Ấm lòng với Trại từ thiện của một cán bộ Công an hưu trí
- Tấm lòng kết nối những tấm lòng
- Cảm động tấm lòng nữ chiến sĩ "đau" cùng bệnh nhân ung thư
- Ấm lòng “nồi cháo nghĩa tình” sẻ chia với người bệnh
Sau khi các con khôn lớn, yên bề gia thất, ông Nghị bàn với vợ và cùng một số người bạn, đồng đội xây dựng nên Trại từ thiện tại trung tâm thị trấn An Phú để giúp đỡ, hỗ trợ những mảnh đời kém may mắn.
Ông Nghị kể, năm 2005 về hưu, ông ôm ấp dự định xây dựng một trung tâm từ thiện là nơi để những tấm lòng “san cơm, sẻ áo” của những nhà hảo tâm phát huy tối đa tính hiệu quả và cũng là nơi mà những cảnh đời nghèo khó sẽ nhận được sự hỗ trợ, lấy đó làm động lực vươn lên.
Nghĩ là làm. Bắt đầu những việc đơn giản nhất, ông Nghị dùng tiền lương hưu của mình để đi thăm, tặng quà những đồng đội cũ, người có công ở địa phương. Trong một chuyến thăm nhà đồng đội cũ, ông Nghị đã bật khóc khi nhìn thấy cảnh nhà dột nát.
Đêm ấy, ông Nghị không ngủ được, sáng hôm sau ông đến Công an huyện An Phú để chia sẻ về hoàn cảnh mà ông gặp với lãnh đạo. Ông lấy ra một cuốn sổ tay ghi chép cẩn thận từng sự đóng góp của mọi người… Có được số tiền xây nhà cùng sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên trong đơn vị, căn nhà nghĩa tình đồng đội nhanh chóng được hoàn thành trong niềm hạnh phúc của mọi người.
Ông Lê Thanh Nghị chăm sóc bữa ăn cho các em học sinh tại Trại từ thiện An Phú. |
Tiếng lành đồn xa, thấy việc làm của ông Nghị mang ý nghĩa thiết thực, nhiều người chung tay hưởng ứng. Người cho cây gỗ trong vườn, kẻ đóng góp ngày công, thế là nhiều mái nhà tình thương được dựng lên. Đến nay, đã có 107 ngôi nhà được xây mới và sửa chữa từ sự vận động của ông Nghị.
Là người nhận ngôi nhà 107, anh Đinh Hoàng Huynh (ngụ ấp An Hưng, thị trấn An Phú) xúc động: “Gia đình tôi không có mảnh đất cắm dùi, quanh năm lam lũ, ai thuê gì làm đó, đắp đổi bữa ăn qua ngày và lo cho đứa con đang tuổi học. Ngôi nhà lá dựng từ hơn 10 năm trước đã dột nát. May mà chú Hai Nghị cùng bà con thương tình xây cho tôi ngôi nhà mới, tường tô, lót gạch nền. Đây là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy con cái nên người. Tới đây, vào những ngày không đi làm thuê, tôi sẽ cùng đoàn từ thiện đi cưa cây, xẻ gỗ để những hoàn cảnh khó khăn như tôi tiếp tục có được mái ấm”.
Những ngày không xây nhà, ông Nghị cùng một số thành viên ngược lên vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang), để hái thuốc nam về phơi khô, cung cấp cho các nhà thuốc trên địa bàn bốc thuốc miễn phí cho bà con.
Không dừng lại ở đó, cách nay 5 năm, được sự hỗ trợ về mặt bằng của một người dân trong thị trấn, ông Nghị đã dùng số tiền dành dụm của mình cùng với sự ủng hộ, quyên góp của mọi người xây dựng nên Trại từ thiện An Phú, với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Tại đây, hằng ngày ông Nghị tổ chức cho các thành viên nấu trên 100 suất cơm từ thiện cho những người nghèo là bác tài xe ôm, cô bán vé số, cháu học sinh…
Ông Nghị còn tìm, mời lương y về, xin phép ngành chức năng địa phương, mở Phòng chẩn trị Đông y, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. Chưa hết, những phần gỗ thừa, không phù hợp cho việc xây nhà, ông Nghị tận dụng thuê thợ cùng các thành viên đóng hòm để lo hậu sự cho những hoàn cảnh nghèo khó khi mất.
Giờ đây, mỗi ngày có hàng chục người bệnh trong và ngoài địa phương đến Trại từ thiện để được khám chữa bệnh miễn phí. Ông Nghị cho biết: “Tất cả mọi hoạt động ở đây điều thiện nguyện hết. Mọi sự đóng góp được mọi người thực hiện theo ngày cố định trong tháng và được ghi nhận vào sổ sách cụ thể, rõ ràng. Mọi chi tiêu đều phải công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng trục lợi từ hoạt động từ thiện. Số dư còn lại được dùng tặng quà cho bà con vào những dịp lễ, tết”.
Thấy được việc làm hết sức ý nghĩa và chân chính của chú Hai Nghị, bà con, tiểu thương trong khu vực thị trấn An Phú, kẻ bỏ công, người góp sức xây dựng hoạt động từ thiện ngày một phát triển.
Từ 7 thành viên ban đầu, nay con số đã lên gần 100 người, chia làm nhiều tổ nhỏ. Không ai bảo ai, cứ đến giờ là mọi người tập trung lại, nguời vo gạo, người nhóm lửa, người sắc thuốc, người cưa cây, đục gỗ… mọi công việc được làm trong tiếng cười nói rộn ràng, tràn đầy sự yêu thương, chia sẻ.
Bà Lê Thị Trưa cho biết, từ khi tham gia công tác thiện nguyện tại Trại từ thiện của ông Nghị, bà cảm thấy mình khỏe hẳn. Mọi người, ai cũng xem đây là ngôi nhà của mình, nên cùng nhau chăm lo, hỗ trợ cho những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn.
Việc làm của ông Hai Nghị đã góp phần thiết thực vào công tác an sinh xã hội ở địa phương, thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người từng khoác trên mình trang phục CAND…