Người dân miền Tây đón mùa nước nổi

Mở đê cho lũ tràn đồng

09:27 04/09/2017
Tại các vùng đê bao khép kín ở Đồng Tháp và An Giang, người dân đã ngưng sản xuất lúa vụ ba, tận dụng điều kiện lũ lớn dâng nước lấy phù sa vào trong đồng để rửa sạch các loại dịch bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất giúp sản xuất thuận lợi hơn. Người dân vui mừng khi nhìn thấy dòng nước màu đỏ ngầu mùa nước nổi cuồn cuộn đổ về sau nhiều năm lũ kém.

Gượng dậy làng nghề

Không chỉ ở người dân ở vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp phấn khởi, lũ về lớn thì không khí tại các làng nghề cũng rất sôi động. Tại các làng lưới Thơm Rơm (Thốt Nốt), làm lờ, lọp ở Ô Môn (TP Cần Thơ), làng nghề lưỡi câu ở Mỹ Hoà (An Giang) và làng đóng ghe xuồng ở Lai Vung (Đồng Tháp) rất nhộp nhịp.

Những ngày này, chạy dọc theo tuyến QL91, đoạn qua phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tất bật sản xuất của làng lưới Thơm Rơm. Với hơn 35 năm thương hiệu là làng sản xuất ngư cụ đánh bắt có chất lượng hàng đầu ĐBSCL, làng lưới Thơm Rơm sản xuất quanh năm, nhưng tập trung từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch.

Làng nghề sản xuất lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) nhộn nhịp vào vụ.

Năm nay, do nước lũ về sớm, nên bạn hàng từ các vùng lũ An Giang, Đồng Tháp, Long An đã chủ động đặt trước các mặt hàng lưới, dớn, lú, chài… nhằm phục vụ cho mùa đánh bắt. Ghi nhận tại các cơ sở sản xuất, có hàng trăm công nhân đang hối hả làm việc, được chia thành từng nhóm làm các công đoạn như: đan tay, đan lưới, dệt máy, kết lưới bắt viền, cột phao, kéo chì, dập chì… để hoàn thành các tay lưới.

Anh Trần Đình Hào, chủ cửa hàng lưới Đình Hào (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt) cho biết: “Mấy ngày nay, tình hình buôn bán khá hơn so với cùng kì năm trước. Bà con chủ yếu mua các mặt hàng như lưới, dớn, đáy… Nhờ lưới sản xuất của làng nghề này, đáp ứng đúng yêu cầu là nhạy, dễ dính cá, đặc biệt thích nghi với việc đánh bắt trên các cánh đồng nước ngập, nên hễ vào mùa lũ là làng lưới Thơm Rơm ăn nên làm ra”. 

Vợ chồng bà Võ Thị Hợp (ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang, chuyên làm nghề đan lọp tôm, cua), cho biết: “Năm nay, con nước lên sớm hơn so với năm ngoái, bà con chuyên làm nghề đánh bắt cá mùa nước nổi, cũng tất bật chuẩn bị ngư cụ, với mong muốn “thắng đậm”.

Chính vì thế, mặt hàng lọp tôm, lọp cua bán rất chạy, có nhiều đơn hàng lớn, nên vợ chồng tôi sản xuất cả ngày lẫn đêm mới đủ hàng giao cho khách. Mỗi cái lọp cua, bán ra được 55.000đ, sau khi trừ bỏ chi phí vợ chồng tôi còn lãi khoảng 20.000đ/cái”.

Theo các chủ cơ sở đóng xuồng tại Lai Vung, năm nay, người dân ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đều đặt hàng xớm số lượng lớn do nước lũ về sớm và không kịp giao cho khách. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho biết, trên địa bàn xã còn hơn 40 cơ sở đóng xuồng ghe giảm rất nhiều so với trước đây do lũ thấp. Nhưng năm nay, lũ về sớm, nhu cầu mua xuồng ghe của người dân cao nên sản lượng đóng ghe xuồng của các cơ sở cũng tăng lên từ 20 đến 30%.

Lợi ích kép

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, tỉnh cho xả lũ 26 tiểu vùng với diện tích 21.190ha thực hiện không sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) để tránh nguy cơ bị thiệt hại. Việc chủ động xã lũ tràn đồng để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng sau thời gian dài không có lũ lớn.

Còn tại Đồng Tháp, theo kế hoạch, năm 2017 tỉnh cho xả lũ khoảng 100.000ha diện tích trồng lúa. GS Võ Tòng Xuân khẳng định, phù sa đóng vai trò quan trọng đối với canh tác lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Việc ngưng sản xuất vụ 3 cho tiến hành xả lũ, đưa phù sa vào đồng ruộng, nhằm cho đất nghỉ ngơi để “phụ hồi sức khoẻ” sau thời gian dài không có lũ. Việc đồng ruộng trữ nước vừa tạo phù sa, giúp quá trình vận hành điều tiết lũ của khu vực ĐBSCL, giảm áp lực nước, bảo vệ sản xuất cho vùng hạ lưu.

