Bài cuối: Nguồn lợi thủy sản đang dần cạn

09:17 05/09/2017
Sau mùa lũ lớn năm 2002 đến nay, người dân tại các vùng lũ đã được bố trí đến các cụm, tuyến dân cư ở ổn định. Một lượng lớn người dân trước đây bám đồng, tay lưới cũng đã chuyển đổi ngành nghề mưu sinh. 

Mặc dù năm nay lũ về sớm hơn mọi năm, nhưng nguồn lợi thủy sản mang lại không cao. Các ngư dân vùng lũ không còn mặn mà với việc mưu sinh theo con nước.

Thủy sản ít hơn trước

Những ngày này, tại các cánh đồng vùng thượng nguồn tỉnh An Giang vẫn tấp nập người dân đánh bắt thủy sản, mà theo ngư dân vùng này là “lộc trời cho”. Tuy nhiên, có một điều dễ dàng nhận thấy là mặc dù lũ có về sớm, nhưng năm nay sản lượng tôm, cá và các sản vật khác ngày một ít đi. Những năm trước, đây là thời điểm đánh bắt “rộ” nhất trong mùa nước nổi, vì lúc này tôm, cá bắt đầu sinh sản. 

Chơi vơi trên cánh đồng bao la, bốn bề là nước, anh Trương Văn Lợ (ấp Phú Trung, xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang), cho biết: “Năm nay, thấy nước lũ về sớm, vợ chồng tôi đầu tư 1.000 thước lưới cá linh, để đánh bắt mùa lũ. Thế nhưng, cá chỉ “chạy” được một vài ngày đầu, đến nay thì ít dần. Một ngày chỉ kiếm được tầm 8-10kg cá linh, thua xa những mùa trước”. 

Cùng nỗi lo trên, anh Nguyễn Văn Vĩnh (huyện An Phú) cho biết: “Năm nay, đoán được tình hình đồng Việt sẽ ít cá, nếu đầu tư đánh bắt sẽ bị lỗ nặng, nên tôi và gia đình đã sang Campuchia mua đồng với giá 15 triệu đồng/vụ, nhưng tình hình cũng không khá hơn. Mong rằng những ngày tới, lượng cá, tôm sẽ nhiều thêm, chứ cái đà này chắc năm sau phải lên bờ tìm nghề khác mà mưu sinh”. 

Vào thời điểm này của những năm nước, thương lái từ khắp nơi kéo về để “đón đầu” các ngư dân đánh bắt, mua cá, tôm, bông súng, điên điển… mang về TP Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh… bán lại. Nhưng năm nay, nhiều tiểu thương cũng than thở vì mỗi ngày chỉ mua được 200 – 300kg cá linh, còn các loại cá đồng khác hầu như vắng bóng. 

Bà Kiều Thị Ngói (thương lái thu mua cá) cho biết: “Năm trước, mỗi ngày kiếm cả triệu đồng tiền lãi, riêng năm nay sau khi trừ hết chi phí thì chẳng còn thấy lãi đâu, chi phí xăng dầu tăng cao, nhưng sản lượng cá thu mua được rất ít”.

Tình trạng này cũng xảy ra tại xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp). Dọc theo bờ song Sở Thượng, ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam với Campuchia, có 3 giàn đáy của người dân đấu thầu đón cá linh từ thượng nguồn về. 
Mặc dù năm nay nước lũ về khá sớm nhưng sản lượng cá lại ít hơn những năm trước.

“Mấy năm trước, cỡ này là xe chở cá linh chạy rầm rầm nhưng năm nay vắng vẻ. Không hiểu sao năm nay không có cá. Cá ít nên chủ đáy phải bó lưới lại để chờ tình hình” - ông Lê Văn Huy, Trưởng ấp Bình Hoà Thượng (xã Thường Thới Hậu A) nói và chỉ tay về phía giàn đáy trên sông của ông Ba Kiệt nói. 

Mùa lũ năm nay, ông Ba Kiệt đấu thầu đặt hai miệng đáy và thuê 4 công nhân cùng khai thác cá linh trên sông Sở Thượng để đón con nước từ thượng nguồn đổ về. 

“Nhưng cả tháng nay không có cá, buộc phải bó lưới lại chờ khi nào có cá mới giăng trở lại. Mấy bữa trước còn 4 người làm, nhưng cá ít quá nên giờ chỉ còn 2 người” - anh Hồ Văn La, công nhân làm thuê trên giàn đáy của ông Ba Kiệt nói. 

