Đi tìm giải pháp ngăn chặn khai thác cát trái phép

Ghi từ các điểm nóng “cát tặc”

10:50 25/03/2017
Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố diễn ra phức tạp. Có những lúc, số điểm, phương tiện khai thác và bến bãi tập kết gia tăng. 


Thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép rất tinh vi, hoạt động có tổ chức, bất chấp quy định của pháp luật, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, thậm chí coi thường cả tính mạng người khác. 

Có địa phương, khi người dân phát hiện khai thác cát trái phép đã trình báo chính quyền địa phương nhưng không có biện pháp xử lý khiến dư luận bức xúc. Quá trình tìm hiểu sự việc này, nhóm phóng viên Báo CAND nhận thấy, một số nơi, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống khai thác cát trái phép, hoặc các chủ bãi còn thông đồng với các chủ tàu khai thác cát trái phép.

Công an tỉnh Hải Dương phát hiện và xử lý chủ tàu khai thác cát trái phép.

Liên quan đến việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị đe dọạ vì ra văn bản không đồng ý cho doanh nghiệp khai thác cát trên sông Cầu, sau đó Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) ký quyết định tạm đình chỉ công tác với đội trưởng, đội phó và một thanh tra viên thuộc Đội thanh tra an toàn số 2 để làm rõ cá nhân, tập thể liên quan đến việc để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cầu, nhóm phóng viên Báo CAND đã về một số tỉnh phía Bắc như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên và Hải Dương, nơi người dân phản ánh đang diễn ra tràn lan tình trạng khai thác cát trái phép để tìm hiểu thực tế. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, phản ánh của người dân là đúng với những gì đang diễn ra.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3 tuyến sông chảy qua là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, với tổng chiều dài là 95km. Các tuyến sông trên đều chứa đựng trữ lượng lớn cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông dụng. 

Đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp 23 giấy phép khai thác và 5 giấy phép thăm dò cho các đơn vị. Ngoài ra, còn có 4 đơn vị thuộc Cục Đường thủy nội địa phê duyệt dự án nạo vét, duy tu luồng. Sông Lô đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những điểm “nóng” về khai thác cát. 

Các doanh nghiệp khi khai thác ở khu vực này đều bị người dân khu vực phản ứng quyết liệt vì quá trình khai thác để xảy ra hiện tượng sạt, lở bờ, bãi ven sông, gần các gia đình người dân sinh sống. Thượng tá Lê Văn Thơm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thuỷ, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian gần đây, tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên tuyến sông Lô có diễn biến phức tạp về an ninh trật tự do một số đối tượng khai thác trái phép hoạt động. 

Từ năm 2014 đến cuối 2016, lực lượng Công an Vĩnh Phúc đã phát hiện, bắt giữ 26 vụ khai thác cát sỏi trái phép, xử lý hành chính 19 vụ, 22 đối tượng, tịch thu hơn 10 phương tiện tàu, thuyền, công nông. 

Từ trung tuần tháng 8 đến tháng 9-2016, thường có từ 10 đến 100 người dân xã Đức Bác (huyện Sông Lô) ra bờ sông tại khu vực khai thác cát của Công ty Xây dựng vận tải Vĩnh Phúc dùng gạch, đá ném về phía phao cẩu đang hoạt động và yêu cầu dừng khai thác cát với lý do: công ty hoạt động khai thác gần bờ, gây sạt lở đất canh tác của người dân. 

Ngày 10-9, số người dân này còn mang theo một can xăng và khoảng 10 chai thuỷ tinh có nhét giẻ và nói rằng, nếu doanh nghiệp khai thác cát gần bờ thì họ sẽ đốt tàu. Trước tình hình trên, Công an huyện Sông Lô đã kịp thời phát hiện để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để tránh xảy ra phức tạp về an ninh trật tự. 

Tại xã An Tường (huyện Vĩnh Tường), trong tháng 7-2016, vào các buổi tối thường xuyên có từ 10 đến 100 người dân thôn Cam Giá, xã An Tường kéo ra bờ sông Hồng, gần khu vực khai thác cát của Công ty TNHH Cát Vàng, đốt lốp xe, đánh trống, sử dụng loa pin la ó, ném gạch đá vào nhà nổi chặt đứt dây neo, dây điện thắp sáng của Công ty để phản đối hoạt động khai thác cát của công ty này gây sụt lún bờ kè, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Sự việc này đang được Công an huyện Vĩnh Tường củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Phú Thọ có 3 tuyến sông do Trung ương quản lý là sông Lô, sông Đà và sông Hồng với tổng chiều dài 227,8km. Ngoài ra còn một số sông nhỏ khác. Thời gian gần đây, nhận thấy tình hình khai thác cát sỏi trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Phù Ninh, Đoan Hùng và thành phố Việt Trì có những diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đã ra kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến sông Lô. 

