Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu xăng dầu trên biển phía Nam

14:33 06/08/2019
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu xăng, dầu (BLXD) trên biển ở phía Nam thời gian gần đây ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng số lượng lớn, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh trật tự trên biển, trong đó xuất hiện các hoạt động tranh mua tranh bán, bảo kê, bao che, tiếp tay, mất an toàn trong vận chuyển…

Buôn lậu xăng dầu trên biển đang “nóng”

Giá xăng, dầu mua bán trái phép trên biển ước tính chỉ bằng 2/3 giá bán lẻ xăng, dầu trên đất liền đã khiến một số đầu nậu bất chấp các thủ đoạn để mua bán trái phép xăng, dầu từ nước ngoài đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ, kiếm lời bất chính. 

Chỉ tính riêng từ tháng 3-2019 đến nay, lực lượng chống buôn lậu Hải đoàn 18 Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã xử phạt hành chính 4 vụ/4 phương tiện/12 đối tượng với số tiền hơn 200 triệu đồng; tịch thu gần 180 nghìn lít dầu bán sung công quỹ Nhà nước với số tiền gần 2,2 tỷ đồng.

Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển phối hợp bắt giữ một tàu chở dầu lậu trên vùng biển Tiền Giang.

Điển hình như vụ việc ngày 6-6-2019, tổ công tác thuộc Biên đội 2, Hải đoàn 18 BĐBP làm nhiệm vụ tuần tra tại khu vực biển thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã phát hiện ghe gỗ có biển số BV 91278TS do ông Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1967, trú tại phường 9, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm truyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn. Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện chứa khoảng 72 ngàn lít dầu D.O không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Quá trình điều tra thu thập thông tin, Hải đoàn 18 BĐBP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 51,75 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật bán hóa giá sung công quỹ Nhà nước với số tiền gần 900 triệu đồng…

Trên vùng biển tỉnh Sóc Trăng, vào ngày 8-6, tàu tuần tra BP 18.98.01 của Hải đội 2, BĐBP Sóc Trăng trong khi tuần tra, kiểm soát trên khu vực biển, cách cảng cá Trần Đề, thị trấn Trần Đề khoảng 42 hải lý, phát hiện tàu cá TG 93998TS có biểu hiện nghi vấn.

Qua kiểm tra, tổ tuần tra phát hiện trên tàu có 5 thuyền viên do ông Trần Văn Pho (SN 1968, hộ khẩu thường trú tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng; trên tàu chở khoảng 100 ngàn lít dầu D.O. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Pho không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu nói trên; các thuyền viên đều không có giấy tờ tùy thân và tên trong sổ danh bạ của thuyền viên đi biển.

Tổ tuần tra đã tiến hành lập biên bản và đưa người cùng phương tiện, tang vật về Hải đội 2, BĐBP Sóc Trăng để điều tra, làm rõ. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng Pho thì số dầu trên được lấy từ một tàu sắt không rõ quốc tịch đang hoạt động trên biển.

Trước đó, ngày 5-5, tàu tuần tra BP 13.98.01 của Hải đội 2 BĐBP phối hợp Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện tàu cá TG 93518-TS do ông Trần Hữu Tân (trú tại Tiền Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 20 ngàn lít dầu D.O.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Tân không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc số dầu nói trên. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm và tạm giữ tang vật cùng phương tiện đưa về huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) để phục vụ điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc…

Tại hội nghị Triển khai giải pháp chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển phía Nam do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức mới đây tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các cơ quan chức năng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, trên vùng biển phía Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, tập trung nhiều ở địa bàn các tỉnh như: Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh.

Cán bộ Biên phòng lấy mẫu xăng trên một tàu buôn lậu để kiểm tra.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, BĐBP các tỉnh trọng điểm phía Nam đã bắt giữ, xử lý 32 vụ/80 đối tượng buôn lậu, vận chuyển xăng dầu lậu; tịch thu 595.116 lít dầu, 96.000 lít dầu thải và nhiều tang vật khác, tổng trị giá trên 11 tỷ đồng…

Bên cạnh các thủ đoạn như lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách, sự sơ hở trong tuần tra kiểm soát, móc nối, mua chuộc một số cán bộ biến chất, tha hóa…, qua công tác đấu tranh với các đối tượng BLXD trên biển cho thấy các chủ tàu buôn lậu của Việt Nam thường thông qua các đối tượng trung gian, hợp đồng với các tàu nước ngoài để mua bán xăng dầu trái phép trên biển. Sau đó, chúng móc nối với các chủ tàu cá để thương lượng, hẹn tọa độ, theo dõi lịch đánh bắt để bán lại cho các tàu cá đánh bắt ngoài khơi.

