng, một phần sinh mệnh của đồng bào tôi. Chúng tôi bám vào những luật tục có từ xa xưa, sợ hãi trước sự trừng phạt của các đấng thần linh nên mới giữ được từng gốc cây, hòn đá ở ngọn núi này”.

Tà Đùng là ngọn núi cao nhất của tỉnh Đắk Nông, với độ cao 1.982m. Từ đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả không gian rộng lớn. Hồ Tà Đùng tự nhiên đã được mở rộng lên tới hơn 3.000 hecta sau khi các công trình đắp đập thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 hoàn tất. Hiện trên mặt hồ có 47 đảo lớn nhỏ.

Tà Đùng là một trong những khu rừng nguyên thủy lớn nhất Tây Nguyên với nhiều loài động vật, thực vật có tên trong sách đỏ, là một trong 3 khu bảo tồn duy nhất của Việt Nam hiện có loài hươu vàng (còn gọi là hươu đầm lầy) đang có nguy cơ tuyệt chủng. Có 5 loài được xếp ở cấp độ cực kỳ nguy cấp như: Hổ, báo hoa mai, trăn mốc, trăn gấm, rắn hổ chúa.

Ngọc Thiện

Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định và xác minh, làm rõ danh tính các nạn nhân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp các sở, ban, ngành TP tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy.

Mấy năm gần đây, đồ ăn vặt gắn mác "hàng Trung Quốc nội địa" tràn lan thị trường và thu hút người tiêu dùng bởi giá rẻ, mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn đó là nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, khi nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm này không được kiểm định chặt chẽ.

Các tổ công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại châu Phi dù có số lượng chưa lớn, lại tác chiến phân tán tại các địa bàn nhưng luôn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Họ tăng cường công tác truyền thông, tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân văn, yêu chuộng hòa bình.

Sau nhiều nỗ lực tích cực xuyên suốt ngày đêm thu dọn hiện trường sạt lở trên đèo Khánh Lê, đến 2h30' sáng nay 19/12, vị trí sạt lở cuối cùng tại lý trình km 43+200 đến km 43+500 trên tuyến quốc lộ 27C kết nối Nha Trang - Đà Lạt đã chính thức thông xe một làn.

Cơ quan CSĐTCông an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Giết người”; khởi tố bị can đối với Cao Văn Hùng (SN 1973, hiện trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh), đối tượng có 2 tiền án về tội “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”) để điều tra, xử lý hành vi đốt quán café làm nhiều người tử vong tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18/12.

Từ giữa tháng 11 âm lịch năm nay, nhiều làng nghề truyền thống ở Cố đô Huế đã tất bật vào vụ để sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Nhờ đôi tay tài hoa, khéo léo của thợ thủ công mà thị trường Tết có thêm nhiều sản phẩm truyền thống độc đáo để người tiêu dùng lựa chọn.

Sau nhiều năm hóa thân vào vai anh hùng quân đội trên màn ảnh, tài tử Hollywood Tom Cruise mới đây được vinh danh với giải thưởng Dịch vụ công xuất sắc (DPS) của lực lượng hải quân, nhằm ghi nhận những cống hiến của nam tài tử cho hải quân Mỹ thông qua các tác phẩm điện ảnh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文