Anh Giang: Lao đao nghề... săn cá

10:23 30/04/2008
Trước đây, có đêm mỗi thuyền săn được chục con cá bông lau, bây giờ người bắt thì nhiều, cá về lại ít. Dân chài sợ cá bông lau tiệt chủng như cá hô. Nếu quả thật không còn thì Vàm Nao, Sở Búng này sẽ mất đi một nghề truyền thống, con cá bông lau cũng chỉ truyền thuyết như loài cá hô ngày trước và những người dân nghèo mất thêm một kế sinh nhai.

Vàm Nao những ngày cuối tháng 3 âm lịch. Qua bến đò Rạch Gộc, chúng tôi tìm đến nhà anh Út Hởi (Trần Văn Hởi, 51 tuổi, ngụ ở xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới) một trong những người có thâm niên trong nghề săn cá bông lau trên sông Hậu.

Anh Hởi đã theo cha săn cá từ năm lên 10 tuổi. Anh nói: "Mũi Vàm Nao này con nước xoáy, dòng chảy lại siết nên cá tôm về đây sống nhiều lắm. Thuở nhỏ, mỗi đêm tui theo ông già đi lưới không khi nào bắt dưới 30 kg cá bông lau".

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề này, anh Hởi vui vẻ giới thiệu về nghề. Thâm niên theo nghề đã dạy cho Út Hởi những kinh nghiệm săn cá có một không hai. Đó là cách nhìn dòng nước, từng con gió cá sẽ chạy theo luồng nào, khi nào cá ngớp, cá thả dòng, lúc nào cá tạt lưới… mà buông lưới.

Một chiếc ghe tam bản, một mái chèo, một tay lưới, một chiếc máy cole là đủ công cụ cho nghề săn cá. Mỗi chuyến đi, họ thường đi theo nhóm hai người, một chèo dầm, một thả lưới. Nhìn con nước, Út Hởi bảo: "Gió Nam thổi mạnh, con nước hừng (nước đứng dòng) mà dòng lại váng đục như vầy cá bông lau sẽ chạy luồng, giờ này ra sông thả lưới là dính".

Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi theo vợ chồng anh Hởi săn cá bông lau. Út Hởi vừa chạy máy vừa kể: "Nước lớn, nước ròng, con nước hừng, nước chảy, dòng trong, dòng đục trên sông Hậu này đều có quy luật riêng. Theo cái quy luật đó, cá bông lau cũng về từng luồng".

Rẽ đầu con sóng, chiếc ghe tam bản thoắt đã ở giữa dòng. Tắt máy, nhanh tay chèo anh đưa chiếc ghe ra đúng dòng thả lưới. Chị Út (vợ anh Hởi) bắt đầu công việc, cứ độ vài chèo, anh Hởi lại thả một chiếc phao báo hiệu. Chị Út một tay lần mép chỉ, tay kia thả nhanh xuống dòng từng mớ lưới thoăn thoắt thật điêu luyện.

Anh Hởi chèo ghe theo chiều ngang, cách mép bờ xã Tân Hoà (Phú Tân) chừng chục mét thì cũng đủ một tay lưới. Lưới Út Hởi bủa là loại lưới ngầm. Thả xong tay lưới cũng là lúc trời sụp tối, những chiếc lưới đèn bắt đầu leo lét sáng.

Chiều nay, trên mũi Vàm Nao có khoảng 30 ghe đang buông lưới săn cá bông lau. Không có bất kỳ quy định nào, thế nhưng bà con ngư dân cứ lần lượt ai ra trước thả trước, ai ra sau thả sau không thả chồng hay đón đầu lưới khác.

Thả tay lưới cho xuôi dòng hơn trăm mét, vợ chồng anh Hởi bắt đầu dõi mắt nhìn theo, hì hục kéo từng thước lưới, mồ hôi nhễ nhại trên trán hai vợ chồng. Tay lưới đầu không dính con nào.

Ngược dòng trở lại, tay lưới thứ hai được thả xuống. Kéo lưới nặng chì, một con cá bông lau đuôi đỏ gần 3 kg mắc vào. Với con này, đêm nay vợ chồng anh Hởi kiếm được cả trăm ngàn.

Mạn phía Nam, anh Ba Việt reo lên: "Dính con trên 4 ký rồi!" Tiếng hỏi han của anh em: "Bông lau đuôi vàng hay đỏ?", "Chiều giờ mấy con rồi?"… vang vọng cả một khúc sông. Mỗi kg cá bông lau tuỳ loại đuôi đỏ, đuôi vàng mà giá khác nhau.

Cá bông lau đuôi đỏ đắt hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Giá cá tại ghe dao động từ 40.000 đến 80.000 đ/kg tùy thời điểm đầu hay cuối vụ. Út Hởi tâm sự: "Người theo nghề cá này chủ yếu là dân nghèo, không đất sản xuất. Gia đình tui có 7 anh em, con cháu cùng theo nghề săn cá bông lau". Hết mùa cá, vợ chồng Út Hởi lại đi cắt lúa mướn, mùa lũ về thì đi đánh cá linh.

Thả xong tay lưới thứ ba, ghe của vợ chồng anh Hởi cặp thêm hai chiếc của cha con ông Hai Để, anh Sáu Vèo thành một chiếc bè nổi. Cuộc nhậu lai rai với lít rượu đế, vài trái xoài xanh cùng mấy con khô đem theo được dọn ra.

Bữa rượu đạm bạc trên dòng Vàm Nao với những câu chuyện về nghề săn cá bông lau bắt đầu. Các anh cho biết, khu vực Vàm Nao này hiện có khoảng 200 hộ chuyên nghề thả lưới săn cá bông lau. Họ đến từ các xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Kiến An (Chợ Mới); xã Tân Hoà (Phú Tân) cùng một vài bà con bên Bình Thuỷ (Châu Phú) mấy năm nay cũng bắt đầu theo nghề.

Nghề thả lưới cá bông lau này cũng chẳng ai biết hình thành từ khi nào, nhưng theo người già kể lại thì khoảng đầu thế kỷ XX, một số bà con nghèo vùng Vàm Nao thường ra sông bắt cá, mấy lần trúng cá hô, cá bông lau, đem ra chợ Long Xuyên bán được giá cao nên từ đó họ truyền miệng và hình thành luôn nghề bắt cá tại đây. Mũi Vàm Nao chỉ dài hơn hai cây số, ngang khoảng 500m, vậy mà lúc nào cũng có từ vài chục mảnh lưới bủa vây ngang dọc…

Nhìn đồng hồ đã hơn 3h sáng, anh Út Hởi cùng vợ kéo lưới, đêm đánh bắt cá bông lau kết thúc. Trên đường về, bất giác, anh Hởi nói: "Trước đây, có đêm được chục con, vậy mà bây giờ hẻo quá, người bắt thì nhiều, cá về lại ít. Không biết có khi nào không còn con cá bông lau này giống như cá hô lúc trước nữa không".

Nếu quả thật không còn con cá bông lau nữa thì Vàm Nao, Sở Búng này sẽ mất đi một nghề truyền thống, con cá bông lau cũng chỉ truyền thuyết như loài cá hô ngày trước và những người dân nghèo mất thêm một kế sinh nhai.

Chồng chềnh trên dòng Vàm Nao một đêm cho chúng tôi cảm nhận phần nào hơi thở cuộc sống của những người dân chài lưới. Sương sa, đêm Vàm Nao gió thốc từng cơn… lạnh tê tái

Nam Thơ - B. Trị

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文