Đầu năm tăng giá xăng, giá điện:

Cần chống việc giá cả đang "a dua" theo dây chuyền

08:58 26/02/2010
Hôm nay 26/2, Bộ Công thương chính thức họp báo công bố Thông tư hướng dẫn chi tiết việc thực hiện tăng giá bán điện năm 2010 theo lộ trình.

Mức tăng bình quân 6,8% được coi là lựa chọn hợp lý, vì không gây xáo trộn nhiều tới sản xuất kinh doanh cũng như đời sống xã hội. Dự kiến, GDP sẽ giảm 0,34%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng từ 0,2 đến 0,27%. Mọi động thái tăng giá hàng hóa, dịch vụ quá đà trên thị trường lấy cớ giá điện tăng, đều được coi là hành vi trục lợi, “té nước theo mưa” đáng lên án, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu khẳng định.

Tăng giá điện: Không ảnh hưởng tới các hộ dân có thu nhập thấp

Ngày 12/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 21/2009/QĐ-TTg về "Giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-1012 theo cơ chế thị trường". Hằng năm, Bộ Công thương sẽ căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của ngành Điện và mặt bằng giá chung, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh giá điện (tăng hay giảm) theo cơ chế thị trường.

Tăng giá điện chỉ tác động tới 0.2% CPI của năm 2010.

Trao đổi với PV Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho rằng: Giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Hơn 10 năm trước, giá bán điện trung bình của chúng ta là 5,7 cent/kWh. Lúc đó, tỷ giá VND/USD chỉ xê dịch trên dưới 10.000 đồng/USD. Thời điểm này, tỷ giá đã xấp xỉ 20.000 đồng/USD.

Dù giá điện bình quân hiện nay đã tăng ở mức gần 1.000 đồng/kWh, nhưng tính ra lại chưa tới 5,2 cent. Thứ trưởng Bùi Xuân Khu phân tích thêm: Điện giá thấp có lợi cho người tiêu dùng, vì đa số dân mình thu nhập còn hạn chế. Ngược lại, điều này cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đưa các dây chuyền công nghệ cũ, tiêu thụ nhiều năng lượng vào Việt Nam để tận dụng lợi thế điện giá rẻ. Chính phủ đã chủ trương điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tương thích với cơ chế thị trường, dần dần đưa giá điện trong nước lên ngang bằng khu vực.

Để không làm khó thêm đời sống của khoảng 2,5 triệu hộ dân trong diện thu nhập thấp, giá bán điện 50kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên ở mức 600 đồng/kWh. Khuyến khích các hộ tiêu dùng tiết kiệm, nên giá điện tiếp tục được tính theo lũy kế, dùng càng nhiều càng phải trả giá đắt. Với những hóa đơn dưới 100kWh/tháng, mức chi trả chỉ tăng thêm chừng 7.000 đồng. Ở lĩnh vực sản xuất, tăng giá điện tác động tới 0,1 đến 3% giá thành của các mặt hàng, ngành nghề tùy theo nhu cầu và năng lực sử dụng.

Giá cả đang lao theo tâm lý "a dua"?

Biên độ tỷ giá USD/VND vừa được Ngân hàng Nhà nước nới rộng cùng với giá xăng, giá điện, những nguyên liệu đầu vào chủ chốt tăng ngay sau Tết Nguyên đán đã tác động tới tâm lý của thị trường, khiến nhiều mặt hàng "a dua", tăng giá theo. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ: Giá điện ảnh hưởng trực tiếp tới cán luyện thép. Giá xăng ảnh hưởng gián tiếp vì liên quan đến cước vận tải. Giá điện tăng, các doanh nghiệp không thể không tăng giá thép. Nhưng tăng giá thép sản xuất trong nước, lại tạo thêm cơ hội cho thép giá rẻ của Trung Quốc và các nước ASEAN tràn vào. Đây quả là bài toán khó đối với ngành Thép.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đầy ưu tư: Giá điện tăng kéo theo giá than tăng khiến giá phân bón có thể phải điều chỉnh nhích lên từ 3 đến 5%. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng băn khoăn: Thông thường, giá xăng tăng chừng 1.000 đồng/lít thì giá cước taxi buộc phải tăng theo. Ngay từ lần tăng giá xăng giữa tháng 1, nhiều hãng taxi đã đơn phương tăng giá. Thêm lần này nữa, chắc chắn cước taxi không thể cầm cự được như cũ. Hiện Hiệp hội đang ngồi lại với các hãng để cân nhắc phương án điều chỉnh giá, sao cho vừa đảm bảo kinh doanh vừa không làm giảm lượng khách hàng của taxi.

Tuy nhiên, có những mặt hàng tiêu dùng, ít liên quan trực tiếp tới giá xăng, giá điện hay tỷ giá ngoại tệ cũng nhăm nhăm tăng giá thì thật buồn cười, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lên tiếng. Ông Phú lấy ví dụ, ngay trong lúc này, nhiều siêu thị ở Hà Nội vẫn tích cực mở các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng loạt mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, với tham vọng lấy số lượng tiêu thụ bù vào lãi ròng bị giảm đi. Vì thế, ông Phú nhấn mạnh, để diễn tiến tình trạng tăng giá vào mỗi dịp sau Tết, chủ yếu là do các cơ quan quản lý nhà nước đã thiếu một công cụ hữu hiệu, chưa có những chế tài đủ mạnh kiểm soát thị trường, răn đe các hành vi "té nước theo mưa", tăng giá không có lý do

N.H.S.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文