“Cát tặc” phá hoại ngư trường nuôi ngao ở Hải Phòng

08:18 09/04/2017
Có những tàu còn vào sâu giữa bãi nuôi ngao của người dân, ngang nhiên thọc vòi xuống hút cả cát và ngao đang độ lớn sắp được thu hoạch phun lên trắng cả mặt cát trên tàu. Mặc cho những người dân la ó, xua đuổi, song những người trên các con tàu này vẫn phớt lờ, có những chủ tàu còn có thái độ thách thức người dân, khi nói rằng “đây là mỏ cát được thành phố cấp cho Công ty của họ…”.


Thời gian gần đây nhiều người dân khai thác và nuôi trồng thủy sản tại khu vực cửa sông Văn Úc, khu vực cửa biển thuộc địa bàn các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, và vùng đất ngập nước Đèn Nơm thuộc địa bàn giáp ranh huyện Cát Hải và quận Hải An, thành phố Hải Phòng, bức xúc phản ánh về việc hàng ngày có hàng chục con tàu hút cát cỡ lớn hoạt động, gây thiệt hại đến tài sản của người dân nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái biển.

Xác minh nguồn thông tin này phóng viên Báo CAND đã nhiều lần trực tiếp đến khu vực Đèn Nơm Cát Hải, cửa biển huyện Tiên Lãng, cửa sông Văn Úc huyện Kiến Thụy vào những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2017.

Đúng như người dân phản ánh, tại đây chúng tôi mục kích hàng chục con tàu hút cát cỡ lớn ước từ 800 đến 1500 khối, mỗi con tàu trang bị hàng chục vòi rồng cỡ lớn, hoạt động náo nhiệt như một “đại công trường”.

Những con tàu khai thác cát tại hiện trường.

Có những tàu còn vào sâu giữa bãi nuôi ngao của người dân, ngang nhiên thọc vòi xuống hút cả cát và ngao đang độ lớn sắp được thu hoạch phun lên trắng cả mặt cát trên tàu. Mặc cho những người dân la ó, xua đuổi, song những người trên các con tàu này vẫn phớt lờ, có những chủ tàu còn có thái độ thách thức người dân, khi nói rằng “đây là mỏ cát được thành phố cấp cho Công ty của họ…”.

Theo quan sát và ghi hình tại hiện trường các con tàu này mang các biển đăng ký: Sao Đỏ 08, Sao Đỏ 15, Sao Đỏ 25, Sao Đỏ 06… Và các biển đăng ký HP, QN, BG… Khi phát hiện chúng tôi quay phim, chụp ảnh, nhiều chiếc thu vòi rất nhanh, bỏ chạy ra phía ngoài biển. Nhiều lần vào ban đêm chúng tôi chứng kiến các con tàu này tắt hết đèn để hoạt động, chỉ còn tiếng máy nổ lẫn tiếng sóng biển...

Phóng viên gặp ông Nguyễn Văn Trường, hộ khẩu thường trú tại thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, đại diện cho các xã viên HTX Nam Hải huyện Kiến Thụy và trên 50 hộ khai thác, nuôi trồng thủy sản tại khu vực này, ông bức xúc cho biết: “Các xã viên HTX Nam Hải và các hộ dân đã ra khu vực trên khai hoang, khẩn hoá, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản từ năm 2012 theo chủ trương xoá đói, giảm nghèo của chính phủ. Tổng diện tích khoảng trên 3000 ha. Xã viên HTX và bà con đã thả xuống đây trên 20.000 tấn ngao giống trị giá trên 500 tỷ đồng, hiện sắp đến thời kỳ khai thác.

Tuy nhiên, từ khoảng tháng 11-2016 cho đến nay, liên tục có hàng chục con tàu ngang nhiên đến khu vực này hút cát, ban đầu còn cách khu vực bãi khoảng 1 km, sau đó lấn sâu vào trong khu vực bà con đang nuôi ngao làm đổ cọc, bẻ cờ, hư hại các chòi canh.

Nhất là thời gian từ giữa tháng 3-2017 đến nay, bất kể ngày đêm liên tục có trên 30 chiếc tàu ra vào khu vực này khai thác bất chấp sự phản ứng của người dân. Trước tình hình đó, chúng tôi đã cử đại diện đến các cơ quan chức năng của UBND thành phố và được biết UBND thành phố chưa cấp phép khai thác cát cho đơn vị nào tại khu vực này.