Chỉ tính từ tháng 12-2016 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ khai thác cát trái phép, trong đó tập trung chủ yếu trên tuyến sông Hồng, thuộc địa phận các huyện: Hạ Hòa, Thanh Ba, Lâm Thao và Tam Nông. 

Đơn vị đã tiến hành lập biên bản vi phạm, đồng thời ra quyết định tạm giữ hàng chục phương tiện tàu thuyền, xe ôtô, máy xúc vi phạm. Gần đây nhất, ngày 7-3, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát đường thuỷ đã phát hiện, bắt giữ phao đặt cẩu, gắn sàng không biển kiểm soát do Nguyễn Văn Hưng (trú tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô) điều khiển đang neo đậu khai thác cát lòng sông Lô thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã Hạ Giáp (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) và xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện có hai người nữa trên tàu này đang vận hành máy đào gầu ngoạm khai thác được khoảng 200m3 (một m3 cát tương đương 1,6 tấn cát). 

Quá trình kiểm tra, những người này không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện và giấy tờ liên quan đến vị trí khai thác cát. Sự việc đang được tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn tỉnh Hưng Yên có 10 doanh nghiệp được UBND tỉnh Hưng Yên cấp phép khai thác cát. Ngoài ra, trên tuyến sông Hồng còn 4 doanh nghiệp được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận về mặt chủ trương cho thực hiện dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa trên sông Hồng.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, từ năm 2016 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thuỷ, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện, bắt giữ 23 trường hợp khai thác cát trái phép. Ngày 10-9-2016, qua công tác tuần tra kiểm soát, Tổ công tác của Phòng đã phát hiện và bắt giữ hai phương tiện thuỷ mang số hiệu NB- 2582 do Bùi Văn Du (trú tại xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan, Ninh Bình) điều khiển và phương tiện không biển kiểm soát do Lê Văn Tiến (trú tại xã Chí Tân, huyện Khoái Châu) điều khiển đang khai thác cát trái phép số lượng lớn tại km 131 sông Hồng, địa bàn xã Phú Thịnh, huyện Kim Động. 

Phòng Cảnh sát đường thuỷ đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường thuỷ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 100 triệu đồng. 

Tỉnh Hải Dương cũng là một địa bàn rất phức tạp về khai thác cát trái phép. Vì thế mà năm tháng 7-2016, Công an tỉnh Hải Dương đã tham mưu UBND tỉnh Hải Dương ban hành Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh.

Trong đề án này, UBND tỉnh Hải Dương giao Công an tỉnh là cơ quan thường trực. Chỉ tính từ tháng 10-2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ đã phát hiện, bắt giữ trên 20 trường hợp vi phạm về khai thác cát trái phép. 

Ngoài ra, các đơn vị khác trực thuộc Công an tỉnh đã phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, bắt giữ trên 80 trường hợp. Đáng chú ý, vào giữa tháng 12-2016, Phòng Cảnh sát đường thuỷ phối hợp với Công an thị xã Chí Linh phối hợp tuần tra kiểm soát trên sông Kinh Thầy, đã phát hiện tàu bê tông cốt thép trọng tải khoảng 90 tấn, không số hiệu, do vợ chồng Nguyễn Thị Mười và Vũ Đình Tỉnh (trú tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) đang khai thác cát. Tổ công tác yêu cầu vợ chồng Mười - Tỉnh xuất trình các giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát nhưng họ không xuất trình được. 

Vì thế, Tổ công tác yêu cầu vợ chồng Mười - Tỉnh chấm dứt hành vi khai thác cát trái phép nhưng họ không chấp hành, mà còn có lời lẽ, hành động chống đối, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ.

Trước hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng Mười - Tỉnh, cơ quan CSĐT Công an thị xã Chí Linh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mười về tội chống người thi hành công vụ. Hiện cơ quan điều tra đã hoàn tất hồ sơ vụ án chuyển Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố bị can theo quy định của pháp luật. 

Nguyễn Hưng - Trần Huy

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文