Nơi huấn luyện "sĩ quan mũ nồi xanh"cho Liên hợp quốc

06:40 16/08/2017
Rồi đây, những người viết sử quân đội sẽ phải ghi lại dấu mốc ngày 27-5-2014. Gọi là mốc lịch sử bởi sau 70 năm thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức có một đơn vị mới: Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cớ nhiệm vụ hoàn toàn mới: nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam cử 2 sĩ quan tham gia lực lượng này, đánh dấu Việt Nam đã bước sang một trang mới trong hợp tác với cộng đồng quốc tế...

1- Dù đã được anh cán bộ của Trung tâm chỉ đường rằng: "Cứ đi hết đường Láng - Hòa Lạc, đến xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất thì hỏi đường vào Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam", nhưng sau vài lần hỏi người dân mà tất cả đều ngơ ngác và nói "không biết", cuối cùng tôi phải vào doanh trại quân đội nhờ mấy anh vệ binh chỉ đường mới tìm được tới nơi. Hóa ra dù thành lập được hơn 3 năm, nhưng hơn 2 năm đầu tiên, đơn vị phải ở nhờ trụ sở của đơn vị khác ở khu gần hồ Tây, mãi đầu năm 2017 mới được chuyển về "nhà mới". Trụ sở mới, tên đơn vị vừa mới vừa lạ nên nhiều người không biết.

Trung tá Mạc Đức Trọng (bên trái) một trong hai sỹ quan đầu tiên của Việt nam làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan.

Nhắc lại những ngày "khởi đầu nan", Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết để có được một Trung tâm như hiện nay là cả quá trình chuẩn bị suốt gần 10 năm trời. Đó là năm 2005, Đảng và Nhà nước có chủ trương  cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và cử các đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo của các Bộ Quốc phòng, Công an, Lao động, Tài chính... làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đi thăm, khảo sát thực tế Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Haiiti, Nam Sudan...

Ban đầu, nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình được Bộ Quốc phòng giao cho Cục Đối ngoại. Ngay từ thời điểm đó, công tác tuyển chọn cán bộ đã được xúc tiến và những người đầu tiên được lựa chọn là hai sĩ quan: Trần Nam Ngạn, cán bộ Cục Đối ngoại và Mạc Đức Trọng, cán bộ Viện Quan hệ Quốc tế Bộ Quốc phòng.

Ngoài các khóa đào tạo trong nước, hai sĩ quan này được cử đi học các khóa đào tạo sĩ quan gìn giữ hòa bình tại nhiều nước. Cùng thời điểm đó, công tác tuyển chọn cán bộ tiếp tục được triển khai. Tiêu chí lựa chọn là các sĩ quan đang công tác ở các đơn vị trong toàn quân; ngoài tiêu chuẩn về lập trường chính trị, kiến thức chuyên môn, kiến thức về chính trị- xã hội, đối ngoại quốc phòng, sức khỏe... thì một tiêu chí rất quan trọng nữa là phải thạo ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh và phải ở mức IELTS 6.5 trở lên.

Theo quy định của Liên hợp quốc, khi cử sĩ quan làm nhiệm vụ ở các Phái bộ thì nước cử quân phải cam kết với Liên hợp quốc về mức độ, số lượng, hình thức cử quân...

Sau đó, Cục Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sẽ xem xét các vị trí cần thiết, đối chiếu với năng lực nước cử quân rồi gửi đề nghị tới nước đó qua cơ quan thường trực tại Liên hợp quốc. Nước cử quân lựa chọn các cá nhân phù hợp để tham gia. Vì vậy, các sĩ quan sau khi được tuyển về Trung tâm, trong 3 tháng đầu tiên sẽ được học các kỹ năng sinh tồn trong rừng; học kỹ năng sơ cứu; kỹ năng lái xe 2 cầu trong địa hình rừng núi.

Tiếp đó họ sẽ được gửi tham gia 5-7 khóa đào tạo về luật pháp quốc tế, tiếng Anh chuyên ngành, huấn luyện các kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, huấn luyện các công việc sẽ thực hiện ở vị trí sẽ đảm nhiệm tại Phái bộ trong tương lai... do Cục Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tổ chức tại các nước có cơ sở huấn luyện, có thể ở Mỹ, Australia, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hoặc một nước nào đó ở Đông Nam Á. Khi đã có đầy đủ các điều kiện, sẽ phải kiểm tra lần cuối trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Toàn bộ quá trình huấn luyện này thường kéo dài ít nhất là 2 năm.

Trong câu chuyện với tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, người đã vượt qua nhiều vòng kiểm tra để từ cán bộ của Đoàn Nghi lễ quân đội trở thành cán bộ của Trung tâm, kể rằng anh vừa tham gia một khóa đào tạo của Liên hợp quốc tổ chức ở Malaysia; trước đó anh cũng đã học vài khóa đào tạo ở các nước, nhưng càng dự các khóa đào tạo càng thấy có quá nhiều thứ phải học; đặc biệt là học phương thức tác chiến, tổ chức lực lượng của đội quân nhà nghề và các kỹ năng hiệp đồng quốc tế.

Một Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có nhiều bộ phận; quân số thường từ vài nghìn tới cả chục nghìn sĩ quan, binh lính và nhân viên dân sự do các nước cử đến. Để duy trì hoạt động của một đơn vị đa quốc gia, đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa như vậy, Liên hợp quốc có một quy chuẩn chung buộc tất cả các thành viên phải thực hiện và nếu vi phạm, dù cố ý hay vô tình, thì ngay lập tức, người vi phạm sẽ nhận quyết định kỷ luật trả về nước. Những quy định họ đưa ra rất chi tiết từ việc cấm cho tiền, đồ ăn cho tới cả việc nói chuyện với người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em thế nào để không bị hiểu là "gạ gẫm".