Ngoài ra, việc xả lũ cho nước tràn đồng còn giúp nông dân tiêu diệt các loại dịch bệnh, sâu bọ…, giúp cân bằng lịch thời vụ, canh tác thuận lợi hơn. “Do đã được ngành Nông nghiệp khuyến cáo là năm nay nước lũ có thể về sớm và lớn hơn mọi năm nên gia đình tôi không làm lúa vụ ba để tránh nguy cơ thiệt hại. Nhiều năm rồi nước kém nên năm nay là cơ hội để lũ tràn đồng, lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng sau nhiều năm cấy cày liên tiếp” - bà Nguyễn Thị Nở (47 tuổi, ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) nói.

Bà Nở nhẩm tính, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm đều làm 3 vụ lúa, tính ra là hơn 15 vụ. Vì vậy, năm nay, khi cán bộ nông nghiệp xã lấy ý kiến người dân ngưng vụ lúa thu đông để xả lũ thì ai nấy đều nhất trí. “Đất cũng giống như con người ta vậy, khai thác quá mức cũng tới lúc già nua, cằn cỗi nên cũng phải nghỉ xả hơi” -  bà Nở ví von. 

Theo các lão nông tại huyện Hồng Ngự, từ bao đời nay, năm nào lũ về sớm và lớn cũng mang lại nhiều lợi ích. Bởi nhiều năm qua, đồng ruộng các vùng đều khép kín trong đê bao nên lượng đất, nước đã suy giảm độ phì nhiêu và ô nhiễm. Còn năm nay, nhiều nơi nước đã tràn đồng mênh mông như biển nên ai cũng phấn khích.

Ông Hồ Văn Số, nguyên Trưởng Công an xã Thường Thới Tiền phấn khởi: “Năm nay con nước lớn nhất. Bà con ai cũng phấn khởi, bởi 5 năm liền không xả đê. Những năm trước, nước về kém nên mình không xả đê. Năm nay rất thuận lợi, nước về lớn và địa phương đã lấy ý kiến để xả đê đón phù sa, bà con ai cũng thống nhất. Việc này vừa có sự đồng thuận của người dân và là chủ trương của huyện và tỉnh”.

Từ trước năm 2011, toàn bộ cánh đồng này đã được đê bao khép kín trồng lúa vụ ba. Người dân sống theo các triền đê, bờ sông cũng được bố trí đến 6 cụm tuyến dân cư, với hơn 1.000 nhà đều đã ở ổn định. Các công trình dân sinh, trường học, trạm y tế, đường nông thôn đều được đầu tư và không còn cảnh nhà ngập, học sinh phải chèo xuồng đến lớp như trước kia.

“Năm nay, lũ về sớm nên bà con rất phấn khởi. Từ ngày 30-8, sau khi người dân thu hoạch xong, xã đã cho xả nước tràn tràn đồng. Hiện mực nước lũ đã cao hơn xấp xỉ khoảng 40cm so với mặt ruộng lúc chưa thu hoạch. Mùa này, người dân cũng không làm gì nên những hộ gia đình có thanh niên trai tráng thì lên thành phố hoặc đi nơi khác làm thuê. Những người lớn tuổi ở nhà thả lưới bắt cá mưu sinh”, ông Số nói và cho biết, đây là năm đầu tiên xả lũ nên địa phương cũng chưa thống kê được có bao nhiêu hộ, người dân sống bằng nghề khai thác thuỷ sản.

Nhiều người rảnh rỗi, kiếm vài tay lưới, đặt dớn, lọp đú trên đồng để bắt cá. Ít thì 1-2 kg đủ ăn qua ngày, nhiều thì 5-7kg mang ra chợ bán để cải thiện thêm thu nhập.

Sau nhiều năm hình thành các tuyến đê bao khép kín ngăn lũ, người dân phấn khởi vì có thể làm lúa ngay mùa nước nổi. Hệ thống đê bao khép kín đã giúp hàng triệu người dân ổn định nhà cửa trong các cụm tuyến dân cư, bờ đê. Sản lượng lúa của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng, trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập, phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp là khu vực ngập sâu trong mùa lũ với diện tích 35.000ha. Khu vực này đủ sức giúp cả ĐBSCL trữ nước, vùng Đồng Tháp Mười sẽ vừa là nơi trữ nước vừa điều hòa, giữ ngọt, đẩy mặn cho cả vùng ĐBSCL. Cùng với việc giữ lũ, việc giảm diện tích trồng lúa vụ 3 là giúp đất đai được nghỉ ngơi, tập trung vào chất lượng và chuỗi giá trị sản phẩm.

Hằng năm khi lũ sông Mêkông đổ về làm cho Biển Hồ tăng diện tích chứa nước từ 300.000ha trong mùa khô lên 1,5 triệu ha. Từ Biển Hồ nước chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên làm cho hai vùng này ngập sâu 3-4m. Sau đó, nước nhả dần dần ra sông Tiền, sông Hậu. Đến mùa khô, lượng nước ngọt này sẽ đẩy nước mặn xâm nhập từ biển vào.

Văn Vĩnh – Trần Lĩnh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文