Buôn bán thai nhi: Người mẹ bị xử lý thế nào?

09:24 18/07/2008
Thời gian gần đây, tội phạm buôn bán người xuất hiện hành vi buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Đây là hành vi mới, hết sức nguy hiểm nhưng do chưa có trong tiền lệ nên việc điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Hành vi này cần được nhìn nhận như thế nào về phạm trù đạo đức và pháp lý? Người mẹ bị xử lý ra sao nếu bán thai nhi trong bụng mình?

>> Phối hợp liên ngành phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em

Luật pháp Việt Nam cần điều chỉnh ra sao để các vụ án buôn bán thai nhi được xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính giáo dục, răn đe.

Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định hai điều luật về tội phạm buôn bán người. Điều 119, tội mua bán phụ nữ được hiểu là những hành vi mua bán phụ nữ từ đủ 16 tuổi trở lên.

Điều 120, tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em quy định: Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, vì động cơ đê hèn, để đưa ra nước ngoài, phạm tội đối với nhiều trẻ em, để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo, để sử dụng vào mục đích mại dâm, có tính chất chuyên nghiệp... thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân... 

Tuy nhiên, trẻ em được hiểu là những đứa trẻ từ khi lọt lòng người mẹ đến 16 tuổi. Nếu bé gái từ đủ 16 tuổi trở lên là nạn nhân của hành vi này thì áp dụng điều luật "tội buôn bán phụ nữ" để xử lý kẻ phạm tội.

Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật và giải thích luật, thai nhi chưa được coi là trẻ em, chưa được thừa nhận là công dân. Sở dĩ có sự bất cập này do diễn biến thực tiễn nảy sinh hành vi mà trước đó không có, nói cách khác là tồn tại xã hội đã đi trước ý thức xã hội, ở đây là ý thức của các nhà làm luật.

Tại thời điểm BLHS được soạn thảo, ban hành là vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó ở Việt Nam và những nước lân cận chưa xuất hiện hành vi mua bán thai nhi. Chỉ từ cuối năm 2007, đầu 2008 tới nay, khi cơ quan Công an khám phá nhiều vụ buôn bán thai nhi, vấn đề này mới trở thành điểm nóng gây bức xúc dư luận.

Tuy nhiên, hiện hành vi mua bán thai nhi cũng bị xử lý theo điều luật "mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em". Nguyên do, dù hành vi trao đổi, gạ gẫm diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận con và giao hết số tiền lại sau khi sinh (thường sau khi sinh ít ngày hoặc một, hai tháng), tức tội phạm hoàn thành khi đứa trẻ đã sinh ra.

Vụ việc bị bắt quả tang tại thời điểm này nên cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có đủ cơ sở để xử lý về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.

Do đó, đối với đối tượng có hành vi mua, bán trẻ em, kể cả thai nhi, hiện các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng điều luật "Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" để xử lý.

Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là các hành vi mua bán thai nhi có liên quan đến ý thức của người mẹ (đây là một điểm khác biệt với hành vi mua bán trẻ em do bị lừa gạt, dụ dỗ, khi đó người mẹ cũng là nạn nhân). Vậy, mua bán thai nhi thì người mẹ mang thai nhi đó là nạn nhân hay đồng phạm?

Hiện các vụ mua bán thai nhi được phân loại theo hai nhóm để xử lý: nhóm phạm pháp do người mẹ nhận thức kém hoặc rơi vào hoàn cảnh éo le, thế cùng quẫn buộc phải miễn cưỡng (dù không mong muốn) bán bào thai trong bụng mình; nhóm mua bán vì người mẹ có động cơ tư lợi, để kiếm tiền.

Đối với nhóm thứ nhất, thủ đoạn của bọn tội phạm là tìm cách làm quen với phụ nữ bị phụ tình hoặc "ăn cơm trước kẻng" dẫn đến có thai, không muốn nuôi con để gạ họ bán con mới sinh hoặc đặt cọc từ lúc người mẹ còn mang thai, hẹn sau khi sinh sẽ nhận con và bàn giao tiền theo thỏa thuận.

