Chặn cát tặc núp bóng dự án nạo vét luồng lạch trên sông Đồng Nai
Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để xử lý, thế nhưng tình trạng khai thác cát trái phép cũng như việc lợi dụng các dự án nạo vét, duy tu luồng trên sông để hút cát vẫn diễn ra ngày càng phức tạp hơn.
Theo nhiều hộ dân sống ven sông Đồng Nai thuộc địa phận các xã Hiệp Hòa, Hóa An và các phường Tân Vạn, Bửu Long ở TP Biên Hòa, tình trạng hút cát trái phép những năm qua đã khiến nhiều khu vực ven sông sạt lở nghiêm trọng. Khai thác cát diễn ra không chỉ ban đêm, mà cả ban ngày.
Việc này đã khiến đất ven bờ sông sạt lở vào bờ từ 15 - 20m so với 5 năm trước. Bà Nguyễn Thị Bảy, sống gần sông Đồng Nai, đoạn xã Hiệp Hòa cho biết, riêng vườn nhà bà đã bị sạt lở khoảng 30m so với trước. Để chống cát tặc, nhiều năm qua, TP Biên Hòa đã thành lập hẳn một đội liên ngành phản ứng nhanh gồm Công an và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), được trang bị ca nô và công cụ hỗ trợ để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ việc hút cát trái phép. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, đội liên ngành phản ứng nhanh này đã kiểm tra, bắt quả tang trên 20 vụ bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, tịch thu 25 phương tiện, xử phạt với số tiền hơn 150 triệu đồng.
Khai thác cát đông như họp chợ trên sông Đồng Nai. |
Song nếu so với thực tế diễn ra, con số trên xem ra còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân chính là khi bị các lực lượng chức năng truy đuổi thì các đối tượng này thường có hành vi chống trả quyết liệt, chỉ đến khi lực lượng chức năng nổ súng cảnh cáo thì chúng mới rú ghe, thuyền bỏ chạy, thậm chí rút lù nhấn chìm ghe thuyền rồi nhảy xuống sông tẩu thoát.
Thời gian gần đây, tình trạng lợi dụng các dự án nạo vét, duy tu luồng lạch trên sông được cấp phép để hút cát đem bán cũng diễn ra rất phức tạp trên sông Đồng Nai. Theo Sở TN&MT Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 dự án được Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương thực hiện nạo vét, duy tu và nâng cấp tuyến luồng sông theo hình thức tận thu sản phẩm để “lấy thu bù chi”.
Dù việc nạo vét, thông luồng để đảm bảo hàng hải là cần thiết, nhưng hiện đang có tình trạng các doanh nghiệp chỉ nạo vét lấy cát đem bán, còn bùn đất thả lại xuống lòng sông. Trong khi đó, việc giám sát thực hiện đối với các dự án nạo vét trong thời gian qua chủ yếu theo định kỳ nên còn bộc lộ nhiều kẽ hở.
Ông Nguyễn Cảnh Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, trong đăng ký thực hiện nạo vét, duy tu luồng lạch chỉ được sử dụng xáng cạp để nạo vét. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số tàu không đăng ký nhưng lại sử dụng vòi hút, hút cát xa khu vực đăng ký được cấp phép nên rất khó kiểm soát.
Ngoài ra, theo ông Tiến, việc Bộ GTVT cấp phép cho một số dự án nạo vét, duy tu luồng lạch được hoạt động cả ngày lẫn đêm khiến cho việc quản lý càng trở nên khó khăn hơn. Việc Bộ GTVT cấp phép để dự án được hoạt động 24/24 giờ sẽ không thể nào quản lý nổi.
Trước tình hình phức tạp này, tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT siết chặt việc cấp phép, quản lý giám sát hoạt động các dự án nạo vét, tận thu cát. Cuối năm ngoái, Bộ GTVT cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai để chấn chỉnh hoạt động của các dự án nạo vét do Cục Đường thủy nội địa cấp phép trên khu vực hạ lưu sông Đồng Nai.
Mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng đã ký văn bản hỏa tốc gửi UBDN tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện quy chế phối hợp để quản lý giám sát hoạt động các dự án xã hội hóa nạo vét. Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trái phép và lợi dụng các dự án để nạo vét cát, tỉnh Đồng Nai đã giao Công an tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.
Công tác tuần tra phải phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển cát không phép, đặc biệt là đối với hoạt động khai thác cát lậu trên sông vào ban đêm và ở các điểm nóng gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Kiểm tra, phát hiện làm rõ và xử lý các trường hợp “bảo kê” tiếp tay cho vi phạm.
Sở GTVT Đồng Nai tăng cường việc kiểm tra, xử lý, kiên quyết giải tỏa các bến bãi tập kết, kinh doanh cát không phép trên địa bàn. Dù Đồng Nai đã có những động thái quyết liệt như vậy, nhưng người dân ven sông vẫn hoài nghi liệu vấn nạn bòn rút tài nguyên tràn lan dưới lòng sông Đồng Nai có sớm được chặn đứng?