Câu chuyện huyền bí bên miếu thờ cá Ông

09:43 17/12/2010
Ngư dân Việt nói chung, người đi biển miền Trung quanh năm phải đối mặt với bão dữ cuồng phong của biển cả nói riêng thường tâm niệm, khi đơn độc giữa sự sống và cái chết mà được cá Ông cứu là một duyên may tái sinh. Và duyên may ấy không phải là người đi biển nào cũng được có 1 lần trong đời. Nhưng, chuyện một ngư dân ở miền Trung đã từng 2 lần được cá Ông cứu mạng thì quả là xưa nay hiếm…

Câu chuyện hy hữu ngư dân từng 2 lần được cá ông cứu mạng quá kỳ lạ và cuốn hút nên dẫu con đường về tới thôn Long Thạnh có gồ ghề, xa trên 150km nhưng cũng không cản nổi bước chân tò mò của chúng tôi. Và có lẽ, việc ông Châu được cá Ông cứu mạng nhiều lần trên biển và hiện đang thờ cúng bộ xương cá Ông đặc biệt này đã làm cho ông nổi tiếng, ai ai cũng biết. Nên ngay từ cách xa nhà ông Châu mấy cây số, chỉ sau một lần dừng xe hỏi nhà, chúng tôi đã được người dân chỉ vẻ sốt sắng, tận tình đường về nhà "kình ngư" Đặng Châu.

Nhà của "kình ngư" Đặng Châu ở thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Với cái chất giọng Quảng vẫn còn sang sảng sau 60 năm làm nghề như át lấy tiếng gào thét của sóng biển, ông bảo, nghề đi biển là cái nghiệp của tui rồi…! Năm nay đã 80 tuổi, nhưng ông Châu vẫn chắc khoẻ như trung niên.

Đình làng nơi thờ 7 cá Ông của thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến (Núi Thành).

Vừa pha trà mời khách, ông vừa kể: Vào một ngày cuối năm 1960. Thuyền tui câu được con nhám (cá mập) trên 2 tạ. Vào hôm đó, biển lặng trời trong xanh, thuyền dừng lại ở khu vực biển Kỳ Hà (Núi Thành) để câu, các bạn rải câu khoảng hơn một tiếng sau bỗng có một con nhám cắn câu, con nhám khỏe lắm, 5 người trên thuyền đánh vật, quần thảo với nó hơn hai tiếng đồng hồ mới đưa được nó lên thuyền. Khi bỏ cá xuống dưới khoang, thì bất ngờ nó quẫy một cái mạnh và ói ra một bộ xương còn nguyên vẹn. Ai cũng hãi hùng, tưởng con cá này mới ăn... thịt người.

Bạn thuyền đều bảo vứt nó xuống biển vì đó là điều gở. Nhưng với kinh nghiệm của một người đi biển, ông Châu từ tốn, mày mò nghiên cứu và ông phát hiện đó chính là bộ xương cá Ông. Nghiêng mình kính cẩn vái lạy trước bộ xương cá Ông (cá voi), thế rồi ông Châu gói ghém cẩn thận và quyết định mang vào bờ thờ cúng.  Bạn thuyền với ông Châu lúc đó ai cũng ngạc nhiên vì sao ông lại biết đó là xương cá Ông!? Riêng ông Châu lại giải thích: "Cá Ông khác với các loại cá khác đặc biệt ở chỗ là có cái đuôi như đuôi con tôm, vì cá Ông còn nhỏ nên mới bị con nhám nó nuốt"…

Ông Châu mở hộp gỗ thờ cúng xương cá Ông.

Tin ông Châu đưa bộ xương của "Ông" về không hiểu sao lan nhanh khắp xóm trên ngõ dưới. Bạn thuyền và các "chức sắc" trong làng cũng đã cùng ông mua đồ lễ về cúng cẩn thận như nghi thức của các ngư phủ. Sau đó ông Châu xin đem bộ xương cá Ông về nhà làm lễ riêng để thờ cúng và bảo quản cẩn thận cho đến bây giờ.

Theo như lời ông Đặng Châu thì: “Từ khi thờ cá Ông, thuyền tôi làm ăn khấm khá hẳn lên, đời sống gia đình từ đó cũng ổn định. Đó là nhờ sự che chở của cá Ông, cũng nhờ đó mà tôi đã thoát nạn hai lần". Ánh mắt ông Châu nhìn xa xăm, đứng dậy, trịnh trọng đến bên bàn thờ "Ông" thắp 3 nén nhang trước khi kể cho tôi nghe chuyện 2 lần được cá Ông cứu nạn.

