Về “Đất sen hồng” thăm Vườn Quốc gia Tràm Chim

15:36 19/06/2018
“Thời gian qua VQG Tràm Chim đã làm được hai vấn đề lớn, tác động tích cực đến việc bảo tồn bền vững khu Ramsar thế giới đặc biệt này. Đó là việc xử lý, điều tiết nước hợp lý và làm giảm xung đột lợi ích; đưa người dân, cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, phát triển” – ông Lâm cho biết.


Đứng trên đài quan sát số 3 giữa khu rừng tràm bạt ngàn, ông Phạm Ngọc Hà - Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, người có 24 năm gắn bó với VQG Tràm Chim), giới thiệu: “Vườn Quốc gia Tràm Chim (VQG) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập ngày 29-12-1998 và được công nhận là Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới và thứ 4 của Việt Nam vào ngày 2-2-2012. Đây là vùng  có hệ sinh thái đất ngập nước theo mùa duy nhất còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười…”.

1.VQG Tràm Chim nằm ở hạ lưu sông Mê Kông và trung tâm Đồng Tháp Mười; cách sông Tiền khoảng 25km về phía Tây, gần biên giới Việt Nam – Campuchia, vị trí địa lý vào khoảng 10040' -10047' vĩ độ Bắc, 105026' -105036' kinh độ Đông, với tổng diện tích 7.313ha, tiếp giáp 6 xã, thị trấn gồm: Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim. VQG Tràm Chim được bao bọc xung quanh bởi hệ thống kênh và đê với chiều dài khoảng 60km trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Đặng Tiên Khoa, Phó trưởng phòng Hành chính VQG Tràm Chim, hệ động vật ở đây nổi bật với hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Một số loài quý hiếm, như: Ngan cánh trắng, cốc đế, ô tác, công đất, choi choi lưng đen, cổ rắn, giang sen, bồ nông chân xám, già sói... đặc biệt là sếu đầu đỏ - một tài sản thiên thiên vô giá của VQG Tràm Chim.

VQG Tràm Chim là Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới và thứ 4 của Việt Nam.

Sếu đầu đỏ là một loài động vật có giá trị cao về thẩm mỹ và sinh học. Loài này còn có tên gọi khác là Sếu cổ trụi hay Sếu lớn Phương Đông là một loài chim quý hiếm thuộc họ Sếu (Gruidae), nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, do đó chúng được bảo vệ bởi pháp luật của hầu hết các quốc gia nơi chúng phân bố, trong đó có Việt Nam.

Sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất trong số các loài chim biết bay trên trái đất. Loài chim này dễ dàng được nhận ra bởi hầu hết cơ thể của chúng là màu xám bạc ánh thép, khi trưởng thành thì đầu, cổ trụi lông và có một màu đỏ rất nổi bật, đồng thời có vằn trên cánh, và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu màu xanh sừng, chân đỏ.

Sếu đầu đỏ trưởng thành cao khoảng 1,5 – 1,8m; sải cánh từ 2,2 – 2,5m và có trọng lượng trung bình 8 - 10kg. Sếu đầu đỏ là một loài chim ăn tạp (cua, cá, lúa..), nhưng nguồn thức ăn chính của chúng là củ năn, đây là một loài thực vật chỉ mọc ở những vùng đất ngập nước và bị nhiễm phèn. Cứ mỗi độ mùa xuân sắp về cũng là lúc cánh đồng năn kim dồi dào cho củ, thu hút đàn sếu đầu đỏ di cư về sinh sống tại VQG Tràm Chim.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn sếu đầu đỏ đang trú ngụ tại VQG Tràm Chim dao động trên dưới 11 con. Đàn sếu về năm nay nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái 2 con, do năm nay các bãi năn (thức ăn của sếu) phát triển tốt… Cụ thể, các đợt sếu về ngày 5-2 với số lượng 5 con, ngày 15-2 là 11 con và 9 con vào ngày 27-3. Trong đợt thứ ba có con sếu trống già yếu, kiệt sức được người dân phát hiện báo cho VQG Tràm Chim. Được cán bộ chuyên môn đưa về chăm sóc, cứu chữa nhưng sếu trống đã chết hôm 3-4. Kiểm tra vòng đeo trên chân sếu mang số 150-0364, các cán bộ xác định con sếu này là “cư dân” lâu năm ở đây.

