Thảm họa đường sắt kinh hoàng làm 200 người chết năm 1982:

Bài 2: Sự trùng hợp của những giấc mơ

09:10 23/04/2018

Như đã nêu ở bài trước, bà Mỹ được cơ quan Công an thông báo có thể em gái Trần Thị Tâm đã tử nạn trong vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Thời điểm đó, đời sống xã hội cực kì khó khăn, việc đi lại rất cách trở. Trong bối cảnh đó, gia đình bà Mỹ đã kì công tìm kiếm nhưng không thu được thông tin nào liên quan đến vụ tai nạn đường sắt xảy ra tháng 3-1982.

Lời trăn trối của người mẹ

Trước khi từ giã cõi đời, mẹ bà Mỹ vẫn day dứt về người con gái mất tích. Cụ trăn trối với chị em bà Mỹ: “Các con phải cố tìm kiếm được tung tích của Tâm cho mẹ an lòng nơi chín suối!”. Hai người con trai của nạn nhân Trần Thị Tâm là Nguyễn Phương Ly và Nguyễn Phi Phi khi trưởng thành cũng ra sức tìm kiếm thông tin về người mẹ nhưng không thu được kết quả nào. Họ chần chừ chưa muốn lập bàn thờ vì vẫn mong manh hi vọng mẹ còn sống và đang lưu lạc nơi đâu đó…

Cũng như gia đình bà Mỹ ở Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, gia đình bà Trần Thị Cẩm (SN 1958, hiện trú tại quận Phú Nhuận) đã nhiều năm tìm kiếm thông tin về anh trai và chị dâu mất tích. Bà Cẩm nhớ lại, thời kì gia đình bà đi kinh tế mới ở Củ Chi vô cùng cực khổ. Người anh trai Trần Thái Phương (SN 1955) đành bỏ về thành phố đi buôn than củi từ các tỉnh Nam Trung Bộ vào Sài Gòn. Mỗi lần trở về, anh Phương mang được vài ký gạo cho cả nhà rồi hôm sau đi tiếp.

Trong một chuyến tàu chợ, anh Phương quen cô gái mồ côi tên Nở ở Nha Trang. Họ đến với nhau trong sự đồng cảm thân phận nghèo khó và khi anh Phương dẫn người yêu về nhà giới thiệu thì cô ấy đã mang bầu 4 tháng. Ngặt nỗi cô Nở không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào để đăng ký tạm trú. Vậy nên anh Phương dẫn người yêu về Nha Trang làm giấy tờ, để: “Sau chuyến đi này sẽ làm đám cưới và đưa vợ về Củ Chi sống cùng gia đình”.

Bà Cẩm (bìa trái) và bà Mỹ thắp hương cầu siêu cho các nạn nhân tại Nghĩa trang Đường sắt (tháng 7 âm lịch 2017).

Như có linh cảm trước cuộc chia ly, bà Cẩm tiễn anh trai và chị dâu ra tận sân ga và không bao giờ quên được hình ảnh cuối cùng của người anh trai khi lên tàu: dáng anh xiêu vẹo trong bộ đồ cũ nát, vai khoác bó bao tải. Những ngày sau, thông tin về anh Phương cứ mờ mịt. Gia đình chờ đợi và nghĩ rằng, chắc do cực quá nên anh không về, anh còn đang lang thang đâu đó trên những con tàu để mưu sinh. Mãi 2 năm sau, gia đình bà Cẩm mới biết tin vào ngày 17-3-1982, có xảy ra vụ tai nạn đường sắt.

Xâu chuỗi lịch trình của người anh trai cho tới khi vụ tai nạn xảy ra là một tuần, bà Cẩm đoán anh trai và chị dâu có thể đã đi trên chuyến tàu định mệnh. Nhưng cuộc sống khốn khó khiến gia đình bà Cẩm không đi tìm ngay mà cứ tự huyễn hoặc biết đâu, anh Phương và vợ may mắn thoát nạn? Nhưng càng hi vọng thì thất vọng càng lớn… Gia đình bà Cẩm vì thế mang nỗi ân hận, dằn vặt suốt hơn 30 năm trời.

Những cuộc tìm kiếm từ giấc mơ

Đúng ngày 17-3-2014, tròn 32 năm sau thảm họa, gia đình bà Cẩm tìm được đến ấp Bàu Cá (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Bà hỏi về vụ tai nạn, những người lớn tuổi còn nhớ khá rõ cảnh tượng kinh hoàng và việc cứu hộ ra sao, nhưng chuyện nghĩa trang thì rất ít người biết. Bởi nơi an nghỉ của những hành khách xấu số đặt ở xã khác cách hiện trường vụ lật tàu 3 cây số giữa rừng cao su, cách biệt với khu dân cư.