Trong làn khói nhang, ông kể: Lần thứ nhất tôi được cá Ông cứu cách đây khoảng 20 năm. Khi đó ghe của tôi đánh cá ở bờ biển Chu Lai (Núi Thành). Trời hôm đó tối mịt mù. Các thuyền câu bạn chưa ai câu được gì. Ông cho bạn thả neo ở độ sâu khoảng 27 sải tay, đêm về khuya trời đột nhiên trở gió chướng, con thuyền tròng trành trên mặt biển. Lúc đó có 5 người trên thuyền, tất cả đều thay phiên nhau giữ và lái thuyền vào bờ, còn ông Châu đứng trước mũi thuyền thắp hương và lạy cá Ông. Bỗng nhiên lúc đó có hai con cá Ông lớn, chúng lặng lẽ tựa hai bên mạn thuyền dìu thuyền ông vào bờ để tránh gió. Lúc thuyền đã vào bờ an toàn, trời cũng hửng sáng…

Duyên may tái sinh của ông lần thứ 2 cách lần thứ nhất khoảng 5 năm, cũng vào một đêm trời tối như mực. Khi thuyền của ông Châu đánh cá đến 10 giờ đêm thì đầy khoang nên quyết định quay vào bờ sớm hơn thường lệ để tranh thủ nghỉ ngơi cho chiều mai đi chuyến kế tiếp. Con thuyền đang nhằm bờ thẳng tiến thì bất ngờ xuất hiện gió tây bắc thổi ngược lại, thuyền có nguy cơ bị lật úp do chở quá nhiều cá. Bỗng nhiên lại xuất hiện một cá Ông to lớn bơi dũng mãnh trước mũi thuyền để che chắn hướng gió cho thuyền vào bờ an toàn. Lúc đó trên thuyền ai cũng ngạc nhiên, không tin nổi vào mắt của mình. Tất cả thầm cảm ơn "Ông".

Từ hai câu chuyện thuyền ông Châu được cá Ông cứu giúp, người dân Tam Tiến ai cũng vui mừng. Hiện xã Tam Tiến đã chôn cất tất cả 7 con cá Ông và xây riêng một đình thờ cá Ông ngay đầu thôn. Ông Châu còn "bật mí", hằng năm sau khi lễ giỗ cá Ông chung tại đình làng chài của thôn Long Thạnh vào ngày 10/9 âm lịch, thì ngày hôm sau 11/9 âm lịch, ông Châu lại tổ chức thêm một lễ cúng bộ xương cá Ông tại nhà…

Chia tay chúng tôi, ông Châu còn bảo, tui tuổi đã cao có thể không còn đi biển được nữa. Nhưng tui tin rằng, thế hệ con cháu đi biển sau này của làng Long Thạnh nếu nhỡ may gặp nạn trên biển thì cũng sẽ được "Ông" cứu giúp. Bởi giữa cá Ông và những người đi biển thường có một mối tri ân không thể nói nên lời mà chưa ai giải thích được…

Câu chuyện ông Châu và đội thuyền đi biển được cá Ông cứu nạn đến bây giờ không ai giải thích được. Nhưng theo một số ý kiến của các nhà khoa học thì hành động của loài cá voi hay cứu tàu thuyền lúc biển động là hành động bản năng. Bản năng ở chỗ khi biển động,  cá voi cũng như các loài sinh vật biển đều muốn tìm kiếm một chỗ ẩn nấp, hay 1 điểm tựa trước những trận cuồng phong của biển. Những câu chuyện "người đi biển được cá voi cứu" hay gặp "cá voi nâng tàu thuyền khi gặp nạn" không chỉ xuất hiện ở Việt Nam.

Nhưng theo phong tục tập quán, cũng có thể hiểu đó là tâm lý chung của người đi biển trước sự sống và cái chết giữa biển cả mênh mông, việc cá voi tựa lưng thuyền, hoặc dìu thuyền vào gần bờ của ngư dân Việt đã trở thành "tâm linh" và còn là một điều diệu kỳ của cuộc sống…

Hoài Thu

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文