John Bolton - “chiến binh” bại trận

15:14 13/09/2019
Ngày 10-9, Tổng thống Donald Trump thông báo về việc Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã từ chức vào sáng cũng ngày.


Trước đó, trong một tweet vào trưa 9-9, ông Trump nói rằng ông đã nói với vị cố vấn thân cận của mình rằng "sự phục vụ của John Bolton ở Nhà Trắng đã không còn cần thiết, đồng thời lưu ý rằng, ông "không đồng ý với nhiều" đề nghị của ông Bolton.

Như vậy, chỉ sau 17 tháng giữ chức vụ này, Cố vấn an ninh quốc gia thứ 3 của Tổng thống Trump đã phải ra đi như hai người tiền nhiệm: Tướng H.R. McMaster và Tướng Michael Flynn.

Nhà ngoại giao kém thân thiện

John Robert Bolton sinh ngày 20-11-1948, tại Baltimore, Maryland, mẹ ông là bà Virginia Clara, một bà nội trợ và Edward Jackson "Jack" Bolton, một lính cứu hỏa. Ngay từ khi là sinh viên luật tại trường Đại học Yale (cùng lớp với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Hillary Clinton), Bolton đã thể hiện là người có tư tưởng cực đoan.

Sự ra đi của ông John Bolton sẽ giúp các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể linh hoạt hơn.

Sau khi tốt nghiệp Bolton phục vụ trong chính quyền của 3 cựu tổng thống đảng Cộng hòa: ông Ronald Reagan, ông George H. W. Bush (Bush cha) và ông George W. Bush (Bush con).

Dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông Bolton làm đến chức Thứ trưởng về kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao. Tháng 8-2005, Tổng thống Bush đã chỉ định ông Bolton làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Thời điểm đó, hơn 100 cựu đặc phái viên của Mỹ ký một bức thư thúc giục các thượng nghị sĩ bãi bỏ sự bổ nhiệm này. Lý do là "con diều hâu chiến" này từng thẳng thừng tuyên bố "chẳng có gì gọi là Liên Hợp Quốc" và Mỹ là "sức mạnh duy nhất" của thế giới.

Ông nổi tiếng với câu đùa: "Tòa nhà làm việc của Ban Thư ký Liên Hợp Quốc có 38 tầng, nếu mất đi 10 tầng thì cũng chẳng có gì khác biệt". Khi ông Bolton mãn nhiệm vào tháng 1-2007, nhiều nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc nhận xét phong cách của ông là thô lỗ và kém thân thiện.

"Chiến binh" thất sủng

Bolton được cho là được lòng giới bảo thủ khi ông được mệnh danh là “diều hâu”. Ông đã từng ủng hộ và kêu gọi Mỹ giữ lập trường cứng rắn với Iran và Triều Tiên. Ông cũng đã kêu gọi Tổng thống Trump trong một bài viết trên New York Post rằng Washington nên ngừng tái ký Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và rút khỏi thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran.

Theo tờ The Guardian (Anh), cách tiếp cận ngoại giao cơ bản của ông Bolton đã được tổng kết trong một cuốn sách do ông viết mang tên “Surrender is not an option” (Đầu hàng không phải là một lựa chọn). Đó là quan điểm cứng rắn của ông trong trường hợp Iran. Ông phản đối nỗ lực của Tổng thống Barack Obama khi đó muốn xử lý chương trình hạt nhân của Iran thông qua đàm phán.

Năm 2015, ông Bolton viết trên New York Times rằng chỉ bằng cách đánh bom, Mỹ và Israel mới loại bỏ được các cơ sở làm giàu urani của Iran và ngăn chặn được thảm họa.

Ngày 22-3-2018, khi Tổng thống Trump chọn ông Bolton vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, nhiều người đã cho rằng việc Tổng thống lựa chọn ông Bolton là tin tốt đối với các đồng minh của Mỹ và là tin xấu đối với các quốc gia đối địch.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons bày tỏ quan ngại cách tiếp cận của ông Bolton trong các vấn đề Triều Tiên và Iran là “quá hung hăng và tiềm ẩn nguy hiểm".

Quả thực trong suốt 17 tháng ở vị trí này, ông Bolton đã chứng minh những nhận định đó là có cơ sở. Vào giai đoạn đỉnh cao ảnh hưởng của Bolton ở Washington, ông giành được sự tín nhiệm của Tổng thống Trump bằng bản năng hung hăng trong những vấn đề an ninh.

Ông cũng vượt mặt nhiều thành viên nội các vốn ít kinh nghiệm hơn trong những vấn đề mang tính liên bộ. Tuy nhiên, kiểu quản trị bàn tay sắt và thế giới quan hiếu chiến của Bolton khiến quan hệ giữa ông và nhiều đồng nghiệp rạn nứt.

Càng ngày ông Trump càng thấy rằng Bolton không còn phù hợp với chiến lược ngoại giao của mình trong việc xử lý các điểm nóng. Một cựu quan chức cấp cao nói với CBS rằng phương pháp của ông Bolton khiến nhiều người trong Nhà Trắng tức giận, bao gồm cả Tổng thống. Theo quan chức này, ông Bolton đã không tham dự các cuộc họp và làm theo các ý riêng của ông. Một quan chức Nhà Trắng nói với CBS News, "Bolton có những ưu tiên của ông ấy. Ông ấy đã không hỏi Tổng thống “Ưu tiên của ông là gì?"

Ông Bolton bị các quan chức Mỹ đổ lỗi cho sự sụp đổ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên hồi tháng 2-2019 tại Việt Nam bằng cách đưa ra một danh sách các yêu cầu không thỏa hiệp mà Triều Tiên bác bỏ.

