"Nghề"… đốt rừng ở Nghệ An

07:13 31/12/2004

Vất vả, cực nhọc và luôn nơm nớp lo sợ bị bắt, bị phạt, nhưng hàng chục năm nay anh H. vẫn phải bám vào than để sống. “Đốt than là nghề gia truyền của gia đình tui. Tui biết nó từ khi tóc còn để chỏm, theo ông nội và cha vô rừng kiếm củi, đốt than đến bây giờ…”, anh H. tâm sự.

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Ngọc H. ở xóm Ngọc Liên, xã Kim Thành, sau lời giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Hà (nhấn mạnh chúng tôi không phải là kiểm lâm đến bắt than nhà anh), người đàn ông chừng 45 tuổi, dáng người gầy guộc và lam lũ này mới bắt đầu cởi mở.

Thoạt nghe cứ nghĩ nghề đốt than là đơn giản nhưng thực ra phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên khi “hạ trại” là phải tiến hành chặt củi tươi, để than có chất lượng tốt cần phải chọn những loại cây già, chắc; nếu than dùng cho phụ nữ sinh nở thì cần tránh những loại cây độc như lam, san.

Để có hai bao tải than loại vừa thì phải chặt từ 3,5 đến 4 tạ củi tươi. Tiếp đó, khi đã đủ khối lượng củi tươi phải tìm một bó củi khô để nhóm lò và tiến hành đào lò rộng từ 0,8 đến 1m, sâu từ 0,4 đến 0,5m để đốt than. Đốt xong, người ta lại phải làm nguội lò than đang rừng rực bằng cách lấy đất bột lấp kín để cho than nguội dần mà tuyệt đối không được dùng nước để dập.

Công đoạn cuối cùng là sàng sảy để tách than thành phẩm ra khỏi đất bột và đóng vào bao tải. Đây là khâu mất thời gian và độc hại nhất bởi bụi than, bụi đất làm cho đa số người đốt than chuyên nghiệp dễ bị mắc bệnh phổi!

Anh H. cho biết, để được 2 bì than củi, hằng ngày anh phải dậy từ 4h sáng để vào rừng, khi về tới nhà thì trời đã tối mịt. Sáng hôm sau, khi anh lên rừng thì vợ đem than ra các chợ bán hoặc nhập cho các đầu nậu. Từ đây, than được chuyển đến các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu để bán cho ngư dân đánh cá. Mỗi bì than như vậy hiện nay giá khoảng 20 nghìn đồng, tương đương 6kg gạo.

Gia đình anh H. chỉ có 2 sào ruộng khoán trong khi có tới 6 miệng ăn, và nuôi 4 con ăn học. Con đầu đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Vinh, nếu không có than đốt thì chắc là nó không thể theo học!

Anh H. kể tiếp về những nặng nhọc, vất vả của người đốt than khi tấp lò gặp mưa, nếu mưa to thì mẻ than coi như hỏng, nếu mưa nhỏ thì có thể vớt vát nhưng than không đẹp, bán không được giá. Những hôm trời nắng tất nhiên là đốt than đỡ vất vả hơn, nhưng bụi đất, bụi than bay mù mịt bám vào tóc tai, quần áo, trộn lẫn mồ hôi rất khó chịu. Đồng nghiệp của anh đã nghĩ ra “sáng kiến” khi sàng than, cởi bỏ hết quần áo dài cho bụi dính thoải mái. Trông người lúc đó hơi buồn cười nhưng xong việc xuống khe tắm là tiện nhất!

Rồi có những chuyện đau lòng như ông T. đốt than ở xa đồng nghiệp bị gấu tấn công. Khi mọi người đến, thấy ông nằm úp mặt xuống cái hố than, ngất lịm, máu me đầy mình, hai con mắt bị gấu móc mất, nhưng may không chết. Chuyện ông K. sơ ý để lửa bén cháy cả vào cửa động...

Ở xóm Ngọc Liên, ngoài gia đình anh H. còn có rất nhiều nhà hành nghề đốt than “chuyên nghiệp” như gia đình anh M., anh V... Dường như cuộc sống của họ đã gắn chặt với rừng.

Không chỉ người dân Ngọc Liên mà hàng loạt dân xóm khác như Trại Mắt, Đồng Bản, Hồng Liên (xã Kim Thành), Tân Sơn, Bắc Sơn (xã Quang Thành) và Rạng Đông, Châu Thành (xã Tây Thành)... đều có người tham gia đốt than với con số lên đến hàng trăm. Tất cả đều có chung một hoàn cảnh là đông con, ít ruộng, nghề phụ không có.

