Bài 1: Nữ thuyết minh viên không chuyên sau 12 năm mới biết mặt cha

14:03 01/05/2014
Chúng tôi tìm về Côn Đảo, nơi những người tù Cộng sản trung kiên đã biến “địa ngục trần gian” thành “trường học cách mạng” vào một ngày giữa tháng 4. Với những trải nghiệm sâu sắc khi đến thăm hệ thống nhà tù; trang nghiêm, xúc động khi dâng hoa, thắp nén nhang tưởng niệm hàng vạn anh hùng liệt sỹ yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương; cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với 5 cựu tù Côn Đảo; cuộc hành trình 4 ngày ra đảo thắp hương cho bố vợ là cựu tù Côn Đảo, rồi câu chuyện của con một cựu tù đã tình nguyện sinh sống, làm việc tại đảo… đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng khó quên.

Trước khi ra Côn Đảo, một người bạn của tôi có nói rằng, nếu ra đó, tôi nên tìm gặp một phụ nữ là con một cựu tù Côn Đảo, tuy không phải là thuyết minh viên nhưng câu chuyện của chị kể về cha và đồng đội của ông trong những ngày ở tù với tất cả sự kính trọng vô bờ bến, rồi câu chuyện của gia đình chị đã làm những khách du lịch rơi nước mắt. Thế nhưng, người bạn nói rằng, anh không nhớ chị tên gì và cũng không nhớ đã gặp chị thuyết minh ở điểm nào trong hệ thống các nhà tù Côn Đảo. Cuộc hành trình về nguồn của Văn phòng Bộ Công an chỉ có thời gian vỏn vẹn chưa đầy 2 ngày ở Côn Đảo. Tôi luôn có tâm nguyện rằng sẽ tìm gặp bằng được nữ thuyết minh viên không chuyên ấy…

Như là cơ duyên, sáng sớm, khi Đoàn Văn phòng Bộ Công an đến thăm di tích Trại Phú Bình, còn gọi là Trại 7 hay “chuồng cọp” Mỹ, nơi lưu giữ những chứng tích đau thương của đế quốc Mỹ giam giữ những người tù Cộng sản yêu nước, chúng tôi gặp một phụ nữ trung niên ngồi ở phòng chờ của nơi đón tiếp. Với vẻ ngoài chân chất, đáng mến, chị niềm nở mời mọi người đi tham quan di tích Nhà tù Trại giam Phú Bình. Bước chân thoăn thoắt trên con đường đầy đá răm, người phụ nữ khiêm tốn tự giới thiệu chị tên là Huỳnh Thị Kim Loan, cán bộ Phòng Bảo quản di tích, Ban Quản lý di tích huyện Côn Đảo (sau này tìm hiểu mới biết chị Loan là Trưởng phòng Bảo quản di tích - PV). Dù không phải là thuyết minh viên nhưng chị Loan cho biết, chị biết nhiều sự kiện diễn ra tại Côn Đảo và Trại tù Phú Bình trong suốt 113 năm Côn Đảo bị xâm lược, chị có thể phục vụ thuyết minh cho Đoàn.

Gọi là Trại 7 nhưng nơi đây thực chất là một kiểu “chuồng cọp” được xây dựng dưới thời Mỹ - ngụy, chúng đã dùng những bất lợi của thiên nhiên để đày ải, tra tấn tù chính trị.

Với chất giọng truyền cảm, mỗi câu chuyện của chị Loan đưa chúng tôi mường tượng về thời kỳ bi tráng, đau thương nhưng hào hùng của dân tộc ở Trại 7. Chị Loan đưa chúng tôi ra giữa sân, chỉ vào một giếng nước gọi là nơi tắm đòn roi. Chị kể, giếng nước là nơi bọn ngục tù bắt tù nhân ra lấy nước, lâu lâu chúng cho họ ra tắm một lần, xung quanh giếng có nhiều cai ngục đứng, có lúc, người tù ra chưa được tắm đã bị địch đánh ngất xỉu phải đem lại phòng giam. 

Chị Huỳnh Thị Kim Loan đang thuyết minh về sự kiện giải phóng Côn Đảo.

