Điều tra chống tham nhũng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

08:00 19/01/2015
Vấn đề phát hiện và phanh phui các vụ việc tham nhũng đang là một trong những việc làm cấp bách. Mặc dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng hàng chục sinh viên báo chí đã được tiếp cận với chủ đề tham nhũng ở thể loại “búa tạ” nhất - đó chính là báo chí điều tra.

Góp ý tưởng, thay đổi tương lai

Bằng sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao với nghề báo, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó trưởng Khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng thành công đề án P34: “Nâng cao kiến thức kĩ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra chống tham nhũng”, đồng thời sáng lập ra Câu lạc bộ báo chí điều tra (JIC), tạo một môi trường học tập và rèn nghề bổ ích cho các bạn sinh viên đam mê báo chí.

PGS.TS Phạm Huy Kì - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS.TS Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhấn mạnh: “Phòng chống tham nhũng luôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Với việc xây dựng thành công đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng” cũng như Câu lạc bộ báo chí điều tra, các em sinh viên đã có môi trường đào tạo chuyên nghiệp, đưa sinh viên tiếp cận sớm hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn với thực tiễn hoạt động báo chí nói chung và điều tra báo chí nói riêng.

Chia sẻ về đề án ý nghĩa và hoạt động của Câu lạc bộ báo chí điều tra cô Đỗ Thị Thu Hằng cho biết:

“Với mục đích tăng cường môi trường thực hành theo cách gắn kết với các tòa soạn và các nhà báo vì vậy tôi đề xuất ý tưởng thành lập câu lạc bộ báo chí truyền thông, và chia câu lạc bộ này hoạt động theo các lĩnh vực khác nhau. Trên cơ sở đó, khi tiếp cận với lời mời gửi đề án dự thi cho chương trình “Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI 2013)”, tôi đã thiết kế dự án nhằm phát triển ý tưởng xây dựng Câu lạc bộ báo chí điều tra để đào tạo sinh viên làm báo điều tra phòng, chống tham nhũng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với sự hỗ trợ của các nhà báo, các cơ quan báo chí.

Cô Đỗ Thị Thu Hằng (hàng sau, thứ 7 từ trái qua) cùng thành viên câu lạc bộ nhận giải thưởng VACI 2014.

Cô Đỗ Thị Thu Hằng cho biết thêm: “Trong quá trình xây dựng và phát triển đề án cũng như tiến hành các hoạt động của Câu lạc bộ báo chí điều tra, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, một trong những khoa đào tạo chuyên sâu với lịch sử hơn 50 năm kinh nghiệm về đào tạo báo chí truyền thông nói chung và thể loại báo chí điều tra nói riêng. Các nhà báo điều tra giỏi ở các cơ quan báo chí luôn đồng hành, liên kết chặt chẽ, sẵn sàng tham gia hỗ trợ giảng dạy cho các em sinh viên. Đặc biệt, động lực to lớn nhất là sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Khoa Báo chí, cũng như lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bởi lẽ khi nói đến điều tra phòng chống tham nhũng không phải cơ quan nào cũng sẵn sàng theo đuổi. Ban lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ban chủ nhiệm Khoa Báo chí đều nhận thấy rõ vai trò của báo chí điều tra phòng chống tham nhũng, ý thức được sứ mệnh của một cơ sở đào tạo về báo chí truyền thông nên đã rất đồng tình với việc xây dựng và phát triển các hoạt động.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của câu lạc bộ còn gặp khá nhiều khó khăn. Bởi hoạt động của câu lạc bộ mới chỉ được coi là hoạt động thực hành nghiệp vụ và bước đầu lồng ghép vào chương trình đào tạo chính khoá. Hoạt động nhận được sự tham gia của nhiều khóa, lớp nhưng bản thân mỗi sinh viên phải đạt những yêu cầu về năng lực và phẩm chất báo chí, năng khiếu báo chí, ý thức trách nhiệm với xã hội, phải dám dấn thân thì mới có thể trở thành thành viên của Câu lạc bộ báo chí điều tra. Với sự khác nhau về trình độ của các thành viên, thời gian kiến,  thực tập của các sinh viên, khiến ban chủ nhiệm gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động. Nhưng nhờ sự chuẩn bị kĩ lưỡng trong hoạt động của câu lạc bộ, đặc biệt là việc thiết kế chương trình đào tạo, thời gian tập huấn linh hoạt đã phần nào khắc phục được những khó khăn ban đầu.

Cô Hằng chia sẻ: “Báo chí điều tra là một lĩnh vực khó, kiến thức, kĩ năng, thời gian đào tạo trong nhà trường có hạn, thường thì đến năm thứ 2 thì các em mới có thể tham gia vào báo chí ðiều tra ðýợc, thời gian sinh hoạt thýờng xuyên chỉ ðýợc khoảng 2 nãm. Chính vì vậy, để rèn luyện đạo đức nhà báo, trách nhiệm xã hội, các nguyên tắc ứng xử, định hướng cho các em cần phải được chú trọng.

