Cải cách hành chính ở “đầu tàu” của cả nước

08:03 20/04/2017
Cách đây một năm, lần đầu tiên UBND TP Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân thành phố đối với thủ tục hành chính. Từ đó đến tháng 11-2016 có 2.850 lượt người tham gia đánh giá trên hệ thống mạng và hơn 30.000 lượt người được lấy ý kiến qua điện thoại và trực tiếp. Kết quả có khoảng 50,78% số người hài lòng, 43,24% số người cho là bình thường và 5,89% không hài lòng. 


Kỳ 2: Vẫn còn bị “lên bờ xuống ruộng”!

Sự không hài lòng này rơi vào nhóm người làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhà cửa. Công tâm mà nói thủ tục này có nhiều nơi làm rất tốt, rất nhiệt tình với dân nhưng cũng có nơi cán bộ hành dân “lên bờ, xuống ruộng”(!)

Công tác ở một cơ quan trụ sở đặt tại quận 1, có mối quan hệ rộng nên ông M rất tự tin khi đi làm thủ tục giấy tờ nhà đất cho gia đình mình. Thế nhưng khi “lâm trận”, ông mới thấy hết nỗi trần ai của người dân. Ông nói, các văn phòng đăng ký đất đai hay Phòng tiếp nhận và trả kết quả giờ chỗ nào cũng tương đối khang trang, có máy lạnh, có nước uống, có chỗ ngồi rộng rãi, có cán bộ tiếp dân ân cần, vui vẻ.

Nhưng đó mới chỉ là bề nổi, vấn đề quan trọng là nằm ở phía bên trong, tức những cán bộ chuyên môn được giao nhiệm vụ xử lý các thủ tục này. “Những cán bộ vui vẻ, hướng dẫn tận tình cho dân chỉ là người tiếp nhận và trả kết quả chứ họ không có quyền quyết định số phận của bộ hồ sơ. Nhưng khi bị hành, người dân thường trút lên đầu những người này là chưa thông cảm nỗi khổ của họ. Còn “mấy ông” ở bên trong hành dân đủ kiểu nhưng chẳng ai phải đối mặt với sự giận dữ của dân nên họ chẳng có gì phải áy náy”, ông M bộc bạch.

Nhu cầu làm giấy tờ về nhà đất, nhất là ở khu vực vùng ven, ngoại thành là rất cao.

Theo lời ông M, cái vướng đầu tiên nhất của người làm thủ tục nhà đất đó là bản vẽ. Dù giấy tờ có đầy đủ đến đâu mà bản vẽ “chưa chuẩn” là coi như ách lại. Chưa chuẩn ở đây không phải là vẽ sai mà đơn vị đo vẽ không phải là “sân sau” của cán bộ thụ lý giải quyết.

Ông M ấm ức nói: “Các thủ tục làm giấy tờ nhà đất đã được niêm yết công khai mình chuẩn bị đầy đủ thì mới nộp, trong đó có ghi số điện thoại hẳn hoi. Thay vì có thiếu sót, có sửa chữa bổ sung gì đó họ gọi mình lên liền thì đâu có chuyện để nói. Đằng này đợi đến ngày nhận kết quả, mình đến họ mới bảo… hồ sơ chưa hoàn chỉnh. Mình lại bổ sung rồi nộp lần 2 và lại đến ngày nhận kết quả họ lại bảo… chưa được! Thử hỏi người dân có tức chết đi được không chứ?”. Mà tức cũng chẳng làm được gì, nhiều người nản lòng, thôi thì… thuê dịch vụ. Riêng ông M quyết tự làm một mình và phải mất 6 tháng ông mới xong công việc.

“Tệ” hơn ông M là trường hợp của ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ ở phường An Lạc, quận Bình Tân). Ông làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất ở huyện Bình Chánh nhưng phải chờ đợi mỏi mòn suốt 4 năm ròng. Mãi đến khi ông gọi điện đến đường dây nóng và được bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh và Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bình Chánh thì hồ sơ của ông mới được giải quyết.

Để tìm hiểu thêm về những kiểu hành dân, chúng tôi tiếp cận với H - một “cò” giấy tờ nhà đất ở quận 9 để nhờ chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở. Sau khi kiểm tra quy hoạch, H nói đây là đất kinh tế vườn, theo quy định chỉ được chuyển mục đích tối đa 10% và ra mức giá khá cao. Tôi than giá quá đắt nên muốn tự làm hồ sơ, chỉ nhờ H tác động để làm được nhanh.

H cười: “Ông tưởng cứ bám theo quy định mà làm được à? Nếu vậy thì chắc tụi tui cạp đất mà ăn. Ông thử tự đi làm xem có được không? Mới đây thôi, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định rất rõ và nới rộng điều kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông làm thử coi có được không vì còn phải chờ hướng dẫn. Trung ương hướng dẫn rồi lại đến địa phương hướng dẫn nên nhiêu khê lắm, còn lâu lắm ông mới làm được”.

Thấy tôi gật gù ra chiều “tâm phục khẩu phục”, H “nạp” thêm: “Ông thấy dân bị làm khó từ đâu mà ra? Là do chính quyền không rõ ràng, minh bạch. Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, 1/500 ở các khu dân cư nhưng có ai cho dân coi đâu; quy hoạch lộ giới, hành lang các tuyến đường có ai cắm mốc rõ ràng cho dân biết đâu nên khi cán bộ nói bị quy hoạch, bị lộ giới thì chỉ biết nghe vậy. Mà muốn gỡ (thực chất không vi phạm) thì phải làm dịch vụ cho… khỏe!”.

Ở chiều hướng ngược lại, nhiều người dân còn thiếu giấy tờ hoặc muốn làm thủ tục cho nhanh nên thuê dịch vụ. Dần dà trở thành thói quen, mặc định là khi làm thủ tục nhà đất phải thuê “cò”. Một số cán bộ cũng từ đây mà hư hỏng, khi làm hồ sơ bình thường cảm thấy “khó chịu”, không muốn làm dẫn đến trễ hẹn với dân.

Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh hiện là “chủ xị” tiếp nhận kiến nghị, phản ánh về quy định hành chính. Người dân có thể chủ động phản ánh qua nhiều hình thức khác nhau: liên hệ trực tiếp, qua bưu điện, gửi email hoặc số điện thoại của đường dây nóng là 08.38230436.

Theo Sở Tư pháp, số lượng phản ánh kiến nghị tiếp nhận trong năm 2016 và quý I/2017 là 257 trường hợp, trong đó, có 154 trường hợp phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của cơ quan hành chính nhà nước của cán bộ, công chức. Phần lớn phản ánh của người dân là có cơ sở và các cơ quan có phản ánh đã nghiêm túc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị đảm bảo theo quy định.                       

Nhằm hạn chế tình trạng trễ hẹn giải quyết hồ sơ và một bộ phận viên chức, người lao động tiêu cực, nhũng nhiễu vẫn còn, tháng 7-2016, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh ban hành nội dung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức, người lao động tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh và chi nhánh 24 quận, huyện toàn thành phố.

Theo đó chuẩn mực đạo đức quy định 5 nội dung: Phải đặt yếu tố phục vụ người dân lên hàng đầu; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân; công tâm, khách quan và tận tình hướng dẫn người dân thực hiện quy trình, thủ tục đất đai; nói đi đôi với làm, gương mẫu trong sinh hoạt, công tác, không làm việc riêng khi tiếp dân; không lợi dụng chức trách, quyền hạn được giao để vụ lợi, không đùn đẩy trách nhiệm.

Nhóm PV

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文