Một số vụ được khám phá ở Hà Nội cho thấy, giá bán một thai nhi gái là 8 triệu đồng, 1 thai nhi trai là 15 triệu đồng, sau đó các đối tượng bán ra nước ngoài với giá 15 triệu đồng một bé gái, 25 triệu đến 30 triệu đồng một bé trai, hưởng lợi nhuận phi pháp lớn.

Chẳng hạn, vụ Công an quận Hoàn Kiếm khám phá đường dây buôn bán thai nhi vừa qua, đối tượng dụ dỗ chị Nguyễn Thị Út, 34 tuổi, trú tại tỉnh Bạc Liêu, khi đó đang có thai 8 tháng. Chị Út bị chồng ruồng bỏ, đang rơi cảnh chán nản, không muốn có con nhưng thai nhi đã lớn, không thể phá bỏ.

Nắm được điểm yếu này, vợ chồng Hiền, Hòa dụ dỗ chị ra Hà Nội, gạ bán thai nhi, đặt cọc tiền đến khi sinh con sẽ nhận. Với giá 8 triệu đồng, 2 đối tượng đã chờ đến ngày chị Út sinh bé trai để thực hiện ý đồ đưa ra nước ngoài bán kiếm lãi.

Trong vụ án này, chị Út là người mẹ nhận 8 triệu đồng để bán con từ khi còn thai nhi. Hành vi của chị Út là phạm pháp, nhưng cơ quan pháp luật xem xét trách nhiệm của người mẹ: trong bối cảnh hết sức éo le, không muốn có con do bị phụ tình, lại không thể phá bỏ thai nhi.

Còn với người mẹ tên Nga khi vụ việc vỡ lở, đã khai báo trước Công an quận Hoàn Kiếm rằng: trước đó, chị yêu say mê một người đàn ông và sống với người này như vợ chồng, định ngày cưới. Khi cái thai lớn gần ngày sinh, bất ngờ gã trốn biệt, tìm hiểu chị tá hỏa khi biết gã đã có vợ. Đang quẫn bách, không muốn nuôi con, bất ngờ chị Nga gặp một người tên Thinh ở cùng quê, gạ mua cháu bé với giá 3 triệu đồng cho một người ở Hà Nội, thỏa thuận ngày giao con và người mẹ bị phụ tình này chấp thuận.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở tầm lớn hơn, là hệ lụy có tính xã hội. Những cuộc tình chóng vánh, mê muội, những chuyện lừa gạt, phụ tình dẫn tới những cái thai không mong muốn nhưng không thể phá bỏ, người mẹ mang thai bất đắc dĩ ấy tự biến mình thành người bán hàng - thai nhi là hàng hóa. Đây còn là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức.

Người mẹ bán con trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phạm pháp; nếu trong hoàn cảnh éo le, miễn cưỡng chấp thuận thì thường cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng bản án đối với người mẹ mà chỉ xử lý kẻ môi giới, kẻ lợi dụng hoàn cảnh éo le của người mẹ để trục lợi.

Nhưng bản án lương tâm với người mẹ thì không thể chối bỏ khi đó là giọt máu của mình, và bài học này là sự cảnh tỉnh với lối sống một bộ phận giới trẻ dẫn tới có con ngoài mong muốn.

Trong trường hợp, người mẹ cố tình bán con vì hám lợi, vì đồng tiền thì người mẹ cũng được xác định là đồng phạm như những đối tượng mua bán thai nhi khác. Vấn đề này đã xảy ra ở khu vực ĐBSCL, có người mẹ bán thai nhi, nhận lấy tiền ăn tiêu rồi đợi ngày sinh hạ để bàn giao đứa con của mình cho kẻ khác. Trường hợp này, người mẹ không có lý do biện bạch khi phạm pháp có ý thức chủ quan và động cơ vụ lợi rất rõ. Về mặt đạo đức, đương nhiên không có bất kỳ sự dung thứ nào.

 (Còn nữa)

Đăng Trường

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文