Nghề đốt than cũng chẳng cần đầu tư gì cả, chỉ dựa vào sức lao động của mình và cây rừng. Vì vậy, cứ mùa màng xong, những người có sức khỏe lại kéo nhau vào rừng.--PageBreak--

Chị Nguyễn Thị N. ở xóm Tân Sơn (Quang Thành) bộc bạch: “Tui biết đốt than là cực nhọc, là nguy hiểm và vi phạm pháp luật nhà nước nhưng biết làm răng được, nhà tui được hơn sào ruộng cứ treo hái là treo niêu, đó là chưa kể tiền quần áo, sách vở, học phí cho mấy đứa con, trong đó có đứa còn bệnh tật triền miên, chồng thì ốm yếu chỉ quanh quẩn ở nhà!”.

Nguy cơ mất rừng!?

Yên Thành là huyện đồng bằng của tỉnh Nghệ An nhưng có đến 26/37 xã có rừng với tổng diện tích là 9.054ha (diện tích tự nhiên là 54.687ha), trong đó rừng phía tây thuộc các xã Đồng Kim, Quang Tây, Thịnh Thành ước chừng 1.400ha.

Cách đây trên vài chục năm, rừng khu vực này còn khá rậm rạp, có những gốc cây to vài người ôm không xuể. Chim, thú ngày đêm hót ra rả. Người dân đã săn được cả lợn lòi, khỉ, nai, hoẵng... Rừng như là lá phổi khổng lồ điều hòa khí hậu cho vùng, là nơi giữ nước cho các con đập lớn như Vệ Vừng, Khe Đá, Khe Sông không bao giờ cạn. Thế mà, vì lợi ích trước mắt, “phong trào” người người đốt than, nhà nhà đốt than không ngừng phát triển.

Lúc đầu, người ta chặt cây để đốt, cây hết, người ta đào cả gốc, than đốt ra càng đượm. Đến những năm 90, rừng trọc lốc, nham nhở như bị bom đạn phát quang. Cứ mỗi trận mưa, nước đập Vệ Vừng lại đỏ lòm như máu. Cuối cùng, cây rừng gần như bị con người “thịt” hết.

Trước tình hình đó, với chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, Nhà nước đã giao rừng cho hộ gia đình quản lý lâu dài. Có thể nói rằng đây là một chính sách đúng vì rừng đã giao, người dân không thể tự tiện lên rừng đốt củi, đốt than một cách tự do như trước.

Giờ đây, rừng Yên Thành đã dần lấy lại được màu xanh gần như nguyên thủy của nó. Tuy nhiên, nhu cầu than vẫn không hề giảm. Người dân thì nghèo, than lại được giá, thế là không cho đốt “rừng nhà”, người ta vào tận rừng Động Cầu, Nhà Đũa để đốt. Đội quân này đi tới đâu là y như rừng phải chịu khuất phục tới đó.

Cách đây ba năm, khu vực Đồng Cầu, Nhà Đũa được UBND tỉnh Nghệ An giao cho Tổng đội TNXP 6 xây dựng kinh tế, quản lý. Người dân lại tiến sâu hơn, vượt hàng chục cây số vào tận Khe Một, Khe Hai, Khe Ba, Chà Trời... Đây là rừng giáp ranh giữa 3 huyện Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ nên việc quản lý của Nhà nước còn chưa được chặt chẽ. Theo lời một số người đốt than thì rừng ở đây còn nguyên sơ, họ thấy cả dấu chân cọp.

Anh Phan Tất Mậu, Ủy viên Lâm nghiệp xã Kim Thành cho biết: “Để bảo vệ rừng, mấy năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo hạt kiểm lâm và những xã có rừng tăng cường công tác bảo vệ, trong đó phải ngăn chặn người dân vào rừng đốt than. Tuy nhiên, rừng thì rộng, lực lượng kiểm lâm lại quá mỏng, những người đốt than quá đông và vì miếng cơm, manh áo, họ vẫn tìm mọi cách để hoạt động. Họ sẵn sàng đi đêm về hôm, vận chuyển than tiêu thụ thì ngụy trang cẩn thận. Có khi họ còn lội suối, băng đồng đi lối tắt y hệt như vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Một điều khó là khi các lực lượng kiểm lâm bắt được họ thì có phạt cũng chỉ để răn đe vì đa số họ đều nghèo xơ xác, có người không có tiền nộp còn dám chống lại. Vì thế, cứ một ngày trôi qua là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bao tải than được đưa ra khỏi rừng"

Hoàng Minh

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文