Kiên trì dò hỏi, bà Cẩm đã tìm được nghĩa trang đặt tại ấp Lộc Hòa (xã Tây Hòa, cùng huyện Trảng bom). Cảnh vật hiện ra đúng như trong giấc mơ của bà Cẩm: Hầu hết những ngôi mộ mất nấm, hàng rào đổ nát, bị cây cỏ xâm lấn. Nghĩa trang như một khu rừng non bạt ngàn cỏ dại, cây xanh. Nếu không phải người địa phương thì không ai có thể nhận ra trảng cỏ ven đường sắt này là một nghĩa trang…

Nghĩa trang cỏ mọc um tùm trước khi được tôn tạo năm 2014.

Dù không biết anh trai mình nằm ở đâu giữa nơi hoang vu này nhưng bằng linh cảm máu thịt, bà Cẩm tin rằng anh Phương đang ở đây. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân địa phương, gia đình bà Cẩm đã sửa lễ, thành tâm hương đèn cầu khấn cho vong linh người anh và các nạn nhân được siêu thoát.

Bà Cẩm tìm được một nhân chứng quan trọng đã tham gia cứu nạn trong thảm họa, cũng như việc đào huyệt, an táng các thi thể hành khách xấu số. Đó là Ông Nguyễn Kim Hoạt (năm nay 83 tuổi), nhà cách Nghĩa trang Bàu Cá chừng hơn 1km. Từ nhiều năm nay, ông đã tự nguyện làm người quản trang, đều đặn phát cỏ, cắm hoa và hướng dẫn thân nhân vào nghĩa trang thắp hương. Ông thành tâm làm việc đó bởi xót xa, thương cảm những số phận gặp nạn trên đoàn tàu xui xẻo.

Từ đây, gia đình bà Cẩm giữ mối liên hệ thân tình với ông Hoạt và những người dân địa phương. Nhờ sự quyết tâm, nhiệt tình của bà Cẩm và gia đình một số nạn nhân, với sự giúp đỡ của người dân địa phương, nghĩa trang đã được chặt cây, dọn cỏ dại, xây lại cổng và đắp nổi dòng chữ “Nghĩa trang ĐS, 17-3-1982”, tức Nghĩa trang Đường sắt.

Trở về Sài Gòn, bà Cẩm lập tức đến văn phòng Tổng cục Đường sắt tại TP Hồ Chí Minh hỏi về thông tin vụ tai nạn, lai lịch các nạn nhân, hồ sơ mộ phần... nhưng không ai biết. Họ trả lời, những người cũ đã nghỉ hưu, họ mới vào làm việc nên không thể giúp bà được. Bà Cẩm tiếp tục tới Công an tỉnh Đồng Nai, nhưng nơi này không lưu giữ hồ sơ; gõ cửa Phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Trảng Bom, cũng không ai biết vụ việc...

Năm 2017, qua tin bài trên Facebook bà Cẩm, thân nhân của nạn nhân Trần Thị Tâm lần đầu tiên biết được  nghĩa trang này và về thăm.

Tất cả những nơi cần tìm, bà Cẩm đều đến nhưng thông tin chính thức về thảm họa đường sắt năm 1982 vẫn bảng lảng như làn khói hương giữa nghĩa trang. Tuy nhiên, sau khi thông tin Nghĩa trang Đường sắt được lan truyền, nhiều đoàn thể, cá nhân và đại diện ngành Đường sắt đã đến thắp hương, tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân…

Trở lại chuyện tìm kiếm người em gái của gia đình bà Trần Thị Mỹ ở Hà Nội. Qua Facebook, ngẫu nhiên bà Mỹ kết bạn với bà Cẩm và thường xuyên trao đổi thông tin với nhau. Giữa năm 2017, bà Cẩm đưa câu chuyện Nghĩa trang Đường sắt lên Facebook của mình. Đọc những thông tin đó, bà Mỹ mừng rơi nước mắt và điện thoại nói chuyện ngay với bà Cẩm. Hai người phụ nữ cùng cảnh ngộ, người mất em gái, người mất anh trai trong cùng một thảm họa nên rất đồng cảm.

Nhân tháng “xá tội vong nhân” (tháng 7 âm lịch 2017), bà Mỹ bay vào Sài Gòn gặp người bạn quen qua Facebook. Bà Cẩm đã nhiệt tình đưa bà Mỹ các con trai, con dâu của nạn nhân Trần Thị Tâm đi thắp hương tại Nghĩa trang Đường sắt.

Bà Mỹ kể lại: “Bước chân vào Nghĩa trang Đường sắt, tôi thấy người mình bỗng dưng lạnh toát. Con dâu trưởng của em Tâm cũng nói, đã mơ thấy mẹ chồng hiện về nói nằm ở nghĩa trang gần đường tàu, ở mộ số…, hàng số... Bằng linh cảm, bà Mỹ khẳng định em gái Trần Thị Tâm của mình đang nằm trong Nghĩa trang Đường sắt.

 

Duy Hiển – Trần Huy – Ngọc Thiện

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文