Xuất hiện một số đối tượng bảo kê theo kiểu “xã hội đen”

Đáng chú ý, qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều tàu BLXD với thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thường sang cất xăng, dầu vào các can nhựa, thùng phuy, rồi sử dụng tàu cá có công suất lớn, thậm chí cả ghe, xuồng nhỏ chở vào khu vực biển giáp ranh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng còn sử dụng tàu không mang số hiệu, hoặc số hiệu giả để giao dịch, mua bán xăng, dầu; thuê phương tiện vận chuyển xăng, dầu trái phép hoặc sử dụng hóa đơn của một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xăng dầu. Nếu bị bắt giữ, thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu thường trả lời vòng vo và khai nhận chỉ biết mua xăng dầu từ một tàu nước ngoài nhằm chối tội.

Đặc biệt, thời gian gần đây, tại vùng biển các tỉnh phía Nam (từ Khánh Hòa đến Tiền Giang) xuất hiện một số đối tượng hoạt động buôn lậu, bảo kê theo kiểu “xã hội đen”. Chúng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên biển, đến hoạt động, sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp.

Theo Đại tá Nguyễn Duy Nghị, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 18 BĐBP, Hải đoàn 18 được phân công phụ trách, bảo vệ vùng biển từ Ninh Thuận đến Bạc Liêu. Đây là vùng biển rộng, nhiều phương tiện hoạt động rất khó khăn trong công tác quản lý và kiểm soát.

Trong khi đó, lực lượng chống buôn lậu trên biển mỏng, phương tiện, trang thiết bị còn hạn chế. Trong thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng ở đất liền cũng như trên biển tuần tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm BLXD trên biển.

Đồng thời, tập trung, bố trí lực lượng tại các điểm “nóng” như cảng biển, cửa sông, khu vực các phương tiện neo đậu chuyển tải hàng hóa, nơi thường xuyên có hoạt động mua bán, sang mạn dầu trái phép trên biển, bảo đảm liên tục, liên hoàn từ biển, bờ, nội địa, không để hình thành các điểm “nóng” về BLXD trên vùng biển phía Nam.

Trong khi đó, tại hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra ngày 25-7, Đại tá Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết tình hình BLXD trên biển vẫn rất phức tạp, các đối tượng BLXD chuẩn bị rất kỹ và sẵn sàng để đối phó với cơ quan chức năng, thậm chí dùng cả súng để chống đối quyết liệt, không hợp tác với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, phát hiện.

6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã bắt giữ và xử lý 21 tàu, thu giữ 1,7 triệu lít dầu DO và lượng lớn xăng A95 buôn lậu. Hầu hết các vụ phát hiện bắt giữ này là vùng biển xa, có vụ trên 100 hải lý với các tàu nhiều quốc tịch.

Tuy nhiên, cũng theo Đại tá Trần Văn Nam, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu trên biển, việc phát hiện, bắt giữ tàu vi phạm là rất khó, đặc biệt đối với tàu nước ngoài, thuyền trưởng và thuyền viên nước ngoài, đòi hỏi phải có sự hợp tác với cơ quan chức năng trong và ngoài nước.

Lực lượng chống buôn lậu Hải đoàn 18 BĐBP kiểm tra phương tiện buôn lậu dầu DO trên biển.

Các đối tượng BLXD thường vận chuyển số lượng hàng lớn, trị giá lớn và luôn có sự cảnh giác, hoạt động chủ yếu ở vùng biển giáp ranh, trang bị các khí tài quan sát, dụng cụ nghe nhìn từ xa để phát hiện lực lượng chức năng.

Do vậy, ở vùng biển giáp ranh, các đối tượng rất dễ tẩu thoát hàng hóa sang các vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, những đầu nậu ở trên đất liền thường ra các vùng biển giáp ranh mua xăng, dầu của các tàu nước ngoài, ngụy trang phương tiện giống các tàu đánh cá trên biển để vận chuyển vào đất liền tiêu thụ.

Đáng nói, tội buôn lậu theo Bộ luật Hình sự có yếu tố vận chuyển qua biên giới. Tuy nhiên, biên giới biển theo Luật Biển Việt Nam thì đường ranh giới là đường lãnh hải. Do đó, trong vùng biển đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam nếu bắt được quả tang cũng chỉ xử lý hành chính dù số lượng xăng, dầu có lớn.

Yếu tố này đã gây không ít khó khăn trong công tác xử lý dù nhiều vụ phát hiện và truy bắt gian nan nhưng xác định không cấu thành tội nên buộc chuyển sang xử lý hành chính. Cảnh sát biển đã đề xuất có hướng tháo gỡ, nhưng hiện tại trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, vẫn chưa thay đổi, bổ sung ngay được.

Phú Lữ - Hồng Phúc

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文