Thảm họa đường sắt kinh hoàng làm 200 người chết năm 1982:

Bài cuối: Hãy xoa dịu nỗi đau của cả người chết và người sống

09:56 25/04/2018

Do điều kiện giao thông, liên lạc hết sức lạc hậu và hoàn cảnh đất nước khó khăn, thảm họa đường sắt năm 1982 không được công bố rộng rãi; vì thế, thân nhân của hơn 100 nạn nhân tại Nghĩa trang Đường sắt không hề hay biết. 

Từ khi thông tin về Nghĩa trang Đường sắt và vụ tai nạn kinh hoàng được “phát lộ”, họ đã có những kiến nghị đến các cấp chính quyền, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng...

Những câu chuyện đắng lòng ở Nghĩa trang Đường sắt

Như đã phản ánh ở bài trước, ông Nguyễn Kim Hoạt là một nhân chứng từ khi cứu nạn đến khi chôn cất các hành khách xấu số trên chuyến tàu định mệnh. Ông cũng là người nhiều năm cùng người dân địa phương chăm sóc, dọn dẹp Nghĩa trang Đường sắt. 

Ông Hoạt đã chứng kiến nhiều người từ phương xa tới tìm mộ. Đứng trước nghĩa trang đìu hiu, cô quạnh, họ không biết người thân của mình nằm đâu giữa những tấm bia mộ vô danh, nên chỉ biết thắp hương vái lạy vào không gian hư vô.   

Ông Hoạt nhớ lại: Cách đây vài năm có một người đàn ông ngoài Bắc vô tìm mộ con để đưa về quê. Ông ấy kể lại, năm 1982, cùng con trai đi trên chuyến tàu. Khi tai nạn xảy ra, ông bị thương nặng, đứa con trai tử nạn. Trong lúc hoảng loạn, ông chỉ kịp đánh dấu phần mộ của con để sau này trở lại tìm. 

Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm sau ông mới tìm về Nghĩa trang Đường sắt thì cỏ cây đã phủ kín, bít hết lối vào. Nấm mồ nhỏ bé của con trai ông đã lẫn với hơn 100 ngôi mộ khác. Ông đau đớn gục xuống trước nghĩa trang, tay run run thắp nén nhang và lẩm bẩm điều gì đó đang nghẹn trong cuống họng.

PV Báo CAND thắp hương tại Nghĩa trang Đường sắt.

Ông Hoạt đứng đó, thương cảm nhìn nước mắt người đàn ông nhỏ xuống nền đất đầy cát bụi.

Ông Hoạt bần thần kể: “Nhưng rồi ông ấy vẫn đào mộ, đào lần đầu thấy xương người lớn lẫn trong cát, ông lấp lại rồi đào tiếp phần mộ bên cạnh thì thấy xương trẻ nhỏ và gom lại mang về. Bằng niềm tin thôi, chứ không biết có phải xương cốt của con ổng không?”. 

Tuy cũng mất người thân trong vụ tai nạn nhưng ông Lý Thoại Phương (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) còn tìm được xác mẹ mang về an táng. 

Buổi trưa 17-3-1982, một người đạp xích lô hối hả tới nhà ông Phương đưa tờ giấy nhỏ có ghi nội dung: “Sáng nay tàu lật tại Bàu Cá, gia đình có người thân gặp nạn đến ngay hiện trường”. 

Ông Phương năm đó 20 tuổi, vừa đi làm về thì nhận được hung tin, liền cùng người bác chạy xe máy về Bàu Cá tìm mẹ. Đến nơi thì trời đã về chiều, chỉ còn vài xác người chờ xe tới chở đi chôn. Ông Phương đến gặp một người đang ghi chép tại hiện trường, hỏi tên mẹ mình là Nguyễn Thị Năm thì tìm thấy ngay trong sổ ghi danh tính người tử nạn. Vì bà Năm có giấy tờ tùy thân nên còn nằm lại, chờ thân nhân đến nhận. 

Ông Phương đau đớn đưa mẹ về trên chiếc xe lam chở củi không có đèn. Sau đó vài ngày, Tổng cục Đường sắt có mời ông Phương tới văn phòng tại TP Hồ Chí Minh, thông báo về vụ tai nạn và hỗ trợ 3.000 đồng.

Những ngôi mộ vô danh ở Nghĩa trang đường sắt, ai viếng thăm cũng nhói lòng.

Bà Năm mất đi, để lại 5 người con côi cút, bé út chỉ mới 5 tuổi. Đôi mắt rưng rưng, ông Phương nghẹn ngào: “Mẹ tôi vẫn còn may mắn hơn các nạn nhân không có gia đình đến nhận. Ngày đó rối trí quá nên tôi không kịp hỏi bác xích lô là ai đưa tờ giấy báo tin để cảm ơn họ một câu”.

