Thiêng liêng ký ức những cán bộ Công an tham gia bảo vệ, tiếp quản Thủ đô

Bài cuối: Chuyện về những thiếu niên Đội tình báo Bát Sắt mở đường về Hà Nội

09:58 10/10/2014
Tại khuôn viên ngôi đình thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) hiện có một tấm bia di tích “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt”. Trên tấm bia ghi rõ: “Nơi đây, ngày 19/2/1947, Đội quân báo thiếu nhi, tiền thân của Trạm giao thông và Trung đội Thiếu niên Bát Sắt, Công an quận VI, Hà Nội, đã làm lễ tuyên thệ bí mật xuất phát trở về vùng tạm chiếm Hà Nội, tiếp tục chiến đấu chống thực dân Pháp, góp phần giải phóng Thủ đô”.
>> Bài 4: Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng: Vẹn nguyên ký ức về Thủ đô trước ngày tiếp quản

Tôi có may mắn được dự lễ khánh thành tấm bia di tích ấy cách đây đúng 10 năm. Các nhân chứng lịch sử là các đội viên của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt (Đội Bát Sắt) vẫn còn đông và khỏe mạnh. Thấm thoắt 10 năm trôi qua, Đội Bát Sắt đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào cuối năm 2012. Nhưng theo thời gian, một số đội viên ngày ấy giờ đã không còn nữa, một số bác cũng đã yếu nhiều.

Tôi tìm đến ngôi nhà của bác Phạm Thắng, người đã có những trang viết rất xúc động về những thiếu niên dũng cảm và mưu trí trong cuốn truyện “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt” và cũng là 1 trong 5 cậu bé dũng cảm của Đội Bát Sắt tham gia mở con đường bí mật vào Hà Nội đang bị tạm chiếm. Ngôi nhà ngụ tại một con ngõ rộng ở quận Cầu Giấy, từ vòm cổng kiểu mái đình đến mảnh vườn nhỏ quanh nhà đều khơi gợi một không khí cổ xưa, tĩnh lặng, như chính tính cách của người chủ nhà. Bác Phạm Thắng là người còn lưu giữ được nhiều kỷ niệm, bức ảnh, bút tích, thư từ… về những đồng chí, đồng đội trong Đội Bát Sắt năm xưa. Bác xếp cẩn thận từng bức ảnh, từng dòng thư vào những gói riêng theo các sự kiện, năm tháng. Ký ức của bác về những ngày tháng chiến đấu trong Đội Bát Sắt, về những thiếu niên trong nhóm mở đường bí mật vào Hà Nội dường như vẫn vẹn nguyên như thuở nào…

…“Các em thân mến! Việc quân ta rút khỏi Thủ đô là nhằm bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Thành phố Hà Nội từng thấm máu đồng bào và chiến sỹ ta, đang bị kẻ thù giày xéo. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm đường trở lại, nắm nhân dân, dựng cơ sở, chuẩn bị cho ngày về giải phóng mai sau. Trước mắt, phải có một con đường riêng biệt, chọc thẳng vào ngoại ô phía Nam, tạo ra một lối đi kín đáo, thuận tiện cho việc dẫn đưa cán bộ đi về hoạt động. Nó là mạch máu của trái tim kháng chiến truyền vào cơ thể Thủ đô đang tạm bị chiếm” - đó là lời của anh Cả, tức ông Lê Quang Hòa, bấy giờ là Quận trưởng Công an quận VI, TP Hà Nội trong cuộc họp với các đội viên Bát Sắt dưới mái đình làng Huỳnh Cung vào đêm 19/2/1947. Tất cả các đội viên đều nhấp nhổm xung phong, nhưng theo quyết định của tổ chức, 5 cậu bé đã được chọn vào tổ mở đường bí mật. Trong truyện “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”, đó là Đội trưởng Hoàng Quyên (tên thật là Trần Vân), Thân “bột” (tức ông Phạm Thắng), Chức “lém” (không ai nhớ tên thật của cậu bé này), Tâm “bạch biến” (tên thật là Trần Văn Sâm, Trần Trung Dũng, còn có biệt danh là Dũng “lim”), Thụ (tên thật là Trần Văn Thục). Giờ phút tuyên thệ thiêng liêng, cả 5 em trong tổ mở đường giơ cao nắm tay, đọc năm lời thề danh dự của đội viên thiếu niên Bát Sắt. Tất cả đều phải tuyệt đối giữ bí mật, đó là kỷ luật số một và cũng là lời thề đầu tiên của nhóm.

Bác Phạm Thắng xem lại các kỷ vật lưu giữ từ thời hoạt động trong Đội Bát Sắt.

Nhận nhiệm vụ, đêm sau, 5 đội viên Bát Sắt (xin gọi theo tên của các em theo truyện “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” bởi nó đã gần gũi với bạn đọc cả nước) bắt đầu việc mở đường vào Hà Nội. Các em bắt đầu từ đền Lừ, nơi bị đồn thổi là có rất nhiều ma khiến người dân kinh hãi. Từ đó, 5 em nối hàng một bì bõm trên bờ ruộng mấp mô, láng bùn trơn trượt. Đôi lúc, một em trượt chân ngã lộn xuống một luống rau muống, vội vùng dậy ngay, lấy tay nâng nhẹ những cây rau bị đổ để xóa dấu vết. 