Tình cảnh bị cô lập của John Bolton được thể hiện rõ hơn tại cuộc họp cấp cao ngày 16- 8. Các quan chức hàng đầu của Mỹ được triệu tập đến khu nghỉ dưỡng và sân golf của ông Trump tại New Jersey để đánh giá thỏa thuận hòa bình sẽ gửi cho chính quyền Afghanistan và phe Taliban. Các quan chức đến dự họp có Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford, Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel và trưởng đoàn đàm phán Khalilzad.

Chỉ có Bolton là không nằm trong danh sách khách mời ban đầu. Đội ngũ của ông Trump lo ngại cố vấn an ninh quốc gia sẽ phản đối thỏa thuận hòa bình, sau đó cho đội ngũ của mình rò rỉ thỏa thuận tạo dư luận bất lợi.

Cuối cùng thì Bolton cũng xin được một ghế trong cuộc họp sau khi phàn nàn với Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Khi đến New Jersey, vị cố vấn "diều hâu" lại tranh cãi với Tổng thống Trump về những lựa chọn chính sách cho Afghanistan. Ông cho rằng Mỹ không thể tin tưởng Taliban giữ đúng lời hứa.

Bất đồng giữa Bolton và Tổng thống Trump không dừng lại ở vấn đề Afghanistan. Tổng thống Mỹ đã bày tỏ ý định gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ông cũng muốn chấm dứt những tham vọng thay đổi chế độ ở Tehran và tìm cách thuyết phục những nước khác bảo trợ uy tín cho nền kinh tế đang gặp khủng hoảng của Iran.

Trong khi đó, ông Bolton suốt nhiều năm qua luôn theo đuổi mục tiêu thay đổi chế độ ở Iran. Ông cũng ủng hộ áp đặt thêm lệnh trừng phạt bất chấp gia tăng rủi ro nổ ra xung đột quân sự giữa hai nước.

Trong vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump nỗ lực thúc đẩy đàm phán thỏa thuận hạt nhân đến mức sẵn sàng ngó lơ các vụ thử tên lửa vừa qua của nước này. Nhưng Cố vấn Bolton lại công khai chỉ trích các vụ thử tên lửa, nhấn mạnh những hoạt động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quan điểm cứng rắn này khiến ông Trump loại Bolton ra khỏi nhiều cuộc họp quan trọng giữa Mỹ và Triều Tiên.

Việc John Bolton bị sa thải khỏi đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump có thể mang lại sự linh hoạt cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Triều Tiên. Ông Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha, cho rằng thời điểm này có thể thuận tiện cho hoạt động ngoại giao Mỹ-Triều Tiên.

Theo ông, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể biến sự thay đổi nhân sự này ở Washington thành chiến thắng trong chính trị nội bộ của Triều Tiên và điều này làm gia tăng khả năng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ sớm được tái khởi động.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của vị chuyên gia an ninh John Bolton đã làm dấy lên quan ngại rằng chính sách đối ngoại của ông Trump có thể bị chi phối nhiều hơn bởi những cân nhắc chính trị, đặc biệt là trước thềm cuộc đua tái tranh cử tổng thống 2020.

Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức, nói với Reuters rằng sự ra đi của ông Bolton là một cơ hội cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Còn Chuyên gia về Triều Tiên, Harry Kazianis, Giám đốc cao cấp tại viện nghiên cứu mang tên Trung tâm Lợi ích Quốc gia, cho rằng việc sa thải ông Bolton là một động thái khôn ngoan của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, cố vấn của Tổng thống Iran, ông Hesameddin Ashena, nói rằng ông Bolton bị mất chức cho thấy sự thất bại của chiến lược áp lực tối đa mà Washington nhắm vào Iran. “John Bolton nhiều tháng trước cam đoan rằng Iran sẽ tồn tại được thêm 3 tháng. Chúng ta vẫn đứng vững, còn ông ấy thì ra đi,” người phát ngôn Chính phủ Iran, Ali Rabiei, viết trên Twitter.

Tổng thống Trump và cố vấn Bolton thời còn “mặn nồng”.

Ai sẽ thay thế ông Bolton?

Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ đưa ra quyết định vào “tuần tới”, nhưng tới thời điểm này, vẫn chưa có một danh sách “ngắn gọn nhất có thể” về các ứng viên thay thế ông Bolton.

CNN dẫn một số nguồn tin cho biết, Nhà Trắng hiện đang thảo luận về các ứng cử viên thay thế ông Bolton, và ít nhất 10 cái tên đã được nhắc tới ở thời điểm này. Trong đó có Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook, cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ricky Waddell và Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun.

Các ứng cử viên khác là Cố vấn An ninh Quốc gia cho quyền tham mưu trưởng Mick Mulvaney Rob Blair, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, Đại sứ Mỹ tại Hà Lan Pete Hoestra, tướng 4 sao đã nghỉ hưu Jack Keane, ông Keith Kellogg, cố vấn An ninh Quốc gia cho Phó TT Mike Pence. Ngoài ra, Đại tá quân đội đã nghỉ hưu Doughlas Macgregor và cựu Chánh văn phòng Fred Fleitz của ông Bolton tại Hội đồng An ninh Quốc gia cũng nằm trong danh sách ứng cử viên trên.

Tuy nhiên, với tính cách khó đoán của ông Trump, Tổng thống có thể sẽ chọn một nhân vật nào đó không hề được nhắc tới ở thời điểm này để trở thành Cố vấn an ninh quốc gia thứ 4 của ông trong vòng chưa đầy 3 năm.

Minh Hằng (Tổng hợp)

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文