Vì tuân thủ luật pháp, không gây mất  ANTT, mong muốn bảo vệ tài sản chính đáng của mình, chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ đại diện của Công ty Sao Đỏ để trao đổi, yêu cầu không cho tàu vào khu vực nuôi trồng thủy sản của bà con để hút cát (vì các tàu đến hút cát tại đây chủ tàu đều nói của Công ty Sao Đỏ điều đến và nhiều tàu cũng treo biển Sao Đỏ).

Chúng tôi cũng đã nhiều lần báo với Bộ đội Biên phòng đồn 42 có biện pháp can thiệp, giúp đỡ. . . Tuy nhiên cho đến nay tình trạng trên vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên HTX Nam Hải, nuôi trồng ngao tại bãi cửa sông Văn Úc cũng lo lắng chia sẻ với phóng viên: “Các tàu hút này không chỉ lấy mất ngao giống của chúng tôi mà còn để lại những vực sâu tới hàng chục mét kéo dài 3-4km, khi sóng đánh vào sẽ làm sạt lở bãi, lôi hết ngao xuống, hơn nữa dầu mỡ do các tàu này thải ra còn làm ô nhiễm bãi và nước biển, không con thủy hải sản nào sống được, làm mất ngư trường khai thác của ngư dân tại khu vực mà trước đây có nhiều tôm cá. Gia đình tôi và nhiều hộ nuôi ngao phía ngoài bị mất tới 1/3 diện tích rồi, nguy cơ phải bán nhà trả nợ mất, tôi và bà con mong mỏi từng ngày các cơ quan chức năng và thành phố có biện pháp xử lý nạn “cát tặc” này, bảo vệ quyền lợi cho những người dân lao động đang hàng ngày bán mặt cho biển, bán lưng cho trời chúng tôi…”.

Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố.

Ông Ka khẳng định: “Các cơ quan chức năng chưa cấp giấy phép khai thác cát cho cơ quan, doanh nghiệp nào tại khu vực này, sở cũng nhận được phản ánh của người dân về tình trạng các tàu khai thác cát trái phép làm ảnh hưởng đến tài sản của bà con nuôi trồng, khai thác thủy sản, chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp với người dân, lắng nghe ý kiến phản ánh, thành lập các tổ công tác để thanh, kiểm tra, nhưng do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện nên gặp nhiều khó khăn... tuy nhiên, chúng tôi đã báo cáo thành phố, kiên quyết xử lý vấn đề này để chống thất thoát tài nguyên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân”...

Trao đổi với Đại tá Trần Công Chương, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hải Phòng, chúng tôi được biết: “Lãnh đạo đơn vị đã nắm được vấn đề này, hiện đã triển khai Công tác xác minh, làm rõ, nếu có sai phạm về khai thác tài nguyên trái phép như trên sẽ báo cáo Giám đốc CATP có biện pháp bắt giữ xử lý nghiêm, dù là tổ chức hay cá nhân nào..”.

Chúng tôi cũng trao đổi với ông Trần Văn Thắng Tổng Giám đốc Công ty Sao Đỏ (địa chỉ tại km 1+ 400 đường Phạm Văn Đồng, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) về vấn đề này: “Công ty của ông có được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác mỏ cát tại các khu vực cửa sông Văn Úc và cửa biển Tiên Lãng hay không ?; tại sao tàu mang tên Công ty Sao Đỏ hàng ngày khai thác tại đó?”.

Ông Thắng khẳng định:  “Công ty Sao Đỏ chúng tôi chưa được cấp phép khai thác cát tại khu vực này, còn các Công ty thành viên thì có thể có, còn việc tàu mang tên Sao Đỏ đến khai thác cát tại đó thì tôi không được biết …”.

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ UBND thành phố, các cơ quan chức năng có thẩm quyền và chính quyền các địa phương cần có những giải pháp vào cuộc quyết liệt kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm của các tổ chức hoặc cá nhân vi phạm hoặc các động thái “bảo kê” cho hành vi khai thác khoáng sản trái phép làm thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển tại các khu vực nêu trên và các khu vực khác trên địa bàn thành phố. Đặc biệt đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ việc mất ANTT do “cát tặc” gây ra.

Văn Thịnh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文