Ngoài ra, phương thức duy trì hoạt động của đề án, nguồn tài trợ lâu dài cho câu lạc bộ cũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại mà tôi hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan báo chí, các tổ chức cùng mục tiêu để có thể phát triển câu lạc bộ.

Việc đề án P34 thắng giải trong chương trình “Sáng kiến phòng chống tham nhũng VACI 2013” là một trong những thành công ban đầu của câu lạc bộ. Trong một năm hoạt động vừa qua, tuy có nhiều áp lực về tiến độ thực hiện dự án, nhưng với những thành viên có năng lực, đam mê thì các mục tiêu cơ bản đã được hoàn thành tốt. Cùng với đó, mối quan hệ giữa hoạt động đào tạo ở trường học và cơ quan báo chí, đặc biệt là với tòa soạn và nhà báo được thiết lập, tạo tiền đề tốt cho giai đoạn 2 của dự án.

Với một quãng thời gian không dài nhưng sinh viên báo chí trong câu lạc bộ đã có những bước tiến đáng kể về nghề nghiệp. Các em được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng báo chí điều tra với 3 khóa tập huấn. Đồng thời, sinh viên được làm quen và học trực tiếp các kỹ năng, kinh nghiệm làm báo điều tra ở cơ quan báo chí với các nhà báo thông qua các phương thức đào tạo: Cầm tay chỉ việc, trực tiếp đi cơ sở cùng các nhà báo điều tra. Bên cạnh đó, thông qua các buổi chia sẻ, sinh viên học được các kinh nghiệm, nâng cao các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp báo chí. Thông qua hoạt động làm bộ sưu tập tác phẩm báo chí điều tra, các em học được cách phân tích, đánh giá, học được cách thể hiện tác phẩm một cách hiệu quả.

Sau thành công tại Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2013 (VACI 2013), Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục giành thắng lợi tại Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2014 (VACI 2014) với Đề án mang “số hiệu” P41. Đây là giai đoạn 2 của đề án “Nâng cao kiến thức và kĩ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng”. Trong thời gian sắp tới, về phần tài liệu thì ngay khi bắt đầu có quyết định giải ngân chúng tôi sẽ xuất bản cuốn “Báo chí tác phẩm và phân tích”, sử dụng cho các lớp báo chí trong trường và là tài liệu tham khảo cho các cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Dự kiến cuốn sách sẽ được xuất bản vào khoảng tháng 4 năm 2015. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ báo chí điều tra sẽ tiến hành các buổi tập huấn chuyên sâu về kĩ năng báo chí trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, pháp luật cho các thành viên của câu lạc bộ. Tôi luôn quan niệm: “Muốn làm điều tra về bất cứ lĩnh vực nào thì người làm báo cần phải thực sự am hiểu về nó, phải có được kĩ năng làm báo thì mới có thể phát hiện và tìm ra những vấn đề tiêu cực trong xã hội. Hay nói cách khác nhà báo điều tra phải tích hợp khả năng làm về mọi lĩnh vực, các yếu tố tiếp cận về con người, về đạo đức cũng vô cùng cần thiết”. Các buổi sinh hoạt định kì vẫn tiếp tục được câu lạc bộ duy trì. Điểm khác biệt trong giai đoạn 2 này, chúng tôi sẽ xây dựng một mạng lưới nhà báo trẻ ở địa phương và Trung ương. Trên cơ sở đó, sẽ tập trung vào một số tỉnh ở vùng Bắc Trung Bộ trở ra đến Bắc Bộ, từ việc xây dựng mạng lưới này đến hè năm 2015 chúng tôi gửi các thành viên của câu lạc bộ tới các địa phương để thực tế về chính trị xã hội ở đó, từ đó bước đầu làm quen với môi trường báo chí điều tra tại các địa phương. Ý tưởng này được hội đồng chuyên môn đánh giá rất cao. Hi vọng điều này sẽ giúp cải thiện môi trường, tạo mạng lưới các nhà báo điều tra có khả năng hỗ trợ để thực hiện một cách khách quan, thúc đẩy hoạt động báo chí điều tra với phạm vi các địa phương. Kết thúc đề án, chúng tôi sẽ thực hiện Festival báo chí điều tra và hội nghị tổng kết báo cáo kết quả, đồng thời trưng bày các tác phẩm điều tra với sự tham gia rộng rãi của nhà báo trong cả nước”.

Ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, đại diện cho Ban tổ chức VACI tin tưởng: “Có thể nói đây là một đề án gây ấn tượng rất mạnh cho Ban Giám khảo khi chấm giải VACI 2013, là một đề án được tổ chức công phu và bộc lộ tính sáng tạo rất rõ nét và rất khả thi”.

