“Chảy máu” tài nguyên khoáng sản tại Quảng Nam
- Thông tin mới nhất về những “lùm xùm” của Besra Việt Nam
- Chính phủ thông báo quản lý thuế đối với 2 công ty của Tập đoàn Besra Việt Nam
- Sập hầm khai thác vàng trái phép, 2 thanh niên tử vong
- Đà Nẵng: Được lợi gì khi cho khai thác vàng Khe Đương?
Thực hiện kế hoạch của Công an tỉnh Quảng Nam về việc truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép, cuối tháng 5-2016, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức truy quét các đối tượng đào đãi vàng trái phép tại bãi vàng Thạnh Mỹ 1, thôn 49A, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang.
Sau đợt ra quân truy quét của Công an tỉnh Quảng Nam, đầu tháng 6-2016, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Nam Giang gồm 42 thành viên cũng đã tiến hành truy quét tại các bãi vàng trên địa bàn xã Đắc Pring. Tại các điểm khai thác vàng trái phép này, lực lượng chức năng đã phá hủy 22 máy nổ, đốt hơn 30 lán trại; vận động và đẩy đuổi hàng trăm lượt phu vàng ra khỏi rừng.
Hàng trăm đối tượng khai thác vàng trái phép tại Nam Giang bị tập trung, chờ đẩy đuổi ra khỏi rừng. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử CAND, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết chính quyền tỉnh rất kiên quyết trong việc xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác vàng.
Để tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ra Thông báo số 291/TB-UBND truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu.
Theo đó, thông báo này cũng thừa nhận trong thời gian qua, một số địa phương vẫn còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý địa bàn, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho “khoáng tặc” hoạt động. Bên cạnh đó, việc kiểm soát khoáng sản thực tế khai thác của các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản chưa được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ…
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng từ nay đến cuối năm 2016 hạn chế việc cấp phép mới khai thác khoáng sản và không tiếp nhận hồ sơ khi chưa có kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đối với các trường hợp gia hạn chỉ được xem xét giải quyết khi đơn vị đã chấp hành đúng trách nhiệm, nghĩa vụ theo giấy phép đã được cấp, nhất là các khoản thuế, phí, công tác bảo vệ môi trường.
Một điểm khai thác vàng tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam. |
Riêng về tình hình của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu công ty này dừng hoạt động do giấy phép đã hết hạn.
Đối với Công ty TNHH vàng Phước Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Cục thuế tỉnh, UBND huyện Phước Sơn rà soát tất cả các cam kết, phương án thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và điều kiện theo quy định của pháp luật, nhất là phải có cam kết về tài chính được ngân hàng bảo lãnh, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính để báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định. Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu thì đề xuất quyết định thu hồi.
Trước mắt, Sở TN&MT khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý, hoạt động hiện nay của Công ty TNHH vàng Phước Sơn để đề xuất các giải pháp cụ thể.
Liên quan đến hoạt động của 2 công ty này, theo thông tin chúng tôi có được, cuối tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã có công văn yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Nam lập đoàn kiểm tra về hoạt động của 2 đơn vị này.
Việc khai thác khoáng sản dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát tốt. |