20 năm trước, con sếu này được VQG Tràm Chim gắn máy định vị cùng vòng đeo chân. “Các chuyên gia cho rằng, tuổi con sếu này tương đương với người 70 tuổi, thuộc dạng sếu lão” – ông Đặng Tiên Khoa nói và cho biết hai năm trước con sếu đầu đỏ trống này từng dẫn gia đình (4 thành viên) về đây sinh sống một thời gian…

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng đàn sếu thường bay về Việt Nam cách đây 30 năm là từ 1.200 - 1.500 con, tập trung ở nhiều vùng khác nhau, như: Tràm Chim (Đồng Tháp), Giang Thành (Kiên Giang)…

Không những vậy, tại nhiều nơi, sếu còn làm tổ, sinh sống lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay thực tế đàn sếu chỉ còn vài chục con mà luôn di chuyển địa điểm sống. Nhiều khu vực mà trước đây sếu sống nhiều thì nay chỉ mong sếu bay về cũng khó khăn. Hơn nữa, nhiều khi sếu về rồi lại vội vã bỏ ra đi bởi không còn môi trường sống phù hợp và nguồn thức ăn tự nhiên của chúng cũng biến mất…

Mặc dù VQG Tràm Chim đã có nhiều dự án trồng và phục hồi rừng, cũng như môi trường tự nhiên rừng ngập mặn nhưng thực tế, khu vực này vẫn chưa thu hút được đàn sếu đầu đỏ quay về. Với những người đã gắn bó với Tràm Chim đều cho rằng, con người đã làm nhiều cách để thu hút đàn sếu trở về như việc thay đổi cả hệ thống kênh rạch, chế độ nước nhưng thực tế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, sếu chỉ về theo những cá thể nhỏ lẻ, nhiều nhất thì cả năm cũng chỉ được khoảng 20 cá thể. Chúng ở đó một thời gian ngắn trước khi tiếp tục di chuyển đi nơi khác…

Sếu đầu đỏ - một tài sản thiên thiên vô giá ở VQG Tràm Chim (ảnh do VQG Tràm Chim cung cấp).

2. Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc VQG Tràm Chim chia sẻ, đơn vị có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng ĐBSCL thành một mẫu chuẩn Quốc gia về hệ sinh thái đất ngập nước vùng lụt kín Đồng Tháp Mười.

Bảo tồn nguồn gen, bảo tồn loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo tồn những giá trị độc đáo về văn hóa, di tích cấp quốc gia và lịch sử cách mạng; nghiên cứu, khai thác hợp lý hệ sinh thái của vùng vì lợi ích Quốc gia và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, sinh thái chung của vùng Đông Nam Á.

“Thời gian qua VQG Tràm Chim đã làm được hai vấn đề lớn, tác động tích cực đến việc bảo tồn bền vững khu Ramsar thế giới đặc biệt này. Đó là việc xử lý, điều tiết nước hợp lý và làm giảm xung đột lợi ích; đưa người dân, cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, phát triển” – ông Lâm cho biết.

Theo Trung tâm phát triển du lịch Đồng Tháp, VQG Tràm Chim là một trong 7 điểm du lịch trọng điểm trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo. Với ý nghĩa là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ cảnh quang hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, đa dạng sinh học động thực vật đặc biệt phong phú, được xem là “Lá phổi xanh” của Đồng Tháp Mười, một kho báu của vùng đồng bằng châu thổ hạ nguồn Mê Kông.

Hoạt động du lịch sinh thái có mối quan hệ qua lại mật thiết với môi trường, sự tồn tại và phát triển của du lịch sinh thái gắn liền với khả năng khai thác tài nguyên, khai thác đặc tính của môi trường xung quanh. Nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch sinh thái một cách hợp lý dễ dẫn đến suy thoái và phá hủy hệ sinh thái tự nhiên.

Song song đó, vai trò của người dân vùng đệm góp phần quan trọng trong việc phát triển VQG Tràm Chim. Vấn đề đặt ra là phải tạo điều kiện thu hút người dân, nhất là người dân vùng đệm cùng quan tâm cùng gìn giữ, cùng khai thác, cùng hưởng lợi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và cùng bảo vệ di sản địa phương nơi mình sinh sống.

Đức Văn

Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.

Báo cáo số 3003/KQLĐBIII-QL,TCGTĐB ngày 16/12 của Khu Quản lý đường bộ III gửi Cục Đường bộ Việt Nam về khắc phục thiên tai gây hư hỏng trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, có đề cập thông tin chi tiết về sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 27C như Báo CAND đã thông tin.

Ngày 16/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Viện KSND tỉnh và Công an huyện Kông Chro, Ia Pa tiến hành thực nghiệm hiện trường để điều tra Đinh Văn Ten (SN 1996), Đinh Toc (SN 2003, cùng trú ở làng Tkắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro) về hành vi giết người.

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文