Tại hội thảo tổng kết đề án P34, nhà báo Trần Bá Dung - Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, người luôn theo sát và ủng hộ dự án tin tưởng: “Tôi hi vọng CLB không những chỉ là nơi sinh hoạt nghiệp vụ bổ ích, mà cao hơn là đưa các thành viên CLB (nhất là sinh viên báo chí) vào cuộc thực thụ, ít nhất là tham gia trực tiếp với các cơ quan báo chí để có những tác phẩm báo chí điều tra tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Tiếp đam mê cho sinh viên báo chí

Trong Câu lạc bộ báo chí điều tra, có rất nhiều sinh viên không được đào tạo chuyên sâu về báo chí, nhưng thực sự có năng khiếu và dám dấn thân vào lĩnh vực điều tra chống tham nhũng. Với họ, ban chủ nhiệm, những hoạt động ý nghĩa của câu lạc bộ thực sự đã giúp họ trưởng thành và tự tin cống hiến hết mình vì đam mê.

Sinh viên Bùi Đức Nam (bên trái).

Bùi Đức Nam - sinh viên năm nhất lớp Báo ảnh chia sẻ: “Mình mong muốn được trở thành thành viên của Câu lạc bộ báo chí điều tra, bởi đó thực sự là môi trường rèn nghề bổ ích. Ở đó, không chỉ cung cấp những kiến thức, kĩ năng cơ bản mà còn là nơi rèn luyện đạo đức nhà báo - một điều mà mình nghĩ vô cùng quan trọng đối với những ai làm báo”.

“Bản thân mình không được theo học chuyên ngành báo chí, nhưng mình có niềm yêu thích với báo chí. Tuy nhiên, mình cũng hiểu rằng, chỉ yêu thích thôi thì vẫn chưa đủ. Từ khi trở thành thành viên của Câu lạc bộ báo chí điều tra, được sự giúp đỡ của thầy cô, anh chị nhà báo, yêu thích đã trở thành đam mê, từ một sinh viên không có những hiểu biết nền tảng về báo chí, mình đã thực hiện được những bài báo đầu tiên. Bằng việc trang bị những kiến thức, kỹ năng tác nghiệp điều tra phòng, chống tham nhũng qua các buổi tập huấn, các buổi sinh hoạt định kỳ, câu lạc bộ đã mang lại cho chúng mình những nền tảng đầu tiên về báo chí và báo chí điều tra; giúp chúng mình có cái nhìn rõ nét hơn về báo chí điều tra. Hiện tại, mình đã trở thành cộng tác viên thường xuyên của Báo Pháp luật Việt Nam chuyên về mảng kí sự pháp đình”, Nguyễn Đình Thành - sinh  viên năm 2 lớp Chính sách Công chia sẻ.

Còn Nguyễn Thùy Linh - sinh viên năm thứ 3 lớp Báo in cho biết: “Sau khi được tập huấn chuyên sâu về kiến thức và kỹ năng điều tra phòng chống tham nhũng, chúng mình được nhận về thực tập tại các tòa soạn báo, được giao đề tài và hướng dẫn thực hiện một tác phẩm báo chí. Tuy không phải tất cả các thành viên trong CLB đều thực hiện được các bài điều tra, nhưng tất cả chúng mình được tiếp cận với thực tế của một tòa soạn báo chí, quá trình sản xuất sản phẩm báo chí, được các anh chị nhà báo, phóng viên cho đi theo trong quá trình tác nghiệp tác phẩm báo chí điều tra”.

“Thực tế cho thấy, nhiều số liệu chỉ ra rằng báo chí là lực lượng phát hiện ra tham nhũng trước khi cơ quan chức năng phát hiện và áp lực từ báo chí giúp cho các vụ tham nhũng được đấu tranh triệt để. Việc thành lập Câu lạc bộ báo chí điều tra IJC – câu lạc bộ đầu tiên về đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu dành cho sinh viên báo chí theo mình là hết sức cần thiết. Năm thứ 4 là khoảng thời gian “nước rút” với mỗi sinh viên, khó khăn lớn nhất của mình là việc phân chia sao cho hợp lý thời gian học chính khóa trên trường với thời gian tham gia các hoạt động của câu lạc bộ. Nhưng đồng thời cũng nhờ những hoạt động của câu lạc bộ mà mình có định hướng rõ ràng hơn cho tương lai”. Lê Phương Nam - sinh viên năm 4 lớp Quản lí văn hóa tư tưởng cho biết.

“Báo chí điều tra là một bộ phận không thể thiếu nên nó cần được tạo điều kiện và hỗ trợ nhiều hơn nữa. Báo chí điều tra chống tham nhũng ở Việt Nam đang gặp phải một thách thức rất lớn, tuy các nhà báo đã rất tích cực nhưng cũng không thiếu những kẻ mượn danh nhà báo điều tra để làm trái đạo đức, trái pháp luật. Chính vì vậy, cần có sự phân định rõ ràng trong cả lí luận báo chí về mục đích, nội dung, đặc điểm, phương pháp báo chí điều tra thúc đẩy xây dựng hệ thống lí thuyết và nguyên tắc làm báo điều tra trong khoa học báo chí, đặc biệt là định hướng dư luận khi đánh giá đúng về báo chí điều tra, từ đó tăng cường sức chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam”, TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định.

Vì vậy, Câu lạc bộ báo chí điều tra ra đời thực sự sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo cho sinh viên báo chí học kiến thức, kỹ năng, nguyên tắc điều tra cho sinh viên báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhật Hạ

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文