Đêm tối mênh mông, đường vượt ruộng cực kỳ khó đi, có lúc Đội trưởng Hoàng Quyên bị sa lầy xuống ruộng bùn sâu. Bốn chú bé phải níu lấy nhau làm thành một sợi dây vững chắc kéo bạn lên. Hì hục mãi, Quyên mới thoát nạn, khắp người bê bết những bùn đặc quánh, tanh lợm. Rồi trời mưa, bóng tối đặc quánh như hũ nút… Nhưng cuối cùng, với sự mưu trí và quyết tâm, các em đã tìm được đường qua Mai Động, Thanh Nhàn, rồi qua Lạc Trung, vào làng Quỳnh Lôi. Từ đây, các cậu bé thoăn thoắt luồn qua lỗ tường đục, nhà nọ xuyên nhà kia vào trung tâm thành phố…

Con đường bí mật được mở, nhưng nhiệm vụ của các cậu bé còn rất nặng nề. Đó là gây dựng cơ sở bí mật trong các gia đình công nhân, trí thức, học sinh; điều tra tin tức và tình hình địch; tổ chức việc đưa đón cán bộ ra - vào nội thành; tham gia tiễu trừ Việt gian cùng nhiều hành động táo bạo khác… Được cải vào vùng địch tạm chiếm, 5 cậu bé ấy đã đóng rất đạt vai những chú bé mồ côi, đói khổ, lang thang kiếm sống bằng cái nghề bán báo dạo, đánh giày… để gây dựng cơ sở, thành hòm thư “mật” chuyền thư của tổ chức cho các cơ sở trong vùng tạm chiếm và ngược lại. Sau đó, Đội trưởng Hoàng Quyên được cài vào hoạt động tại nhà hộ sinh Thái Hòa, 4 cậu bé được tổ chức tìm cách đưa vào làm bồi bàn trong tiệm này Lido ở phố Cửa Bắc bấy giờ. Các em vừa chăm chỉ làm việc, vừa lắng nghe và sàng lọc các tin tức do bọn lính Tây và Việt gian vô tình tuôn ra khi nốc mấy cốc rượu mạnh. Cậu bé Thân “bột” lúc đó do trắng trẻo, dễ thương, lại thông minh, lanh lẹ nên chiếm được một tình cảm của một "me Tây" là Mary Thúy - vợ tên sĩ quan Pháp Lămpe, nhà ở ngay cạnh tiệm nhảy.

Việc trở thành con nuôi của cặp vợ chồng này đã tạo cho cậu bé Thân “bột” một vỏ bọc tốt để có được những thông tin tình báo quý giá. Cậu bé còn khôn khéo đào được một cái hầm nhỏ ngay dưới chiếc giường cậu ngủ để giấu tài liệu và vũ khí cho đội Thanh Việt diệt tề trừ gian. Đến cuối năm 1947, cơ sở ở tiệm nhảy Lido có nguy cơ bị vỡ do đội viên Chúc "lém" bị mật thám bắt đưa đi tra tấn. Chú bé Thân “bột” với sự mưu trí, gan dạ đã bình tĩnh thủ tiêu tất cả tài liệu trong hầm bí mật rồi điều khiển bà mẹ nuôi diễn kịch để qua mặt bọn mật thám, trở lại vùng tự do.

Khó có thể nói hết những việc mà các thiếu niên tình báo của Đội Bát Sắt làm được trong 2 năm mở đường về Hà Nội để hình thành trận tuyến tình báo thầm lặng trong lòng Thủ đô. Đội đã lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô, như: chuyển lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh quân sự Liên khu 2 cho Tiểu đoàn 202 rút khỏi vòng vây của địch ở Khu Học xá Việt Nam (ở phố Bạch Mai); đưa đồng chí Trần Quang Cơ - quân báo viên quận 6 bị lạc trở về đơn vị; dẫn đường cho một tiểu đội Quyết tử vào nghiên cứu đánh địch ngay trong lòng Hà Nội, giúp Công an Quận 5 và Nha Công an Trung ương đưa tình báo viên vào hoạt động ở nội thành và giúp các đồng chí này liên lạc với chỉ huy; chuyển thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo đến với số trí thức, nhân sĩ yêu nước bị kẹt lại Hà Nội khi chiến sự xảy ra. Ngoài ra, Đội còn tổ chức xử tử hình tên việt gian Paguct (tức Lê Hữu Ba Kế) tại nhà riêng, đồng thời theo dõi, nắm quy luật hoạt động đi lại của tên Việt gian đầu sỏ Trương Đình Tri, Chủ tịch Hội đồng An dân Bắc Kỳ, để lực lượng ta tiêu diệt...  

Tròn 60 năm Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Những đội viên Đội Bát Sắt, đặc biệt là tổ bí mật mở đường vào Hà Nội năm ấy người còn, người mất. Nhưng cá nhân tôi, cũng như rất nhiều độc giả cả nước, rất cảm ơn bác Phạm Thắng, tác giả của cuốn “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”, bởi bác đã góp phần giúp những cậu bé mưu trí, dũng cảm, đã tạo nên bao chiến công oanh liệt ấy sống mãi trong ký ức người dân Hà Nội và cả nước

T. Hòa

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文