Chúng ta đang đứng ở Trại 7 - nơi đây rạng sáng ngày 1/5/1975, những người tù đầu tiên đã nổi dậy, giải phóng nhà tù Côn Đảo, chấm dứt cảnh “địa ngục trần gian ” suốt 113 năm - giọng chị Loan bỗng hào hứng khi nói về cuộc giải phóng tại Côn Đảo.

Vào lúc 23 giờ ngày 30/4, khi các trại đang khẩn trương chuẩn bị khẩu hiệu, bài trí nơi làm lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 để phát huy uy thế của tù chính trị, thăm dò phản ứng của địch thì Đại úy Kiều Văn Dậu cùng Trưởng Ty Thanh niên Nguyễn Văn Đồng, anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên Hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo vào trại khu 7. Họ mở phòng 24 khu H, gặp nhóm cán bộ quân báo báo tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn đã giải phóng, bọn ác ôn đã bỏ chạy khỏi Côn Đảo, quân phạm, lưu manh tràn ra đường cướp bóc, yêu cầu anh em tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo, duy trì an ninh và đảm bảo tính mạng, tài sản cho người trên đảo. Anh em yêu cầu nhóm công chức báo tin cho mượn radio để nghe tin tức và cử người ra ngoài nắm tình hình…

Chúng tôi dường như ai cũng có cảm giác hồi hộp, xúc động chen lẫn sung sướng khi qua câu chuyện kể của chị Loan, như được hòa mình, sống trong những giờ khắc thiêng liêng của những người tù khi giải phóng Côn Đảo. Sau khi radio được mang tới, mọi người hồi hộp lắng nghe giọng nói thân thương của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin Dương Văn Minh đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng… Một phút bồi hồi và sung sướng. Ngay sau phút bàng hoàng vì sung sướng, những người có trách nhiệm ở khu H quyết định hành động, chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo.

Khoảng 8h sáng 1/5/1975, tù nhân đã hoàn toàn làm chủ thị trấn Côn Đảo. Linh mục Phạm Gia Thụy, người có công lớn trong giải phóng Côn Đảo, đã tích cực vận động giáo dân trong họ đạo Côn Sơn không di tản, ở lại giúp tù chính trị thoát khỏi “địa ngục trần gian”. Chính Linh mục Thụy đã bàn bạc với Đại úy Kiều Văn Dậu và một số công chức về việc mở cửa nhà lao, giải thoát tù chính trị, ngăn chặn âm mưu của Đại úy Phạm Huỳnh Trung, Chỉ huy Phó Đặc khu Côn Sơn cùng đám ác ôn trên đảo khi chúng đã bàn bạc âm mưu thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn…

Đến 15h ngày 3/5/1975, Đài Vô tuyến điện Côn Đảo liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, giọng chị Loan như nghẹn ngào khi nói về giây phút ấy. Các đồng chí trong đất liền mới hỏi rằng, Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay, chị Loan nói rằng, lúc ấy, Côn Đảo cực kỳ khó khăn, cực kỳ thiếu thốn nhưng đồng chí đại diện cho Đảo ủy Lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”… Rạng sáng 4/5, những chuyến tàu đầu tiên cập bến mang theo 500 di ảnh Bác Hồ đã được các tù nhân giải phóng đón rước về các phòng, các trại giam làm lễ truy điệu. Nghẹn ngào trong nước mắt, chị Loan nói tiếp, trong giờ phút trang nghiêm ấy, không gian Côn Đảo dường như lắng lại, tan vào những giọt nước mắt nóng hổi trên những gò má hóp của những người tù, lăn trên thân thể của họ chỉ còn da bọc xương nhưng tỏa sáng bởi ý chí, niềm tin và nghị lực…

Nghe xong câu chuyện cảm động này, đến đây, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Ngư, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, các thành viên trong đoàn cùng phóng viên, nhà báo chúng tôi vô cùng xúc động. Lòng trong trẻo, cảm xúc dâng tràn, những giọt nước mắt thực lòng của các thành viên Đoàn công tác Văn phòng Bộ Công an đã rơi xuống mảnh đất này… Trại 7, nơi diễn ra những giờ khắc thiêng liêng của những tù nhân quả cảm giải phóng Côn Đảo.