Vì thế yêu cầu đối với những sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là phải có năng lực thực hiện nhiệm vụ trong môi trường đa quốc gia; phải hiểu biết sâu, rộng về đối ngoại quốc phòng, có khả năng hợp đồng với sĩ quan nước khác cũng như quân đội, chính quyền, nhân dân nước sở tại; giỏi thuyết phục, đàm phán, tổ chức các hoạt động với nhiều lực lượng.

Theo cam kết của Việt Nam, các sĩ quan Việt Nam sẽ tham gia tại hai Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Nam Sudan tại các vị trí: Sĩ quan tham mưu, Sĩ quan liên lạc, Quan sát viên quân sự với thời gian công tác 1 năm. 3 năm qua, với 19 lượt sĩ quan thực hiện nhiệm vụ tại hai Phái bộ, các sĩ quan quân đội Việt Nam đã được đánh giá rất cao về trách nhiệm với công việc. Mặc dù Liên hợp quốc quy định trước khi đi làm nhiệm vụ, nếu thấy nhiệm vụ đó nguy hiểm, không đảm bảo an toàn tính mạng thì người được giao nhiệm vụ có quyền từ chối, nhưng các sĩ quan Việt Nam chưa bao giờ áp dụng quyền này dù rất nhiều lần đi làm nhiệm vụ phải vào vùng giao tranh.

2-Trong câu chuyện với tôi, Đại tá Nguyễn Như Cảnh cho biết, theo cam kết với Liên hợp quốc, Việt Nam chỉ tham gia nhiệm vụ y tế và nhân đạo, vì vậy hiện nay ngoài việc tuyển chọn và đào tạo các sĩ quan để cử đi đơn lẻ, Trung tâm đang tổ chức đào tạo hai đơn vị gồm một Bệnh viện dã chiến cấp 2 với quy mô 70 bác sĩ, y tá, điều dưỡng và một Đội Công binh với quy mô tới 268 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp để chuẩn bị đi làm nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Nam Sudan.

Diễn tập thực binh trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Bệnh viện 175.

Nếu như tuyển chọn các sĩ quan đi đơn lẻ đã không dễ thì việc tuyển người cho cả một đơn vị có quy mô lên tới hàng trăm người là việc không đơn giản chút nào.

Để có đủ số bác sĩ, y tá, y sĩ, điều dưỡng cho Bệnh viện dã chiến cấp 2, từ năm 2014, công tác tuyển quân đã được triển khai tại một số bệnh viện của quân đội. Cũng như tuyển sĩ quan làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu, ngoài trình độ chuyên môn, sức khỏe... thì tiếng Anh là tiêu chí bắt buộc mà các ứng viên phải vượt qua.

Cho tới tháng 7-2015, Bệnh viện dã chiến cấp 2 được thành lập với 70 cán bộ được tuyển chọn từ các bệnh viện như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện Quân khu 7.

Cùng với tuyển người là xúc tiến mua sắm trang thiết bị, bởi theo quy định, các nước tham gia sẽ phải đầu tư trọn gói trang thiết bị theo chuẩn Liên hợp quốc; sau khi mua sắm, chuyên gia của Liên hợp quốc sẽ kiểm tra, nếu đúng theo quy định thì họ trả dần chi phí này theo từng năm. Vì vậy, để đầu tư trang thiết bị cho một Bệnh viện dã chiến cấp 2 sẽ cần khoảng vài triệu USD. 

Hai năm qua, đơn vị đã triển khai đào tạo kiến thức, kinh nghiệm gìn giữ hòa bình, cách thức chuẩn bị và vận hành một bệnh viện dã chiến theo tiêu chuẩn Liên hợp quốc; triển khai trang bị những kiến thức cơ bản trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hiểu biết về địa bàn phái bộ, phương thức phối hợp, chỉ huy, quản lý, thực hành tại bãi tập, khả năng hoạt động ở môi trường đa quốc gia…

Các khóa huấn luyện này đều có sự tham gia truyền đạt của các giảng viên, chuyên gia về hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo thuộc các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng và các quốc gia, tổ chức quốc tế như:  Australia, Pháp, Trung Quốc, Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế… Theo kế hoạch, quý II năm 2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam sẽ chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Nam Sudan, thay cho Bệnh viện dã chiến của quân đội Hoàng gia Anh.

Cùng với Bệnh viện dã chiến cấp 2, một đội Công binh với 268 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cũng đã được thành lập với quân số được tuyển chọn từ hai Lữ đoàn 229 và 249 của Bộ Tư lệnh Công binh. Theo kế hoạch thì năm 2019, Đội Công binh sẽ lên đường làm nhiệm vụ. 

Theo Đại tá Nguyễn Như Cảnh, ngoài hai đơn vị đã hình thành, thì việc tuyển chọn nhân lực cho các thê đội dự bị cũng đang được triển khai để thay thế cho hai đơn vị đầu tiên này.

Nguyễn Thiêm

Người dân phấn khởi nhận nhà mới, yên tâm phát triển kinh tế và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Họ cam kết giữ gìn ngôi nhà, tích cực tham gia các phong trào thi đua góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.

Bức xúc khi chứng kiến đối tượng trộm cắp xe máy giữa ban ngày, anh Nguyễn Công Định (ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã lao thẳng xe vào tên trộm rồi sau đó cùng người dân khống chế thành công đối tượng trộm cắp xe máy.

Tối 4/11, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Trung (SN 1977; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ngày 3/11, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an tỉnh Sơn La về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文