Rất cần thông tin chính thức từ ngành Đường sắt

Sau thảm họa năm 1982, đối với những người thiệt mạng có thân nhân đến nhận, ngành Đường sắt đã thực hiện trách nhiệm bằng việc phục vụ tàu đưa đón, có hỗ trợ tiền... Song những nạn nhân không có gia đình đến nhận thì phải nằm trong nghĩa trang giữa rừng. Họ được chôn trong cỗ áo quan đơn sơ.

Suốt 36 năm, Nghĩa trang Đường sắt vẫn như bị bỏ rơi, phận người vẫn vô danh. Ngành Đường sắt từng cho xây dựng một hàng rào bao quanh nghĩa trang. Hàng rào tồn tại được hơn 10 năm thì sụp đổ, chỉ còn chút dấu vết của gạch vữa, xi măng. Đau xót hơn, cây rừng và bụi cỏ đã bao trùm toàn bộ nghĩa trang, bít kín các lối vào, tất cả những ngôi mộ đều không thể nhận ra… 

Trước năm 2014, ai đến nghĩa trang cũng phải đứng ngoài đường khấn lạy. Họ bất lực hướng vào những bụi cỏ mà cầu nguyện trong niềm đau thương và nỗi buồn vời vợi. 

Hiện nay, Nghĩa trang Đường sắt đã tương đối quang đãng, bia mộ được cắm lại ngay ngắn thẳng hàng. Hàng rào bao quanh được xây lại và cổng vào cũng được xây, sơn mới. 

Bà Cẩm cho biết, để nghĩa trang được tôn tạo, bà và thân nhân đã kiên trì tìm gặp ông Trần Ngọc Thành, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có chuyến đi thực tế về Nghĩa trang Đường sắt. 

Tại đây, bà Cẩm đưa ra 4 kiến nghị. Tuy nhiên, ông Thành chỉ hứa thực hiện kiến nghị thứ nhất, là xây dựng lại tường rào. Còn việc xây dựng lại các phần mộ, chỉ đạo tìm kiếm hồ sơ giúp thân nhân người tử nạn tìm được người thân thì vẫn còn bỏ ngỏ. 

Một điều an ủi là trong những ngày đi tìm mộ anh trai, bà Cẩm gặp ông Nguyễn Văn Tư, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người có thời gian là Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt.

Ông Nguyễn Văn Tư, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt (thứ tư từ trái sang) trong một lần viến thăm nghĩa trang.

 Ông Tư có biết về thảm họa năm 1982 và đã chỉ đạo làm các làn đường lánh nạn tại một số khúc cua của tuyến đường sắt Bắc Nam. Đoạn đường sắt vào cua chữ C tại Bàu Cá cũng được nắn tuyến để hạn chế nguy cơ lật tàu. Tuy nhiên, ông Tư không hề biết có một Nghĩa trang Đường sắt đang hiện hữu tại Tây Hòa. 

Có lẽ điều này khiến ông day dứt nên vài năm trước ông đã về thăm nghĩa trang, thắp hương cho người xấu số và xin lỗi họ. Ông đã đứng đơn gửi Tổng cục Đường sắt Việt Nam đề nghị xem xét, giải quyết vụ tai nạn theo luật định và đạo nghĩa giữa con người với con người. 

Bà Cẩm chua xót: “Ông Tư đã xin lỗi, tuy đã quá muộn màng nhưng dù sao cũng là lòng trắc ẩn của một vị cựu lãnh đạo ngành Đường sắt khi không thể làm gì cho các nạn nhân và người thân của họ”. 

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân vụ tai nạn đã được các cơ quan chức năng khi đó làm rõ, xử lí trách nhiệm những người liên quan.      

Thay mặt gia đình những người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ngày 17-3-1982, bà Trần Thị Cẩm và Trần Thị Mỹ cùng 15 người khác kiến nghị ngành Đường sắt cần sớm có thông tin chính thức về vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, thân nhân nạn nhân có đầu mối tìm kiếm; đầu tư kinh phí để tôn tạo nghĩa trang, xây lại các ngôi mộ và nên tổ chức xét nghiệm ADN các hài cốt để giúp việc xác định danh tính và tìm kiếm thân nhân. Thiết nghĩ, những đề nghị này hoàn toàn chính đáng và không nằm ngoài khả năng, trách nhiệm của ngành Đường sắt.

Báo CAND đã có công văn gửi Tổng cục Đường sắt chuyển kiến nghị của nguyên đơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Duy Hiển – Trần Huy – Ngọc Thiện

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文