Chị Loan kể, Côn Đảo có cách giáo dục truyền thống rất hay để những người dân sinh sống trên đảo đều có thể trở thành thuyết minh viên, một tuyên truyền viên. Ngay từ trong trường, các em học sinh, đoàn thanh niên của huyện đã được thi tìm hiểu lịch sử về Côn Đảo, thi làm thuyết minh viên, các bạn cùng nghe. Ban Quản lý di tích huyện Côn Đảo cũng thường xuyên mở cuộc thi thuyết minh viên, tuyên truyền viên trong cán bộ, công nhân viên chức. Và đó chính là lý do tại sao chị Loan trở thành thuyết minh viên không chuyên…

Dọc đường về, khi bước qua cánh cửa dẫn vào khu giam, chị Loan chợt chùng bước, nhìn lại điểm di tích nơi đoàn chúng tôi vừa tham quan. Hẳn với chị, nơi này đã gắn bó thiêng liêng lắm. Tôi gợi chuyện: Nghe nói có một thuyết minh viên không chuyên trên đảo là con gái một cựu tù, chị có biết là ai không? Nghe tôi hỏi, như chạm vào ký ức, chị Loan nghẹn giọng... Chính là chị, em à!

Mộc mạc và chân tình, trên dọc con đường đi, chị Loan đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của ba chị, một người tù Côn Đảo, và chuyện của gia đình chị. Ba chị Loan chính là bác Huỳnh Văn Biện, nguyên Phó trưởng Ban Bảo tàng huyện Côn Đảo. Chị Loan kể rằng, những người tù chính trị còn ở lại Côn Đảo không nhiều. Đó là những “nhân chứng sống” cho vùng đất biển đảo linh thiêng này. Ba chị và những cựu tù Côn Đảo trở thành những thuyết minh viên đầu tiên tại Côn Đảo, luôn trải lòng kể về cuộc sống ở trong tù cho du khách mỗi lần đến thăm Côn Đảo. 

Chị Loan kể, lúc má mang thai chị thì ba đi bộ đội sau đó bị địch bắt giam tại Khám Chí Hòa, bị tù đày ra Côn Đảo. Khi giải phóng vẫn tưởng ba mất tích. Sau giải phóng 2 tháng, ba lại về quê. Nhưng khi chị biết ba lần đầu tiên là lúc 12 tuổi… Chị Loan nghẹn giọng khi nói về cuộc đoàn tụ của gia đình mình. Ngày ấy, gia đình chị sống trong vùng giải phóng ở xã Đại Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Khi ấy, 2 má con chị đang thăm chúm ngoài đồng, chị thứ tư chạy ra đồng báo tin là ba về. Lúc bấy giờ má bỏ cả chúm, chân đất chạy về nhà nhìn thấy ba mà má nghẹn ngào không nói nên lời… Sau đó, ba chị đã rước cả gia đình ra Côn Đảo sinh sống. Ông trở thành một trong những thuyết minh viên đầu tiên ở Côn Đảo.

Suốt nhiều năm liền, chị Huỳnh Thị Kim Loan vẫn miệt mài với công việc chăm sóc, bảo quản, chống xuống cấp di tích, chăm sóc vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh tại 19 điểm di tích, trong đó có nghĩa trang Hàng Dương. Bắt đầu bằng những bài học đầu tiên từ ba Huỳnh Văn Biện qua những lần theo ba đi nhà tù thuyết minh cho khách, chị Loan thu thập thêm thông tin ở các cựu tù chính trị và đọc thêm nhiều sách, báo, tài liệu nói về lịch sử Côn Đảo để bổ sung thêm kiến thức cho mình. Đến năm 1983, chị Loan công tác tại Ban quản lý di tích huyện Côn Đảo. Sau 31 năm gắn bó với mảnh đấy này, chị Loan đã nhớ rõ từng chi tiết lịch sử về Côn Đảo, những dấu mốc lịch sử bằng ngày tháng năm.

Chúng tôi rời Côn Đảo vào buổi chiều đầy nắng và gió. Trên đường ra sân bay Cỏ Ống, tôi vẫn nhớ nụ cười tươi và không khí lao động sôi nổi của chị Loan và mọi thành viên trong Phòng Bảo quản di tích khi tỉ mẩn, nhẹ nhàng kết hàng chữ “Nghĩa trang Hàng Dương” bằng hàng trăm chậu hoa vạn thọ tươi, dâng lên các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước, chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4…

Anh Hiếu

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文