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại các miệng đáy khác. Ông Huỳnh Văn Rồi, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A, cho biết: “Năm nay không hiểu sao vùng đầu nguồn cũng rất ít cá. Mấy chủ đáy đã đấu thầu khai thác cá linh, nhưng ai cũng than lỗ. Còn người dân sống tại các cụm, tuyến dân cư, mỗi ngày vẫn kiếm được 2-3kg cá, tôm chỉ đủ cải thiện sinh hoạt và sống qua mùa nước lũ”.

Chuyển kế mưu sinh ổn định

Ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết, mấy năm qua không xả lũ nên người dân cũng chủ động tìm kế mưu sinh. Xã có 12.000 dân ở độ tuổi lao động, trong đó, có hơn 8.000 người đi nơi khác làm thuê. Số hộ lao động trong các ngành nghề nông nghiệp chiếm 40%. Một số lên các tỉnh, thành Đông Nam Bộ làm thuê có thu nhập khá hơn trồng lúa. Một số thì chuyển hướng đi lao động nước ngoài. 

Trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, nhưng nay đã cơ giới hoá nên lượng lao động giảm đi buộc người dân phải tìm hướng sinh nhai mới, phù hợp hơn, đời sống người dân cũng dần ổn định, nâng cao hơn so với trước đây.

Tận dụng ốc bươu vàng, cá tạp “vỗ béo” lươn đồng là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở An Giang.

Tương tự, xã Thường Thới Hậu A, có 2.335 hộ, với 10.115 nhân khẩu. Sau mùa lũ năm 2011, người dân đã được bố trí đến ở tập trung tại 4 cụm, tuyến dân cư là Giồng Dúi, Cả Sách, Cầu Tiểu và Cầu Đại. Đường sá được được đầu tư khang trang. Số lao động trong nông nghiệp cũng kéo giảm, do nguồn lợi từ thuỷ sản ngày ít đi nên những người ở đội tuổi lao động, thanh niên đều lên các tỉnh Đông Nam Bộ làm công nhân, có thu nhập ổn định hơn. 

Phần lớn những hộ dân không có đất sản xuất, đều lên thành phố mưu sinh. Có nhiều cụm, tuyến dân cư số người bỏ đi nơi khác làm thuê, chiếm từ 30-70% dân số. Những người ở lại, chủ yếu là học sinh, người lớn tuổi còn bám đồng, sống bằng nghề câu lưới. 

Gia đình ông Đỗ Văn Kỷ (63 tuổi, ngụ ấp Bình Hoà Thượng), có hai người con thì đều lên Bình Dương làm công nhân may. Vợ chồng ông lớn tuổi nên ở lại quê làm ruộng, đến mùa lũ thì đặt dớn, đặt đú để bắt cá tôm sống qua ngày. Nhiều người dân vùng thượng nguồn đã không còn mặn mà “ngóng lũ” nữa, linh hoạt chuyển sang ngành nghề khác, có tính ổn định, bền vững hơn để mưu sinh. 

Anh Hồ Phước Sam (ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã từ bỏ “nghề bà cậu” để lên bờ mưu sinh từ 2 năm nay. Cứ thấy con nước dâng lên tới mé sàn nhà, thì anh Sam lại khăn gói lên vùng Tịnh Biên để tìm mua bò về vỗ béo, vì vào thời điểm nước lên, các cánh đồng cỏ bị ngập hết, nguồn thức ăn không có, các chủ bò thường bán với giá rẻ, mua về chịu khó chất rơm của vụ Đông – Xuân để làm thức ăn...

Ngoài vỗ béo bò, nhiều hộ dân vùng này còn có hình thức sản xuất khác là vỗ béo lươn đồng. Lươn đồng nhỏ, được đánh bắt, không có giá trị kinh tế, được các hộ dân thu mua lại về thả vào bể cao su, tận dụng nguồn thức ăn từ ốc bươu vàng, cá tạp mùa lũ để nuôi lớn. Sau khi đạt trọng lượng lươn lớn nhất sẽ xuất bán với giá từ 120.000-150.000đ/kg, tạo khoảng thu nhập ổn định. 

Ông Phạm Văn Thuấn (huyện An Phú) cho biết: “Cá trên đồng giờ đang dần cạn kiệt, nếu không linh hoạt chuyển đổi nghề để mưu sinh mà cứ sống bám vào mùa lũ như trước đây, thì không thể phát triển được, nợ lại càng thêm nợ”. 

Tương tự, tại các vùng Tam Nông, Thanh Bình, Lai Vung (Đồng Tháp), người dân cũng đã có sự dịch chuyển lớn trong nông nghiệp. Những trà lúa đã được thay thế bằng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như bắp, đậu hoặc lên liếp trồng cam, quýt, xoài mang thu nhập cao hơn.

Văn Vĩnh - Trần Lĩnh

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文