Chặn cát tặc núp bóng dự án nạo vét luồng lạch trên sông Đồng Nai

09:41 22/03/2017
Việc khai thác cát trái phép và lợi dụng dự án nạo vét để hút cát khiến hàng trăm hộ dân sống dọc sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai những năm qua luôn nơm nớp lo sợ nhà cửa, ruộng vườn “trôi sông”. 


Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để xử lý, thế nhưng tình trạng khai thác cát trái phép cũng như việc lợi dụng các dự án nạo vét, duy tu luồng trên sông để hút cát vẫn diễn ra ngày càng phức tạp hơn. 

Theo nhiều hộ dân sống ven sông Đồng Nai thuộc địa phận các xã Hiệp Hòa, Hóa An và các phường Tân Vạn, Bửu Long ở TP Biên Hòa, tình trạng hút cát trái phép những năm qua đã khiến nhiều khu vực ven sông sạt lở nghiêm trọng. Khai thác cát diễn ra không chỉ ban đêm, mà cả ban ngày. 

Việc này đã khiến đất ven bờ sông sạt lở vào bờ từ 15 - 20m so với 5 năm trước. Bà Nguyễn Thị Bảy, sống gần sông Đồng Nai, đoạn xã Hiệp Hòa cho biết, riêng vườn nhà bà đã bị sạt lở khoảng 30m so với trước. Để chống cát tặc, nhiều năm qua, TP Biên Hòa đã thành lập hẳn một đội liên ngành phản ứng nhanh gồm Công an và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), được trang bị ca nô và công cụ hỗ trợ để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ việc hút cát trái phép. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, đội liên ngành phản ứng nhanh này đã kiểm tra, bắt quả tang trên 20 vụ bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, tịch thu 25 phương tiện, xử phạt với số tiền hơn 150 triệu đồng. 

Khai thác cát đông như họp chợ trên sông Đồng Nai.

Song nếu so với thực tế diễn ra, con số trên xem ra còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân chính là khi bị các lực lượng chức năng truy đuổi thì các đối tượng này thường có hành vi chống trả quyết liệt, chỉ đến khi lực lượng chức năng nổ súng cảnh cáo thì chúng mới rú ghe, thuyền bỏ chạy, thậm chí rút lù nhấn chìm ghe thuyền rồi nhảy xuống sông tẩu thoát.

Thời gian gần đây, tình trạng lợi dụng các dự án nạo vét, duy tu luồng lạch trên sông được cấp phép để hút cát đem bán cũng diễn ra rất phức tạp trên sông Đồng Nai. Theo Sở TN&MT Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 dự án được Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương thực hiện nạo vét, duy tu và nâng cấp tuyến luồng sông theo hình thức tận thu sản phẩm để “lấy thu bù chi”. 

Dù việc nạo vét, thông luồng để đảm bảo hàng hải là cần thiết, nhưng hiện đang có tình trạng các doanh nghiệp chỉ nạo vét lấy cát đem bán, còn bùn đất thả lại xuống lòng sông. Trong khi đó, việc giám sát thực hiện đối với các dự án nạo vét trong thời gian qua chủ yếu theo định kỳ nên còn bộc lộ nhiều kẽ hở. 

Ông Nguyễn Cảnh Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, trong đăng ký thực hiện nạo vét, duy tu luồng lạch chỉ được sử dụng xáng cạp để nạo vét. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số tàu không đăng ký nhưng lại sử dụng vòi hút, hút cát xa khu vực đăng ký được cấp phép nên rất khó kiểm soát.

Ngoài ra, theo ông Tiến, việc Bộ GTVT cấp phép cho một số dự án nạo vét, duy tu luồng lạch được hoạt động cả ngày lẫn đêm khiến cho việc quản lý càng trở nên khó khăn hơn. Việc Bộ GTVT cấp phép để dự án được hoạt động 24/24 giờ sẽ không thể nào quản lý nổi.

Trước tình hình phức tạp này, tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT siết chặt việc cấp phép, quản lý giám sát hoạt động các dự án nạo vét, tận thu cát. Cuối năm ngoái, Bộ GTVT cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai để chấn chỉnh hoạt động của các dự án nạo vét do Cục Đường thủy nội địa cấp phép trên khu vực hạ lưu sông Đồng Nai. 

Mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng đã ký văn bản hỏa tốc gửi UBDN tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện quy chế phối hợp để quản lý giám sát hoạt động các dự án xã hội hóa nạo vét. Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trái phép và lợi dụng các dự án để nạo vét cát, tỉnh Đồng Nai đã giao Công an tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. 

Công tác tuần tra phải phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển cát không phép, đặc biệt là đối với hoạt động khai thác cát lậu trên sông vào ban đêm và ở các điểm nóng gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Kiểm tra, phát hiện làm rõ và xử lý các trường hợp “bảo kê” tiếp tay cho vi phạm. 

Sở GTVT Đồng Nai tăng cường việc kiểm tra, xử lý, kiên quyết giải tỏa các bến bãi tập kết, kinh doanh cát không phép trên địa bàn. Dù Đồng Nai đã có những động thái quyết liệt như vậy, nhưng người dân ven sông vẫn hoài nghi liệu vấn nạn bòn rút tài nguyên tràn lan dưới lòng sông Đồng Nai có sớm được chặn đứng?

Bảo Sơn

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文